Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CHÚA GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ, NĂM C, CỦA LM TRẦN MINH ĐỨC BẢY      

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CHÚA GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ, NĂM C, CỦA LM TRẦN MINH ĐỨC BẢY      

             

(Bế Mạc Năm Thánh ‘Lòng Thương Xót’ của Thiên Chúa)

  1. cgsvuaBài Đọc

            “Khi Chúa Giêsu bị đóng đinh trên Núi Sọ (1), dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: ‘Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Cứu Thế của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!’. Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: ‘Nếu ông là Vua dân Do Thái, thì cứu lấy mình đi!’. Phía trên đầu Người, có bản án viết: ‘Đây là Vua người Do Thái’ (2).

            “Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: ‘Ông không phải là Đấng Cứu Thế sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!’. Nhưng tên kia mắng nó: ‘Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!’. Rồi anh ta thưa với Chúa Giêsu: ‘Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!’. Và Người nói với anh ta rằng: ‘Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng”.

  1. Chú Thích

            (1) Trên Núi Sọ: Thêm vào cho rõ nghĩa.

            (2) Đây là Vua người Do Thái: Nhiều bản thêm, bằng tiếng Do Thái, La Tinh, Hy Lạp: (I.N.R.I) ‘Giêsu Nagiarét, Vua Dân Do Thái’.

  1. Suy Niệm

            (1) Theo tường thuật, mấy người lính kia đã sai lầm. Họ tưởng vua là người có thể tự cứu lấy mình. Họ quên chính họ là người có khi cứu được vua. Họ không biết bao nhiêu ông vua trong lịch sử nước này hay nước khác, cũng đã bị tai nạn khốn khổ, đã chết một cách nhục nhã. Nhiều khi vua phải nhờ người khác cứu mình, chứ đâu phải vua có quyền phép gì để tự cứu được mình. Mấy người lính kia đã tưởng như nhiều người, hễ ai có chút quyền thế hay địa vị là làm được những việc khác thường. Họ không biết chính những người đó phải lo giúp đỡ người khác, nhất là người trong đoàn thể, mình có trách nhiệm lo hạnh phúc cho người ta hơn lo cho riêng mình. Họ không biết đã là vua thì phải hy sinh để cứu dân cứu nước. Tính ngu dốt của họ làm cho những người hữu ý phải đau lòng. Vì nghĩ đến bao nhiêu thảm họa đau khổ trên mặt đất này, chỉ vì quan niệm sai lầm về người cầm quyền đứng đầu. Hoặc người dưới chỉ biết dua nịnh hay là nhắm mắt vâng lời bất kỳ có hợp lý xứng đáng hay không. Hoặc chính người cầm quyền lại chỉ dùng quyền theo tính độc đoán kiêu căng của mình, chỉ tìm lợi riêng cho mình. Như theo quan niệm ‘trung quân ái quốc’ ngày xưa, nhiều bậc anh tài đã hy sinh để cứu ông vua không xứng đáng; có khi lại gây nên đảng vua này hay vua khác, chỉ làm thêm khổ cho dân và cho nước. Lịch sử nhân loại đã có biết mấy ông vua chỉ lo cho mình, bất chấp đau khổ nghèo đói của đồng bào. Còn đau lòng hơn nữa do những người biết Thiên Chúa là ai, khi nghe có những người lính dám nói những lời hỗn hào với Chúa Cứu Thế, Đấng đầy ‘Lòng Thương Xót’.

            (2) Cũng như người tử tội trên kia, anh ta không tin và không hiểu Đấng Cứu Thế là ai, Người phải làm gì cho Người và cho nhân loại. Đã là Đấng Cứu Thế, đâu phải chỉ lo cho mình. Hay là anh ta theo tiếng người Do Thái, chỉ hiểu là Đấng đã được xức dầu. Nhưng cứ theo lời anh ta, cũng có thể biết ít nữa, anh vẫn hiểu Đấng được xức dầu là Thiên Chúa gửi đến, để cứu giúp mình. Hay là anh ta không hiểu hết ý nghĩa, thì cũng phải nhớ mình là người ngu dốt, kém cỏi, trộm cướp, phải lo ăn năn đền tội, hạ mình khiêm nhường; sao lại dám kiêu căng, nói lời phạm thượng! Sao lại dám dùng chữ Thánh Kinh để nhạo báng người vô tội đương bị đau đớn oan ức, thì tội anh càng thêm quái gở. Còn người hiểu biết Đấng Cứu Thế, là cứu nhân loại, càng thêm đau đớn hơn nữa vì lời ngạo mạn của một người trộm cướp. Nhưng càng thấy lượng Thiên Chúa với ‘Lòng Thương  Xót’ nhân từ vô cùng. Thiên Chúa không hề có một lời mắng trách, trước những tiếng xúc phạm đến mình. Cũng là một bài học cho bao nhiêu người, không nên chấp trách và đừng nói lại với những hạng vũ phu, vô giáo dục, đã ngu dốt lại kiêu căng.

            (3) Chỉ nên chuyện trò với những người khiêm tốn, nhận biết lỗi mình. Như Chúa Cứu Thế đã đáp lại với người trộm kia. Anh này đã biết đem lời mắng trách bạn mình. Nhưng anh chỉ biết được một phần, anh công nhận mình có tội bị kết án là việc công bình, còn người không làm gì xấu lại bị oan ức. Anh chưa biết có học thuyết nói rằng: Dù tội gì chăng nữa, cũng không nên kết án tử hình. Vì phải cho người ta có ngày giờ và phương tiện sửa đổi, người gian ác có thể trở nên lương thiện, tội nhân có thể trở thành thánh nhân. Không nên làm cho gia đình, xã hội, quốc gia và nhân loại mất những hạng người đó. Có nhiều cách khác ngăn trở không cho tội nhân tái phạm và người khác đừng bắt chước tọi nhân, lại có thể tránh những bản án kém cỏi, sai lầm. Kẻ trộm kia có lương tri, nhưng cũng chưa biết người bị treo trên thập giá bên mình, không phải chỉ là một người lương thiện. Hay là chính trong lúc đó, anh có điều kiện đón nhận được ơn Thiên Chúa soi sáng, cho biết Người là Thiên Chúa giáng sinh, là Đấng có ‘Lòng Thương Xót’ nên anh nói tiếp xin Người nhớ đến mình. Câu nói của anh chưa rõ anh biết và anh tin thế nào. Nhưng Thiên Chúa không đòi hỏi nhiều. Thiên Chúa sẵn sàng ban ơn cho người biết hối hận, hạ mình khiêm tốn, kêu xin với Thiên Chúa, không những được tha thứ hết tội lỗi, lại còn lên ngay thiên đàng. Nghe lời Chúa Cứu Thế nhiều người càng hiểu biết không nên nghiêm khắc với tội nhân, chỉ cần giúp cho họ biết hối cải; không nên chán nản, bất kỳ tội ít hay nhiều, nặng hay nhẹ, chỉ cần mình hết lòng hối hận; cũng không nên quá lo sợ cho những người từ trần, chỉ cần có ý tưởng và tâm tình thống hối, xin Thiên Chúa tha thứ trước khi nhắm mắt ra đi. Kết thúc Năm Thánh, chúng ta cùng cao rao Chúa Giêsu, Vua Vũ Trụ, Đấng đầy ‘Lòng Thương Xót’, bây giờ và mãi mãi./-

Lm Trần Minh Đức Bảy

 

 

Xem thêm

MARY & ELISABETH

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM MINH ANH

TẶNG TRAO “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Trong “Bước Tới …