Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy Niệm Tin Mừng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, năm C, của Lm Trần Minh Đức Bảy

Suy Niệm Tin Mừng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, năm C, của Lm Trần Minh Đức Bảy

(Lc 3,15-16.21-22)

  1. Bài Đọc

            41201619134984“Hồi đó, dân chúng đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi về ông Gioan Tẩy Giả: Biết đâu ông chẳng là Vị Cứu Tinh! (1). Ông Gioan Tẩy Giả trả lời mọi người rằng: ‘Phần tôi, tôi làm phép Rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không đáng cởi dép cho Người. Người sẽ làm phép Rửa cho anh em với Chúa Thánh Thần và lửa’.

            “Khi dân chúng đến chịu phép Rửa bởi Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu cũng đến chịu phép Rửa; sau đó, đang khi Người cầu nguyện (2), thì trời mở ra, và Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng như chim bồ câu (3). Lại có tiếng từ trời phán rằng: ‘Con là Con Cha; ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”. 

  1. Chú Thích

            (1) Vị Cứu Tinh: Kitô, Nguyên chữ Hy Bá Lai (Hébreux) là Mashiah (Mêsia), có nghĩa đen là Vị được xức dầu, nghĩa bóng là Vị Thiên Chúa chọn, Thiên Chúa hứa, có sứ mạng đem phúc đến cho dân chúng, cứu độ nhân loại. Vì theo tục Do Thái ngày xưa, khi phong vương hay phong đạo sĩ thì có nghi thức xức dầu. Ngày xưa đã dịch chữ Mashiah sang chữ Hy Lạp là Christos, rồi tiếng La Tinh phiên âm Christus, tiếng Việt, Tin Lành đã theo tiếng Pháp và tiếng Anh dịch là Christ, hoặc phiên âm chữ Nho là Cơ Đốc; Công Giáo phiên âm là Kitô. Như thế, Kitô phiên âm một chữ Hy Lạp dịch một từ chung của Do Thái, chỉ một chức vụ, không phải một tên riêng. Hiểu theo nghĩa Vị Cứu Tinh hay Đấng Cứu Thế, tùy theo người tin cứu một dân tộc hay cứu cả nhân loại.

            (2) Người cầu nguyện: Ý nói Chúa Giêsu gặp gỡ, thưa chuyện và chúc tụng Đức Chúa Cha.

            (3) Trời mở ra … hình dáng chim bồ câu: Sự lạ, hình dáng tượng trưng, Chúa Thánh Thần mượn để thêm mạnh cho lời mặc khải về Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, và hình ảnh về Thiên Chúa Ba Ngôi. 

  1. Suy Niệm

            (1) Phép Rửa của Thánh Gioan Tẩy Giả và của Chúa Giêsu rất khác nhau. Thánh Gioan Tẩy Giả chỉ lấy nước làm phép Rửa giúp cho người ta thống hối để cầu ơn tha tội. Còn phép Rửa Tội của Chúa Giêsu cũng lấy nước, nhưng rửa tội trong Chúa Thánh Thần và lửa. Cần phải hiểu, phép Rửa Tội của Chúa Giêsu làm cho người ta hết tội nguyên tổ cùng các tội mình phạm và thêm sáng suốt nhiệt thành. Điều tin chắc vì nguyên tổ loài người đã phạm tội, nên con cháu đều mắc lấy hậu quả, gọi là mắc lấy tội ấy. Chúa Giêsu đã lập phép Rửa Tội để cho người ta được hết tội nguyên tổ. Được rửa tội là được vào đạo Chúa Cứu Thế, trở nên con cái và bạn hữu của Thiên Chúa. Rửa trong Chúa Thánh Thần là nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi sáng để hiểu biết đạo Chúa Cứu Thế dạy ăn ở thế nào. Rửa trong lửa nghĩa là phép Rửa Tội của Chúa Giêsu làm cho người ta thêm hăng hái nhiệt thành vâng giữ luật Thiên Chúa. Ai thấy mình còn thiếu hai điều kiện này, còn kém cỏi thế nào, nên tìm nơi mình còn có những tính xấu gì ngăn trở. Thiên Chúa vẫn ban ơn cho mọi người trong khi họ được rửa tội, nhưng nhiều hay ít, khác nhau tùy theo tâm trạng của mỗi người ít hay nhiều các tính xấu; và khi rửa tội, chính mình hay những người thân yêu liên hệ với mình có chuẩn bị xứng đáng hay không, đó là theo luật tùy nơi đón nhận, như ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. 

            (2) Vì thế, phải biết quý trọng phép Rửa Tội và phải biết chuẩn bị. Ông bà lo chuẩn bị cho con cháu, cha mẹ lo chuẩn bị cho con cái, là tự mình phải giữ gìn cho khỏi mắc tính xấu, cho khỏi tiêm nhiễm chất độc hại đến khí huyết. MỘT là Về tính tình như giận hờn, nói xấu, ganh ghét, ích kỷ, kiêu ngạo, lười biếng, trộm cắp….. đều là những tính xấu nơi mình. HAI là Về cơ thể, khí trời hô hấp, các thức ăn uống kích thích, nào rượu, nào thuốc, đều gây nên những tính xấu nơi mình. Các tính xấu đó truyền lại cho con cháu, khiến cho khi chúng được rửa tội thì có nhiều ngăn trở ơn Chúa Thánh Thần và lửa. Sau ngày bà mẹ có thai, lại càng phải giữ gìn và cầu nguyện chuẩn bị cho con bớt điều ngăn trở, và thêm điều thuận lợi để được rửa tội xứng đáng. Còn người đã trưởng thành, càng phải lo chuẩn bị, để khi rửa tội đón nhận đầy đủ các ơn của Thiên Chúa. MỘT là học cho biết thấu đáo giáo lý, thực lòng tin Thiên Chúa, sẵn sàng tuân giữ luật Thiên Chúa. HAI là sửa mình, trừ bỏ các tính xấu và tập luyện các tính tốt. Nói được là phải quét dọn và trang hoàng nhà cửa linh hồn, để đón rước Thiên Chúa ngự đến, và đem đến các ơn quý hóa của Thiên Chúa muốn ban cho mình. Nói chung là có nhiều điều phải Tin và nhiều điều phải Từ Bỏ.

            (3) Ngày nay, mỗi lần, ở đâu có phép Rửa Tội, cũng có dấu lạ, nhưng không mấy ai nghe thấy. MỘT là vì không đặc biệt như ngày xưa, khi Chúa Giêsu nhận phép Rửa của Thánh Gioan Tẩy Giả. HAI là vì hoàn toàn thiêng liêng, vô hình. BA là vì đức tin của người ta còn yếu đuối. Dấu lạ trong linh hồn người được rửa tội là hết tội nguyên tổ, khởi sự có ơn thánh và các đức tính siêu nhiên. Dấu lạ giữa trời là trời mở ra và có tiếng Thiên Chúa phán, vì chính linh hồn đó trở nên con yêu dấu của Thiên Chúa, có khả năng làm đẹp lòng Thiên Chúa, xứng đáng thuộc về trên trời. Dĩ nhiên không giống Chúa Giêsu hoàn toàn, nhưng chỉ giống một phần nào. Đức tin càng mạnh, càng nghe thấy rõ ràng các dấu lạ như thế. Người có đức tin càng tiếc cho anh chị em của mình chưa được phép Rửa Tội, hay là đã được rửa tội mà không sống hằng ngày cho xứng đáng ơn rửa tội là một ơn quý hóa vô cùng, và những ai không lo chuẩn bị hay là không trung thành với ơn Thiên Chúa ban xuống cho mình./-

@Thiên Phong-Trần Minh Đức Bảy

Xem thêm

Ga 18, 33 - 37a

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN- LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ, NĂM B, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Chúa là Vua SUY NIỆM LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ – B (Ga 18, 33 – 37) Chu kỳ …