Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa – năm A, của Trầm Thiên Thu

Suy niệm Tin mừng Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa – năm A, của Trầm Thiên Thu

THÁNH TẨY

thanh-tay-1Nước là chất liệu cơ bản và cần thiết khi muốn tẩy rửa. Nước chiếm 60-70% thể trọng của con người, điều đó cũng đồng nghĩa là nước quan trọng đối với cơ thể.

Nước là một hợp chất hóa học của Oxy và Hydro, công thức hóa học là H2O. Nước có lý tính và hóa tính đặc biệt, là chất rất quan trọng trong nhiều ngành khoa học và trong đời sống. Nước che phủ 70% diện tích trái đất nhưng chỉ 0,3% tổng lượng nước trên trái đất nằm trong các nguồn có thể khai thác dùng làm nước uống.

Bên cạnh nước “thông thường” còn có nước nặng (chứa tỷ lệ đồng vị Deuterium cao hơn thông thường) và nước siêu nặng (một dạng của nước trong đó các nguyên tử Hydro thông thường bị thay thế bằng đồng vị Triti của nó). Ở các loại nước này, các nguyên tử Hydro bình thường được thay thế bởi các đồng vị Deuterium và Triti. Nước nặng có lý tính và hóa tính khác với nước thường.

Thuở khai thiên lập địa, Thiên Chúa đã tạo dựng nước vào ngày thứ hai, và Kinh Thánh cho biết rằng “khối nước tụ lại được gọi là biển” (St 1:9-10).

Ngay khi chào đời, ai cũng được tiếp xúc với nước: tắm rửa. Khi gia nhập Đạo Thánh của Thiên Chúa, chúng ta cũng được “khai tâm” bằng nước: Bí tích Thánh Tẩy. Cả đời và đạo, chúng ta đều được “khai trương” cuộc sống bằng nước. Thật là kỳ diệu!

Trình thuật Is 42:1-4. 6-7 cho biết về bài thứ nhất trong số các “Bài Ca Người Tôi Trung” – Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa giới thiệu về Người Tôi Trung: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân. Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. Nó không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu. Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo”.

Đó là Đấng giàu lòng thương xót. Ngài “kêu to” nhưng “không nói lớn”, đặc biệt là “không để ai nghe tiếng giữa phố phường”. Như vậy, chỉ có thể nghe tiếng Ngài trong cõi sa mạc tĩnh lặng của tâm hồn. Ai sống nội tâm và khiêm nhường sẽ thuận tiện hơn người thích sống ồn ào, náo nhiệt, khoe mẽ.

Sau đó Thiên Chúa đã tuyên phán thế này: “Ta là Đức Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm”. Và ngày nay, đó cũng là lời Thiên Chúa muốn nhắn nhủ mỗi chúng ta – những người đã được “dìm vào” Nước Thánh Tẩy.

Được nhận biết Thiên Chúa và trở nên con cái Ngài, là thần dân của Ngài, là tôi tớ của Ngài, thật là diễm phúc cho chúng ta. Với tâm tình biết ơn Thiên Chúa, tác giả Thánh Vịnh mời gọi: “Hãy dâng Chúa, hỡi chư thần chư thánh, dâng Chúa quyền lực và vinh quang. Hãy dâng Chúa vinh quang xứng danh Người, và thờ lạy Chúa uy nghiêm thánh thiện” (Tv 29:1-2). Thiên Chúa toàn năng, hằng sinh, chí minh và chí thiện, đặc biệt là luôn động lòng trắc ẩn, thương xót con dân, mặc dù Ngài rất uy hùng và dũng mãnh: “Tiếng Chúa rền vang trên sóng nước, Thiên Chúa hiển vinh cho sấm nổ ầm ầm, Chúa ngự trên nước lũ mênh mông. Tiếng Chúa thật hùng mạnh! Tiếng Chúa thật uy nghiêm!” (Tv 29:3-4).

Thật vậy, Kinh Thánh chứng minh: “Tiếng Chúa lay động cả rặng sồi, tuốt trụi lá cây cao rừng rậm. Còn trong thánh điện Người, tất cả cùng hô: ‘Vinh danh Chúa!’. Chúa ngự trị trên cơn hồng thuỷ, Chúa là Vua ngự trị muôn đời” (Tv 29:9-10).

Chắc chắn không có thần linh nào như Thiên Chúa của chúng ta. Gọi là thần linh vì người ta ảo tưởng hoặc lầm lẫn, thậm chí là cố ý lừa chính họ, vì họ tin vào thứ này thứ nọ – như ngày xưa người ta lấy con bò để thờ. Thật là ngu xuẩn hết nước nói. Ngày nay người ta cũng có nhiều loại thần do họ tự tạo – chẳng hạn Thần Tài. Ôi, thật là tội nghiệp các bộ óc đặc sệt “bùn đất” – nói cho dễ hiểu là “đầu đất”. Có học mà thiếu suy luận. Họ đáng thương hay đáng trách?

thanh-tay-2Trình thuật Cv 10:34-38 cho biết về lời rao giảng của ông Phêrô tại nhà ông Conêliô: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận. Người đã gửi đến cho con cái nhà Israel lời loan báo Tin Mừng bình an, nhờ Đức Giêsu Kitô, là Chúa của mọi người”. Thiên Chúa cao sang vô cùng, thánh thiện vô cùng, hoàn hảo vô cùng,… Tất cả đều vô cùng, trí óc phàm nhân không thể suy thấu, thế nhưng Ngài lại rất “bình dân”, hòa đồng với mọi người và không loại trừ bất kỳ ai. Ngài đích thân tiếp cận chúng ta trước khi chúng ta muốn tiếp cận với Ngài.

Ông Phêrô chứng minh rạch ròi: “Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giuđê, bắt đầu từ miền Galilê, sau phép rửa mà ông Gioan rao giảng. Quý vị biết rõ: Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người”. Phêrô hôm nay mạnh mẽ và can đảm, khác hẳn Phêrô hôm qua – hèn nhát vì bỏ của chạy lấy người. Phêrô cũng chính là hiện thân của mỗi chúng ta vậy. Chúng ta còn hèn nhát hơn ông, vì chúng ta đã và đang bao lần hèn nhát không dám nhận Đức Giêsu Kitô là Thầy của mình.

Chúa biết chúng ta yếu đuối, Ngài không trách chúng ta qụy ngã, mà Ngài trách chúng ta không dám phủi bụi và đứng dậy để làm lại cuộc đời. Cũng vì vậy mà Ngài còn làm gương cho chúng ta qua việc lãnh nhận Phép Rửa từ tay Gioan Tiền Hô – dù Ngài là Tạo Hóa và vô tội.

Qua trình thuật Mt 3:13-17, Thánh sử Mát-thêu cho biết sự kiện quan trọng khởi đầu sứ vụ công khai của Đức Giêsu, khởi đầu từ Dòng Sông Gio-đan.

Hôm đó, Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, đến gặp người anh em họ Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. Thấy lạ, ông Gioan một mực can Ngài và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!”. Nhưng Đức Giêsu ôn tồn trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính. Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Ngài. Ôi, hai tâm hồn khiêm nhường hòa quyện vào nhau, thật là kỳ diệu quá!

Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong và vừa ở dưới nước lên, các tầng trời mở ra. Có điều kỳ diệu xảy ra: Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Ngài. Đặc biệt là có tiếng từ trời vang vọng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”. Ôi, Thiên Chúa toàn năng!

Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ công khai, Ngài tiên phong để chúng ta bước theo và thực hiện lệnh truyền của Ngài: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15). Chúa Giêsu đã vào đời, mỗi chúng ta cũng phải vào đời… để làm chứng về Ngài.

Lạy Thiên Chúa, xin giúp con biết can đảm đè bẹp “cái tôi” của con để có thể sống khiêm nhường thực sự, khiêm nhường từ đáy lòng. Xin giúp con biết khéo léo giới thiệu Ngài với mọi người theo khả năng hữu hạn của con, theo hoàn cảnh của con. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN