Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO, năm B, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin mừng KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO, năm B, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 30B TN

KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

khanhnhattruyengiaoĐức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói trong Sứ Điệp Ngày Khánh Nhật Thế Giới Truyền Giáo như sau: ngày nay vẫn còn rất nhiều người chưa nhận biết Đức Giêsu Kitô. Thế nên, sứ mạng “đến với muôn dân” (ad gentes) vẫn còn hết sức cấp bách. Mọi phần tử của Hội Thánh được kêu gọi tham gia sứ mạng này, vì Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo: Hội Thánh được sinh ra để “đi ra”.

Ngày Thế Giới Truyền Giáo là cơ hội đặc biệt để các tín hữu trên khắp các châu lục cùng nhau cầu nguyện và có những hành động liên đới cụ thể để nâng đỡ các Giáo Hội trẻ tại các xứ truyền giáo. Đây là một cuộc biểu dương ân sủng và niềm vui. Một cuộc biểu dương ân sủng, bởi vì Chúa Thánh Thần được Chúa Cha sai đến ban phát sự khôn ngoan và sức mạnh cho những ai vâng theo tác động của Người.

Một cuộc biểu dương niềm vui, vì Chúa Giêsu Kitô, Người Con được Chúa Cha sai đến Phúc Âm Hoá thế gian, đang nâng đỡ và đồng hành với chúng ta trong các nỗ lực truyền giáo. Đây chính là lý do để tôi đề nghị một biểu tượng Kinh Thánh mà chúng ta gặp thấy trong Tin Mừng Thánh Luca 10,21-23
Thánh Luca kể lại cho chúng ta rằng: Chúa sai 72 môn đệ từng hai người một đi vào các thành thị và làng mạc loan báo Nước Thiên Chúa, và chuẩn bị cho dân chúng gặp gỡ Đức Giêsu.

Sau khi chu toàn sứ mạng rao giảng, các môn đệ trở về lòng tràn ngập niềm vui: các môn đệ tràn ngập niềm vui, phấn khích vì họ có quyền năng giải thoát người ta khỏi ma quỷ. Đức Giêsu cảnh báo họ đừng quá vui mừng vì quyền năng họ đã nhận được, nhưng vui mừng vì tình thương họ nhận được, “vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10,20). Chúa cho các môn đệ trải nghiệm tình thương của Thiên Chúa, nhưng cũng cho họ khả năng chia sẻ tình thương ấy. Và trải nghiệm này là một lý do để Đức Giêsu biểu lộ tâm tình tạ ơn và niềm vui. Thánh Luca diễn tả niềm hoan lạc này trong ý nghĩa của sự hiệp thông giữa Ba Ngôi: “được Thánh Thần tác động, Ðức Giêsu hớn hở vui mừng”,

Ngài nhìn lên Chúa Cha và chúc tụng Người. Giờ phút vui mừng sâu xa này phát sinh từ mối tình con thảo của Đức Giêsu đối với Chúa Cha là Chúa Tể trời đất, Đấng che giấu những điều này đối với những người tài trí khôn ngoan, nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn (x. Lc 10,21). [1]

Đức Phanxicô đã nhấn mạnh đến niềm vui Chúa cho các môn đệ cảm nghiệm được tình thương của Chúa và cũng cho họ khả năng để chia sẻ tình thương đó. Đây chính là cốt lõi của việc truyền giáo, vì chính trong tình thương này Thiên Chúa đã hiện diện trong cuộc sống của chúng ta như thế nào? Thiên Chúa đã chi phối cuộc sống của chúng ta ra rao?

Chúng ta phải cảm nghiệm ra rằng: rời xa tình thương của Chúa là chúng ta không thể tồn tại, hay nếu có tồn tại thì chúng ta cũng chỉ sống như một thây ma, một cái xác không hồn. Phải có cảm nghiệm như thế thì chúng ta mới có thể đáp ứng lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Truyền giáo chính là một cuộc biểu dương ân sủng và niềm vui. Làm sao có thể biểu dương niềm vui được khi chúng ta không có niềm vui đó trong tâm hồn. Để có thể biểu dương niềm vui, tất nhiên chúng ta phải có niềm vui đã rồi mới biểu dương ra bên ngoài. Nghĩa là chúng ta phải có Tin Mừng đã rồi mới biểu dương, loan báo Tin Mừng đó. Và nếu đã là Tin Mừng, Tin Vui thì chúng ta không thể giữ kín mà tất nhiên chúng ta sẽ chia sẻ Tin Mừng Tin Vui  ấy cho những người chung quanh chúng ta. Cảm nhận được tình thương của Chúa, chính là Tin Vui, Tin Mừng đích thực của chúng ta. Cảm nhận được tình thương Chúa, đó cũng chính là nền tảng để ra đi truyền giáo.

Sau đây là cảm nghiệm của một người tân tòng đã cảm nhận được Tin Vui đích thực và ông đã chia sẻ như sau:

Người Công Giáo là kẻ có cảm thức được Thiên Chúa yêu thương, được yêu thương một cách sâu thẳm và được mời gọi đáp trả lại tình yêu thương đó. Có cái gì như một kẻ si tình. Si tình ở đây bắt nguồn từ sự điên rồ của màu nhiệm Khổ Giá (la folie de la croix); và như chữ Thương Khó, Khổ Nạn (passion) không phải không có âm hưởng của cái gì như là đam mê (cũng là passion). Sự so sánh giữa các thánh của Kitô Giáo với các thiền sư, các đạo gia, thì một bên có cái gì da diết, đầy đam mê (passion), một bên thì thanh thản, đầy minh triết (sagesse)”.

Và người tân tòng chia sẻ tiếp: “cuộc đời của Đức Giêsu trước hết gợi lên lòng thương của tôi đối với một người vô tội bị oan khiên, sau đó là sự hấp dẫn của một người dịu dàng, đơn sơ, bình dị. Có thể nói tình cảm đầu tiên đối với Ngài là lòng thương mến hơn là lòng tôn kính đối với một bậc tôn sư: có một cái gì như tình bạn ít nhiều bình đẳng giữa hai người cùng hội cùng thuyền. Ấn tượng đầu tiên đối với Ngài có cái gì tương tự như sự an ủi của người mẹ hiền, người bạn quí, hàn gắn thương đau, khuyết điểm, khuyến khích về mặt cảm tính khi chán nản; sưởi ấm cõi lòng khi cô đơn – nhiều hơn là một vị tôn sư dạy một giáo thuyết”.

Ông cho rằng “sự hấp dẫn của Chúa Giêsu hình như do chính con người và cuộc đời của Ngài từ việc sinh ra trong máng cỏ, qua 30 năm âm thầm lặng lẽ, ba năm nay đây mai đó, trà trộn với dân chúng, rồi bị giết oan, nhiều hơn là do đạo lý Ngài truyền dạy. Bởi vì, xét về mặt tâm lý đạo đức thì các bài dạy của Ngài cũng chẳng có gì là cao siêu tuyệt vời, nhưng điều làm cho tôi cảm mến Ngài chính là “con người” và “cuộc sống”của Ngài (sa “personne” et sa “vie”). Đã có cảm tình với Ngài rồi thì khó quên, khó phai và hình như càng lâu càng thắm thiết hơn… đối với các bậc thánh hiền khác, thì có thể nhớ bài dạy của Ngài mà quên đi con người và cuộc đời của các ngài. Đối với Đức Giêsu thì khác hẳn: đôi khi quên lời Người dạy, nhưng chính Ngài thì không thể quên được. Và có lẽ càng hay sống trái lời Ngài dạy, thì hình ảnh Ngài lại càng thêm xoáy vào tâm khảm… nhớ quay nhớ quắt, nhớ quằn quại đến độ không chịu được!… thông minh, tài trí, dũng cảm…có lẽ nhiều người hơn Đức Giêsu, nhưng đáng yêu nhất thì chỉ duy nhất có một mình Ngài mà thôi!”[2]

Lạy Chúa xin ban niềm vui đó cho chúng con để chúng con cùng với toàn thể Giáo Hội biểu dương niềm vui đó cho thế giới hôm nay.  Amen.

LM Giuse Đỗ Văn Thụy

 

 

      [1] “Sứ Điệp Ngày Khánh Nhật Thế Giới Truyền Giáo 2014 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô”

[2] Vũ Văn An, Nguyễn Khắc Dương: một người trí thức Việt Nam nhập đạo nói về cảm nghiệm “đi tìm Giáo Hội”

Xem thêm

ANNA

Suy niệm Tin Mừng ngày 30/12, của Lm Minh Anh

HOÀI MONG “Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, đêm ngày …