CHÚA GIÁNG SINH
LỄ ĐÊM
(Lc 2,1-14)
I.TÀI LIỆU GỢI Ý
Trong đế quốc Rôma, thường cứ 14 năm làm sổ nhân danh một lần, giúp việc thu thuế và kiểm tra quân dịch. Tại Palestine, làm sổ nhân danh nhằm chính đến việc thu thuế. Về việc làm sổ nhân danh, ta có tin tức chắc chắn về những gì xẩy ra tại Ai Cập. Hầu chắc những gì xẩy ra tại Ai Cập cũng xẩy ra tại Syria. Giuđêa là phần của tỉnh bang Syria. Tin tức ta có được viết trên giấy papyrus tìm thấy dưới những thị trấn, làng mạc và sa mạc đầy đất cát tại Ai Cập. Sổ nhân danh được làm cứ 14 năm một lần. Từ năm 20 đến 270 sau Chúa, chúng ta có tài liện cụ thể cho mỗi lần làm sổ nhân danh. Nếu đúng là cứ 14 năm một lần tại Syria, thì lần làm sổ nhân danh này xảy ra năm thứ 8 trước Chúa, và đó là năm Chúa sinh ra. Có thể Luca sai một chút. Thực sự, Quiriniô chỉ làm tổng trấn Syria năm 6 sau Chúa; nhưng trước đó, ông có giữ một chức vụ trong những vùng này từ năm 10 trước Chúa đến năm 7 trước Chúa; và trong thời gian đó là việc làm sổ nhân danh này xảy ra.
Nadarét cách Belem 80 dặm. Làng mạc của các bộ lạc phương đông xưa không khác những quầy sạp trên những cánh vườn. Khách có thể tá túc, nhưng phải đem theo lương thực; chủ quán chỉ có thể giúp đồ ăn cho lừa ngựa và củi đốt… dịp đó, những lều sạp chật ních khách bộ hành, không có nơi cho Giuse và Maria. Vì thế Maria đã sinh con tại một trong những quầy sạp trong những cánh vườn công cộng đó. Trẻ sơ sinh được quấn mảnh vải vuông nhỏ rồi lấy vải dài quấn chung quanh. Máng cỏ là máng đựng đồ ăn cho súc vật. Vì thế, có thể Chúa sinh ra trong lều bạt hay máng đồ ăn cho súc vật. Không có nhà trọ là hình ảnh những gì sẽ xảy ra cho Chúa. Chỉ có một nơi cho Chúa, đó là thập giá. Chúa tìm cách vào trú ngụ nơi lòng mỗi người, giữa đoàn thể loài người, nhưng không ai mở. Cho đến nay Chúa vẫn tiếp tục tìm kiếm, nhưng vẫn bị từ chối; không có ai, có chỗ, nhưng Chúa vẫn tiếp tục tìm.[1]
II.CHIA SẺ TIN MỪNG
Ngày xưa, có một chú bé Phi Châu tên là Emmanuel. Chú ta luôn luôn tò mò thắc mắc. Ngày nọ chú hỏi thầy giáo: “Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào?” Thầy giáo chỉ biết gãi đầu và nói: “thú thực là thầy cũng không biết”. Sau đó Emmanuel đi hỏi các nhà trí thức trong làng nhưng họ cũng chẳng biết. Thế là chú ta càng ngày càng thắc mắc hơn. Chú dạo quanh khắp vùng dọ hỏi các bậc thức giả ở những làng khác:
“Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào?” nhưng họ cũng chỉ biết lắc đầu mà thôi. Tuy nhiên, Emmanuel vẫn tin chắc rằng có người biết điều ấy, vì thế chú lên đường đến những quốc gia và cả những đại lục khác để tìm hỏi, nhưng ở đâu chú cũng chẳng nhận được câu trả lời.
Một đêm nọ sau khi bị kiệt sức vì đi quá nhiều nơi, Emmanuel đến được một ngôi làng nọ, tên là Belem. Chú cố tìm chỗ nghỉ đêm trong quán trọ, nhưng tất cả các quán đều đã đầy người. Vì thế chú quyết định tìm một cái hang ngoài thành để trú đêm. Cuối cùng quá nửa đêm chú mới tìm được một cái hang. Nhưng khi bước vào hang, chú nhận ra chiếc hang đá có một đôi vợ chồng và một hài nhi đang trú ngụ. Nhìn thấy chú, bà mẹ trẻ liền nói: “hân hạnh đón chào Emmanuel, chúng ta đang mong chờ con”. Chú bé quá sửng sốt làm sao bà này biết tên mình chứ?
Và chú càng ngạc nhiên hơn khi nghe bà ấy nói: “đã từ lâu, con đã tìm kiếm khắp thế gian để hỏi xem Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào. Giờ đây hành trình của con kể như đã kết thúc. Đêm nay chính mắt con sẽ thấy được Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào. Ngài nói bằng ngôn ngữ của tình yêu. Thiên Chúa quá yêu thương thế gian đến nỗi ban cho thế gian Con Một của Ngài” (Ga 3: 16).
Trái tim Emmanuel trào dâng niềm xúc động, chú vội quì gối xuống trước hài nhi và mừng rỡ bật khóc. Giờ đây chú đã biết rằng Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng của tình yêu, thứ tiếng mà mọi người thuộc bất kỳ dân tộc hay thời đại nào cũng đều có thể hiểu được.[2]
Quả thật Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng của tình yêu. Thiên Chúa không chỉ nói nhưng thể hiện bằng chính con tim của Thiên Chúa. Thiên Chúa Cha đã yêu thương chúng ta. Ngài đã hy sinh chính Con Một Ngài để nói lên tình thương của Ngài đối với chúng ta, nên đã sai Con Một của Ngài xuống thế để cứu chuộc chúng ta. Chính vì thế Đức Giêsu đã rời bỏ thiên cung để đến với con người. Người mặc lấy thân phận yếu đuối của con người để Người có thể đồng cảm với thân phận hèn yếu của chúng sinh, nhưng đồng thời Người cũng là Thiên Chúa, nên với quyền năng của một Thiên Chúa Người luôn ở bên cạnh chúng ta để từng giây từng phút nâng đỡ chúng ta.
Quả thật không có một tôn giáo nào lại có một Đấng Thần Minh đến ở với con người, chấp nhận mang lấy hình hài yếu đuối của con người. Chỉ có Thiên Chúa chúng ta mới dám đến với con người như vậy vì Người có tên là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.
Nhưng chúng ta đã đón tiếp Người thế nào?
Có thể chúng ta đã trách móc dân thành Bêlem đã từ chối Chúa, nên Người đã phải sinh ra nơi hang bò lừa. Coi chừng chúng ta lại cũng lại tiếp tục thái độ hững hờ của dân thành Bêlem ngày xưa! có thể lắm chứ! Bởi vì nếu chúng ta mở cửa đón Chúa vào tâm hồn chúng ta, chắc chắn Chúa đã biến đổi toàn bộ con người của chúng ta, làm cho cuộc đời của chúng ta luôn an bình hạnh phúc.
Nhưng thực tế như thế nào?
Chúng ta vẫn thường kêu trách Chúa, tại sao Chúa để con khổ cực như thế này, tại sao Chúa gieo những tai ương khốn khó vào cuộc đời của con, tại sao chúa cứ gởi đến cho con những thánh giá quá nặng nề như thế và còn nhiều và rất nhiều những câu tại sao khác nữa… tại Chúa hay tại ta?
Biết bao nhiêu lần Chúa đã nhắc nhủ bên tai chúng ta” hỡi những ai gồng gánh nặng nề hãy đến với Ta, Ta sẽ bổ sức cho, vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”
Chúng ta có thực hiện lời của Chúa không? Như vậy đủ tố cáo rằng chúng ta chưa cho phép Chúa vào cõi lòng chúng ta. Đây là một xúc phạm vô cùng lớn, bởi vì chúng ta là tạo vật mà lại ngăn cản không cho Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên mình thực hiện lòng tình thương của Thiên Chúa. Một sự xúc phạm vô cùng lớn. Chúa còn phải chờ đợi đến bao giờ? Hãy mở cửa cho Ngài.
Vào năm 1994, hai nhà giáo Mỹ được bộ giáo dục Nga mời sang dạy. Nhân mùa Giáng Sinh họ đến thăm một viện mồ côi, và kể chuyện Chúa Sinh Ra cho trẻ. Các em mồ côi cũng như ban quản đốc sung sướng há hốc mồm ngồi nghe họ kể chuyện Giáng Sinh. Sau đó, họ phát cho các em vật dụng thủ công để làm Máng Cỏ. Trong khi đi tới đi lui trông các em làm Máng Cỏ, họ ngạc nhiên khi thấy Máng Cỏ của bé Misha, chừng 6 tuổi, có đến hai bé sơ sinh nằm trong máng cỏ. Đức Mẹ sinh đôi chăng? Không, không thể được! Bỡ ngỡ, nhưng bình thản, họ mời Misha kể lại đầu đuôi câu chuyện Chúa Sinh Ra. Nhỏ Misha kể rất thông suốt, rành mạch, đúng với Tin Mừng, từ lúc Truyền Tin cho đến khi hai ông bà không tìm được chỗ trong quán trọ. Nhưng khi đến phần Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu và đặt trong máng, thì em bắt đầu tự do cho thêm mắm thêm muối: khi Đức Mẹ đặt Bé Giêsu vào trong máng cỏ, thì Bé nhìn em và hỏi: em có chỗ ở chưa? Em thưa: Con đâu có cha, con đâu có mẹ, con đâu có nhà! Vậy thì em ở với ta nhé! Nhưng em ngại ngùng: con đâu có quà gì để tặng Chúa! Nhưng em rất mong được ở với Bé Giêsu, nên em nghĩ em có thể tặng Chúa tất cả những gì em có: hay là con ôm Chúa cho Chúa ấm được không? Tuyệt, món quà quý đó chưa ai cho Ta cả. Thế là em nhảy ngay vào trong máng cỏ và nằm ôm cho Chúa bớt lạnh. Chúa Giêsu cũng giang tay ôm lấy em và bảo: Em có thể ở với Ta luôn mãi. Vừa nói Misha vừa lấy tay lau nước mắt. Đôi giòng lệ tuôn trên gò má hốc hác của em bé mồ côi. Ôi những giòng lệ thật hạnh phúc. Amen.
LỄ RẠNG ĐÔNG
CÁC MỤC ĐỒNG
(Lc 2,15-20)
I.TÀI LỆU GỢI Ý
Loan báo cho mục đồng là sự việc đặc biệt, vì mục đồng là lớp người mà phe chính thống khinh khi, cho họ là những kẻ vô kỷ luật, không cặn kẽ giữ luật, không tuân theo qui định tập tục như rửa tay… nhưng có thể đây là những mục đồng đặc biệt vì họ chăn nuôi những đoàn chiên riêng để dâng tiến trong Đền Thờ. Như đã biết tại Đền Thờ, sáng chiều nào cũng dâng một con chiên như của lễ hy sinh lên Thiên Chúa. Để cung cấp chiên không tì ố, giới chức Đền Thờ có những đoàn chiên riêng, chăn gần Bêlem. Những mục đồng coi sóc đoàn chiên làm của lễ Đền Thờ là những người thứ nhất thấy Con Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian là điều xứng hợp. Cũng nên nhớ khi con trai sinh ra, nhạc công địa phương tụ họp ca hát chúc mừng. Chúa giáng sinh tại chuồng bò Bêlem, không có nhạc công loài người, thì nhạc công từ trời đến thay, không có con người thì thiên thần thay thế. Con Thiên Chúa sinh ra một cách hoàn toàn đơn sơ giản dị. Tự nhiên ta nghĩ nếu Thiên Chúa sinh ra, Người phải sinh ra trong một hoàng cung, nguy nga, tráng lệ chứ đâu lại tầm thường quá như vậy… một ông vua có thói quen cải dạng đi thăm người dân. Triều thần tỏ ra lo ngại hỏi, ông đáp “trẫm không thể cai trị nếu không biết dân chúng sinh sống ra sao”[3]
II.CHIA SẺ TIN MỪNG
Hôm nay một Hài Nhi đã chào đời. Hôm nay một Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho chúng ta.
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Đêm nay trời se lạnh, làm cho chúng ta dễ hình dung quang cảnh của Belem năm xưa. Xa xa ngoài cánh đồng lặng lẽ, thấp thoáng bóng người qua lại. Họ là những mục đồng đang canh giữ đàn chiên trong đêm đen giá lạnh. Một ánh chói lòa xuất hiện và họ được báo tin: hôm nay trong thành Belem, một Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho các ngươi. Người là Chúa Kitô, là Đức Chúa.
Các mục đồng là những người chăn chiên: họ là những người nghèo nàn đói rách, họ là những người hèn mọn dốt nát. Thân phận của họ thật mịt mù tăm tối, xã hội hầu như không biết đến họ, thế mà họ lại là những người đầu tiên được loan báo Tin Mừng.
Các mục đồng là những người đơn sơ chất phát, nên khi họ nhận được tin loan báo, họ không lý luận tranh cãi, nhưng vội vã lên đường. Họ vào thành Belem và thấy đúng như lời thiên thần báo: “Một Hài Nhi vấn tã, nằm trong máng cỏ”. Quả thật, với con mắt người trần, với con mắt xác thịt, các mục đồng đã thấy “Một Hài Nhi vấn tã, nằm trong máng cỏ”. Nhưng với con mắt đức tin, họ đã nhận ra Hài Nhi chính là Đấng Cứu Thế. Họ đã vui mừng thờ lạy. Sau đó, họ lại trở về với đàn chiên. Họ lại phải tiếp tục đối mặt với đêm đen giá lạnh. Họ tưởng chừng niềm vui lại lặng xuống và ánh vinh quan cũng nhạt dần. Không, hoàn toàn không, vì thánh Luca đã ghi lại: họ trở về “vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa về tất cả những gì họ đã nghe và đã thấy”. Họ trở về với những ngày thường nhật của họ. Cũng với những đồng cỏ đó, cũng với những đàn gia súc đó và một cuộc sống bình thường tiếp tục tái diễn tưởng chừng như không có gì thay đổi. Không, hoàn toàn không, vì giờ đây tâm hồn họ vui mừng rộn rã.
– Họ vui mừng rộn rã vì họ cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa đã dành cho họ.
– Họ vui mừng rộn rã vì họ nhận ra một Thiên Chúa đang hiện diện bên họ. Hiện diện bên
họ để chia sẻ cuộc sống lầm than và thân phận tăm tối của họ.
– Họ rộn rã vì giờ đây một Thiên Chúa làm người đã làm cho cuộc đời hèn kém của họ có
một ý nghĩa.
Giờ đây tạm rời Belem để trở về với giáo xứ chúng ta. Đêm nay chúng ta đến đây để gặp gỡ một hài Nhi, một Hài Nhi bé bỏng nhưng Hài Nhi bé bỏng này lại là một vị Thiên Chúa. Rồi một ít phút nữa, chúng ta trở về gia đình và tiếp tục cuộc sống thường ngày của chúng ta. Tâm hồn chúng ta có rộn rã như các mục đồng không?
Hòa quyện với tâm tình của các mục đồng, chúng ta thấy văng vẳng bên tai lời ngôn sứ: “này đây một trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai, người ta sẽ đặt tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23)
– Một Thiên Chúa đến ở cùng chúng ta.
– Một Thiên Chúa đến bên chúng ta, giữa cuộc đời buồn vui lẫn lộn.
– Một Thiên Chúa đã trầm mình vào một thế giới hỗn độn và cuộc sống bất ổn của
chúng ta.
– Một Thiên Chúa đã từ chối tất cả để mặc lấy thân phận yếu đuối của con người
để chia sẻ những yếu đuối và cô đơn của kiếp người.
Một Thiên Chúa như thế chắc chắn sẽ đem lại cho cuộc đời chúng ta một ý nghĩa.
LỄ BAN NGÀY
NGÔI LỜI NHẬP THỂ
(Ga 1, 1-18)
Lễ ban ngày: “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1,1-18). Từ Nhập Thể, không phải là một từ được sử dụng trong ngôn ngữ thường ngày và cũng không có trong tòan bộ Kinh Thánh. Người ta gọi từ này là một thứ “tốc ký” để chỉ một quan niệm được triển khai dần dần trong Tân Ước. Lần đầu tiên Thánh Kinh đề cập đến quan niệm Đức-Giêsu-là-Thiên-Chúa là trong Phúc Âm thánh Gioan “Ngôi Lời (Verbum) đã hoá thành nhục thể và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của Người Con Một đầy ân sủng và chân lý”(Ga 1,14).
Sự hiểu biết về sự kiện Nhập Thể thực ra đã phát triển dần dần. Mãi đến gần cuối của Tân Ước mới thấy đề cập đến Đức Giêsu, trong thân xác của Người, có đầy đủ bản tính của Thiên Chúa (Col 2,9) và cho đến khi có kinh Tin Kính, các Kitô hữu mới tuyên xưng Đức Giêsu “đồng bản tính với Đức Chúa Cha”.
Tưởng cũng nên ghi nhận sự kiện này là Thiên Chúa, trong Đức Giêsu đã bước vào thế gian này để trở thành con người giống như chúng ta ngọai trừ tội lỗi và cũng sống giống như chúng ta. Vì Người đã nhập thể và nhập thế, nên Đức Giêsu cũng đã cảm nhận được những nỗi thống khổ trên trần thế:
– Người đã phải chịu đau khổ như nhiều người trong chúng ta cũng đã từng nếm
biết bao đắng cay.
– Người đã cảm thấy đau đớn, cảm thấy bị ruồng bỏ.
– Cuối cùng Người cũng đã có cảm nghiệm về cái chết, một kinh nghiệm mà sớm
hay muộn cũng sẽ xảy đến cho bất cứ một người nào trong chúng ta.
“Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể” muốn nói lên rằng bất cứ cuộc sống nào, cho dù bé nhỏ, vô nghĩa đến đâu, thì cuộc sống ấy vẫn có một ý nghĩa.
“Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể” muốn nói lên rằng cho dù chúng ta thuộc về hạng người nào, chúng ta vẫn có thể sống trọn vẹn lời Người đã dạy và theo gương các việc Người đã làm.
Người ta có kể rằng ở một thành phố bên Tiệp Khắc, trong các di tích trưng bày có một chiếc cày từ thế kỷ 18. Người ta thuật lại câu chuyện như sau: một hôm hòang đế Joseph II cùng đòan tùy tùng đến thăm một ngôi làng. Thấy anh nông dân đang ngồi nghỉ mệt bên chiếc cày, ông đến trò truyện cvà xin cày thử. Anh nông dân rất ngạc nhiên khi thấy một người sang trọng lại xin tra tay vào cày, một cái cày lấm bùn dơ bẩn. Rồi lại thấy ông ta cày một cách vụng về, anh bật cười và nói: xin lỗi ông, hạng người như ông làm sao cày mà kiếm sống được.
Nghe nói thế, một người trong đòan tùy tùng ghé vào tai anh nông dân mách nhỏ: người đó chính là hòang đế. Anh nông dân như muốn độn thổ. Anh không thể tưởng tượng một vị hòang đế mà tra tay cầm cày như anh …anh cảm phục đến nỗi từ đó anh không dám sử dụng chiếc cày đó nữa. Anh chùi rửa sạch sẽ, rồi cất giữ như một báu vật. Về sau, chiếc cày đó được trưng bày tại một cuộc triển lãm tại Vienne, nước Áo.
Quả thật, vua Joseph là một vị hòang đế nhưng cũng là người như chúng ta, ấy thế mà anh nông dân đã cảm phục trước hành động của nhà vua đến nỗi không dám sử dụng chiếc cày đó nữa. Còn đối với chúng ta, Đức Giêsu là một vị Thiên Chúa, đã xuống thế làm người, mặc lấy xác phàm như chúng ta, để ở với chúng ta, chúng ta phải đối xử với Người như thế nào ?
Lm Giuse Đỗ Văn Thụy
[1] Lm Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.88-89
[2] Cha Mark Link, S.J, Khám phá của Emmanuel
[3] Lm Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg.90