Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Lễ Các Đẳng Linh Hồn của Trầm Thiên Thu

Suy niệm Tin mừng Lễ Các Đẳng Linh Hồn của Trầm Thiên Thu

Giáo hội đau khổ

(Lễ các Đẳng Linh Hồn)

tải xuống (1)Tháng Mười Một được Giáo hội dành riêng để chúng ta nỗ lực chân thành cầu cho các linh hồn nơi Luyện Hình, dịp tốt để thể hiện đức ái Kitô giáo, thể hiện lòng thương xót với người khác và thể hiện tính liên kết của tinh thần “các thánh cùng thông công”.

Tháng Cầu Hồn tím rịm nỗi nhớ thương, khói nhang trầm buồn, nhưng những ánh nến vẫn lung linh niềm hy vọng, tất cả nỗi buồn thương chợt hóa thành niềm hạnh phúc vô thường. Hằng năm, những ngày này có biết bao linh hồn được giải thoát – trong đó có những người thân của mỗi chúng ta nữa. Rồi các ngài bay thẳng về Thiên Quốc hợp đoàn cùng các thánh, cùng được diện kiến Tôn Nhan Thiên Chúa và đời đời chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi.

Khi cầu nguyện, người ta thường cầu cho các linh hồn mồ côi. Thiết nghĩ chẳng có linh hồn nào mồ côi. Có lẽ chữ mồ côi chúng ta hiểu theo phần đời, vì có những người mồ côi theo nghĩa nào đó, có thể họ bị hất hủi, bị bỏ rơi, cô thân, đơn độc. Nhưng về tâm linh, không linh hồn nào mồ côi – kể cả các linh hồn thai nhi. Tại sao? Hằng ngày, trong mọi giờ kinh, đặc biệt là các Thánh Lễ, Giáo hội luôn cầu cho tất cả các linh hồn – thậm chí cầu cho cả người còn sống. Tính liên đới của Giáo hội thật tuyệt vời!

Còn nữa, mỗi khi lần Chuỗi Mân Côi, chúng ta luôn cầu xin nhiều lần: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con, xin đưa các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến Lòng Chúa Thương Xót hơn”. Cuối giờ kinh, chúng ta cũng thường đọc Kinh Vực Sâu để cầu cho các linh hồn, tức là không phân biệt linh hồn thân quen hay xa lạ, bất kỳ dân tộc nào. Tại các cộng đoàn tu trì, các giờ Kinh Nhật Tụng (Thần Tụng, Thần Vụ) đều cầu cho các linh hồn. Vâng, không hề có linh hồn mồ côi như chúng ta tưởng.

Có sinh thì có tử. Vì phạm tội mà con người phải chết. Quy luật muôn thuở. Chết là nỗi buồn kinh khủng của con người, là thất bại lớn nhất của con người. Nhưng nỗi u sầu đó trở thành niềm hy vọng đối với những ai tin vào Đức Kitô. Thánh Phaolô đặt vấn đề và giải thích: “Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6:3-4). Vâng, như vậy cái chết không phải là “dấu chấm hết”, mà chỉ là “dấu phẩy”, là bước chuyển tiếp sang cuộc sống mới vĩnh hằng. Thánh Phanxicô Assisi xác định: “Chết là sống muôn đời” (Kinh Hòa Bình).

Sự thật kỳ diệu vậy ư? Đúng và chắc chắn như thế. Thánh Phaolô phân tích: “Vì chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, chúng ta cũng sẽ nên một với Người nhờ được sống lại như Người đã sống lại. Con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa. Quả thế, ai đã chết thì thoát khỏi quyền của tội lỗi” (Rm 6:5-7). Chết là giải thoát khỏi đau khổ, hoàn toàn có lợi cho chúng ta. Triết lý tâm linh này không hề dễ hiểu nếu không có niềm tin Kitô giáo.

Thánh Phaolô định tín: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người” (Rm 6:8-9). Tử thần chính là ma quỷ. Đoàn âm binh của tướng Luxiphe đành thúc thủ, vì thế chúng cố vùng vẫy như con giun oằn khi bị đạp, như con rắn tìm cách cắn gót chân Đức Maria. Và rồi chúng tìm cách cám dỗ phàm nhân theo phe chúng. Nhưng cuối cùng, chắc chắn chúng sẽ hoàn toàn thất bại.

Cầu cho các linh hồn là dịp để chúng ta nhìn lại thân phận mình mà chấn chỉnh Đức Tin. Có Chúa là có tất cả: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì” (Tv 23:1). Tất cả đều sẵn sàng như tác giả Thánh Vịnh đã xác nhận: “Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người” (Tv 23:2-3). Thiên Chúa là Chúa Tể càn khôn, chí minh và chí thiện, nơi Ngài chỉ có những gì thánh thiện nhất. Do đó, Ngài cũng chỉ làm những gì tốt lành mà thôi. Sự xấu có xảy ra với chúng ta là TẠI CHÚNG TA!

Có được Vị Chúa như vậy thì thật hạnh phúc, chẳng còn gì phải lo nữa. : “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa. Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 23:4-6).

Cô Mác-ta là người đại diện cho cả nhân loại ghi nhận lời hứa của Đức Giêsu Kitô: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11:25-26). Chúng ta may mắn là những người đã tin Ngài, vấn đề còn lại là chúng ta phải cố gắng trung tín với Ngài cho tới hơi thở cuối cùng, dù hoàn cảnh có thế nào.

Để có được sự sống đó, chúng ta phải có Bánh Hằng Sống. Đúng như Chúa Giêsu đã nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi đây để cho thế gian được sống” (Mt 6:51).

Khi nghe nói vậy, người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau vì lời đó không bình thường, khiến họ chói tai. Họ không thể hiểu được Chúa Giêsu có thể cho chúng ta ăn thịt Ngài. Họ không tin vì họ hiểu theo cách thức của phàm nhân. Bình thường thì đúng là không ai ăn thịt hoặc uống máu người, nhưng họ đâu biết rằng với Thiên Chúa thì mọi thứ đều có thể.

Và Chúa Giêsu tái xác định với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (Mt 6:52-55). Chúa Giêsu biết điều Ngài nói rất khó hiểu với phàm nhân, thậm chí là không thể hiểu, thế nên Ngài giải thích chi tiết hơn: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Mt 6:56-58).

Hôm đó, chắc chắn cả hội đường Ca-phác-na-um rất ồn ào vì người ta xôn xao bàn tán. Nhưng sự thật vẫn mãi mãi là sự thật. Nếu chúng ta hiện diện lúc đó, chúng ta cũng chẳng hơn gì người Do-thái, nhưng thật may vì chúng ta là hậu duệ, được truyền lại đức tin được kiểm chứng lâu đời.

Các linh hồn nơi Luyện Hình là những người đã từng được ăn Bánh Trường Sinh, Bánh Giêsu, các linh hồn đó sẽ có ngày được sống đời đời sau khi được thanh luyện cho xứng đáng với Thiên Chúa chí thiện. Nhân vô thập toàn, mấy ai vô tội đâu!

Có một loài hoa nhỏ có màu tím buồn: Forget-me-not, Việt ngữ gọi là Lưu Ly Thảo. Ý nghĩa của loài hoa này nói về sự chung thủy của tình yêu đôi lứa. Nhưng với người Công giáo, nó mang một ý nghĩa khác, đặc biệt trong Tháng Cầu Hồn này. Vâng, Lưu Ly Thảo đang nhắc nhở chúng ta về lời kêu cứu tha thiết của các linh hồn nơi Luyện Hình: “Forget-me-not – Xin đừng quên tôi!”.

Khi cầu nguyện cho họ thì lại là chính cầu nguyện cho chúng ta. Đúng như Thánh Phanxicô Assisi nói: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”. Các linh hồn không tự “cải thiện” mức án, nhưng các ngài vẫn có thể cầu nguyện cho chúng ta. Hy vọng mai đây mỗi chúng ta cũng được phân loại là “chiên” và được nghe Chúa nói: “Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến lãnh nhận phần gia nghiệp Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ” (Ga 11:25-26).

Tháng Mười Một, chúng ta cùng nhau nhớ lại tâm sự của Thánh Faustina: “Tôi bị thiêu đốt trong lòng bằng lửa yêu mến Chúamuốn cứu các linh hồn mà tôi cảm thấy mình bị thiêu đốt. Tôi sẽ chiến đấu với ma quỷ bằng Vũ khí Lòng Chúa Thương Xót. Tôi khao khát cháy bỏng là cứu các linh hồn. Tôi đi xuyên qua sức mạnh và hơi thở của thế giới và mạo hiểm đến nỗi các biên giới và các vùng đất hoang vu nhất để cứu các linh hồn. Tôi làm điều này bằng cách cầu nguyệnhy sinh” (Nhật Ký, số 754). Tình yêu lớn lao quá!

Có Chúa là có tất cả, Ngài là Alpha và Omega, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng (Kh 1:8; Kh 21:6; Kh 22:13). Ước gì chúng ta nói được như Thánh Thomas Aquino, Tiến sĩ Giáo hội: “Lạy Chúa, con chỉ muốn Ngài mà thôi”. Đó mới chính là phần thưởng cao quý nhất và tuyệt vời nhất của chúng ta.

Lạy Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, vì cuộc khổ nạn đau thương và máu của Đức Kitô, xin thương tha thứ và cho các linh hồn sớm về hưởng phúc trường sinh muôn đời. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …