Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM, năm C, của Lm Antôn Nguyễn Văn Độ

Suy niệm Tin Mừng LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM, năm C, của Lm Antôn Nguyễn Văn Độ

Tôn vinh – Hiệp Thông – Sống đời nhân chứng

SUY NIỆM LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

(Lc 20, 27-38)

 

Tôn vinh

Hàng năm cứ đến ngày này, những người con dân Việt từ khắp muôn phương cùng với Giáo hội hoàn vũ hướng tâm hồn lên một cách đặc biệt để mừng kính Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam.

Ðọc lại tiểu sử Các Ngài, chúng ta không thể giấu nổi niềm vui và hãnh diện, cũng như lòng cảm phục đức tin kiên cường của tổ tiên ngàn đời yêu quí. Vì trung thành với Chúa, Các Ngài đã cam chịu thiệt thòi trong đời sống, mất hết chức quyền danh vọng, nhất là phải chịu muôn ngàn khổ hình, chịu mất mạng sống vì Đức tin.

Trong hân hoan vui sướng và hãnh diện, chúng ta tôn vinh, tri ân Các Ngài đồng thời hô vang : « Vạn vạn tuế các Thánh Tử Đạo Việt Nam, vạn vạn tuế các Thánh Tử Đạo anh hùng ».Lc 20, 27-38d

Hiệp thông

Giảng trong thánh lễ tuyên phong 117 vị Thánh Tử Đạo Việt Nam ngày 19-6-1988 Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói với con dân Việt Nam như sau : « Tôi biết anh chị em vui mừng phấn khởi vì ước mong tôn vinh các vị tử đạo đồng hương, nhưng còn vì khi quây quần để tưởng nhớ các vị tử đạo, anh chị em cảm nhận nhu cầu xây dựng lại tình huynh đệ, tình bằng hữu, tình thân ái đang tràn ngập trong tâm hồn do bởi tất cả anh chị em đều có chung một quê hương. Trong khi sống lại ký ức về các ngài, anh chị em hướng về quê hương mình bằng tình yêu, sự nhung nhớ, và ước mong được sống một khoảnh khắc hiệp thông chứa chan hi vọng» (x. JEAN PAUL II, Bài giảng Lễ Phong Thánh).

Dịp khai mạc Năm Thánh 2010, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI, trong sứ điệp gửi các Giám mục Việt Nam có viết : « Việc cử hành Năm Thánh trùng với ngày lễ kính 117 vị thánh Tử đạo hiển vinh của đất nước Đức Cha. Việc nhớ lại chứng từ cao quý của các ngài sẽ giúp toàn thể dân Chúa tại Viêt Nam kích động đức mến, gia tăng đức cậy và củng cố đức tin mà đôi lúc bị thử thách bởi chính đời sống thường ngày » (x. BENEDICTO XVI, Sứ điệp gửi các Giám mục Việt Nam dịp Năm Thánh 2010). Thư của Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, lúc đó là Tổng Giám Mục Hà Nội, Chủ tịch HĐGMVN gửi cộng đoàn Dân Chúa nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày tôn phong 117 Hiển Thánh Tử đạo Việt Nam có đoạn : « Đây là cơ hội giúp Dân Chúa Củng cố đức Tin qua đức Cậy nhờ đức Ái (số 1) ; Giúp cho Giáo hội Việt Nam sống chan hòa trong tình hiệp thông và hiệp nhất (số 2) ; Thúc đẩy chúng ta hăng say hơn trong sứ vụ loan báo Tin Mừng (số 3) ; là dịp để cháu con noi gương các Ngài sống xứng đáng những người con thảo của Cha trên Trời (số 4) ».

Sống đời nhân chứng

Câu hỏi được đặt ra : Các Thánh Tử Đạo làm chứng cho Chúa bằng cách hy sinh tính mạng. Vậy, trong thời đại hôm nay, người kitô hữu phải sống đời nhân chứng như thế nào ? Làm sao để người ta dễ có cảm tình với Đạo Chúa ?

Nguyên ngữ của chữ Tử Đạo (Martyr) có nghĩa là “Người làm chứng”. Ngày hôm nay, có lẽ không còn những cuộc bách hại đẫm máu, những tra tấn, gông cùm, tù tội…, hoặc ít ra là không gắt gao như thời của các Thánh Tử Đạo. Tuy nhiên, người tín hữu sống Đạo hôm nay, vẫn phải đối mặt với muôn vàn thử thách.
Văn hóa thực dụng và lối sống hưởng thụ thời nay, cách nào đó, đã và đang cản trở chúng ta thực thi các đòi hỏi của Tin Mừng. Giữa thế giới văn minh, tiện nghi, việc đạo được nhiều thuận lợi, biết đâu, có khi chúng ta lại dễ dàng chối bỏ niềm tin của mình? Sống ích kỷ, lỗi lời thề ước của hôn nhân; phá thai; sống buông thả; bỏ đọc kinh, lười đi nhà thờ, bỏ lễ Chúa nhật ; sống gương mù gây chia rẽ, hận thù và phá vỡ mối giây hiệp nhất trong cộng đoàn…là chúng ta chẳng những bỏ Đạo mà còn bách hại Đạo nữa.

Làm sao để chúng ta có thể vẫn ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, là điều không hề đơn giản. Sẽ khó có thể nói được rằng Tử Đạo ở thời nào hay nơi nào khó hơn. Bởi vì, mỗi thời, mỗi nơi, đều có những khó khăn thử thách riêng. Các vị Tử Đạo cha ông chúng ta, đã phải hứng chịu những cuộc bách hại, đặc biệt là những gian khổ về mặt thể lý, như đòn vọt, gông cùm, tù tội… còn chúng ta ngày hôm nay, mặc dù không chịu những thử thách tương tự, thế nhưng để giữ đạo và sống đạo cho đúng với ơn gọi làm người Kitô hữu của mình, chúng ta đã phải tử Đạo mỗi ngày, mà người ta vẫn gọi là “những người tử Đạo mà không phải chết”.

Người Kitô hữu sống đạo hôm nay được kể như người đang “lội ngược dòng đời”. Đang khi thế gian chạy theo tiền bạc và hưởng thụ, tìm mọi cách để vun vén cho bản thân, chúng ta lại được mời gọi sống cho tha nhân, và mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Đang khi cuộc sống hôm nay đầy dẫy những lọc lừa, gian dối, chúng ta lại được mời gọi sống ngay thẳng và làm chứng cho sự thật. Đang khi thế gian coi nhẹ phẩm giá con người, chúng ta được mời gọi tôn trọng sự sống và bảo vệ những mầm sống đó ngay từ những giây phút đầu tiên trong thai bào. Đang khi mối quan hệ gia đình, sự thủy chung trong đời sống vợ chồng ngày một trở nên lỏng lẻo, chúng ta lại được gọi mời sống trung thành với nhau cho đến chết… Và mỗi lần sống như thế, là mỗi lần chúng ta tử đạo.

Mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay, mỗi người chúng ta được mời gọi trở nên những chứng nhân cho Đức Kitô qua đời sống yêu thương phục vụ. Nhờ đó, Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô sẽ được lan tỏa đến tận cùng trái đất.

Kính lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Xin cầu cho chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Xem thêm

16-11-2024 6-32-56 PM

Lời Chúa – Chúa Nhật Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 17/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN