Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, năm B của LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy niệm Tin mừng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, năm B của LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng


(Mc 1, 7-11)

Từ khi xuất hiện trong hoang địa, Thánh Gioan Tẩy Giả đã gây được một phong trào sám hối trong xứ Do thái. Đời sống và lời giảng của ông có sức lôi cuốn người ta đến với sông Giođan để được ông làm phép rửa. Phép rửa của Gioan nhằm giúp con người bày tỏ lòng hoán cải, để chuẩn bị đón Đấng Mêsia sắp đến (x. Mt 3, 7-12).

Vấn đề là ở chổ, trong số những người đến “xưng thú tội lỗi” (Mc 1, 5) và chịu “phép rửa sám hối để được ơn tha tội” (Mc 1, 4), lại có Đức Giêsu. Làm sao Đấng thánh thiện, Đấng quyền thế mà Gioan không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người, lại có thể đứng chung với đám đông người tội lỗi, chờ đến phiên mình được chịu thanh tẩy? Đó là một câu hỏi mà Gioan khó trả lời.

Khi suy niệm về mầu nhiệm Đức Giêsu chịu phép rửa của Gioan, các giáo phụ đã đưa ra một số lý do để soi sáng. Đức Giêsu đã lãnh nhận phép rửa trong nước vì:

– Người muốn kêu gọi những người khác noi theo gương Người mà đến chịu phép rửa do Người thiết lập sau này.

– Người muốn làm một hành vi khiêm tốn cho ta noi theo.

– Người muốn công nhận giá trị phép rửa của Gioan.

– Người muốn lần đầu tiên ra mắt trước công chúng, để chuẩn bị cho họ nghe Người và theo Người.

– Người muốn thánh hóa dòng nước sông Giođan và mọi dòng nước khác, để nhờ sự hiện diện và tác động của Người mà mọi dòng nước có thể trở nên nguồn cứu độ.

Chúa Giêsu chịu phép rửa thống hối cho thấy Người liên đới với tội nhân, với dân tộc mình, với cả nhân loại đang cần ơn cứu độ. Con Thiên Chúa không ngại che khuất cái cao sang, siêu việt và cả sự thánh thiện ngàn trùng của mình để nhờ thái độ tự hạ, tự hủy này mà Đấng Thánh của Thiên Chúa có thể đứng chung với người tội lỗi, dìm mình xuống cùng một dòng nước như họ. Điều đó có nghĩa là Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa khiêm hạ, vì Ngài muốn đi xuống tận đáy vực thẳm nơi chúng ta đang sống, để nâng chúng ta lên. Chỉ tình yêu mới làm chúng ta hiểu được hành động của Ngài. Thiên Chúa Nhập thể chính là để liên đới với từng người chúng ta trong mọi cảnh ngộ của cuộc sống.

Hành động của Chúa Giêsu hôm nay cho thấy hướng đi cả một cuộc đời của Đức Giêsu. Người bị mang tiếng là “tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Lc 7, 34). Người đến với những người sống bên lề xã hội và tôn giáo để đưa họ trở về với thế giới của con người và thế giới của Thiên Chúa. “Tôi đến để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9, 13). 

Thánh Phaolô đã viết một câu cho thấy Đức Giêsu đã thực sự đồng hóa với thân phận tội nhân đến mức nào: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã làm cho Người thành tội vì chúng ta” (2C 5, 21). Đức Giêsu đã chết như một người phạm trọng tội, bị đóng đinh giữa hai tử tội. Người đã đem đến niềm hy vọng cho người trộm lành: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23, 43). Khi gắn bó với những người không còn được yêu mến và kính trọng, Đức Giêsu đã đem đến cho họ một thế giới nồng nàn tình yêu. Trong thế giới này không còn có hàng rào ngăn cách nhưng chỉ có những tội nhân được Thiên Chúa yêu thương cứu độ bởi vì Chúa Giêsu là Đấng thánh, Chúa Giêsu không đội trời chung với tội lỗi, nhưng ngài lại cúi xuống trên tội nhân, và biến đổi họ. 

Hành động của Chúa Giêsu cho thấy rằng nếu chúng ta sợ mình vấy bẩn vì tiếp xúc với người tội lỗi đó là bởi vì chúng ta chưa thánh thiện thực sự. Ánh sáng không sợ bóng tối làm mình ra u tối. Ngược lại ánh sáng len lỏi vào mọi ngõ tối của cuộc đời, để làm cho bóng tối được sáng ngời lên.

Một chi tiết nữa của bài Phúc âm cũng gợi cho chúng ta sự chú ý là sau khi Đức Giêsu dìm mình trong dòng nước, thì Người nhận được một thị kiến : các tầng trời xé ra, Thánh thần ngự xuống, và tiếng phán từ trời. Các tầng trời xé ra là dấu hiệu cho thấy Thiên Chúa muốn tiếp xúc với con người và thông truyền cho con người một mạc khải. Đức Giêsu cũng thấy trời mở ra và qua đó thần khí ngự xuống trên mình như chim bồ câu.

Đức Giêsu được đầy Thánh Thần. Thánh Thần chính là sự hiện diện của Thiên Chúa xâm nhập vào người được tuyển chọn, ban cho người ấy dồi dào mọi ơn cần thiết để có thể làm tròn sứ mạng quan trọng đặc biệt. Được ban Thánh Thần nghĩa là được sai đi. Khi Đức Giêsu cảm nghiệm được Thánh Thần nơi mình, thì cũng là lúc Người được sai đi để loan báo Tin Mừng và làm những dấu chỉ cứu độ. Tiếng nói từ trời phản ánh niềm tin của Hội Thánh nơi của Đức Giêsu. “Con là Con yêu dấu của Cha”. Với câu đó, Thiên Chúa Cha giới thiệu công khai Chúa Giêsu cho nhân loại và kết thúc luôn ba mươi năm âm thầm ở Nadarét. 

Đức Giêsu chịu phép Rửa nhưng Người vẫn hướng đến một phép Rửa khác, đó là cuộc khổ nạn Ngài phải chịu: “Thầy còn một phép Rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất” (Lc 12, 50). Như thế mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu Phép Rửa hôm nay nhắc cho chúng ta nhớ đến mầu nhiệm chết và phục sinh. Chúa Giêsu làm công việc nầy để tỏ lộ công việc cứu thế của Người, tỏ lộ cho nhân loại thấy bản chất cao cả của Người là con rất yêu dấu của Thiên Chúa, là Người con luôn sẳn sàng vâng lời thánh ý Thiên Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá. 

Phép Rửa trên thập giá là nguồn sống cho mọi phép rửa của các Kitô hữu. Nhờ phép Rửa đó, chúng ta được trở nên con cái yêu dấu của Thiên Chúa và được tràn đầy Thánh Thần. Chúng ta nhớ rằng mình là người đã được xức dầu, được mang nến sáng, được mặc áo trắng, được dìm mình trong nước để rồi được sai ra đi làm chứng cho mọi người nghĩa sống thực sự như người con được Thiên Chúa yêu mến.

Xin cho chúng ta biết sống thực sự lý tưởng đó.

LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …