Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Lễ Chúa Ba Ngôi, của LM Đan Vinh

Suy niệm Tin mừng Lễ Chúa Ba Ngôi, của LM Đan Vinh

 

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 9 TN- LỄ CHÚA BA NGÔI ABC

Đnl 4,32-34.39-40 ; Rm 8,14-17 ; Mt 28,16-20.

 

YÊU THƯƠNG HIỆP NHẤT CHIA SẺ NHƯ CHÚA BA NGÔI

I. HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Mt 28,16-20.

(16) Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. (17) Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. (18) Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. (19) Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. (20) Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.

2. Ý CHÍNH:

Trong bài Tin mừng của thánh Mát-thêu hôm nay, Đức Giê-su Phục Sinh hẹn các Tông đồ đến một ngọn núi tại miền Ga-li-lê. Ở đó sau khi tuyên bố đã được Chúa Cha cho toàn quyền trên trời dưới đất, Người sai các ông đi khắp nơi thâu nạp môn đồ cho Người, làm phép rửa cho họ “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Người cũng hứa sẽ ở cùng các ông mọi ngày cho đến tận thế.

3. CHÚ THÍCH:

-C 16-17: + Mười một môn đệ: Đây là Nhóm Mười Hai, nhưng thiếu Giu-đa, kẻ phản bội, và Mát-thi-a chưa được bổ sung vào danh sách thế chỗ cho Giu-đa (x. Cv 1,15-26). Nhóm này là Tông Đồ Đoàn được trao quyền lãnh đạo Hội Thánh. Còn về Giu-đa Ít-ca-ri-ốt: khi thấy Thầy Giê-su sắp bị kết án tử hình, Giu-đa đã hối hận. Hắn liền đem ba mươi quan tiền trả lại cho các đầu mục Do thái nhưng đã bị từ chối. Giu-đa thất vọng đã ném tiền vào cung thánh Đền thờ rồi đi thắt cổ tự tử (x. Mt 27,3-5). + Đi tới miền Ga-li-lê: Tức là đến miền đất dân ngoại theo chỉ thị của Chúa Phục Sinh qua bà Ma-ri-a Mác-đa-la (x. Mt 28,10), và cũng để noi gương Đức Giê-su đã bắt đầu rao giảng Tin Mừng Nước Trời tại xứ Ga-li-lê (x. Mt 4,12-17), + Đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến: Ngày nay người ta không thể xác định đây là núi nào. Nhưng có lẽ Mát-thêu chỉ muốn nói đến quả núi với ý nghĩa tượng trưng: Núi là nơi Thiên Chúa gặp gỡ và mặc khải cho loài người. Chẳng hạn : Đức Chúa đã trao Thập Giới cho Mô-sê trên núi Khô-rép (x. Xh 24,13.15.18). Đức Giê-su cũng đã công bố Hiến Chương Nước Trời hay Tám Mối Phúc Thật trên núi, nên còn gọi là “Bài Giảng Trên Núi” (x. Mt 5,1-7,27). +Thấy Người, các ông bái lạy: Sau nhiều lần hiện ra để củng cố niềm tin cho môn đệ, trước khi về trời Chúa Phục Sinh đã hiện ra để trao sứ vụ loan Tin mừng phổ quát cho các ông. Cử chỉ bái lạy nói lên các ông đã tin Chúa Giê-su là “Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa”. + Nhưng có mấy ông lại hoài nghi: Câu này xem ra mâu thuẫn với thái độ bái lạy vừa nói. Thực ra, hoài nghi là thái độ phải xảy ra nơi các môn đệ trước khi các ông đạt tới đức tin hoàn hảo. Chắc là Mát-thêu muốn nói đến sự hoài nghi đã xảy ra trước đó mà ngài chưa lần nào đề cập đến. Như vậy đây chỉ là một sự trục trặc về lối hành văn, chứ không mâu thuẫn về mặt tư tưởng. Ngoài ra cũng có người cho rằng: Vì đây là cuộc hiện ra để “trao sứ vụ” cho Nhóm Mười Một đại diện Hội Thánh, nên sự hoài nghi ở đây chính là sự hòai nghi nói chung của Hội Thánh xưa nay: Mầu nhiệm Phục Sinh tuy là một sự thật hiển nhiên, nhưng vẫn luôn có những người hoài nghi.

-C 18-19: +Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất: Lúc khởi đầu sứ mạng, cũng trên núi cao, Đức Giê-su đã từ chối quyền hành trên các nước thế gian do Xa-tan hứa ban (x. Mt 4,8-10). Nhưng giờ đây Người tuyên bố: Người đã được Thiên Chúa trao toàn quyền trên trời dưới đất, ứng nghiệm lời tuyên sấm của Ngôn sứ Đa-ni-en về sứ mạng của Con Người như sau: “Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; Muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; Vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong, khác hẳn với mọi vương quốc. Nó sẽ ăn hết toàn cõi đất, sẽ dẫm nát và nghiền tan” (Đn 7,14). + Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ: Hội Thánh phải dùng quyền Đức Giê-su ban để nhân danh Người mà làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Người. Trước hết là dân Do Thái (x. Mt 10,5-6), rồi đến mọi dân nước trên thế giới (x. Mt 8,11). +Làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần:  Để người ta trở nên môn đệ Đức Giê-su, các Tông đồ phải làm phép rửa tái sinh họ bằng nước và Thần Khí (x. Ga 3,3.5). Phép rửa được cử hành nhân danh Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (x. Mt 28,19).

-C 28,20: +Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em: Sứ vụ được trao các Tông đồ cũng gồm cả quyền dạy dỗ các tín hữu cho tới khi Hội Thánh đạt tới tình trạng viên mãn (x. Ep 1,23).+Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế: Chúa Phục Sinh hứa sẽ luôn ở trong Hội Thánh cho đến tận thế nhờ Thánh Thần và qua các mục tử, để giúp Hội Thánh chu toàn sứ vụ “được sai đi”. Như vậy Đức Giê-su chính là “Đấng Em-ma-nu-en: Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23).

4.CÂU HỎI:

1)Tại sao chỉ có mười một Tông đồ hiện diện lúc Chúa lên trời?

2)Số phận của Giu-đa Ít-ca-ri-ốt thế nào sau khi phản nộp Thầy?

3)Tại sao Chúa Phục Sinh truyền cho các Tông đồ trở về Ga-li-lê?

4)Ngọn núi Chúa truyền cho các Tông đồ đến là núi nào?

5)Mấy kẻ còn hoài nghi gồm những ai và hoài nghi về điều gì?

6) Đức Giê-su đã từ chối quyền hành trên các nước thế gian, do Xa-tan hứa ban khi nào?

7) Đức Giê-su đã được ai trao toàn quyền trên trời dưới đất, hầu ứng nghiệm với sấm ngôn của vị Ngôn sứ nào? Lời tuyên sấm ấy nội dung ra sao?

8)Chúa truyền cho Hội Thánh phải làm cho những ai trở thành môn đệ của Người?

9)Sau khi thâu nạp môn đệ, Hội Thánh cần tiếp tục làm gì cho họ?

10)Câu nào trong đọan Tin mừng trên chứng minh Chúa Giê-su mặc khải mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Chúa Giê-su đã cầu xin cho môn đệ hiệp nhất : “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta”… “Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một: Như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Ga 17,11b.23).

2. CÂU CHUYỆN:

1) BA NGÔI CÙNG MỘT BẢN TÍNH VÀ MỘT QUYỀN NĂNG:

Một cuộc thảo luận của nhóm thanh niên diễn ra rất sôi nổi về đề tài Chúa Ba Ngôi. Họ đã cùng thống nhất trong giáo lý căn bản như sau: Chỉ có Một Thiên Chúa duy nhất nhưng Thiên Chúa có Ba Ngôi vị là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vậy Ba Ngôi hành động thế nào ? Đây là một vấn đề mầu nhiệm khó hiểu nên cả nhóm đã xin cha linh hướng giúp đỡ:

          Cha linh hướng đã giải đáp bằng cách hỏi một anh bạn trong nhóm:

          – Này anh bạn, anh có biết chơi đàn vi-ô-lông không ?

          – Dạ, con chơi được. Anh ta trả lời.

          Và cha nói tiếp :

          – Cây đàn vi-ô-lông phát ra âm thanh ra sao? Sau khi người chơi đã cầm cây đàn đặt vào đúng vị trí, tâm trí của anh sẽ phải nghĩ về bản nhạc định chơi, và ra lệnh cho tay cầm cán dây kéo qua kéo lại vào các dây đàn thì âm thanh du dương mới có thể phát ra. Tâm trí của anh không làm ra tiếng đàn, bàn tay của anh cũng không tạo ra tiếng đàn, nhưng cả hai kết hiệp với dây đàn mới tạo ra tiếng đàn. Tuy cả ba công việc đều làm một lúc, nhưng chỉ sự cọ sát giữa các sợi dây mới làm cho cây đàn phát ra âm thanh du dương theo bản nhạc. Thiên Chúa Ba Ngôi cũng hành động phần nào giống như thế: Ngôi thứ nhất là Chúa Cha đã dùng sự khôn ngoan để sai Ngôi Lời là Chúa Con thực hiện công việc sáng tạo và cứu độ loài người với sự kết hiệp với Ngôi Ba là Chúa Thánh Thần.

          Nghe cha linh hướng giải thích nên mọi người trong nhóm đã hiểu hơn về mầu nhiêm Một Chúa Ba Ngôi.

                    (Theo sách Bài Giảng Tin Mừng Chúa Nhật năm A, tr 75 của Gm Arthur Tonne)

2) CHÀNG SINH VIÊN VÀ ÔNG GIÀ CÓ ĐỨC TIN.

Trên chuyến xe lửa từ LY-ÔNG đi PA-RI (Lyon-Paris), một thanh niên ăn mặc sang trọng, ngồi bên một ông già có dáng vẻ hơi nhà quê. Bấy giờ ông cụ tay cầm cỗ tràng hạt, mắt nhắm lại và miệng đang lẩm bẩm đọc kinh. Chờ cho ông cụ đọc kinh xong, chàng thanh niên liền gợi chuyện: “Cháu có thắc mắc là không biết tại sao đến giờ này mà ông vẫn còn tin vào những điều huyền hoặc của tôn giáo như thời Trung cổ? Chắc ông cũng tin mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Đức Mẹ sinh con mà còn đồng trinh và những chuyện đại loại như thế mà mấy ông cha sở vẫn nhai đi nhai lại trong nhà thờ chứ gì?” Ông già trả lời: “Đúng vậy! Thế còn cậu thì sao?” Chàng trai liền cười rộ lên và nói: “Cháu mà lại tin vào những điều nhảm nhí đó sao? Cháu đã khám phá ra sự thật khi học đại học. Thiết tưởng ông cũng nên bắt đầu bỏ xâu chuỗi kia đi là vừa, để dành thời giờ đọc các sách báo khoa học tiến bộ!” Ông lão liền nói: “Tôi cũng muốn được như vậy, nhưng lại không biết tìm đâu ra các sách báo khoa học đó!” Chàng thanh niên đáp: “Được rồi, cháu sẽ gửi biếu ông một số sách báo khoa học. Thế ông có biết đọc không?”. Ông cụ trả lời: “Cám ơn cậu, tôi biết đọc”. Chàng thanh niên nói: “Thế thì tốt. Nhưng xin ông cho cháu biết địa chỉ để cháu sẽ gửi sách đến cho ông”. Bấy giờ ông già liền rút từ trong túi áo ra một tấm danh thiếp trao cho chàng thanh niên. Cậu ta ngạc nhiên trố mắt lên nhìn vào mấy hàng chữ trên tấm danh thiếp: “LU-Y PÁT-TƠ (Louis Pasteur) – Viện nghiên cứu khoa học PA-RI (Paris)”. Thì ra ông cụ mà chàng thanh niên kia đánh giá là lão già mê tín hủ lậu, không ai khác hơn, lại chính là nhà bác học lừng danh Lu-y Pát-tơ, người đã được cấp nhiều bằng sáng chế khoa học và đã viết nhiều sách nghiên cứu khoa học, mà lâu nay anh vẫn say mê đọc với lòng khâm phục!

Qua câu chuyện này, chúng ta thấy vấn đề mầu nhiệm đức tin trong tôn giáo không đối lập với khoa học tự nhiên như có một số người đã lầm tưởng.

3. THẢO LUẬN:

1) Lời Chúa trong Thánh Kinh dạy gì về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi ?

2) Để noi gương yêu thương của Chúa Ba Ngôi, chúng ta cần thể hiện tình yêu là sự hiệp nhất và chia sẻ thế nào đối với người thân trong gia đình, bạn bè trong trường lớp, đoàn hội, cơ quan xí nghiệp, đặc biệt những người đang có ác cảm với chúng ta và những người đau khổ bất hạnh cần được trợ giúp?    

4. SUY NIỆM:

1) “Thiên Chúa là Tình yêu”:

Nhờ Chúa Giê-su dạy được ghi lại trong Sách Thánh mà chúng ta mới biết “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,16). Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu qua từng Ngôi như sau:

 – Ngôi Cha đã dựng nên ta: Trước khi dựng nên loài người, Thiên Chúa như một người Cha yêu con cái (Ngôi I) đã dùng Lời quyền năng (Ngôi II) sáng tạo nên vũ trụ vạn vật (x. St 1,3), và tiếp tục quan phòng để các tạo vật ấy được tồn tại, phát triển và tiến hóa ngày một nên hòan thiện hơn. Khi nguyên tổ loài người phạm tội và bị phạt tội chết, Thiên Chúa không bỏ mặc nhưng đã hứa ban Đấng Thiên Sai (Ngôi II) sẽ đến cứu chuộc loài người qua lời phán với con rắn ma quỷ (x. St 3,15).

-Chúa Con đã cứu chuộc ta: Khi tới “Giờ” đã định, Chúa Cha (Ngôi I) đã sai Con Một là Chúa Con (Ngôi II) nhập thể trong lòng Đức Ma-ri-a là Đức Giê-su Ki-tô (x. Ga 3,16). Đức Giê-su đã sinh ra cách đây 2015 năm, năm 30 tuổi Người đã được tấn phong làm Đấng Thiên Sai (x. Mt 3,16-17), Người được Thần Khí hướng dẫn đi khắp nơi thi hành sứ vụ công bố Tin mừng Nước Trời, dạy dỗ con đường về trời, làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế (x. Lc 4,17-19), sau cùng Người đã vâng theo ý Chúa Cha chịu chết trên thập giá đền tội thay cho loài người và sống lại để cứu sống loài người. Đức Giê-su là “Đấng Thiên Sai” và là “Con Thiên Chúa hằng sống” (x. Mt 16,16), là “Con rất yêu dấu luôn làm hài lòng Cha” (Mc 1,11). Người là phản ảnh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa (x. Dt 1,3). Ai thấy Người là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9). Người luôn yêu thương kết hiệp với Chúa Cha (x. Ga 17,22). Người tuy là Con Thiên Chúa nhưng không đòi ngang hàng với Thiên Chúa, hạ mình trở nên người phàm, vâng lời chịu chết trên thập giá, ngày thứ ba sống lại và được siêu tôn làm “Chúa” muôn loài (x. Pl 2,8).

-Chúa Thánh Thần thánh hóa ta: Thánh Thần là Thần Chân Lý được Đức Giê-su hứa ban cho các Tông đồ để đưa họ vào trong sự thật toàn vẹn (x. Ga 16,12-13). Vào ngày Phục Sinh, Chúa Giê-su đã  thổi hơi ban Thần Khí cho các Tông đồ (x. Ga 20,22) và sau khi lên trời Người đã đổ Thần Khí trên cộng đoàn Hội Thánh vào lễ Ngũ tuần (x. Cv 2,1-4), ban ơn soi sáng giúp lương dân có đức tin và gia nhập vào Nước Trời là Hội thánh (x. Cv 2,36-41). Từ đây, Thánh Thần trợ giúp Hội thánh chu toàn ba sứ vụ của Đức Giê-su trao ban: Một là làm ngôn sứ để rao giảng Tin mừng (x. Mt 28,19-20); Hai là làm tư tế để thánh hóa các tín hữu nhờ các phép bí tích do Chúa Giê-su thiết lập (x. Mt 26,26-28); Ba là làm vương đế để phục vụ đoàn chiên được Chúa Giê-su trao phó (x. Ga 13,12-15)…

2) Sống yêu thương noi gương Ba Ngôi Thiên Chúa:

Thánh Gio-an trong thư thứ nhất đã viết: “Thiên Chúa là Tình Yêu. Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16b). “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối: Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn chúng ta đã nhận được từ Người: “Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình”(1Ga 4,20-21). Trong ngày lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, chúng ta chọn “Gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa” làm mô hình lý tưởng để xây dựng gia đình chúng ta, xây dựng giáo xứ chúng ta thành một gia đình yêu thương và hiệp nhất vững bền như “Gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa”, như lời nhắn nhủ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: “Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô giáo là hình ảnh hiệp thông giữa ba Ngôi Thiên Chúa” (thư mục vụ gửi CĐ dân Chúa năm 2002 số 6).

3) Phải yêu thương tha nhân như thế nào ? :

– Yêu người như yêu mình: Ai cũng ích kỷ coi mình làm trọng, nên thường lấy mình làm tiêu chuẩn để yêu thương tha nhân như Tô-bi-a cha đã khuyên Tô-bi-a con: “ Điều con không thích thì cũng đừng làm cho người khác” (Tb 4,15) và lời Chúa Giê-su: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thí chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).

– Yêu người như Chúa yêu ta: Chúa Giê-su đã đến với mọi người, nhất là những kẻ bị người đời xa lánh ruồng bỏ như người phong cùi, người tội lỗi, người bệnh tật … và đã cho họ nên sạch, tha thứ tội lỗi, an ủi động viên và chia sẻ nỗi khốn cùng của họ, để cuối cùng ban ơn cứu độ cho họ. Chúa Giê-su cũng đòi môn đệ phải yeu thương cả những người không đáng yêu hoặc đang thù ghét bách hại mình. Có như vậy chúng ta mới nên con cái của Chúa Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (x. Mt 5,43-48).

– Yêu mến cách thiết thực cụ thể: Chúa Giê-su không yêu bằng đầu môi chót lưỡi (1 Gio 3,16-18), nhưng đã yêu mến cách cụ thể thiết thực. Người ban ơn cho bất cứ ai đặt trọn niềm tin nơi Người: Kẻ mù được sáng mắt, kẻ què đi được, người điếc nghe được, người câm nói được, bị quỷ ám được chữa lành, đám cưới nửa chừng thiếu rượu cũng được dư đầy rượu ngon. Tình yêu của Người thiết thực cụ thể như bà mẹ hiền chăm sóc đứa con thơ, và sau này khi đến ngày tận thế, Người sẽ đến xét xử người ta dựa vào tình yêu cụ thể đã làm đối với tha nhân như: Cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, kẻ rách rưới áo mặc, thăm viếng kẻ tù đày…

       – Yêu thương chia sẻ khiêm hạ chứ không kẻ cả ban phát: Đức bác ái Ki-tô giáo đòi phải được thực hiện trong sự khiêm hạ chứ không theo cách bọn Biệt Phái thường làm đã bị Chúa Giê-su quở trách (x. Mt 6,1-4). Chỉ có Thiên Chúa trên trời mới là nguồn mạch ban phát mọi ơn, còn chúng ta chỉ là loài thụ tạo. Mọi cái ta có đều do Chúa ban như lời thánh Phao-lô: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (1 Cr 4,7). Sự chia sẻ bao hàm sự tôn trọng tha nhân và cần thực hiện với thái độ âm thầm vì tin rằng: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35)

– Cần tập luyện thành thói quen: Để có thể yêu đến nỗi sẵn sàng hiến mạng sống mình vì anh em, trước tiên chúng ta phải tập cho từ những điều nhỏ như: “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15). Người ta chỉ có thể yêu thương tột cùng là hiến mạng sống mình vì tha nhân, khi đã tập thành thói quen yêu thương cho đi từng cái nhỏ bé như miếng cơm manh áo, cho lời sẻ chia an ủi… Cha Thánh Ma-xi-mi-lien Kol-be sở dĩ đã có thể tình nguyện chết thay cho bạn tù trong trại giam Đức Quốc Xã, là do ngài đã tập thành thói quen cảm thông với nỗi đau của tha nhân và sẵn sàng chia sẻ những điều nhỏ bé giữa đời thường.

 5. CẦU NGUYỆN:

LẠY CHÚA. Thánh Phao-lô dạy các tín hữu Cô-rinh-tô: “Tình yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tuông, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,4-7).

Xin Chúa giúp chúng con năng đến thăm những người nghèo khổ bệnh tật… như Đức Ma-ri-a đã mang thai nhi Giê-su đến thăm gia đình Gia-ca-ri-a khi xưa. Xin cho chúng con biết vui vẻ mở lời chào hỏi người khác trước noi gương Đức Ma-ri-a đã chào bà Ê-li-sa-bét trước để chia sẻ miềm vui ơn cứu độ cho thai nhi Gio-an đang trong lòng mẹ. Trong những ngày này, xin Chúa giúp chúng con biết sống hiệp thông với mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi qua thái độ khiêm nhường phục vụ tha nhân noi gương Chúa Cha đã sai Con Một nhập thể làm người để ở cùng chúng con và nêu gương yêu thương phục vụ lòai người chúng con.

X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. – Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG