Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng LỄ HIỂN LINH , năm C, của LM ĐAN VINH

Suy niệm Tin mừng LỄ HIỂN LINH , năm C, của LM ĐAN VINH

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

LỄ HIỂN LINH A.B.C

Is 60,1-6 ; Ep 3,2-3a.5-6 ; Mt 2,1-12

TRỞ NÊN ÁNH SAO GIÚP LƯƠNG DÂN NHẬN BIẾT CHÚA

I.HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Mt 2,1-12

mt2112(1) Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem (2) và hỏi: “Đức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”. (3) Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. (4) Nhà vua liền triệu tập tất cả các Thượng tế, các Kinh sư trong dân lại, và hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở dâu. (5) Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách Ngôn sứ có chép rằng: (6) “Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa. Vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời”. (7) Bấy giờ Vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. (8) Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”. (9) Nghe Nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở mới dừng lại. (10) Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. (11) Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. (12) Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp Vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình”.

2.Ý CHÍNH:

Qua ánh sao lạ, Thiên Chúa đã soi sáng cho các đạo sĩ tìm đến thờ lạy Con Chúa mới giáng sinh, đang khi vua chúa và các đầu mục dân Do thái lại tỏ thái độ thờ ơ, thậm chí còn thù ghét Hài Nhi và muốn hãm hại Người.

3.CHÚ THÍCH:

-C 1-2: +Bê-lem: Một thị trấn nhỏ bé nằm cách thủ đô Giê-ru-sa-lem khoảng 7 cây số về phía Nam. Thị trấn này tuy nhỏ bé nhưng rất danh tiếng, vì là quê hương của vua Đa-vít. Bê-lem còn được Ngôn sứ Mi-kha tuyên sấm là nơi mà Đấng Cứu Thế sẽ ra đời (x. Mk 5,1). +Mấy nhà chiêm tinh: Là những đạo sĩ hay chiêm tinh gia đã từng đọc Thánh Kinh của Do thái giáo nên có sự hiểu biết về việc Đấng Thiên Sai sắp xuất hiện và muốn được gặp gỡ Người. Dựa vào lễ vật các ngài mang theo là những đặc sản của xứ A-ra-bi, nên người ta đóan các ngài từ xứ A-ra-bi mà đến. Đồng thời dựa vào số lễ vật, người ta cho rằng có 3 vị. Đến thế kỷ VIII, có người còn kể rõ tên của ba vị đạo sĩ ấy là: Men-ki-o (Melchior), Ban-thơ-da (Balthezar) và Gát-pa (Gaspar), đại diện cho ba châu lục thời bấy giờ là châu Âu (da trắng), châu Á (da vàng) và châu Phi (da đen).

-C 11-12: +Vàng, nhũ hương và mộc dược: Các giáo phụ đã giải thích: Vàng ám chỉ tước vị Vua; Nhũ hương chỉ chức vụ Thượng tế; Mộc dược chỉ con đường cứu thế của Đấng Thiên Sai chọn là sẽ bị giết chết trên thập giá và được mai táng trong mồ. Tuy nhiên, ngày nay có người lại giải thích về ý nghĩa của ba lễ vật được các đạo sĩ dâng lên Hài Nhi Cứu Thế như sau: Vàng tượng trưng đức tin vào Thiên tính của Đấng Thiên Sai; Nhũ hương tượng trưng đức cậy là lời cầu nguyện như hương trầm bay lên để tôn vinh Chúa; Mộc dược tượng trưng cho đức mến là những hy sinh và quyết tâm từ bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa.

4.CÂU HỎI: 1) Bạn biết gì về thành Bê-lem? 2) Chiêm tinh gia là hạng người thế nào? 3) Các ngài từ đâu đến và gồm bao nhiêu vị? 4) Ba lễ vật là vàng, nhũ hương và mộc dược được dâng cho hài nhi Cứu Thế có ý nghĩa ra sao?

II.SỐNG LỜI CHÚA

  1. LỜI CHÚA: Thánh Phao-lô dạy các tín hữu: “Giữa một thế hệ sa đọa, anh em hãy tỏa sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15b).
  2. CÂU CHUYỆN:

1) MÓN QUÀ CỦA ÁC-TA-BAN.

HĂNG-RI VĂNG ĐAI-KƠ (Henry Van Dyke) có thuật lại câu chuyện nhan đề: “CÒN MỘT NHÀ ĐẠO SĨ KHÁC NỮA”, kể về nhân vật thứ tư là người lẽ ra đã cùng ba nhà đạo sĩ đi tìm Vua dân Do thái mới sinh. Nhân vật này tên là Ác-ta-ban. Trong lúc chuẩn bị lên đường, Ác-ta-ban có mang theo một túi đựng những viên kim cương để dâng tặng cho vị ấu vương. Thế nhưng trên đường đến điểm hẹn, Ác-ta-ban đã phải dừng chân để giúp đỡ một người nghèo đói nằm bên vệ đường. Do đó khi đến nơi thì ông không còn thấy ba vị kia đâu. Dù vậy, ông vẫn kiên trì tiếp tục cuộc hành trình đi tìm Vị Vua Cứu Thế. Trên đường tìm kiến, mỗi lần gặp một người khốn khổ, ông lại bán đi một viên kim cương để giúp đỡ. Sau nhiều năm, Ác-ta-ban đã trở thành một lão già ốm yếu, thế mà ông vẫn chưa gặp được Vua Cứu Thế như lòng hằng mong ước.

Rồi 33 năm sau, khi đang trọ trong thành Giê-ru-sa-lem, Ác-ta-ban thấy cả thành xôn xao náo động vì cái tin nhà cầm quyền đang đem một tội nhân đi hành hình thập giá. Ác-ta-ban tò mò hòa theo dòng người đi xem. Khi nhìn thấy tội nhân đang vác cây thập tự bị té ngã nhiều lần, linh tính cho biết đó chính là vị Vua Cứu Thế mà ông đang tìm kiếm bấy lâu. Ông liền bước theo Người trên con đường thương khó. Rồi khi tội nhân bị đóng đinh và bị treo trên thập giá, Ông muốn đến gần ôm lấy vị Vua kia, nhưng không thể được vì ông bị bọn lính canh ngăn cản. Bỗng chốc Ác-ta-ban thấy vị Vua mở mắt ra nhìn ông và ông nghe thấy có tiếng thì thầm bên tai rằng: “Này Ác-ta-ban, con đừng buồn nữa. Ta cám ơn con vì bao năm qua con đã nhiều lần tặng quà cho Ta. Nhiều lần Ta đói con đã cho bánh ăn, Ta khát con đã cho nước uống, Ta rách rưới con đã cho đồ mặc, Ta là khách lạ con đã đón ta vào ở trong nhà trọ…”.

Nghe những lời ấy, Ác-ta-ban cảm thấy lòng tràn ngập niềm vui. Ông hiểu rằng: Các món quà xưa nay ông đã chia sẻ cho người nghèo là ông đã dâng tặng cho chính Đức Vua Cứu Thế này. Món quà đó không nhất thiết phải là tiền bạc vật chất, nhưng còn là tình người, là sự thông cảm với những ai đang bị đau khổ, là thái độ khiêm tốn, sẵn sàng phục vụ tha nhân vô vụ lợi.

2) CHIẾU TỎA ÁNH SÁNG TIN YÊU TRƯỚC MẶT MỌI NGƯỜI:

AC-THƠ GIÔN  (Arthur Jones) là một tín hữu Công giáo đã xin gia nhập vào không lực Hoàng gia Anh. Anh được huấn luyện trong một trại lính cùng với 30 tân binh khác. Ngay đêm đầu tiên, anh đã phải cân nhắc: “Mình có nên quì gối đọc kinh như thói quen hằng ngày ở nhà không?”. Ban đầu anh hơi ngần ngại, nhưng rồi anh tự nhủ: “Chẳng lẽ mình lại hèn nhát không dám công khai biểu lộ đức tin vì sợ bị kẻ khác chế nhạo sao?”

Thế rồi anh liền quì gối đọc kinh như thói quen xưa nay. Khi vừa làm dấu kết thúc buổi cầu nguyện, mọi người đều biết anh là người Công giáo và là người Công giáo duy nhất trong trại lính. Tuy nhiên, anh vẫn giữ thói quen quì gối cầu nguyện mỗi buổi tối và hành động của anh dẫn đến những cuộc tranh cãi.

Cuối khóa huấn luyện, có người đã nói với anh:

– Anh đúng là một Ki-tô hữu tốt nhất mà tôi đã gặp.

Anh liền đáp lại:

– Cám ơn bạn đã quá khen. Tôi không nghĩ mình là Ki-tô hữu tốt nhất đâu. Tôi chỉ là người tín hữu dám công khai biểu lộ đức tin mà thôi.

Ánh sáng đức tin của anh tân binh đã tỏa sáng trong trại huấn luyện của không lực hoàng gia Anh đúng như lời Chúa Giê-su: “Anh em là ánh sáng thế gian” (x. Mt 5,14-16). Như ánh sao lạ đã dẫn đường cho các đạo sĩ xưa, thì ngôi sao Tin Mừng nơi mỗi tín hữu chúng ta hôm nay cũng sẽ chiếu soi giúp người đời nhận biết tin yêu Chúa.

3) GÓP PHẦN CHIẾU ÁNH SÁNG TIN YÊU XUA TAN BÓNG TỐI TỘI LỖI:

Hôm ấy, đang khi vị linh mục giảng tĩnh tâm cho gần 500 tín hữu trong một hội trường rộng lớn về đề tài “Hãy làm gương sáng”, thì điện bị cúp trong toàn khu vực. Cả hội trường chìm trong bóng tối.

Bấy giờ ngài bật lên một que diêm, giơ cao lên và cất tiếng hỏi: “Anh chị em có thấy ánh sáng từ que diêm nầy không?”

Mọi người trong hội trường đáp: “Thưa có”.

Vị linh mục tiếp: “Dù bóng tối phủ dày nhưng chỉ cần ánh sáng của một que diêm cũng đủ cho nhiều người nhìn thấy. Như thế, ánh sáng của việc tốt, dù nhỏ bé đến đâu, cũng có thể tỏa sáng trước mắt nhiều người giữa một xã hội chứa đầy bóng tối tội lỗi.”

Sau đó, ngài mời gọi những ai mang theo hộp quẹt trong túi, hãy bật cho lửa sáng lên. Rất nhiều người hưởng ứng làm theo. Thế là bóng tối đã bị đẩy lùi, cả hội trường sáng lên nhờ rất nhiều ánh lửa nhỏ từ các hộp quẹt của những người hiện diện.

Bấy giờ vị linh mục tiếp: “Nếu mỗi người chúng ta cố gắng thực hiện một việc tốt mỗi ngày thì cuộc đời chúng ta sẽ tỏa sáng như những cây đèn chiếu sáng. Nhờ đó bóng tối của các thói hư như rượu chè, cờ bạc và các tệ nạn xã hội như ma túy, đĩ điếm sẽ bị đẩy lùi ra khỏi môi trường chúng ta đang sống.” 

4) ÁNH SAO LẠ KHIÊM TỐN PHỤC VỤ:

Vào một buổi chiều mùa đông, một người ngoại quốc tuổi trung niên lái xe trên con đường đèo vắng vẻ ở miền Trung Việt Nam. Đến một khúc quanh, phát hiện thấy một chiếc xe hơi chết máy đang nằm trên đường, gần bên là bốn người gồm hai vợ chồng và 2 đứa con nét mặt lo âu, vì đây là đoạn đường thường hay xảy ra cướp bóc. Do biết sửa xe hơi, nên người đàn ông ngoại quốc đã dừng xe và mau mắn đến bên đề nghị giúp đõ khiến mọi người đều an tâm vui vẻ. Chiếc xe bị hỏng nặng khiến ông phải vất vả tháo rời nhiều bộ phận trong máy, thậm chí có lúc phải chui cả xuống gầm xe. Hai giờ sau thì chiếc xe đã nổ máy khiến mọi người đều mừng rỡ. Hai vợ chồng muốn trả công nhưng ông không nhận tiền công. Cuối cùng họ đã xin địa chỉ và một tuần sau, hai vợ chồng có dịp đến thăm thì mới hay người đàn ông ngoại quốc giúp họ sửa xe hôm trước chính là một vị giám mục của đạo công giáo. Sau đó do nể phục nên cả gia đình đều xin theo đạo. Chính thái độ khiêm tốn phục vụ vô vụ lợi của vị giám mục người ngoại quốc đã trở thành ánh sao dẫn đường giúp cả gia đình người lương nhận biết tin thờ Thiên Chúa.

5) ÁNH SAO LẠ CẢM THÔNG CHIA SẺ:

Có một bé gái đi theo mẹ đi viếng hang đá tại nhà thờ. Bà mẹ giải thích cho em rằng ba nhà đạo sĩ dâng tiến của lễ cho Chúa Hài Nhi là vàng, nhũ hương và mộc dược. Cô bé nhìn Hài Nhi trong máng cỏ một cách cung kính rồi quay sang hỏi mẹ: “Tại sao họ không mang đến cho Chúa Hài Nhi một cái giường nhỏ để Chúa khỏi phải nằm trong máng cỏ. Thật tội nghiệp cho Chúa quá phải không hả mẹ? “. Do có tấm lòng nhân ái và biết thực sự quan tâm đến tha nhân, nên cô bé đã cảm nhận được nhu cầu cuộc sống của Hài Nhi Giê-su là  chiếc giường êm ấm.

Sự kiện Chúa Giê-su sinh ra nơi hang lừa đã khơi dậy tâm tư và sự cảm thông của nhiều người. Chúa đến trong nghèo hèn để mời gọi chúng ta hãy mở lòng để chia sẻ hầu đáp ứng các nhu cầu vật chất cụ thể của những người nghèo đói gần bên chúng ta là miếng cơm manh áo và một chỗ nương thân. Chúa kêu gọi chúng ta cảm thông với Chúa đang hiện thân nơi những người nghèo: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”(Mt 25, 40).

6) ÁNH SAO LẠ BAO DUNG THA THỨ:

Nhận được giấy báo hung tin: con trai yêu quí mới tử trận, nữ bá tước LIT-TRY vô cùng đau khổ. Tuy nhiên, bà vẫn cố gắng chu toàn công việc phục vụ các bệnh nhân trong bệnh viện do bà sáng lập năm 1870 ở thung lũng Mar-ne, xứ E-per-ny gần mặt trận đang giao tranh. Ngày nọ, một thương binh người Đức được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Dù thương binh thuộc quân đội thù nghịch, nhưng bà bá tước vẫn vui vẻ tiếp nhận vào trong bệnh viện. Đến lúc soạn đồ đạc của người thương binh, bà bắt gặp một chiếc bóp và chiếc đồng hồ của cậu con trai Jac-ques của bà trong túi đồ của tên lính Đức kia. Bàng hoàng và tức giận, nhưng nữ bá tước Lit-try chỉ biết thốt lên lời cầu: “Lạy Chúa. Đây chính là kẻ đã giết chết con trai yêu quý của con!”. Nhưng ngay lúc đó một mảnh giấy trong chiếc bóp của Jac-ques rơi ra, bà nhặt lên và đọc thấy mấy hàng chữ của con trai viết thư cho bà: “…Mẹ yêu quý! con luôn nhớ đến mẹ và cầu nguyện cho mẹ. Nếu chẳng may con tử trận, xin mẹ đừng quá bi lụy, nhưng hãy can đảm chịu đựng đau khổ để cầu nguyện cho con…” Sau một hồi xúc động, bà Lit-try đã cúi xuống tiếp tục săn sóc vết thương cho tên lính Đức. Một giọt nước mắt của bà đã rơi xuống trên mặt tên lính Đức, giọt nước mắt lóng lánh như một hạt sương mai…!.

Nữ bá tước Lit-try đã để cho Ánh Sáng Tin Yêu xoá tan bóng tối thù hận, nhờ đó bà ngày càng tiến trên đường thánh thiện là thực thi tình mến Chúa yêu người, yêu cả kẻ thù của mình.

  1. THẢO LUẬN: Trong môi trường sống và làm việc hôm nay, bạn cần làm gì để chiếu ánh sáng giúp anh em lương dân nhận biết và tin theo Đức Giê-su để đươc ơn cứu độ?
  2. SUY NIỆM:

Lễ Hiển Linh theo truyền thống, được cử hành vào ngày 6 tháng Giêng. Dịp Lễ này, các tín hữu Tây Phương tưởng nhớ ba nhà Đạo Sĩ thăm viếng Chúa Hài Nhi Giê-su và sự biểu lộ thần tính của Con Chúa cho Dân Ngoại. Các ngài là những đạo sĩ hay chiêm tinh gia đã từng đọc Thánh Kinh của Do thái giáo nên có sự hiểu biết về việc Đấng Thiên Sai sắp xuất hiện và muốn đi gặp Người. Dựa vào lễ vật các ngài mang theo là những đặc sản, nên người ta đóan các ngài từ xứ A-ra-bi mà đến. Về số các đạo sĩ thì dựa vào lễ vật, người ta cho rằng có 3 vị. Đến thế kỷ VIII, có người còn kể rõ tên của ba vị đạo sĩ ấy là: Men-ki-o (Melchior), Ban-thơ-da (Balthezar) và Gát-pa (Gaspar), đại diện cho ba châu lục thời bấy giờ là châu Âu (da trắng), châu Á (da vàng) và châu Phi (da đen).

1) Một số nét tương phản trong Tin Mừng hôm nay:

– Giữa thủ đô Giê-ru-sa-lem và thị trấn Be-lem: Giê-ru-sa-lem là thủ đô hoa lệ, là trung tâm về chính trị và văn hoá của nước Do thái, nhưng lại từ chối tiếp nhận Hài Nhi Cứu thế, đang khi Bê-lem chỉ là một thị trấn nhỏ bé nghèo nàn lại đón tiếp Đấng Cứu thế giáng sinh.

– Giữa những người Do thái giáo và lương dân: Các Tư tế và Kinh sư thông thạo Kinh thánh, nhưng lại thờ ơ không dấn thân lên đường, nên họ đã không gặp được Đấng Cứu thế. Trái lại, ba vị Đạo Sĩ là dân ngoại không hiểu biết Kinh thánh, nhưng lại có thái độ cầu thị, luôn tìm tòi và sẵn sàng dấn thân lên đường, nên các ngài đã gặp được Đấng Cứu Thế.

– Giữa ông vua thế tục và Vị Vua Thiên Sai: Hê-rô-đê được gọi là vua, nhưng lại lo âu khi nghe các đạo sĩ báo tin vì sợ ngai vàng của mình sẽ bị mất khi Đấng Thiên Sai xuất hiện, nên ông đã tìm cách giết hại Người. Còn Đức Giê-su là Vua Thiên Sai lại chấp nhận lối sống khó nghèo, luôn mở rộng vòng tay để đón tiếp mọi người. Người không thích đóng khung trong cơ chế luật lệ cứng nhắc như các đầu mục Do thái, nhưng luôn mềm dẻo thể hiện trong lời tuyên bố: “Ngày Sa-bát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày Sa-bát” (Mc 2,27). Đức Giê-su cũng không chọn ở trong cung vàng điện ngọc như bậc vua chúa, nhưng chọn chuồng bò tăm tối, hôi tanh, và mang hình hài của một hài nhi yếu đuối như Tin Mừng dã ghi nhận: ”Bà Ma-ri-a đã lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,7).

2) Điều kiện để gặp được Chúa:

Tất cả những tương phản ấy cho thấy: Không phải cứ có đạo, cứ hiểu biết giáo lý Kinh thánh là đương nhiên chúng ta sẽ gặp được Chúa, mà cần phải có thiện chí đi tìm và dấn thân lên đường như ba vị đạo sĩ trong Tin Mừng hôm nay.

– Ba đạo sĩ là những người ngoại giáo ở rất xa, nhưng luôn để tâm tìm kiếm dấu lạ trên bầu trời, và đã sớm nhận ra sự xuất hiện của một ngôi sao lạ của Đấng Cứu Thế.

– Các đạo sĩ cũng phải có quyết tâm và dấn thân hy sinh: Thái độ quyết tâm thể hiện qua việc giã từ người thân và từ bỏ các tiện nghi vật chất trong cuộc hành trình dài ngày. Khi ngôi sao biến mất, các Ngài không nản chí bỏ cuộc, nhưng đã tìm đến hỏi thăm tại đền vua, và cuối cùng đã gặp được Hài Nhi Cứu Thế tại Be-lem.

3) Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường cho chúng ta:

Tác giả sách thánh vịnh đã khẳng định giá trị của Lời Thánh Kinh như sau: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119, câu 105). Chúa Giê-su cũng tự đồng hóa mình với những kẻ nghèo hèn khi tuyên bố: “Tất cả những gì anh em làm cho một người trong những anh em hèn mọn nhất của Ta đây là làm cho chính Ta.” (Mt 25, 40). Lễ vật của chúng ta dâng Chúa hôm nay không phải là vàng, nhũ hương hay mộc dược, nhưng là một chén cơm manh áo cho người nghèo, là thái độ chăm sóc bệnh nhân, thăm hỏi người già neo đơn… đang ở ngay bên chúng ta.

4) Trở nên ánh sao lạ giữa đời thường:

Mỗi Ki-tô hữu phải là một ánh sao lạ thể hiện qua cử chỉ, lời nói, việc làm: Chỉ cần một nụ cười vui vẻ, một ánh mắt thân thiện, một lời khen đúng lúc, một việc phục vụ khiêm hạ của chúng ta cũng có thể phát ra ánh sáng giống như ánh sao lạ trên bầu trời đêm cho các đạo sĩ xưa, như lời thánh Phao-lô: “Giữa một thế hệ sa đọa, anh em hãy tỏa sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15b). Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể là những vì sao sáng thực sự khi làm cho mình lu mờ đi để Ngôi Sao Mai là Đức Ki-tô tỏa sáng trong lòng mọi người (x. Kh 2,28).

5.NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối hiện vẫn đang tiếp diễn trên thế gian và ngay trong lòng mỗi người chúng con. Ước chi chúng con đừng chỉ biết nguyền rủa bóng tối tội ác, mà còn biết làm cho ngọn đèn đức tin trong chúng con luôn cháy sáng đức ái, để cả trái đất này đều được ngập tràn ánh sáng của Chúa, nhờ đó sẽ giúp mọi người nhận biết tin yêu Chúa và được tham phần vào hạnh phúc Nước Trời đời đời cùng với chúng con.

  1. X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH – HHTM

 

 

 

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG