Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CẦU CHO CÁC LINH HỒN, CỦA LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CẦU CHO CÁC LINH HỒN, CỦA LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

(2 Mb 12,43-45; Kh 21,1-7; Ga 11,17-27)

“Thầy là sự sống lại và là sự sống”

le-cac-linh-honTin Mừng Gioan 11,17-27:

Khi đến nơi, Đức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi.18 Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây số.19 Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời.20 Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà.21 Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết.22 Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.”23 Đức Giê-su nói: “Em chị sẽ sống lại! “24 Cô Mác-ta thưa: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.”25 Đức Giê-su liền phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.26 Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không? “27 Cô Mác-ta đáp: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”

        Suy Niệm:

          Phụng vụ Lời Chúa ngày lễ cầu nguyện cho các linh hồn trình bày chân lý mặc khải liên quan đến cuộc sống con người. Sự chết và sự sống lại. Đó là lời giải đáp cho những vấn nạn muôn thuở: sống và chết. Sống để làm gì? Chết đi đâu? Chết có phải là hết không? Chúng ta cùng nhau suy nghĩ và tìm hiểu mục đích của cuộc sống con người.

          Ai cũng phải chết. Cái chết đến với mọi người không trừ ai. Chết là lẽ đương nhiên của kiếp người trần: “Con người có lúc sinh, có lúc tử…”.  Chính lúc chết đi là lúc bước vào cõi sống vĩnh cửu.

          Người xưa dạy: Sinh ký tử quy. Sống gởi thác về. Cuộc sống trần gian là cuộc sống tạm. Khi thác, lúc chết mới là lúc về quê thật.

          Lịch sử cứu độ và lịch sử nhân loại là cuộc xung đột không ngừng giữa sự sống và sự chết. Nhưng chết có phải là hết không?

          Khi Adam và Eva phạm tội tại vườn địa đàng “ăn trái cấm”, thì tội nhập vào thế gian và cái chết đã thống trị con người. Từ đó con người sẽ phải chết. Hậu quả của tội lỗi là sự chết.

          Lời hứa ban Đấng Cứu Thế khi xưa được thực hiện: Đức Giêsu đã đến để thống trị sự chết, giải phóng nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết. Đức Giêsu đã thay đổi lịch sử nhân loại, đem đến cho con người niềm tin yêu hy vọng: kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa là giải phóng con người khỏi thần chết và cho con người được sống lại vinh quang như Đức Giêsu.

          Tư tưởng về sự sống lại đã có nơi người Do thái từ ngàn xưa. Vào thời cổ xưa, người Do thái tin rằng linh hồn người lành cũng như kẻ dữ đều phải xuống âm phủ. Đó là niềm tin của thời cựu ước.

          “Lạy Chúa

          Xin trở lại mà giải thoát con,

          Cứu độ con, bởi vì Ngài nhân hậu

          Chốn tử  vong, ai nào nhớ Chúa,

          Nơi âm phủ, ai ngợi khen Ngài” (Tv 6,5-6).

          Sau cùng niềm hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu được thấy rõ nét trong trường hợp của ông Giob. Trong bao tai họa khủng khiếp, Giob đã reo lên: “Tôi biết có Đấng Toàn Năng hằng sống sẽ cho tôi trỗi dậy”.

          Trong bài đọc I, ông Maccabê đã xin dâng lễ đền tội cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi. Ông tin rằng người chết sẽ sống lại. Vì thế cầu nguyện cho người quá cố là một việc đạo đức và thánh thiện.

          Sách Khải Huyền (bài đọc II) khẳng định: “Thiên Chúa sẽ  lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết, chẳng còn tang tóc, kêu van và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất”.

          Bài Tin mừng Thánh Gioan ghi lại biến cố Chúa Giêsu làm cho Lagiarô chết sống lại để mặc khải Ngài là sự sống lại và là sự sống.

          Tin mừng Nhất Lãm ghi lại rất nhiều lần Chúa Giêsu đã phục sinh kẻ chết: con trai bà góa thành Naim, con gái ông Giaia, đầy tớ ông sĩ quan Rôma… Những phép lạ này cho chúng ta thấy chết không phải là hết, mà là bước vào cuộc sống mới vĩnh cửu.

          Biến cố Chúa Giêsu chịu chết và phục sinh cho thấy: “chết là vào cõi sống, mọi người chết sẽ sống lại”. Đức Kitô đã chết và sống lại để chúng ta mai sau cũng được sống lại. Từ đó cuộc sống con người luôn hướng về biến cố chết và phục sinh của Đức Kitô như trung tâm, chóp đỉnh của đời sống con người:

          “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù có chết cũng sẽ được sống” (Ga 11.17-27).

          Vào thời Chúa Giêsu, những người thuộc phái Sađốc không tin vào sự sống lại, nhưng đại đa số dân Do thái đều tin. Họ quan niệm rằng chính lúc con người chết, thì hai thế giới của thời gian và của cõi vĩnh hằng gặp nhau và bắt tay nhau. Những kẻ chết lành được nhìn thấy Thiên Chúa và luôn sống mãi bên Thiên Chúa.

          Ngày nay tất cả các Kitô hữu đều tuyên xưng đức tin vào sự sống đời sau “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin sự sống đời đời”. Như thế “Cái chết là khung cửa mở vào đường đi lên Trời”. Theo nghĩa xác thực nhất, chúng ta không có ở trên con đường đi đến sự chết, mà đang trên con đường đến sự sống (Mary Webb).

          Lời Chúa trong ngày lễ cầu nguyện cho các linh hồn đã cho chúng ta lời giải đáp về mục đích cứu cánh của cuộc đời Kitô hữu: “Con người sống trên trần gian để tôn thờ, yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh  em, hầu ngày sau được hưởng hạnh phúc Thiên Đàng”.

          Chết là bước vào cuộc sống mới vĩnh cửu, là về nhà cha. Người Kitô hữu hãy sống ngày hôm nay thật tốt đẹp, thật lương thiện: yêu mến Chúa và tốt với mọi người để khi kết thúc cuộc lữ hành trần thế, tất cả được xum họp trong Nưới Trời cùng với ông bà cha mẹ, thân bằng quyến thuộc mà chúng ta kính nhớ và cầu nguyện nhân ngày lễ các linh hồn hôm nay.

 LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM.

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …