Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Suy niệm Tin mừng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

(Is 40, 1-5. 9-11; Tt 2, 11-14; 3, 4-7; Lc 3, 15-16; 21-22)

“Đức Giêsu chịu phép Rửa xong

và đang khi Người cầu nguyện thì trời mở ra”

Tin mừng Luca 3, 15-16; 21-22:

h2Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a! Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.

Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con.

Suy niệm:

Hôm nay, Giáo hội mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa tại sông Giođan. Biến cố Chúa Giêsu chịu phép Rửa đã được tin mừng Nhất lãm Matthew, Marco và Luca tường thuật. Đây là một biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu, biến cố kết thúc thời gian sống ẩn dật và bắt đầu cuộc đời công khai rao giảng Tin mừng, thực hiện chương trình cứu độ nhân loại. Chúa chịu phép rửa là mạc khải đầu tiên công khai về sứ mạng của Ngài, và mạc khải về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa là một cuộc thần hiện mạc khải rõ nét nhất về mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi “Đức Giêsu chịu phép rửa xong và đang khi Người cầu nguyện thì Trời mở ra”. Trời mở ra nói lên sự hiện diện của uy nghi của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, Đấng cứu độ trần gian, giao hòa giữa con người và Thiên Chúa. Từ trời có tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng” và “Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Người”. Chính Chúa Cha và Chúa Thánh Thần xác nhận Thiên tính và sứ vụ cứu thế của Chúa Giêsu, đồng thời mạc khải cho nhân loại Người là Đấng Cứu độ trần gian. Như thế, lời công bố của Chúa Cha giới thiệu Đức Giêsu là Con Thiên Chúa biểu lộ sự thân mật thâm sâu giữa Ngôi Cha và Ngôi Con, nghĩa là Chúa Giêsu đồng bản thể với Chúa Cha.

Theo Tin mừng Luca, được thúc đẩy do lời rao giảng và gương sáng đời sống khổ hạnh của Gioan Tẩy Giả, dân chúng nô nức đến xin chịu phép rửa của Gioan để tỏ lòng sám hối quay trở về với Thiên Chúa. Phép rửa bằng nước của Gioan là dấu chỉ bề ngoài biểu lộ lòng sám hối bên trong. Chúa Giêsu cũng chịu phép rửa sám hối như dân chúng. Điều này không có ý nói  Chúa Giêsu sám hối cho mình, vì Người vô tội, nhưng là để đền bù thay cho nhân loại. Vì thế Chúa Giêsu chịu phép rửa có tính cách thay thế, chứ không phải cho chính mình “Người đã mang lấy tội của chúng ta”. Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa thể hiện sự tự hạ và phục vụ mà các tiên tri đã loan báo (Mt 3, 14-15; Ga 1, 6).

Qua biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa, Giáo hội muốn nhắc người Kitô hữu xác tín về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và cả Ba Ngôi đều tham gia vào công việc trọng đại là cứu chuộc nhân loại. Đồng thời người Kitô hữu phải tuyên xưng đức tin về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong cuộc sống và luôn cảm tạ Thiên Chúa bằng cuộc sống đạo đức hầu đáp lại tình thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Qua biến cố Chúa chịu phép rửa, Giáo hội hướng chúng ta về hồng ân vĩ đại là được làm con qua bí tích Rửa tội và kêu gọi con cái mình sống ơn làm con Chúa qua tâm tình hiếu thảo đối với Thiên Chúa là Cha, như người con đối với cha mẹ:

+ Luôn tuân theo thánh ý Thiên Chúa Cha, tuân giữ các điều răn của Chúa như Đức Giêsu đối với Chúa Cha “Của ăn của Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy”.

+ Luôn nói có với Thiên Chúa và nói không với ma quỷ, tội lỗi, điều xấu để tâm hồn chúng ta là đến thờ cho Chúa ba Ngôi ngự.

+ Tương quan tốt với Chúa và anh em để chúng ta trở thành những người con hiếu thảo, những người con yêu dấu của Thiên Chúa như Đức Giêsu: “Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng”.

Người Kitô hữu được hai hồng ân vĩ đại là được ơn sự sống, được sinh ra làm người ở đời qua trung gian cha mẹ. Hồng ân quan trọng và vĩ đại hơn là được làm con Chúa qua bí tích Rửa Tội, được sống sự sống của Thiên Chúa ba Ngôi, sự sống thần linh. Người Kitô hữu thường lãnh đạm trước ân ban cao quý này, nên họ không sống đạo tốt, không sống trọn tình con thảo đối với Thiên Chúa.

Thánh Phaolô khuyên chúng ta: “Quả thực ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người… Chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, để sống chừng mực, công chính và đạo hạnh ở trần gian này” (Tt 2, 11-12). Đó là cách thế dẫn chúng ta đến một cuộc sống hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn, liên đới tốt với mọi người, một cuộc đời luôn theo Thánh ý Chúa.

“Nếu bạn muốn hạnh phúc một đời,

hãy làm người sống tử tế.

Nếu bạn muốn hạnh phúc muôn đời,

hãy làm người có đạo tốt”. (Ngạn ngữ Pháp)

LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …