Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA (B) CỦA P.TRẦN ĐÌNH PHAN TIẾN

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA (B) CỦA P.TRẦN ĐÌNH PHAN TIẾN

 

(Mc 1, 7-11)

“CON LÀ CON YÊU DẤU CỦA CHA, CHA HÀI LÒNG VỀ CON“

Thưa quý vị, thưa các bạn! Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa khép lại Mùa Giáng Sinh, mở ra Mùa Thường Niên mới. Đồng thời, mở ra một hành trình cứu chuộc của Đức Kitô, khởi đầu sứ vụ rao giảng công khai của Người bằng Phép Rửa tại sông Gio-đan, bởi tay thánh Gio-an Tiền Hô.

Tin Mừng năm (B) theo thánh Mc thật là ngắn gọn, súc tích, chỉ với 05 câu, nhưng được chia làm 02 phần:

–          Phần thứ I: Trình thuật lời giới thiệu của thánh Gio-an về Chúa Giêsu (c 7 -8)

–          Phần thứ II: Trình thuật về Chúa Giêsu chịu phép rửa và được tuyên bố là Con Thiên Chúa.

Ông Gio-an rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi, đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người” (c 7).

Lời giới thiệu của thánh Gio-an về Chúa Giêsu là một lời giới thiệu chân thành. Ông khẳng định, Chúa Giêsu là Đấng quyền thế hơn ông. Gio-an Tiền Hô là vị Ngôn Sứ của hai Giao Ứơc là Cựu Ứơc và Tân Ước, giữa Giao Ứơc cũ và Giao Ứơc mới. Người ta gọi là tân cổ giao duyên. Khởi đầu Mùa Vọng, chúng ta đã được nghe nhiều về Gio-an Tiền Hô. Ông cũng là Gio-an Tẩy giả, người đã làm phép rửa cho dân chúng, đồng thời cũng làm phép rửa cho Đấng Cứu Thế.

Ông đã khẳng định: ”Tôi đã làm phép rửa cho anh em nhờ nước; còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (c 8).

Chúng ta thấy, nước là hình ảnh tẩy rửa, tuy mềm mại, nhưng rất mạnh mẽ. Nếu không có nước, thì không có sự sống cho sinh vật. Vậy, nước mang lại sự sống cho muôn loài. Vì thế trên trái đất mà nhân loại đang sinh sống là hơn hai phần ba là nước, có nghĩa là 7/10 là nước. Nước đem lại sự sống, đồng thời nước cũng hủy diệt tất cả. Thiên Chúa tạo thành muôn triệu hành tinh, trái đất mà chúng ta là một hành tinh nhỏ bé. Nhưng, nước chiếm một diện tích khá lớn. Gía trị của nước có thể nói là đứng đầu, sức mạnh của nước là vô địch. Trong Cựu Ứơc Thiên Chúa đã dùng nước để cứu dân Israel, một hình ảnh tiên trưng cho Bí Tích Thánh Tẩy sau nầy. Thiên Chúa đã cho ông Môi-sen (có nghĩa là: vớt dưới nước lên) dùng gậy đập vào đá, để nước vọt ra cho dân uống. Để tránh quân của vua Ai-cập, Thiên Chúa đã cho nước rẽ làm hai, để dân chúng đi qua không bị “ướt” chân. Nhưng, khi họ đi qua hết thì quân Ai-cập bị nhấn chìm. Như vậy, hình ảnh nước đã đồng hành với sự sống tự nhiên của con người, qua đó, nước cũng đồng hành với sự sống siêu nhiên của con người. Đời sống tự nhiên của con người, không thể thiếu nước. Theo đó, đời sống siêu nhiên cũng cần nước để thanh tẩy.

Thánh Gio-an khẳng định, phép rửa của ông là tượng trưng, chỉ là hình thức để kêu gọi sám hối. Vì sao? Thưa quý vị. Thưa, vì nước chỉ rửa được bên ngoài, cái gì ở bên ngoài vấy bẩn, người ta dùng nước để rửa. Cái gì bên trong bị vấy bẩn, người ta không thể dùng nước để rửa. Như vậy, đến đây chúng ta đã thỏa mãn được câu nói của Gio-an ở trên.

Theo đó, tâm hồn con nguời, tức bên trong bị vấy bẩn, thì chúng ta phải nhờ ai để rửa tâm hồn chúng ta: Thưa, chính là nhờ “Chúa Giêsu”. Vâng, Người sẽ làm phép rửa “trong Thánh Thần”, có nghĩa là: Trong nước làm phép rửa của Người có Thánh Thần. Như vậy, Phép Rửa của Chúa Giêsu có giá trị hơn phép rửa của Gio-an. Điều nầy, chính thánh Gio-an Tẩy Gỉa đã xác định như vậy, và hoàn toàn chính xác như vậy. Đó là lý do mà Thiên Chúa Cha đã ban cho nhân loại Đấng Cứu Thế.

Khởi đi từ Bài đọc I (Is 42, 1-4; 6-7) cho chúng ta thấy Chân Dung Đấng Cứu Thế, tức Đấng Kitô vô cùng đẹp đẽ.Người là nguồn cội tinh khôi của chân lý và công bình. Chân Dung Đấng cứu thế trong (Is 42, 1—4; 6-7) là một hình ảnh tuyệt đẹp của Thiên Chúa, vì không có hình ảnh nầy thì trái đất sẽ tiêu tan. Một hình ảnh hoàn toàn chân thực và mỹ mãn, nhờ hình ảnh nầy mà hơn bốn trăm năm sau, nhân loại đã được đón nhận thực tế một vị Cứu Tinh của nhân loại là Đấng Cứu Thế Giêsu – Kitô hoàn toàn thực tế không phù phiếm. Có thể nói, tiên tri Isaia là vị tiên tri nói về Đấng Cứu Thế nhiều nhất và rõ nhất. Nhưng đoạn Is 42 nầy nói về Đấng Cứu Thế rõ nhất.

Để minh định đoạn Isaia 42, chúng ta tiếp tục suy niệm phần II của Tin Mừng hôm nay:

–          Phần II: Phần Chúa Giêsu chịu phép rửa và được tuyên bố là Con Thiên Chúa.

Hồi ấy, Đức Giêsu từ Nazaret miền Galilê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Gio-đan (c 9).

Vâng, Đấng Cứu Thế thì không cần phải được làm phép rửa. Vì chính ông Gioan đã xác định như trên “Đấng đến sau tôi, nhưng có quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người” (c 7). Nhưng, Đấng Cứu Thế muốn chu toàn bổn phận làm Người, tức chu tòan phần nhân tính của Người. Hơn nữa, Người muốn treo gương cho phàm nhân. Và cũng từ lúc ấy, lúc mà Người cúi xuống để cho Ông Gioan làm phép rửa, cũng chính là lúc mà Người được chính Thánh Thần ngự xuống trên Người. Cũng là lúc Người lãnh nhận thần Khí tràn đầy. Vì, ”Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình” (c 10).

Như vậy, điều nầy đã chứng thực lời nói của Gioan Tẩy Giả. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.  Như vậy, việc Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi tay phàm nhân Gioan, cho thấy:

Về tự nhiên: Bày tỏ sự khiêm tốn của nhân tính làm Người của Đấng Cứu Thế.

Về siêu nhiên: Biểu lộ Thiên Tính, Đấng được Chúa Cha ghi dấu xác nhận là Con Thiên Chúa, được Chúa Cha hài lòng (về nhân tính), còn về Thiên Tính ba Ngôi cùng hiện diện. Sự hài lòng đến độ, Thiên Chúa Cha phát ra tiếng nói: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (c 11).

Như vậy, ý nghĩa Chúa Giêsu chịu phép rửa có ba ý chính:

–          Bày tỏ sự vâng phục làm Người (nhân tính).

–          Bày tỏ sứ vụ Kitô, treo gương khiêm nhường cho phàm nhân.

–          Sự chuẩn nhận Thiên Tính của Người, Ba Ngôi cùng hiệp thông trong sứ vụ Kitô của Người.

Vâng, đó là ý nghĩa của Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi tay phàm nhân Gioan Tầy Gỉa, một con người khiêm tốn, chân thật.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tự nguyện hạ mình làm Người để cứu chuộc nhân thế, và để treo gương cho nhân thế noi theo trong việc lãnh nhận sự thanh tẩy. Chúa đã chịu Gioan làm phép rửa, hầu minh định Người là Thiên Chúa trong nhân tính phàm nhân, và để Thiên Chúa Cha xác nhận Người là ”Con Thiên Chúa” trong Thiên Tính của Người. Xin cho chúng con biết noi theo trong phần nhân tính của Người là khiêm nhường, tự hạ, và tôn thờ Thiên Tính của Người trong sự hiệp nhất Ba Ngôi./. Amen.

11/01/2015

P.Trần Đình Phan Tiến

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …