Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, năm B của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Suy niệm Tin mừng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, năm B của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

 

 

(Is 55, 1-11; 1Ga 5, 1-9; Mc 1, 7-11)

“Con là Con yêu dấu của Cha,

Cha hài lòng về con”

 

Tin mừng Marco 1, 7-11

    Ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần”.

Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.

Suy niệm:

Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan mà giáo hội mừng kính hôm nay kết thúc mùa Giáng Sinh và hướng chúng ta về đời sống công khai của Chúa Giêsu. Phụng vụ Lời Chúa trình bày Đức Giêsu là con yêu dấu của Chúa Cha, được Chúa Thánh Thần tấn phong làm Đấng Messia, Đấng Cứu Thế, Ngài muốn chia sẻ thân phận con người và muốn liên đới với loài người tội lỗi, mặc dù Ngài là Con Thiên Chúa: “Con là Con yêu dấu của Cha”.

Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa đã được Tin mừng Nhất lãm Mát thêu, Mác cô, Luca thuật lại. Điều này nói lên sự quan trọng của biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa sám hối của Gioan Tẩy Giả.

Đây là một cuộc thần hiện mạc khải rõ nét nhất về Mầu nhiệm một Thiên Chúa Ba Ngôi. Đức Giêsu chịu phép rửa xong, thì trời mở ra. Trời mở ra nói lên sự hiện diện uy nghi của Thiên Chúa. Từ trời có tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng vì Con”, và Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đậu trên vai Đức Giêsu.

Cuộc thần hiện này cũng xác nhận thiên tính của Đức Giêsu và mạc khải Ngài là Đấng Cứu Độ muôn dân: “Này là Con ta yêu dấu”.

Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là Mầu nhiệm quan trọng nhất trong đạo Công giáo và là nền tảng của niềm tin Kitô giáo. Mầu nhiệm này biểu lộ tình thương của Thiên Chúa: Chúa Cha tạo dựng nên vạn vật vũ trụ. Chúa Con giáng trần cứu độ nhân loại “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một của Ngài”. Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa và ban sức mạnh cho chúng ta.

Qua biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa, Giáo hội hướng người Kitô hữu về hồng ân làm con Chúa qua bí tích Rửa tội và kêu gọi con cái mình sống ơn làm con Chúa với tâm tình hiếu thảo đối với Thiên Chúa là Cha như người con đối với ông bà cha mẹ:

– Luôn theo Thánh ý Thiên Chúa Cha, tuân giữ các điều răn của Chúa: “Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ lời Thầy”.

– Luôn nói có với Thiên Chúa và nói không với ma quỷ, tội lỗi, điều xấu…

– Tương quan tốt với Chúa và với mọi người để chúng ta trở nên những người con hiếu thảo, những người con yêu dấu của Thiên Chúa như Đức Giêsu: “Này là Con Ta yêu dấu đẹp lòng Ta mọi đàng”.

– Tham gia sứ mạng loan báo Tin mừng của Chúa giêsu và chu toàn bổn phận Chúa giao phó: Người Kitô hữu phải chu toàn bổn phận đối với Thiên Chúa và bổn phận của một người công dân đối với xã hội trần thế “Người Kitô hữu tốt phải là người công dân tốt” (ĐGH Bênêđictô XVI).

Trong cuốn “Người Lữ Hành” có một câu chuyện rất hay. Chuyện kể về một gia đình sống ở Luân Đôn thủ đô nước Anh. Một gia đình công nhân vừa nghèo lại vừa đông con với mười ba người con. Bố của chúng phải đi làm suốt ngày tại xí nghiệp. Bà mẹ ở nhà làm nghề phụ và la nội trợ. Dù bận bịu đầu tắt mặt tối suốt ngày đêm, nhưng bà Vaughan vẫn vui vẻ thay chồng dạy dỗ con cái và nhất là trưa nào bà cũng thay cho cả gia đình đến với Chúa Giêsu Thánh Thể trong Nhà Tạm. Láng giềng bà quen biết hỏi bà: “Một bầy con mười ba đứa, bận rộn từ sáng đến tối vậy mà làm sao trưa nào chị cũng đi chầu Thánh Thể như thế”. Bà tươi cười trả lời: “Thấy một bầy con lúc nhúc trưa ăn bữa mai đã phải nghĩ đến việc chạy gạo bữa hôm, tôi lo lắm. Hơn thế chúng nó còn phải đi học. Ở trường thiếu gì những bạn bè xấu rủ rê chúng đi chơi hoặc giữa đường giữa chợ thiếu gì cảnh nguy hiểm, tôi lại càng thao thức hơn. Chính vì thế mà mỗi ngày dù bận bịu đến đâu tôi cũng bỏ ra một giờ để chầu Mình Thánh Chúa, sốt sáng xin Người ban ơn cho vợ chồng tôi nuôi nấng các cháu hàng ngày dùng đủ và dạy dỗ chúng nên người đạo đức”.

Kết quả thật tốt đẹp. Chúa đã nhận lời và ân thưởng cho lòng tin cùng sự hy sinh của bà Vaughan. Trong mười ba người con, một người sau này làm Hồng Y tổng giáo phận Luân Đôn, một người khác làm Tổng Giám Mục, hai người làm Linh mục, hai nam tu sĩ, hai nữ tu sĩ, còn năm người nữa ở thế gian lập gia đình, nhưng tất cả đều sống một đời sống rất tốt lành, thánh thiện.

Người Kitô hữu được hai hồng ân vĩ đại là được ơn sự sống, được sinh ra và hiện hữu trên đời này qua trung gian cha mẹ. Được làm người là ân ban vĩ đại của Thiên Chúa. Hồng ân quan trọng và vĩ đại hơn là được làm con Chúa qua bí tích Rửa Tội, được sống sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, sự sống thần linh. Người Kitô hữu thường quên và lãnh đạm trước ân ban cao quý này. Nên họ không sống đạo tốt, không sống hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha, nghĩa là chưa sống ơn làm con Chúa qua bí tích Rửa Tội.

Chúng ta cầu nguyện với Chúa:

“Xin cho con biết luôn tín thác vào Chúa,

Luôn tìm và thi hành ý Chúa là điểm tứ của đời con.

Xin giúp con sống trọn tình con thảo với Chúa là Cha,

Sống vẹn nghĩa huynh đệ với nhau là anh em một nhà,

Mở rộng lòng bao dung đồng cảm với mọi người.

Chia sẻ mọi nỗi vui buồn, lo âu và hy vọng”.

(Kinh Năm Đức Tin)

LM Giuse Nguyễn Văn Nam

 

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …