Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CHÚA BA NGÔI, NĂM C, CỦA JOS. VINC. NGỌC BIỂN

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CHÚA BA NGÔI, NĂM C, CỦA JOS. VINC. NGỌC BIỂN

LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA BA NGÔI TRONG TRẦN GIAN

(Cn 8,22-31; Rm 5,1-5; Ga 16,12-15)

Jos. Vinc. Ngọc Biển

CHUABANGOI-LTXHôm nay, phụng vụ Giáo Hội mừng trọng thể mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là mầu nhiệm mẹ trong tất cả các mầu nhiệm.

Vì thế, mọi cử hành phụng vụ đều hướng về mầu nhiệm này như là điểm quy chiếu, mấu chốt, cốt lõi phát sinh mọi nguồn thiện hảo do lòng xót thương của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Trong lịch sử cứu độ, mọi diễn biến của vũ trụ và con người từ khi tạo dựng trời đất, muôn vật, đến thời Đức Giêsu xuống thế làm người, chịu chết, sống lại và lên trời cho đến khi Chúa Thánh Thần hiện xuống tới nay, đều có sự hợp nhất trong mọi hoạt động của cả Ba Ngôi.

Tuy nhiên, để cho dễ hiểu, Giáo Hội hướng về Chúa Cha là Đấng tạo dựng trời đất, muôn vật, muôn loài. Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hóa trần gian. Qua đó, chúng ta dễ dàng hiểu về sự hiệp nhất trong đa dạng của Ba Ngôi Thiên Chúa.

  1. Lòng thương xót của Chúa Cha trong lịch sử cứu độ

Khởi đi từ công trình tạo dựng: Kinh Thánh diễn tả tình trạng hỗn mang trước khi được Thiên Chúa chúc lành. Sự trật tự chỉ có khi Người can dự, tác tạo cũng như phân chia vai trò và phú bẩm đặc tính cho từng loài.

Đỉnh cao của công trình tạo dựng ấy là việc sáng tạo con người giống hình ảnh Người. Người còn cho con người vinh hạnh cộng tác vào công trình tạo dựng ấy qua việc tác sinh và trông nom, canh tác “Vườn”. Đây là đặc trưng biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa.

Nhưng Tổ tông đã không nghiệm được lòng thương xót ấy, nên đã kiêu ngạo, phản bội, bất trung với Thiên Chúa. Vẫn một dạ thương xót, nên Người đã không bỏ mặc. Ngược lại, ngay lập tức, Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Độ sẽ đến để chuộc những gì đã mất.

Cứ thế, trong suốt dọc dài lịch sử thời Cựu Ước, Thiên Chúa luôn theo sát dân Người như hình với bóng để xót thương con người cách đặc biệt. Vì thế, Người không màng chi đến những lời than phiền, trách móc, bất trung, vô ơn, phản bội của họ.

Tình thương ấy không phải trong khái niềm trừu tượng, nhưng nó được hiện tại hóa nơi những hành vi của Người như: giải cứu dân thoát khỏi biết bao tai ương, hoạn nạn; đưa dân từ cảnh nô lệ trở về Đất Hứa trong tư cách của người tự do; nuôi sống dân bằng “Bánh Bởi Trời và Nước từ tảng đá vọt ra”. Người đã gửi nhiều vị trung gian đến để giải thoát dân khỏi đau khổ thể xác, bình an tâm hồn, đồng thời dẫn dân đi trong đường lối xót thương để được cứu độ.

Tuy nhiên, khi yêu thương như vậy, lòng dạ Thiên Chúa vẫn chưa thỏa lòng, nên vào thời sau hết, Người đã trao tặng cho nhân loại chính Con Một dấu ái của mình là Đức Giêsu, để Ngài trực tiếp mạc khải trọn vẹn về lòng xót thương của Thiên Chúa cho nhân loại.

  1. Lòng thương xót của Đức Giêsu nơi công trình cứu chuộc

Đến lượt Đức Giêsu, Ngài đã đến trần gian như một người nghèo. Nghèo đến độ cha mẹ Ngài không đủ tiền để thuê một phòng trọ cho đàng hoàng nơi đêm vắng hoang vu để Ngài hạ sinh. Cũng chính cái nghèo này mà Ngài phải giáng trần trong hang bò lừa hoang vu giá lạnh. Vì thế, những người biết đến để thờ lạy chẳng ai khác, họ cũng là những mục đồng nghèo và những người xa lạ như ba nhà Chiêm Tinh.

Cuộc đời ấu nhi của Đức Giêsu không được êm ả ngay từ lúc mới chào đời… nên chỉ ít hôm sau khi sinh, Ngài đã phải cùng với cha mẹ mình chạy trốn sự tàn độc của con cáo già Hêrôđê gây nên.

Trong suốt thời gian sống tại gia đình nơi làng quê Nazaretz, Đức Giêsu sống bình thường giản dị như bao người thời đó.

Hết thời gian ấy, Ngài ra đi thi hành sứ vụ. Tuy là Con Thiên Chúa, Ngài cũng không dành cho mình những đặc quyền, đặc lợi, nhưng vẫn sống tinh thần nghèo. Nghèo đến độ: “Con cáo có hang, chim trời có tổ, con người…”. Ngài cũng không tìm đến với những người mũ mão cân đai, lắm tiền nhiều bạc, quyền cao chức trọng trong dân. Ngược lại, luôn “chạnh lòng thương” đến với những người cùng đinh của xã hội. Họ là những người nghèo về tinh thần lẫn vật chất. Họ cũng là những người thấp cổ bé họng, luôn bị áp bức, bóc lột… nên khi đến, Đức Giêsu đã giải thoát họ cả về tinh thần lẫn thể xác… Vì thế, cái giá phải trả đó chính là sự phản bội của môn đệ, bị bắt bớ, mạ lỵ, vu vạ, đánh đập và giết chết như một tử tội…

Như vậy, cả cuộc đời Đức Giêsu, Ngài luôn làm lộ hiện lòng thương xót của Thiên Chúa trên nhân loại và từng người, để con người hiểu được tâm tư, lòng dạ thương xót của Thiên Chúa, và chính họ cũng biết thương xót như đã được xót thương…

Con đường ấy không kết thúc khi Ngài trở về trời, nhưng đã được chuyển trao cho Chúa Thánh Thần, để Người tiếp nối con đường thương xót của Thiên Chúa nơi các chứng nhân qua việc bảo trợ và thánh hóa.

  1. Lòng thương xót của Chúa Thánh Thần qua việc thánh hóa

Nói về thời của Chúa Thánh Thần, chúng ta nghĩ ngay đến vai trò thánh hóa và bảo trợ Giáo Hội.

Người thánh hóa Giáo Hội, để Giáo Hội như người mẹ, luôn trung thành với sứ mệnh xót thương nhân loại đã được Đức Giêsu ủy thác. Đồng thời, luôn trở thành những sứ giả phản chiếu sự trung thực của lòng thương xót Chúa đến với anh chị em. Ngõ hầu tâm tư của người môn đệ được quyện hòa vào thao thức của Đức Giêsu, để những người tiếp bước không bị rơi vào vòng luẩn quẩn của sự ác nhân, thất đức, cũng như những tiện nghi sang trọng không phù hợp với đường thương xót của Thiên Chúa và những giá trị Tin Mừng.

Bên cạnh đó, Chúa Thánh Thần luôn biến đổi những con người khô khan, nguội lạnh, ác độc…, trở nên những con người sốt sắng, đạo đức và nhân hậu…

Lòng thương xót ấy còn được thể hiện qua việc Người luôn bảo vệ Giáo Hội khỏi biết bao nguy khốn đang ngày đêm tấn công. Vì thế, Người luôn bào chữa, phù trợ, để giúp cho các chứng nhân khôn ngoan trước những chất vấn về niềm tin và hy vọng của con người.

Có lẽ điều quan trọng hơn cả, đó là Chúa Thánh Thần luôn thánh hóa để người muôn nước được hiệp thông với nhau trong đức tin, đức cậy, đức mến. Để dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, Giáo Hội vẫn là một Giáo Hội hiệp nhất trong đa dạng theo khuôn mẫu của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Như vậy, Chúa Thánh Thần luôn ở bên chúng ta như hình với bóng, như hơi thở, như ánh sáng…, để giúp chúng ta yêu mến, tôn thờ Thiên Chúa cho phải đạo. Qua đó, chúng ta được hưởng trọn vẹn lòng thương xót của Thiên Chúa.

  1. Tin Thiên Chúa là làm cho lòng thương xót của Người được hiện tại hóa

Mừng lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy yêu mến, cậy trông và tin thờ Chúa Ba Ngôi hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực. Đồng thời biết quy hướng về Người trong mọi chiều kích như là điểm khởi đầu và cùng đích của chúng ta.

Tuy nhiên, “đức tin không có việc làm là đức tin chết”, vì thế, việc yêu mến, cậy trông và tin thờ ấy không chỉ dừng lại ở việc khấn nguyện, kinh sách, lễ lạy… nhưng thiết nghĩ, trách nhiện của chúng ta là phải làm cho hình ảnh của Thiên Chúa được hiện tại hóa trong cách ăn nết ở, để người ta thấy cách sống của mình, họ nhận ra khuôn mặt và lòng dạ thương xót của Thiên Chúa.

Những biểu hiện đó có thể là: một nghĩa cử hiệp thông với những người bị áp bức, bóc lột, đối xử bất công…; một đôi tai và trái tim nhạy bén với những dấu chỉ thời đại; một đôi tay nhân ái, một đôi chân bước ra khỏi sự an toàn để đến với những trẻ em mồ côi, người tàn tật, neo đơn; một ánh mắt cảm thông với những người tội lỗi, để tìm cách đưa họ về nẻo chính đường ngay…

Khi lựa chọn những hành vi đó, ấy là chúng ta đang làm cho đường thương xót của Thiên Chúa từ trời đến với con người và làm cho con người được đi trong đường thương xót ấy để về trời.

Lạy Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần, xin xót thương và ban ơn cứu độ cho chúng con. Xin cũng ban cho chúng con được trở nên chứng nhân của lòng thương xót Chúa trong cuộc sống hằng ngày nơi xã hội hôm nay. Amen.

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG