Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, của P.Trần Đình Phan Tiến

Suy niệm Tin Mừng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, của P.Trần Đình Phan Tiến

CHÚA GIÊSU BÀY TỎ NHÂN TÍNH

Thưa quý vị, thưa các bạn, Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa là một biến cố bày tỏ sự khiêm nhường lớn lao, đồng thời cũng là lúc mà Người muốn tỏ bày “ơn Cứu Độ”, tức sứ mạng Cứu Thế của Người. Đó là: “Mầu Nhiệm Phép Rửa”. Nếu muốn sạch điều gì, hay cái gì, thì người ta dùng nước để rửa, việc rửa bình thường thì gọi là ”thanh tẩy”. Cũng vậy, việc tắm rửa làm cho vệ sinh thân thể chúng ta được sạch, cái sạch bên ngoài, chứ không thể sạch bên trong là “lương tâm” chúng ta được. Như vậy, phép rửa của Gioan Tiền Hô là ”thanh tẩy”, chỉ dùng để mang ý nghĩa tượng trưng là “làm cho sạch” bên ngoài, hầu nhờ đó phàm nhân có được sự hoán cải nội tâm.

Nhưng, Phép Rửa của Chúa Giêsu thì hoàn toàn khác, vì chính khi Người hạ mình để xin Gioan Tẩy Gỉa làm phép rửa, là lúc Người thiết lập Phép Rửa. Vì, Phép Rửa của Chúa Giêsu là một “Mầu Nhiệm”. Mầu Nhiệm, thì thuộc về Thiên Chúa, nên được gọi là “Thánh”. Theo đó, khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, thì Phép Rửa ấy gọi là ”Thánh Tẩy”. Bởi vì, Phép Rửa ấy có Ba Ngôi Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần (c 21-22).

Phép Rửa dành cho tội nhân, nhưng, Đấng vô tội là Đấng Cứu Thế, từ Đấng Kitô, nhưng vẫn tự hạ để nhận lấy sự khiêm nhường tột đỉnh, hầu làm gương cho nhân thế. Đón nhận phép rửa là đón nhận Thánh Thần và lửa. Thánh Thần là Thần Khí, tức Đấng ban sự sống, Đấng soi sáng, Đấng hun đúc tâm can, tức sự sống từ Thiên Chúa. Thần Khí là sự sống, nguồn sống, ai chối bỏ nguồn sống, thì kẻ ấy là sự chết. Lửa là sự thánh hóa, biến đổi từ cái xấu sang điều tốt. Lửa đồng thời là tình yêu, là sự sống, sự sống tự nhiên cần lửa như thế nào, thì sự sống siêu nhiên cũng cần lửa như vậy. Lửa vừa thiêu đốt, vừa thánh hóa, nếu kẻ tội lỗi bất sám hối, thì lửa sẽ trở nên phương tiện trừng phạt họ. Nếu họ biết sám hối, thì lửa sẽ thanh luyện họ trong thời gian hữu hạn.

Như vậy, Bí Tích Rửa Tội mà chính Chúa Giêsu thiết lập, chính là phương tiện cứu rỗi cho con người, bởi vì, chính Phép Rửa ấy được mang lấy sự tự nguyện khổ hình của Đấng thiết lập, được ban ơn tha thứ bởi Chúa Cha, có Thần Khí của Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống và lửa là tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.Theo đó, Chúa Giêsu không phải là tội nhân, nhưng mang lấy hình ảnh của “tội nhân” để cứu chuộc tội nhân, hầu mang con người trở về với Thiên Chúa là Cha.

Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa nói lên Nhân Tính của Người, qua Nhân Tính ấy, Ba Ngôi biểu lộ Thần Tính cho nhân loại chiêm ngắm, một tình yêu duy nhất và chân thật. Một sự hài lòng bởi Chúa Cha, một sự thánh hóa là nguồn sự sống của Chúa Thánh Thần, một sự tự hạ khiêm tốn của Đấng cứu chuộc. Như vậy, Chúa Giêsu chịu phép rửa nói lên sự biểu lộ Nhân Tính và Thần Tính của Người trước mặt nhân loại. hầu biểu lộ vinh quang phục sinh của Người. Sự kiện Người chịu phép rửa cũng như sự kiện Người Biến Hình trên Núi Tabor là một Mầu Nhiệm mở ra sự Mặc Khải Mầu Nhiệm Cứu Độ của Ngôi Hai Thiên Chúa.

Không còn triết lý tình yêu nào cao vời hơn sự tự hạ của Thiên Chúa, Người vốn dĩ ngang hang cùng Thiên Chúa, đồng hình, đồng dạng cùng Thiên Chúa, để đồng hình đồng dạng với tội nhân. Hầu cứu thoát tội nhân khỏi quyền lực satan.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tự hạ mang lấy hình ảnh khiêm nhường chịu phép rửa cho nhân loại noi theo. Đồng thời biểu lộ Thần Tính và Nhân Tính của Chúa trong Ba Ngôi Hiệp Nhất, để chúng con tôn thờ một Mầu Nhiệm Mặc Khải trọn vẹn. Xin cho nhân loại biết thần phục suy tôn Mầu Nhiệm cao cả tuyệt vời ấy./.Amen

10/01/2016

P.Trần Đình Phan Tiến

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …