Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Lễ Chúa Ba Ngôi, năm A của LM Đan Vinh

Suy niệm Tin mừng Lễ Chúa Ba Ngôi, năm A của LM Đan Vinh

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI A

Xh 34,4b-6.8-9 ; 2 Cr 13,11-13 ; Ga 3,16-18

 

HIỆP THÔNG CHIA SẺ NOI GƯƠNG CHÚA BA NGÔI

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 3,16-18

(16) Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (17) Quả vậy, Thiên Chúa sai Con Một của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ. (18) Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án, nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh Con Một Thiên Chúa.

2. Ý CHÍNH:

Tin Mừng lễ Chúa Ba Ngôi trích trong cuộc đàm thoại ban đêm giữa Đức Giê-su với ông Ni-cô-đê-mô về ơn tái sinh để được vào Nước Trời mà Người muốn thiết lập. Sau khi cho ông này biết điều kiện để đón nhận ơn cứu độ là phải được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, Đức Giê-su đã mặc khải cho ông về tình yêu của Thiên Chúa: Thiên Chúa đã cứu độ thế gian bằng cách sai Con Một của Người xuống trần để chịu chết đền tội thay cho thế gian (14-16). Ai tin vào Người Con ấy thì mới được hưởng hồng ân cứu độ của Người (17-18).

3. CHÚ THÍCH:

– C 16: + Thiên Chúa đã yêu thế gian: Thế gian ám chỉ toàn thể vũ trụ mà trong đó nhân loại là thành phần quan trọng nhất (x. Ga 3,16), nhưng ở chỗ khác, thế gian lại ám chỉ bọn đầu mục Do thái là những kẻ luôn để tâm thù ghét và chống đối Đức Giê-su (x. Ga 12,31; 1 Ga 2,16-17). Câu này diễn tả một sự thật mới mẻ, vì truyền thống Do thái trước đó chỉ đề cập đến việc Thiên Chúa yêu thương Ít-ra-en là con dân của Người. + Con Một của Người: Trong kinh tin kính, Giáo Hội dạy: “Tôi tin kính Đức Giê-su Ki-tô là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng ta. Như vậy Đức Giê-su có hai bản tính: Một là bản tính Thiên Chúa và hai là bản tính loài người, nhưng Người chỉ có một Ngôi là Ngôi Con hay Ngôi Lời. Việc Chúa Cha ban Con Một để cứu chuộc thế gian là một dấu chứng rõ ràng biểu lộ tình yêu tột đỉnh của Ngài đối với thế gian (x. 1 Ga 4,9-10). + Ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết: Niềm tin vào Ngôi Con là điều kiện để được hưởng ơn cứu độ của Chúa Giê-su và được sống muôn đời.

– C 17: + Không phải để lên án thế gian: Sứ mạng của Con Thiên Chúa đến thế gian không phải để kết án thế gian nhưng để cứu chuộc họ (x. 1 Ga 4,14). + Tại sao nơi khác Đức Giê-su lại phán: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử, cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù” (Ga 9,39) ?: Thực ra điều Thiên Chúa muốn là sai Con Một đến để ban ơn cứu độ cho thế gian. Nhưng thế gian có nhận được ơn cứu độ đó hay không là tùy theo thái độ đáp trả của họ là tin nhận hay từ chối Người. Chính sự lựa chọn này làm nên việc xét xử: Tin nhận Chúa Giê-su thì được cứu, nghĩa là được hưởng ơn tha tội, được giao hòa với Chúa Cha và được tham phần vào sống muôn đời với Người, giống như một người bị mù vốn không nhìn thấy, nhưng giờ đây lại được xem thấy. Còn ai từ chối Chúa Giê-su là tự lên án mình, tự loại mình ra khỏi ơn cứu độ của Người. Các đầu mục dân Do thái tuy sáng mắt nhưng vì cứng lòng tin, không nhận Người là Đấng Thiên Sai, nên họ đã trở thành mù tối.

– C 18: + Ai tin vào Con của Người thì không bị kết án: Tin ở đây không phải chỉ bằng lời nói “Lạy Chúa, Lạy Chúa !”, nhưng bằng việc làm theo thánh ý Thiên Chúa, biểu lộ qua sự thực hành lời Chúa Giê-su dạy” (x. Mt 7,21.24). Thánh Phao-lô cũng nói: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được ơn cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; Có xưng ra ngoài miệng mới được ơn cứu độ… Vì tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát” (x. Rm 10,9-10.13). + Nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi: Sứ mạng của Đức Giê-su là ban sự sống, ban ơn cứu độ cho những ai tin Người. Ai cố tình không chấp nhận Ngôi Lời Nhập Thể, nghĩa là không tin vào Danh Con Một Thiên Chúa (x Ga 6,64), là đã tự loại mình ra khỏi ơn cứu độ, đồng nghĩa với việc đã tự kết án chính mình. + Vì đã không tin vào Danh của Con Một Thiên Chúa: Danh Con Một Thiên Chúa là chính Chúa Giê-su (x. Ga 2,23; 1 Ga 3,23). Chỉ những ai tin và liên kết với Chúa Giê-su, nhìn nhận và kêu cầu quyền năng của Người mới được ơn cứu độ (x. Pl 2,9-11; Cv 10,43).

4. HỎI ĐÁP:

– HỎI 1) Chúa Giê-su đã dạy gì về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi?

ĐÁP:

Trong Tin Mừng Gio-an, Đức Giê-su đã nói nhiều về mối liên hệ mật thiết giữa Người với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần vào cuối bữa tiệc Vượt Qua (x. Ga 14.15.16.17). Tin Mừng Mát-thêu ghi lại lời Đức Giê-su mặc khải về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trước khi lên trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (x. Mt 28,19). Mát-thêu cũng ghi lại cuộc thần hiện tại sông Gio-đan như sau: “Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và kìa có tiếng từ trời phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16-17). Tiếng phán từ trời, Đức Giê-su và hình chim bồ câu là biểu tượng của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thánh Phao-lô cũng dạy về mầu nhiệm Ba Ngôi trong lời nguyện chúc : “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Amen” (2 Cr 13,13). Tin Mừng Lu-ca và sách Công Vụ Tông Đồ lại trình bày lịch sử cứu độ theo chiều kích Ba Ngôi: Thời kỳ Cựu Ước là kỷ nguyên của Chúa Cha, thời kỳ cứu thế rao giảng Tin Mừng là kỷ nguyên của Chúa Con, và thời kỳ Giáo Hội được khai sinh và phát triển đến “tận cùng thế giới” hay thủ đô Rô-ma là kỷ nguyên của Chúa Thánh Thần.

– HỎI 2) Thánh Kinh trình bày mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi như mầu nhiệm Tình Yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa thế nào ?

ĐÁP:

– Chúa Cha luôn hiện hữu và sinh ra Chúa Con từ trước khi có thời gian (x. Tv 2,7).

– Chúa Cha yêu mến Chúa Con và ban cho Chúa Con mọi quyền xét xử (x. Ga 5,20.22).

– Chúa Con chính là hình ảnh của Chúa Cha (x. Ga 14,9-10),

– “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14,11)

– “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30).

– Chúa Giê-su luôn vâng phục và làm theo thánh ý Chúa Cha (x. Ga 5,19).

– Tình yêu hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con nhiệm xuất ra Chúa Thánh Thần (x. Ga 15,26).

– HỎI 3) Ta có thể dùng những hình ảnh nào để minh họa mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi ?:

ĐÁP:

– Nhà thần học PHĂNG SÍT (Frank Sheed) đã dùng hình ảnh mưa rơi để giúp người ta hiểu phần nào về mầu nhiệm đơn nhất và đa dạng của Chúa Ba Ngôi như sau: “Nước đang mưa thực sự là nước, nhưng có thể xuất hiện bằng ba dạng khác nhau là: dạng hơi nước, dạng băng đá và dạng nước mưa như ta thấy”.

– Thánh I-nha-xi-ô lần kia khi đang cầu nguyện chợt nghĩ ra “ba nốt nhạc có thể làm thành một hợp âm duy nhất” cũng giống như Ba Ngôi hiệp nhất trong một bản thể duy nhất.

– Thánh Pa-tríck thường dùng hình ảnh lá cây tam diệp thảo do ba lá nhỏ ghép lại thành một lá lớn.

– Có người khác lại dùng một hình tam giác đều có ba cạnh ba góc bằng nhau để diễn tả mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi này.

– Ngòai ra chúng ta cũng có thể dùng một hình ảnh đời thường để minh họa phần nào về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi như sau: Một người đàn ông lấy vợ và có con thì tuy anh ta chỉ là một người, nhưng lại có ba vai trò khác nhau: Làm “cha” nên được con gọi: “Ba ơi”; Làm “con” nên được bố đẻ gọi: “Con ơi”; Làm “chồng” nên được vợ gọi : “Anh ơi”.

– HỎI 4) Vai trò của mỗi Ngôi Thiên Chúa đối với loài người chúng ta như thế nào ?

ĐÁP:

– Ngôi Cha dựng nên ta: Thiên Chúa Cha (Ngôi thứ Nhất) đã sáng tạo nên vũ trụ vạn vật. Đặc biệt loài người, được Thiên Chúa tạo thành theo hình ảnh của Người, nghĩa là có linh hồn thiêng liêng bất tử và có tình yêu thương (x. St 1,37).

– Ngôi Con cứu chuộc ta: Khi nguyên tổ loài người nghe theo ma quỷ cám dỗ phạm tội bất phục tùng và phải chết, thì Thiên Chúa Cha đã hứa ban Chúa Con (Ngôi thứ Hai) xuống thế để cứu chuộc loài người là Chúa Giê-su. Chúa Giê-su đã thi hành sứ mạng cứu chuộc ấy bằng việc mở ra một con đường về trời gọi là “đạo Công giáo”. Người đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời trong thời gian gần 3 năm để dạy loài người nhận biết tôn thờ và sống hiếu thảo với Thiên Chúa Cha. Vào lúc cuối đời, Người đã sẵn sàng vâng theo ý Chúa Cha để đi con đường “Qua đau khổ vào vinh quang”, sẵn sàng chịu chết trên thập giá để đền tội thay loài người và sống lại để ban ơn cứu độ loài người.

– Ngôi Thánh Thần thánh hóa ta: Sau khi sống lại, Chúa Giê-su Phục Sinh đã thổi hơn ban Chúa Thánh Thần (Ngôi thứ Ba) cho các Tông đồ. Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ khác, là Thần Chân Lý, do Chúa Cha sai đến để thay Chúa Giê-su tiếp tục dạy dỗ các môn đệ (x. Ga 14,16). Trong thời Cưu Ước, Thánh Thần đã dùng các ngôn sứ mà phán dạy loài người. Đến thời Tân Ước, Thánh Thần đã như chim bồ câu ngự xuống trên Đức Giê-su sau khi chịu phép Rửa tại sông Gio-đan, để tấn phong Người làm Đấng Thiên Sai (x Mt 3,16-17). Sau đó, Thánh Thần hướng dẫn Đức Giê-su vào sa mạc để chịu ma quỷ thử thách cám dỗ (x Mt 4,1-11), và sau đó đi khắp nơi rao giảng Tin mừng Nước Trời (x Mt 4,17). Thánh Thần cũng làm cho Đức Giê-su từ cõi chết sống lại. Vào buổi chiều ngày phục sinh, Chúa Giê-su đã hiện ra sai các Tông đồ tiếp tục sứ mạng của Người. Rồi thổi hơi ban Thánh Thần cho các ông kèm theo quyền tha tội (x Ga 20,20-23). Vào lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần lại hiện xuống trên Hội Thánh Sơ Khai dưới dạng một cơn gió mạnh ào vào nhà nơi các Tông đồ đang cầu nguyện và làm xuất hiện trên đầu mỗi vị một hình lưỡi lửa (x Cv 2,1-4). Từ đây Thánh Thần luôn hiện diện trong Hội Thánh để thánh hóa các tín hữu qua các phép bí tích, giúp các vị Mục Tử chu toàn sứ mạng chăm sóc đoàn chiên Hội Thánh và làm chứng nhân cho Chúa Giê-su đến tận cùng thế giới (x. Ga 15,26).

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,7-8).

2. CÂU CHUYỆN:

Trong tác phẩm “Anh phải sống”, nhà văn Nhất Linh đã kể lại một câu chuyện cảm động, nói lên tình nghĩa phu thê và tình mẫu tử bao la như sau: Có hai vợ chồng tiều phu nghèo khó, sống bên một dòng sông. Hằng ngày, ngay từ sáng sớm, hai vợ chồng đã thức dậy cùng nhau bơi thuyền vào rừng, chặt củi cột thành từng bó, rồi chất lên thuyền mang ra chợ bán lấy tiền nuôi hai đứa con còn thơ. Rồi một ngày nọ, đang lúc chèo thuyền từ rừng về thì trời đột nhiên nổi cơn giông bão, chiếc ghe đầy củi của họ không thể chịu nổi cơn sóng to gió lớn nên đã bị lật úp giữa dòng sông nước chảy cuồn cuộn. Cũng may là họ đã ôm được một khúc cây to và dìu nhau bơi vào bờ. Nhưng khi gặp chỗ nước sóay, cả hai bị nước cuốn trôi mất khúc cây. Bấy giờ anh chồng một tay ôm vợ, tay kia tiếp tục bơi. Thấy chồng dần dần kiệt sức và cả hai sắp bị chết chìm, chị vợ nghĩ đến hai đứa con thơ nên đã thều thào nói với chồng: “Anh phải sống để nuôi con anh nhé !”, rồi chị âm thầm buông tay chồng, tự nguyện chịu chết để anh đủ sức bơi vào bờ. Chị đã vì yêu thương nên sẵn sàng chịu chết để chồng con mình được sống.

3. SUY NIỆM:

Ngày nay để thực thi tình yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi, mỗi người chúng ta cần thực hành giới răn “mến Chúa yêu người” cách cụ thể như sau:

1. YÊU MẾN CHÚA BA NGÔI: Phải làm sao để Thiên Chúa Ba Ngôi hiện diện trong cuộc sống của chúng ta. Một phương cách dễ dàng thực hiện nhất đó là mỗi ngày hãy dành ra ba phút để cầu nguyện với Chúa Ba Ngôi trước khi đi ngủ như sau: Đầu tiên làm dấu thánh giá để tuyên xưng đức tin vào mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Tiếp đến sẽ dành ra 3 phút để càu nguyện với từng Ngôi một như sau:

+ Phút thứ nhất cầu nguyện với Chúa Cha: Hãy nghĩ đến những ơn lành Thiên Chúa đã ban cho ta từ sáng đến giờ như: cho ta được nhận biết tin thờ Chúa, giúp ta giải quyết được nỗi khó khăn đang gặp phải, giúp ta làm chủ được cơn giận trước những lời khích bác vu khống của kẻ thù ghét mình… Rồi dâng một lời cầu để chúc tụng và tạ ơn Chúa Cha.

+ Phút thứ hai: Tìm ra những điều ta đã sai lỗi trong ngày qua, như đã tỏ ra dửng dưng khi thấy một người không quen gặp phải tai nạn và đang cần được trợ giúp…, rồi dâng một lời cầu nguyện để xin Chúa Giê-su tha tội thiếu sót bổn phận trợ giúp tha nhân.

+ Phút thứ ba: Nhớ đến những sự khó khăn ta đang gặp phải cả về tinh thần cũng như vật chất. Chẳng hạn như đứa con của chúng ta trốn học đi chơi. Hoặc khi ta bị một món nợ sắp đến hạn thanh toán mà chưa có tiền trả… Rồi dâng một lời cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng giúp chúng ta tìm ra phương cách hữu hiệu để hóa giải, đồng thời sẵn sàng chấp nhận những trái ý để vâng theo ý Chúa Cha như Chúa Giê-su trong vườn cây dầu (x. Mt 26,42).

Việc cầu nguyện này bao gồm cả bốn phương diện là ca tụng, tạ ơn, sám hối và xin ơn và giúp chúng ta sống mầu nhiệm Ba Ngôi trong tư tưởng, lời nói đến việc làm.

2. YÊU THƯƠNG THA NHÂN: Càn phải sống tình yêu thương thực sự. Tin Mừng hôm nay cho biết tình yêu thực sự phải mang các đặc tính của tình yêu nơi Thiên Chúa như sau:

+ Tình yêu hiệp nhất: Noi gương Thiên Chúa Ba Ngôi tuy khác biệt nhau nhưng hiệp nhất trong cùng một bản thể, chúng ta cũng cần vượt qua sự khác biệt nhau để sống hòa hợp, cùng tồn tại và phát triển theo ý Chúa muốn. Chính nhờ có sự khác biệt này mà con người mới trở nên phong phú đa dạng hơn, với  điều kiện phải yêu thương nhau noi gương Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhờ tình yêu Chúa thôi thúc, chúng ta sẽ biết chấp nhận sự khác biệt và đối thoại để hòa hợp và cộng tác với nhau để phát triển, thay vì tranh cãi hơn thua và loại trừ nhau. Bạn có chấp nhận sự hiệp nhất trong đa dạng noi gương Chúa Ba Ngôi không ?

+ Tình yêu vị tha: tình yêu thực sự đòi ta phải năng nghĩ đến người mình yêu và mong họ được hạnh phúc như lời Chúa Giê-su: “Mục tử tốt lành sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11). Tình yêu chân chính sẽ tìm làm cho người yêu vui vẻ hạnh phúc noi gương Chúa Giê-su yêu thương đoàn chiên: “Thầy đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Bạn có yêu cha mẹ và những người thân của bạn như vậy không ?

+ Tình yêu dâng hiến: Tình yêu thực sự đòi phải hy sinh cho người mình yêu noi gương Thiên Chúa như lời Chúa dạy: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài”. Đức Giê-su được sai xuống trần gian để “hy sinh mạng sống cho đoàn chiên” (Ga 3,16a; 10,11). Chính Người đã dạy: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Vậy bạn có dám hy sinh chịu thiệt về tiền bạc và sức khỏe để người mình yêu được khỏe mạnh và hạnh phúc không ?

+ Một tình yêu cao cả: Thánh Gio-an viết: Thiên Chúa yêu chúng ta không phải vì chúng ta đáng yêu, nhưng “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những tội nhân” (Rm 5,8). Cũng vậy, chúng ta phải yêu hết mọi người kể cả những người không đáng yêu, những người tàn tật, tội lỗi, những kẻ đang thù ghét nói xấu và làm hại chúng ta  (x. Lc 6,27-42). Tình yêu của bạn có cao cả noi gương Thiên Chúa không, hay chúng ta chỉ yêu những người đẹp tốt đáng yêu và yêu những ai yêu mình mà thôi ?

+ Một tình yêu tôn trọng: Tình yêu của Thiên Chúa không chiếm hữu hay cầm tù người yêu nhưng luôn tôn trọng tự do của lòai người. Người chỉ nêu nguyên tắc chung: “Ai tin thì được sống đời đời. Còn kẻ không tin thì đã bị kết án”. Thánh Phao-lô cũng viết: “Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7). Tình yêu của bạn dành cho tha nhân có tự nguyện không ? Bạn có ghen tuông khi cấm cản người yêu gặp gỡ tiếp xúc với người khác không ? Bạn có tin tưởng và tôn trọng người yêu của bạn không ?

TÓM LẠI: chúng ta sẽ xa lạ với Thiên Chúa nếu chúng ta xa lạ với tình yêu thực sự như thánh Gio-an đã viết: “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8). Ước gì cuộc đời chúng ta sẽ thấm đượm tình yêu, để mọi việc chúng ta làm đều bắt nguồn từ tình yêu và đều qui hướng về tình yêu Thiên Chúa, khi chúng ta biết luôn nghĩ đến tha nhân, sẵn sàng chia sẻ và khiêm nhường phục vụ mọi người, nhất là phục vụ những người nghèo khổ bất hạnh và đang bị bỏ rơi…

4. THẢO LUẬN:

1) Hãy cho biết những hình ảnh nào được dùng để diễn tả mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi và bạn thích hình ảnh nào nhất ? Tại sao ? 2) Bạn sẽ làm gì để sống kết hiệp với Chúa Ba Ngôi và sống yêu thương phục vụ mọi người ?

5. CẦU NGUYỆN:

– LẠY CHÚA BA NGÔI LÀ TÌNH YÊU. Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi lộc vật chất, xin dạy con biết phục vụ trong khiêm tốn và vô vụ lợi. Giữa một thế giới muốn thống trị và ham hưởng thụ, xin dạy con biết yêu thương cách quảng đại và biết khiêm nhường tự hiến. Giữa một thế giới có nhiều phe phái chia rẽ nhau, xin dạy con luôn sống hiệp thông và có tinh thần trách nhiệm cao. Giữa một thế giới đầy thành kiến và kỳ thị giai cấp, màu da, phái tính… xin dạy con biết nhìn mọi người đều là anh chị em và chân thành yêu thương họ.

– LẠY CHÚA BA NGÔI CHÍ THÁNH. Chúa là mẫu gương của một tình yêu hoàn hảo. Xin hãy biến đổi trái tim sơ cứng như đá của chúng con nên trái tim bằng thịt biết yêu thương. Xin dạy chúng con yêu thương hết mọi người, biết sống nhờ và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh. Xin cho chúng con luôn thấy Chúa Giê-su đang hiện diện trong chúng con và trong mọi người. Nhờ tình yêu Chúa thôi thúc, chúng con hy vọng sẽ ngày một trở nên con hiếu thảo của Chúa Cha và nên anh chị em của mọi người.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH –  HHTM

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN