Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM, CỦA LM. ĐAN VINH

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM, CỦA LM. ĐAN VINH

(Mt 10,17-26)

TÌNH YÊU MẠNH HƠN SỰ CHẾT

I.HỌC LỜI CHÚA

  1. 11-16-tudao-02TIN MỪNG: Mt 10,17-26

(17) Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các Hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. (18) Và anh em sẽ bi điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. (19) Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì. (20) Thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em. (21) Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết. Cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. (22) Vì Danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát. (23) Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Ít-ra-en, thì Con Người đã đến. (24) Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. (25) Trò được như thầy, tớ được như chủ đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà. (26) Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ. Không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. (27) Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày. Và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.

  1. Ý CHÍNH: Khi sai mười hai Tông đồ đi giảng, Đức Giêsu tiên báo cho các ông biết những sự bách hại vì Danh Người đang chờ đón các ông. Tuy nhiên chính khi bị bách hại lại là cơ hội tốt để các ông làm chứng trước tòa án Do thái và các chính quyền ngoại đạo. Các ông sẽ gặp những sự bất hòa ngay trong gia đình và sự thù ghét nơi người đời. Nhưng ai giữ vững đức tin và trung thành với Chúa đến cùng thì sẽ được cứu độ. Các ông cũng cần phải khôn ngoan để tránh bị bắt bớ. Dù gặp hoàn cảnh bất lợi nào đi nữa, cũng đừng sợ hãi, nhưng hãy can đảm làm chứng cho Chúa. Hãy vững lòng trông cậy vì các ông đang nắm giữ chân lý là điều luôn có sức chinh phục lòng người.

II.SỐNG LỜI CHÚA

  1. LỜI CHÚA: “Anh em sẽ bị điệu ra trước mặt Vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết” (Mt 10,18).
  2. CÂU CHUYỆN: THÁNH NỮ INÊ ĐÊ.

Trong số 117 vị thánh Tử đạo tại Việt nam, chỉ có một phụ nữ là thánh nữ INÊ LÊ THỊ THÀNH (hay cũng gọi là bà thánh INÊ ĐÊ). Bà là mẹ của 8 người con. Trước khi trở thành thánh tử đạo, bà đã là một người mẹ hiền gương mẫu. Cô con gái út của bà đã khai về mẹ mình trước tòa phong thánh rằng: “Thân mẫu chúng tôi rất quan tâm giáo dục con cái. Người dạy chúng tôi học chữ và học giáo lý. Về sau còn dạy chúng tôi cách thức dự lễ và xưng tội rước lễ”.

Bà Đê đã dùng căn nhà của mình làm nơi trú ẩn cho các linh mục thừa sai, để tránh sự ruồng bắt của vua quan. Vào buổi sáng lễ Phục Sinh năm 1861, tổng đốc Nam Định đã sai quân đến nhà bắt giữ bà. Bấy giờ bà đang trong tuổi lục tuần. Bà đã bị tra khảo tàn nhẫn để buộc phải khai báo nơi trú ẩn của các linh mục thừa sai. Nhưng bà tỏ ra kiên cường, không hề hé môi nói nửa lời. Sau đó bà lại bị bắt ép khiêng qua cây Thánh giá, bị bỏ rắn độc vào người. Khi con gái bà đến thăm và tỏ vẻ đau lòng thấy quần áo của mẹ mặc bị loang lổ những vết máu đỏ tươi, thì bà đã an ủi con rằng: “Con ơi, đừng khóc nữa. Mẹ mặc áo hoa hồng đấy. Mẹ chịu khổ vì Danh Chúa Giêsu thì sao con lại phải khóc?” Sau ba tháng chịu đủ mọi cực hình, người đàn bà kiên cường ấy đã từ giã cuộc đời, để lại cho hậu thế một tấm gương anh dũng trung thành với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng.

  1. SUY NIỆM:

1) Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những ai?

+ Các ngài là hằng trăm ngàn giáo dân Việt Nam không rõ danh tánh, đã sẵn lòng chịu chết để làm chứng cho Chúa. Các Ngài đã bị giết hại dưới thời chế độ phong kiến, do các phong trào Cần Vương và Văn Thân thực hiện. Câu chuyện sau đây cho thấy điều đó: Một người đàn ông nọ bị quân lính bắt giải đến cho quan tòa xét xử. Quan tòa truyền lấy một chiếc dùi nung đỏ khắc lên đôi gò má của ông bốn chữ: “Gia-Tô Tả Đạo” rồi tống giam vào ngục. Ngồi trong tù suy nghĩ lại, ông cảm thấy áy náy vì lúc bị khắc dấu đã không dám can đảm nói lên quan điểm của mình, vì “Gia-Tô” đâu phải là “tả đạo”. Ngay trong đêm hôm ấy, ông đã yêu cầu bạn tù dùng dao rạch bỏ hai chữ “tả đạo” trên má, chỉ để lại hai chữ “Gia-tô” là thánh Danh Chúa Giêsu. Sáng hôm sau, ông lại bị điệu ra trước tòa án với khuôn mặt còn loang lổ máu, ông đã can đảm bênh vực đức tin và sau đó đã bị khép tội phản nghịch và đã chịu chết vì đạo.

+ Các ngài cũng là phụ nữ: Có một bà nọ bị bắt vì đã theo đạo và bị tòa kết án bị “voi giày”. Hai ngày trước khi ra pháp trường, bà viết thư cho người nhà yêu cầu gửi cho bà bộ quần áo cưới mà bà đã mặc khi trước, vì bà nghĩ rằng: “Ngày tôi bị chết vì đức tin chính là ngày tôi được gặp gỡ vị Tân Lang là Chúa Giêsu”. Hôm bị xử tử, khi ba hồi chiêng trống vang lên, người ta thấy quân lính dẫn ra một thiếu phụ mặc áo như cô dâu trong ngày cưới. Sau đó bà đã bị voi dùng vòi quấn ngang thắt lưng tung lên cao, rồi khi bà rơi xuống đất thì nó dẫm đạp lên người cách tàn bạo.

+ Các ngài thuộc mọi lứa tuổi: Có một cụ ông 80 tuổi như linh mục Lê Bảo Tịnh, có một bà lão 60 như bà thánh INÊĐê, một thiếu niên 14 tuổi như Phaolô Bột, một trẻ nữ 12 tuổi như Lu-xi-a Liễu, một cậu bé lên 10 như Phaolô Đạm, một em bé mới 9 tuổi như Gioan Túc…

+ Các ngài đủ mọi ngành nghề trong xã hội: Có người làm linh mục như cha Phi-líp-phê Minh, làm thầy giảng như thày An-rê Phú Yên, làm nữ tu như các dì phước dòng Mến Thánh Giá, làm chủng sinh như chú Tôma Thiện, làm quan chức triều đình như Hồ Đình Hy, làm quân lính như Trần Văn Trông, làm trùm họ như Nguyễn Đích, làm công chức như Nguyễn Huy Mỹ, làm lái buôn như Lê Văn Gẫm, làm nông dân như Đa-minh Ninh… Hầu như mọi thành phần, lứa tuổi hay nghề nghiệp đều có đại diện. Người ta đã thống kê được 58 giám mục và linh mục thừa sai, 25 linh mục Việt Nam, 340 thầy giảng, 270 nữ tu và khỏang trên 100 ngàn giáo dân đã chết vì đạo. Trong số đó, vào ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong lên bậc hiển thánh 117 vị và sau đó tới lượt thày giảng An-rê Phú Yên được phong lên bậc Chân Phước hay Á thánh. Đây là những vị có đầy đủ hồ sơ chứng minh đã anh dũng chịu chết vì đức tin. Còn hằng hà sa số các tín hữu đã bị giết chết với nhiều cách khác nhau, nhưng do thiếu hồ sơ cụ thể để xin phong thánh, nên còn chờ sẽ được tôn phong sau này.

2) Về sự bách hại các tín hữu của ma quỷ thời nay:

Ngày nay ma quỷ không dùng cực hình đau khổ thể xác để bắt buộc người tín hữu phải công khai bỏ đạo như vua chúa Việt Nam khi xưa, nhưng chúng dùng tiền bạc, hứa ban chức cao quyền trọng và đầu độc giới trẻ bằng các phim ảnh đồi trụy trên mạng, các băng video games bạo lực dâm đãng, bằng thói hút chích ma túy, bằng thói hư rượu chè bài bạc… khiến các thanh thiếu niên ham mê chạy theo, chán ngại việc đọc kinh lần hạt, bỏ học lời Chúa giáo lý, bỏ dự lễ Chúa Nhật… Rồi do lâu ngày không được nghe giảng Lời Chúa và thiếu ơn Chúa ban qua các bí tích, nên họ chỉ biết sống thực dụng, chỉ lo tìm kiếm tiền bạc dù là bất chính… Và cuối cùng bị mất đức tin lúc nào không hay.

3) Phương cách hữu hiệu để làm chứng cho Chúa hôm nay là gì ?

Tử đạo hôm nay là sống đức tin để làm chứng cho Chúa:

Đức Giêsu đã sai các Tông đồ đi rao giảng Tin mừng và tiên báo các khó khăn sẽ gặp phải như sau: “Anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết” (Mt 10,18). Người cũng truyền cho các Tông đồ phải làm chứng nhân cho Người: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Các thánh Tử đạo Việt Nam đã chu toàn sứ mệnh làm chứng cho Chúa bằng việc sẵn sàng chịu chết vì đức Tin.

Còn chúng ta hôm nay tuy không có cơ hội chịu chết vì Danh Chúa như các anh hùng tử đạo khi xưa, nhưng chúng ta vẫn có thể làm chứng cho Chúa bằng một lối sống hy sinh quên mình, khiêm nhường vị tha và luôn yêu thương phục vụ tha nhân vô vụ lợi. Tử đạo trước hết là sống Đức Tin bằng sự khiêm nhường phục vụ, sẵn sàng chấp nhận thua thiệt, kể cả hy sinh mạng sống của mình noi gương các thánh Tử Đạo. Sứ mệnh của người tín hữu là phải trở thành muối mặn ướp cho người đời khỏi hư hỏng, thành nắm men tin yêu thấm nhập, làm cho thúng bột xã hội mình đang sống dậy lên men tình yêu mến Chúa (x. Mt 5,13), là nên đuốc sáng chiếu soi trần gian như lời Chúa dạy: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

– Tử đạo là nói không với tội lỗi nhờ lòng mến Chúa và kiên trì tập luyện:

Ngày hôm nay, không ai dùng bạo lực, dùng những cực hình man rợ bắt chúng ta bỏ đạo hay chối Chúa như các thánh tử đạo ngày xưa. Nhưng chúng ta lại phải đương đầu với những thách thức mới. Đó là những cơn cám dỗ, những lôi cuốn của danh vọng, tiền bạc, dục vọng và tội lỗi …làm chúng ta đi trệch con đường của Chúa Giêsu, đi lạc ra khỏi giáo lý của Người. Noi gương các anh hùng tử đạo Việt Nam, chúng ta phải can đảm nói “không” với các tệ nạn xã hội, với các thói hư, với những sự rủ rê của bạn bè xấu… Nhưng bằng cách nào?

Một là bằng lòng mến chân thành: Để làm được điều này đòi hỏi mỗi người phải cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa dành cho mình, và sẵn sàng đáp lại bằng lòng mến chân thành như thánh Phaolô: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô” (Rm 8,35). Thực vậy, làm sao chúng ta có thể trung thành với Chúa như thánh Phaolô nếu chúng ta không có lòng mến Chúa Giêsu như ngài, không phó thác trọn vẹn vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa? Lòng mến Chúa sẽ được tăng cường bằng việc chuyên cần đọc Lời Chúa và cầu nguyện. Mỗi ngày hãy dành ít phút để đọc và suy niệm Lời Chúa trong giờ kinh tối gia đình.

Hai là bằng sự tập luyện: Muốn nâng được những chiếc tạ nặng, các lực sĩ đã phải tập nâng những tạ nhẹ trước và tăng độ nặng lên từ từ. Muốn giải được những bài toán khó, các em học sinh cũng phải tập làm những bài toán dễ trước…  Cũng vậy, để có thể nói “không” trước những cám dỗ lớn lao trong cuộc đời, chúng ta phải tập làm chủ bản thân, tập nói “không” trước các cám dỗ nho nhỏ, tập thực hiện các việc làm tích cực đối lập với thói xấu muốn tu sửa như tập khen ưu điểm của người khác, tập mỗi ngày làm vui lòng một người chung quanh… Nếu mỗi năm chúng ta sửa được một thói hư như trên thì chả mấy lúc chúng ta sẽ trở nên tốt hơn.

– Cụ thể chúng ta phải làm chứng thế nào cho đồng bào Việt Nam hôm nay?:

Sống trong đất nước mà người Công giáo chỉ 7-8 phần trăm dân số, người tín hữu chúng ta cần ý thức sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho đồng bào của mình. Nếu chúng ta có lối sống ích kỷ khép kín là chúng ta đã gián tiếp chối bỏ đức tin vào Thiên Chúa; Khi ta chọn làm những điều trái phép công bình và lỗi đức bác ái, là chúng ta đang gián tiếp bước qua Thánh giá Chúa Giêsu. Trái lai, nếu ta năng cầu nguyện dự lễ, kèm theo lối sống gương sáng: luôn ăn nói công minh chính trực, sẵn sàng quên mình dấn thân đi bước trước phục vụ tha nhân, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, trao tặng gạo tiền cho những người đang gặp tai ương lũ lụt bất hạnh… là chúng ta đang làm chứng cụ thể về tình thương của Chúa cho đồng bào Việt Nam hôm nay, noi gương các anh hùng Tử Đạo cha ông xưa kia.

  1. THẢO LUẬN: 1) Người ta thường nói: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Bạn quyết tâm sẽ làm gì để làm chứng cho Chúa tại nhà trường, công sở, nhà máy, các tụ điểm giải trí vui chơi… để xứng đáng là con cháu các thánh Tử đạo Việt nam? 2) Gặp một người bài bác đức tin, nói xấu các vị chủ chăn… bạn nên chọn cách phản ứng thế nào? 3) Bạn phải sống đức tin ra sao để có thể gây được thiện cảm với bạn bè không Công Giáo?
  2. NGUYỆN CẦU:

– LẠY CHÚA GIÊSU. Hôm nay chúng con mừng kính các thánh Tử đạo Việt nam, là tổ tiên chúng con. Các ngài đã can đảm làm chứng cho Chúa bằng sự kiên cường bất khuất, sẵn sàng chịu chết vì đức tin. Các ngài đã làm rạng danh dân tộc Việt nam trước toàn thể thế giới khi sống đến cùng ơn gọi làm tín hữu của mình. Sự hy sinh của các ngài đã nói lên chân lý này là: “Tình yêu mạnh hơn sự chết”, và chết không phải là đi vào cõi tiêu diệt, nhưng là cánh cửa bước vào cõi sống vĩnh hằng. Dù mang thân phận mỏng dòn yếu đuối, nhưng nhờ ơn Chúa giúp, các ngài đã chiến thắng sợ hãi và nêu gương sáng đức tin can trường cho chúng con hôm nay.

– LẠY CHÚA. Xin cho chúng con biết luôn sống đức tin noi gương các thánh Tử Đạo Việt Nam. Xin cho chúng con biết nhiệt thành làm chứng cho Chúa, bằng một lối sống hy sinh quên mình và khiêm nhường phục vụ tha nhân. Ước gì ngọn lửa đức tin mà các thánh Tử đạo đã thắp lên sẽ được chúng con tiếp tục làm bùng sáng trên quê hương Việt nam thân yêu. Ước gì máu các ngài đổ ra sẽ làm phát sinh thêm nhiều Kitô hữu vừa có lòng nhiệt thành mến Chúa lại vừa yêu mến xây dựng quê hương Việt Nam ngày càng văn minh giàu đẹp.

  1. X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

 

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG