Đấng Thương Xót
(Chúa Nhật I TN, năm C – Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa)
Thương xót là chạnh lòng trắc ẩn, biết mủi lòng trước nỗi khổ của người khác. Cảm xúc mỗi người có mức độ khác nhau. Có người dễ rơi lệ, có người khó rơi lệ; có người đau lòng một thời gian dài, có người khóc òa, có người khóc không ra tiếng; có người đau lòng trong thời gian ngắn. Đó là cảm xúc trào dâng hầu như không thể kìm nén khi trong lòng nhói đau, mất mát điều gì đó quan trọng. Nhưng cảm xúc đó có thực sự hay không, đó mới là vấn đề.
Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta (Ep 2:4), Ngài là Cha giàu lòng từ bi lân ái và luôn sẵn sàng nâng đỡ ủi an (2 Cr 1:3). Vì là con cái của Ngài, chúng ta phải nên giống Ngài, như người Việt nói “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, nghĩa là chúng ta phải “cố gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, sống nhẫn nại và hiền hòa” (1 Tm 6:11).
Vì thương xót chúng ta, Chúa Giêsu đã nhập thể và nhập thế, sinh nghèo khó, sống khổ sở và chết đau thương. Tôi tớ không hơn chủ, trò không hơn thầy, thế nên chúng ta phải không ngừng cố gắng sống “nhân từ như Chúa Cha là Đấng nhân từ” (Lc 6:36) và “yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta” (Ga 13:34; Ga 15:12).
Chúa Giêsu là Đấng Ái Tử, phàm ngôn gọi là “con cưng”, nhưng Ngài không được chiều chuộng, không ngồi mát ăn bát vàng, mà phải chịu trăm cay ngàn đắng vì tuân phục và vì thương xót nhân loại chúng ta, nên Ngài có nickname là “Người Tôi Trung” hoặc “Người Tôi Tớ Đau Khổ”.
Ngôn sứ Isaia cho biết: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân. Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai tiếng giữa phố phường” (Is 42:1-2). Người Tôi Trung đó là Con Thiên Chúa, nhưng Ngài tự hạ mình xuống ngang với chúng ta, thậm chí còn bị chúng ta ruồng bỏ và xử tệ, thế mà Ngài vẫn nín thinh, làm ngơ, không chấp lách chúng ta chỉ vì Ngài cảm thông tính bướng bỉnh của chúng ta, luôn yêu thương chúng ta hết lòng.
Phàm nhân không thể hiểu nổi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, đúng như Blaise Pascal (1623-1662) cảm nhận: “Thiên Chúa là Đấng không thể dò thấu. Chúng ta không thể nói được gì về Thiên Chúa. Tất cả những gì chúng ta nói về Thiên Chúa đều chỉ là tưởng tượng”. Tuy nhiên, Lòng Chúa Thương Xót luôn hiện hữu và có thật. Quả thật, phong cách của Người Tôi Trung cũng rất lạ: “Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. Nó không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu. Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo” (Is 42:3-4). Lòng Chúa Thương Xót vô cùng mầu nhiệm, Đấng Thương Xót quá đỗi diệu kỳ!
Thiên Chúa đã minh định rạch ròi thế này về Đấng Ái Tử Giêsu Kitô: “Ta là Đức Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm” (Is 42:6-7). Hạnh phúc thay chúng ta được Chúa Cha trao ban cho Tặng Phẩm Vô Giá là chính Con Yêu Dấu của Ngài – Đức Giêsu Kitô, Đấng Emmanuel.
Chúng ta có dành cả đời để tạ ơn Thiên Chúa cũng không đủ, vì Ngài ban Hồng Ân quá lớn lao. Dù bất xứng nhưng chúng ta vẫn phải biết ơn, như tác giả Thánh Vịnh mời gọi: “Hãy dâng Chúa, hỡi chư thần chư thánh, dâng Chúa quyền lực và vinh quang. Hãy dâng Chúa vinh quang xứng danh Người, và thờ lạy Chúa uy nghiêm thánh thiện” (Tv 29:1-2). Thiên Chúa khác thường mà bình thường, lạ mà quen, xa mà gần: “Tiếng Chúa rền vang trên sóng nước, Thiên Chúa hiển vinh cho sấm nổ ầm ầm, Chúa ngự trên nước lũ mênh mông. Tiếng Chúa thật hùng mạnh! Tiếng Chúa thật uy nghiêm!” (Tv 29:3-4).
Thiên Chúa nhẹ nhàng mà mạnh mẽ, êm đềm mà dữ dội. Kinh Thánh cho biết về “giọng nói” của Ngài: “Tiếng Chúa lay động cả rặng sồi, tuốt trụi lá cây cao rừng rậm. Còn trong thánh điện Người, tất cả cùng hô: ‘Vinh danh Chúa!’. Chúa ngự trị trên cơn hồng thuỷ, Chúa là Vua ngự trị muôn đời” (Tv 29:9-10). Kỳ diệu quá! Chỉ một thoáng chúng ta thiếu sự quan tâm và lòng thương xót của Ngài thì chúng ta sẽ biến thành hư vô ngay lập tức!
Đấng Thương Xót luôn trắc ẩn với mọi người, đối xử bình đẳng, không phân biệt bất cứ ai hoặc bất cứ thứ gì. Tuy nhiên, Ngài thấy ai càng yếu kém thì Ngài càng quan tâm, chăm sóc, nâng đỡ, vì Ngài đến với mục đích là “tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19:10), thậm chí Ngài còn bỏ 99 con chiên béo tốt và đạo đức để đi tìm chỉ một con chiên ghẻ lở, ốm yếu, xấu xa, tội lỗi (Mt 18:12-14; Lc 15:4-7). Điều đó chứng tỏ Đấng Thương Xót không hề thiên tư tây vị bất cứ ai (Cv 10:34; Rm 2:11; Ep 6:9). Ngài không chỉ muốn chúng ta được sống mà còn muốn chúng ta được sống dồi dào (Ga 10:10), và Ngài yêu thương chúng ta đến cùng (Ga 13:1).
Thật vậy, thời gian sau khi Chúa Giêsu phục sinh, ông Phêrô đã minh định và dõng dạc tuyên bố với mọi người: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận” (Cv 10:34-35). Thật vậy ư? Ông Phêrô giải thích: “Người đã gửi đến cho con cái nhà Ít-ra-en lời loan báo Tin Mừng bình an, nhờ Đức Giêsu Kitô, là Chúa của mọi người. Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giuđê, bắt đầu từ miền Galilê, sau phép rửa mà ông Gioan rao giảng” (Cv 10:36-37). Người Công giáo Việt Nam chúng ta có thể coi như những người con “út mót” của Thiên Chúa vậy. Được biết và tin nhận Ngài là Thiên Chúa cứu độ, chúng ta thực sự vô cùng diễm phúc. Tạ ơn Chúa – Deo gratias!
Ông Phêrô nói rõ ràng về Đấng Thương Xót: “Quý vị biết rõ: Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10:38). Thật vậy, chính Chúa Giêsu đã từng xác định: “Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa” (Mc 10:18; Lc 18:19). Vì vậy, chúng ta phải cố gắng thực hành theo Tôn Ý của Chúa Giêsu là không ngừng hoàn thiện để nên giống Chúa Cha (x. Mt 5:48).
Nhưng làm sao để nên giống Thiên Chúa Cha? Chắc chắn không có cách nào hơn là noi gương Thiên Chúa Con – Đức Giêsu Kitô, Đấng Thiên Sai, Đấng Thương Xót, Đấng Luôn-Ở-Cùng-Chúng-Ta (Emmanuel). Ngài luôn ở với chúng ta, chẳng lẽ chúng ta lại không ảnh hưởng tính cách “hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11:29) của Ngài sao?
Hồi đó, khi dân đang trông ngóng Đấng Thiên Sai, họ thấy ông Gioan rất “khác người”, từ phong cách đến ý tưởng, đặc biệt là làm Phép Rửa, và trong thâm tâm họ, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mêsia! Nhưng ông Gioan trả lời mọi người rất thẳng thắn: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong NƯỚC, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong THÁNH THẦN và LỬA” (Lc 3:16). Chính ông Gioan cũng đã xác định: “Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1:15 và 30). Rất lạ: đến sau mà có trước, và còn “kỳ lạ” hơn ông Gioan nhiều. Đó là sự thật, người không có đức tin sẽ “chói tai” và không thể hiểu nổi.
Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa, dù Ngài không cần chịu phép rửa, nhưng Ngài muốn nêu gương khiêm nhường và nhịn nhục. Khi Ngài đang cầu nguyện, trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Ngài dưới hình dáng chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3:22).
Lãnh nhận phép rửa là tái sinh bởi Nước và Thánh Thần, thoát kiếp nô tỳ của tội lỗi, thoát vòng kim cô của ma quỷ để trở nên con cái Thiên Chúa, con cái của Sự Sáng và Sự Thật. Và như vậy, chúng ta không thể không thương xót nhau như Thiên Chúa đã thương xót chúng ta trước, khi chúng ta còn là những tội nhân. Hoàn toàn hợp lý!
Lạy Thiên Chúa, xin thanh tẩy hồn xác con và tái tạo trái tim con nên giống Đức Giêsu Kitô, và xin giúp con cũng biết tẩy rửa cuộc đời bằng Lòng Thương Xót của Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU