Đầu về Trời – niềm hy vọng cho thân xác
“Đã đến giờ Chúa Giêsu rời bỏ thế gian mà về cùng Đức Chúa Cha“. Lời này được lặp đi lặp lại mỗi đoạn Tin Mừng trước lễ Chúa về Trời. Theo sự quan phòng trong kế hoạch đời đời của Thiên Chúa, Chúa Giêsu từ giã Đức Maria Mẹ Người và các mộn đệ. “Người căn dặn các Tông đồ xong… “. Và sau đó ” Người lên Trời ” (x. Cvtđ 1, 1- 11). Toàn bộ ý nghĩa Chúa về Trời được các bài đọc Thánh Kinh diễn tả và nội dung gồm tóm trong những lời trên.
Đầu về Trời
Chúa Giêsu, vị Thủ Lãnh của chúng ta đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, sống lại, vinh hiển về Trời, đó là niềm hy vọng của chúng ta.
Theo lời thánh Lêo Cả, Chúa Giêsu Kitô, Vị Thủ Lãnh của chúng ta vinh hiển bước vào thiên đàng ngự bên hữu Đức Chúa và ở trên đó, “vinh quang của Đầu” đã trở thành “niềm hy vọng cho thân xác” (x. LEO CẢ, Bài giảng lễ Chúa lên Trời). “Người là Đầu và là Trưởng Tử giữa đàn em đông đúc” (Rm 8, 29). Vì bản tính của chúng ta là ở trong Thiên Chúa và ở trong Đức Giêsu Kitô. Nên vì loài người chúng ta (thân xác), Chúa Giêsu là (Đầu) hằng sống đến muôn thủa muôn đời hằng cầu thay nguyện giúp cho chúng ta trước mặt Chúa Cha (x. Dt 7, 25). Từ trên cao vinh hiển, Người gửi cho Giáo hội một sứ điệp hy vọng và mời gọi hướng đến sự thánh thiện trên Trời nơi Người đang ngự bên hữu Thiên Chúa.
Niềm hy vọng cho thân xác
Lễ Chúa Giêsu lên Trời là lễ của niềm hy vọng, vì lễ này báo trước cảnh ngọt ngào của Thiên Đàng. Chúa Giêsu là Đầu, chúng ta là chi thể, Người đi trước để chúng ta được tiếp bước theo sau vào Thiên Đàng. Vẫn theo lời Thánh Leo Cả : “Trong Đức Kitô chịu đóng đinh mà chúng ta chết cho tội, và trong Đức Kitô phục sinh chúng ta sống lại với Người trong đời sống mới đầy ân sủng, chúng ta cũng đạt tới Trời nhờ sự lên Trời của Người. Việc tham dự vào mầu nhiệm của Đức Kitô với tư cách là thành viên của Người, hoàn toàn phụ thuộc vào Người và gắn bó mật thiết với vận mệnh của Người” (x. LEO CẢ, Bài giảng lễ Chúa lên Trời).
“Thầy đi dọn chỗ cho anh em…Thầy sẽ trở lại, và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,3). Người sẽ trở lại đón chúng ta đi với Người. Đó cũng là niềm hy vọng của chúng ta (thân xác) chi thể của Người. Chứng kiến cảnh Chúa Giêsu lên Trời, các môn đệ lòng ngập niềm vui (x. Lc 24, 50-53) mang đến cho chúng một sứ điệp lữ hành trong hy vọng.
Hình ảnh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta dưới dạng “Con Chiên đứng (thẳng) như đã bị tế sát” (Kh 5,5) thực sự trở nên niềm hy vọng tuyệt đối cho chúng ta. Dầu “bị tế sát”, nhưng vẫn “đứng thẳng”. Nên dầu gian khổ, hay gặp bao thử thách, bị giằng co, xâu xé và thậm chí bị bách hại, con cái Chúa vẫn cảm thấy ứa trào sức sống và niềm vui của Đấng Phục Sinh để thốt lên trong hy vọng: “Marana Tha! Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến” (Kh 22,20).
Hành hương trong hy vọng
Chúa Giêsu Kiô niềm hy vọng của chúng ta”: thực vậy, Người là đích điểm cuộc hành hương của chúng ta, và chính Người là đường để chúng ta bước đi.
Nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đã được tháp nhập vào sự sống của Chúa Kitô, nghĩa là chúng ta hy vọng phục sinh và được chia sẻ vinh quang của Người. Chúng ta cũng sẽ theo Người đến cùng Chúa Cha khi kết thúc cuộc sống trần gian này. Lễ Chúa lên Trời là sự kiện phản ánh rõ nhất về niềm hy vọng của chúng ta, người hành hương hy vọng đang tiến về nhà Cha.
Là những người sống niềm tin và hy vọng vào Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi không ngừng tin vào Chúa Kitô và sống khác với những người chưa biết đến Chúa Kitô. Chúa Giêsu Kitô ở cùng chúng ta và Người đang dẫn chúng ta đến cuộc sống đời đời. Người chỉ cho chúng ta đường lên Trời của Người, đường Giêsu. Chúng ta phải tránh những cám dỗ, sợ hãi, hoảng loạn và thất vọng. Thánh Phaolô nói: “Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng”(1 Tx 4,13). Ở đây chúng ta cũng thấy một dấu hiệu riêng biệt của các Kitô hữu là họ có tương lai. Đức cố Giáo hoàng Bênêdictô XVI viết: “Không phải là họ biết chi tiết về những gì đang chờ đợi họ, nhưng họ biết một cách chung chung rằng cuộc sống của họ sẽ KHÔNG KẾT THÚC trong sự trống rỗng. Chỉ khi tương lai chắc chắn là một thực tế tích cực thì mới có thể sống tốt trong hiện tại” (x. BENEDICTO XVI, Spe Salvi, số 2).
Chính khi tin vào Chúa Kitô mà chúng ta sống an bình và hy vọng trong mọi hoàn cảnh, vì sự chết không có tiếng nói cuối cùng. Ngay cả khi cái chết đến với chúng ta, chúng ta vẫn thanh thản trong niềm hy vọng cuối cùng là được lên Trời sống đời đời với Chúa. Đó là ý nghĩa của cuộc sống người tín hữu chúng ta.
Xin Chúa khơi dậy nơi chúng ta lòng ái mộ những sự trên Trời. Trên hết, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa, Đấng, qua Mẹ Giáo Hội, đã sinh chúng ta vào sự sống đời đời, sự sống của Chúa Giê-su, niềm hy vọng của chúng ta. Cậy trông vào Mẹ Maria, Nữ Vương linh hồn và xác lên Trời, phù hộ cho chúng ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên Nước Thiên Đàng.
Để được về Trời với Chúa, chúng ta hãy gia tăng lòng mộ mến những sự trên trời và tích cực làm việc vì Nước Trời, như thế chúng ta hy vọng sẽ được về Trời với Chúa. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ