Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Lễ Các Đẳng Linh Hồn, năm A, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Suy niệm Tin mừng Lễ Các Đẳng Linh Hồn, năm A, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời
LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN
2020-11-02_21-25-24Bước vào tháng 11, tháng mà Giáo Hội hướng tâm hồn chúng ta về các thực tại mai hậu, tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời “những người đã ra đi trước chúng ta với dấu ấn đức tin và nay đang nghỉ giấc bình an” (Kinh nguyện Thánh Thể số I), ở nơi luyện ngục, để dâng lễ cầu nguyện cho họ.
Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy : “Những ai chết trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, thì tuy được bảo đảm về ơn cứu độ muôn đời của mình, vẫn phải chịu một sự thanh luyện sau khi chết, hòng đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui thiên đàng” (x.GLGHCG 1030). Nơi thanh luyện cuối cùng này Hội Thánh gọi là Luyện ngục…
Hỏi : Luyện ngục là làm sao?
Thưa : Luyện ngục là hình phạt người lành còn mắt tội mọn hay là đền tội chưa đủ.
Chân lý Đức tin Kitô giáo dạy rằng, giữa Trời và Đất có một trung gian gọi là Luyện ngục, nơi ấy dành cho những người chết khi mắc tội mọn hay là đền tội chưa đủ, cần phải được thanh tẩy để trở nên tinh tuyền, trong một mầu nhiệm đáng sợ mà thánh Gioan Thánh Giá gọi là “Lửa Tình Yêu”. Nơi này, lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện rõ nhất. Nếu không tin vào sự sống mai hậu thì chẳng ai dâng lễ, hy sinh, cầu nguyện cho các linh hồn làm gì. Cho nên, dù đang sống trên dương gian, hay hưởng phúc thiên đàng hoặc đang thanh luyện nơi luyện ngục, tất cả mọi người đều liên đới với nhau trong Đức Kitô. Đó chính là ý nghĩa của mầu nhiệm Các Thánh Thông Công mà chúng ta tuyên xưng và đang thực hành.
Một câu hỏi lớn. Hỏi : Các thánh thông công nghĩa là làm sao ?
Thưa. Các thánh ở trên trời cùng các linh hồn ở luyện ngục và các bổn đạo dưới đất đều thông công với nhau. Các bổn đạo tôn kính cầu xin các thánh, và các thánh cầu bầu cho các bổn đạo trước mặt Đức Chúa Trời. Các bổn đạo dâng việc lành phúc đức cầu cho các linh hồn ở luyện ngục, mà khi các linh hồn ấy đã được lên thiên đàng thì cùng cầu bầu cho các bổn đạo nữa. Các bổn đạo có lòng kính mến Đức Chúa Trời cùng thương yêu nhau thì chẳng những lập công cho mình mà lại làm ích cho kẻ khác nữa. (Sách Bổn Hà Nội tr. 39-40)
Theo dòng lịch sử Hội thánh: Thánh Odilo (962- 1048), viện phụ của đan viện Cluny trong đế quốc Germany, là một tu sĩ rất có lòng đạo đức. Vì thương mến những người đã qua đời, ngài hằng ăn chay, hãm mình và dâng lễ cầu nguyện cho những người ấy ấy. Việc này làm cho các thánh trên trời vui mừng và cũng làm cho ma quỷ trong hỏa ngục phải buồn sầu tức giận. Chính thánh Odilo đã chọn ngày 2 tháng 11 hằng năm để cử hành lễ cầu hồn trong đan viện Cluny của ngài. Về sau Đức Giáo hoàng Gioan XIV đã thiết lập lễ cầu cho các linh hồn trong Hội Thánh Công Giáo Rôma từ giữa thế kỷ 11.
Nghĩa cử tốt đẹp này đã có trong Cựu Ước: “Ông Giuđa quyên được khoảng 2000 quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc uổng công vô ích. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức, thì đây quả là một ý nghĩ đạo đức và thánh thiện. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Mcb 12,43-46).
Ngay từ những buổi đầu, Hội Thánh vẫn kính nhớ người qua đời và dâng lời cầu nguyện cho họ, nhất là dâng lễ, để một khi đã được thanh luyện, họ có thể được vinh phúc hưởng kiếng Thiên Chúa. Hội Thánh cũng khuyên làm việc bố thí, hưởng ân xá và làm các việc đền tạ cầu cho những người đã qua đời (x.GLGHCG 1031-1032). Đó là lý do vì sao ngày hôm nay Giáo hội mời gọi chúng ta viếng thăm phần mộ và cầu nguyện cho họ. Vì chúng ta có trách nhiệm phải nhớ đến nhau, cầu nguyện, hy sinh và đền tội thay cho nhau.
Còn tin, còn cầu nguyện, còn chia sẻ một Thánh Thể là còn nhớ đến nhau, thuộc về nhau. Các thánh cùng thông công là ở chỗ đó. Tình yêu thương bác ái dành cho các linh hồn trong lúc này chính là lời cầu nguyện, Lễ Misa và sự hy sinh.
Khi cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, Giáo Hội hướng về Chúa Kitô phục sinh, Ðấng đã chết và sống lại để cho tất cả chúng được sống lại. Tin vào sự sống lại của thân xác là nhìn nhận rằng sẽ có một chung cục, một cùng đích cho mọi người.
Đức tin không giải thoát những kẻ tin khỏi sự khổ não phải chết, nhưng đức tin sẽ làm êm dịu với hy vọng : “Nếu có buồn sầu vì số phận phải chết… cũng sẽ được ủi an”. (Kinh Tiền Tụng lễ các linh hồn).
Khi cầu nguyện cho các hữu đã qua đời, chúng ta không chỉ dừng lại nơi họ, cho họ, vì họ mà còn cho chúng ta, những người còn sống. Sự ra đi trước của họ, nhắc nhớ chúng ta về một cõi đi về mà ai ai trong chúng ta cũng phải về, đó là quê trời vinh phúc. Trong khi cầu nguyện cho họ, chúng ta cũng xin Chúa làm cho đức tin vào Con Chúa đã sống lại từ cõi chết được lớn mạnh nơi chúng ta. Nhờ niềm tin vào sự sống đời sau, tin vào Đức Kitô là sự sống lại và là sự sống mà mỗi người chúng ta ngày nay luôn bước tới trong niền hy vọng tiến về đích là nhà Cha hưởng vinh phúc quê trời. Cùng đích này cũng giúp chúng ta sống cuộc sống hiện tại sao cho thật ý nghĩa, xứng danh Kitô hữu của mình.
Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Chúa đời đời. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
 
 
 
 
 

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …