SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 29 TN ( A) 2020
( Mt 22, 15-21)
ĐỒNG TIỀN – GIÁ TRỊ VẬT CHẤT – GIÁ TRỊ VĨNH CỬU
Thưa quý vị, Lời Chúa hôm nay không đề cập đến giá trị tiền bạc,nhưng qua câu chuyện có thật , không phải dụ ngôn, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết “giá trị” của sự công bằng.
Công bằng là một “sự thật”, một luân lý hiển nhiên, rạch ròi dẫn đến sự thánh thiện tuyệt đối là THIÊN CHÚA.
Nói đến công bằng là nói đến tất cả mọi lĩnh vực, không phải chỉ có tiền bạc, nhưng tiền bạc là phương tiện dẫn đầu của sự công bằng, đến độ công bằng được gọi là “đức”, Đức công bằng.
Mười Điều Răn Đức Chúa Trời là một bài học dạy công bằng đầu tiên bởi Thiên Chúa. Không phải chỉ có điều thứ bảy và thứ mười, nhưng tất cả mười điều là “sự công bằng”, “MƯỜI ĐIỀU RĂN” của Đức Chúa Trời là Mười Điều dạy dỗ của Thiên Chúa, không phải là “mười cái răng”.
Thưa quý vị, sự công bằng tuyệt đối nơi Thiên Chúa mới tạo nên tình yêu vĩnh cửu nơi Ngài. Bởi vì, “tình yêu” là nguồn sống, hương vị tình yêu làm nên sự thánh thiện, để phân biệt thiện ác phải căn cứ vào tình yêu, vì thế, Ki-tô giáo là Đạo tình yêu. Tình yêu phát sinh sự sống và làm cho sống, và sống vĩnh cửu.
Tình yêu là “thước đo” là nền tảng của Ki-tô giáo, đến độ người ta nói:” Nếu tách rời tình yêu khỏi Ki-tô giáo, thì tình yêu ấy không sống được.”
Đoạn Tin Mừng (Mt 22, 15-21) không phải là chủ đề nói về tình yêu, cũng không phải chủ đề nói về tiền bạc. Nhưng, Chúa Giêsu “vận dụng” sự công bằng nơi Thiên Chúa để trả lời cho nhóm biệt phái và kinh sư.
Đồng tiền dù bằng kim loại hay bằng giấy, nó cũng có hai mặt, thực ra nó là một hình thức để lưu hành, chuyển đổi giá trị lao động để làm căn cứ nuôi sống người lao động, được phát hành bởi nhà cầm quyền, cai trị dân, mặc nhiên họ có quyền thu thuế, hình thức giấy bạc, hay dồng tiền kim loại đều có in hình vị vua, hay lãnh tụ của quyền hành ấy. Sở dĩ, ngày xưa gọi là “đồng tiền”, bởi vì, bó được đúc bằng đồng kim loại, sau nầy để vận chuyển nhẹ nhàng hơn, người ta dùng “giấy bạc”, đồng tiền hay giấy bạc đều có in hình quốc vương, hay những ký hiệu.Vì vậy, giá trị chân chính của đồng tiền là “thước đo” của lao động. Nếu không lao động mà có tiền, thì đồng tiền bất chính.Đồng tiền bất chính là đồng tiền phi nghĩa, đồng tiền phi nghĩa chỉ có giá trị tạm thời, ngắn hạn, không tồn tại, vì “ phi nghĩa” là vô đạo đức, là không có nhân nghĩa. Do lường gạt, cướp bóc, lừa dối, bịp bợm mà có.Ngược lại, đồng tiền chân chính là đồng tiền “nhân nghĩa”, đồng tiền do sức lao động chân tay hay tri thức, giá trị từ chính con tim,khối óc và hai bàn tay của người lao động, vì lao động là sự sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa.
Đồng tiền bất chính nghiễm nhiên đi vào tù tội, nhưng có vô số những “bóng ma” lường gạt mà pháp luật “ bó tay”, hoặc người hành pháp bất minh thông đồng , thỏa hiệp với kẻ gian ác, đó là hối lộ, tham nhũng.
Đồng tiền mà những biệt phái, kinh sư đưa ra để “gài bẫy” Chúa Giêsu có in hình hoàng đế Xezare, vị hoàng đế Roma đang cai trị Nước Israel. Một sự quỷ quyệt của người Dothai muốn hãm hại Chúa Giêsu, mà nhãn quan của họ không nhận ra Người là “hiện thân” tình yêu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu là ”khối tình” của Thiên Chúa Cha, Đấng Tạo Thành và Cứu Chuộc, mà Chúa Giêsu là Đấng thi hành sứ vụ Cứu Chuộc đó.
Đồng tiền có in hình Xê-za nói lên tính phát hành và lưu hành theo quyền của hoàng đế Xe-za, mặc nhiên, Chúa Giêsu không kích động làm chính trị, dấy loạn, phản động theo sự mong muốn nghĩa đen của người Dothai lúc bấy giờ.Vì, “ Kẻ dùng gươm sẽ chết vì gươm”.
Vì thế, Chúa Giêsu đã dùng sự “công bằng” để nói lên sự việc. Thiên Chúa muốn cứu độ nhân loại, vì Ngài là Thiên Chúa, Ngài đứng trên mọi quyền lực, biến hóa, siêu nhiên, Chủ vũ trụ. Thiên Chúa không “giành giật” với thế gian, không giành giật với bất cứ thế lực nào. Và, Thiên Chúa dạy cho con người không giành giật với nhau.Đồng thời cho con người biết rằng: Cái gì của Thiên Chúa, thì con người cũng không thể giành giật được. Vì vậy, cái gì của Thiên Chúa người đời dù là quyền lực nào đi chăng nữa cũng không thể “giành” được quyền làm Chủ của Thiên Chúa, đó là:” Quyền sinh tử”.
Vâng, đó là “QUYỀN” duy nhất nơi Thiên Chúa, vì vậy, mọi quyền bính trần gian chỉ có giá trị nơi trần gian, Quyền của Thiên Chúa, thế gian dù có “ba vạn sáu ngàn” binh mã cũng “chịu thua”, đó là “Luật Trời”. Sự hiệu nghiệm, giá trị của Lời Chúa chính là điểm nầy. Chúng ta nhớ lại Lời dạy của Chúa Giêsu rằng:” Các con đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác các con, nhưng hãy sợ Đấng ném cả xác và hồn vào lửa đời đời”.
Rõ ràng ,câu Lời Chúa đó phù hợp với câu Lời Chúa hôm nay : “ Cái gì của Xe-za hãy trả về Xe-za, cái gì của Thiên Chúa hãy trả về Thiên Chúa.” (Mt 22, 21)
Như vậy, Đoạn Lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết: Chân lý là giá trị Tin Mừng, chứ không phải quyền lực thế gian.
VÌ , LÀ PHÀM NHÂN, AI CŨNG PHẢI DƯỚI QUYỀN SỰ CHẾT. Đao phủ là kẻ cầm dao giết người khác theo lệnh vua, nhưng, hắn cũng bị kẻ khác giết. Đó là luân lý, là quy luật luân lý, từ ngữ Công giáo không dùng “luật nhân quả”, nhưng, chúng ta đong đấu nào cho tha nhân thì Thiên Chúa lấy chính đấu đó mà đong cho chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dùng chân lý dạy dỗ muôn dân, xin cho Thánh Thần Chúa xuống trên họ, để chân lý của Chúa thấm nhuần trên họ, hầu thế gian tôn thờ duy nhất một Chúa mà thôi ./. Amen
Phê-rô Trần Đình Phan Tiến