Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật I Mùa Chay, năm A, của P.Trần Đình Phan Tiến

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật I Mùa Chay, năm A, của P.Trần Đình Phan Tiến

LƯỚT THẮNG CÁM DỖ!

2Cám dỗ là một sự “thử thách”, một “ranh giới” giữa Thiên Chúa và ác thần, giữa điều thiện hảo và satan. Con người đứng trên mọi tạo vật có thân xác, bởi vì con người có linh hồn. Linh hồn của con người là “sự sống“ của Thiên Chúa. Sự sống của Thiên Chúa là ”Sinh Khí“ hay “Thần Khí”, tức sự sống siêu nhiên, sự sống không ai nắm bắt được, sự sống vĩnh cửu. Thiên Thần là tạo vật, hay thụ tạo, nhưng không có thân xác, ở cận kề Thiên Chúa. Vì vậy, thiên thần là loài siêu nhiên, nhưng là thụ tạo. Thiên Chúa lại tạo thành một “vật” kỳ lạ, huyền diệu, vừa có thân xác, vừa có sinh khí, thân xác bởi bùn đất, nhưng sinh khí bởi Thiên Chúa, đó là loài người (St 2, 7 -9). Vì vậy, con người là một động vật, loài thụ tạo huyền nhiệm và linh thánh, vừa hữu thể, vừa vô hình. Một loài thụ tạo duy nhất và lạ lùng nhất, vừa là loài vật vừa là thần linh. Có thể nói loài người là “linh vật”, nên chi được gọi là “con người”, khác với con vật, vì có linh hồn bất tử. Vâng, chỉ có Thiên Chúa mới gọi là bất tử, ngoài Thiên Chúa ra không có chi là bất tử. Vì vậy, sinh khí nơi con người chính là Thần Linh nơi Thiên Chúa.

Chúng ta thấy, loài người đặc biệt biết bao! Nếu không được Thiên Chúa dựng nên thì làm sao con người được hình thành. Rõ ràng, con người là một sinh vật, nếu không có Sinh Khí của Thiên Chúa, thì không thể được tham dự vào đời sống thần linh, siêu nhiên được. Lúc đó, chỉ có một loài tạo vật duy nhất được sống gần bên Thiên Chúa, đó là Thiên Thần.

Vì vậy, sau khi loài người được tạo dựng bởi Thiên Chúa, thì ngay khi cuộc sống đầu tiên bởi một sinh vật lạ lùng xuất hiện và được Thiên Chúa “sủng ái“, mặc nhiên, dù là thiên thần, nhưng không phải là Thiên Chúa, phát sinh sự đố kỵ, rõ ràng, satan không phải do Thiên Chúa tạo thành. Nhưng, trong giây lát trong bản ngã của một thiên thần vẫn dấy lên sự đố kỵ với loài thụ tạo mới. Tự đi cám dỗ, mách nước với vật thụ tạo mới, đó là con người. Thiên Chúa vẫn đặt ra “cây ác”, bên cạnh “cây thiện“ để “thử thách“ loài vật đặt biệt mà Ngài mới tạo thành. Và như vậy, satan xuất hiện, như vậy ”satan“ là kẻ ganh ghét và phản ngịch, ganh ghét với loài người và phản nghịch với Thiên Chúa.

Theo đó, con người đầu tiên bất trung với Thiên Chúa, phá vỡ sự cam kết qua “Lời” phán của Thiên Chúa, đó là “tội”. Vâng,  “tội” đã xâm nhập vào thế giới của con người, gọi là “thế gian”, thế giới gian nan, là thế giới “có tội”. Mặc nhiên, đau khổ xuất hiện, như vậy đau khổ là hệ lụy của “tội lỗi”, chịu sự trừng phạt của Thiên Chúa, và án phạt lớn nhất là con người “phải chết”. Thân xác phải chết, gọi là ”trả nợ Adong”, đó là “tội tổ tông”. Tội tổ tông là chính nguyên tổ đã phạm tội và người đầu tiên của loài người đã phạm tội, thì án phạt mặc nhiên hệ lụy đến muôn kiếp.

Như vậy, mầm móng satan, hay nguyên cớ của tội là do “cám dỗ”, và con người chịu cám dỗ và sa chước cám dỗ, là do bởi không nghe Lời của Thiên Chúa. Như vậy, nguyên tổ Adong đã sa chước cám dỗ cách gián tiếp bởi một người “phụ nữ”, người nầy cùng được tạo thành với mình, gọi là đồng loại. Người phụ nữ nầy đã nghe theo lời của satan, chứ không nghe theo Lời của Thiên Chúa. Từ đó, án phạt sự dữ, sự đau khổ và sự chết xuất hiện. Như vậy, dòng giống loài người phải mang án phạt đó, trải dài giòng lịch sử của con người, gọi là nhân thế, phải đau khổ, và biết bao hệ lụy của khổ đau.

Từ đó, sự kêu cầu, sự than van, rên xiết của nhân thế, Thiên Chúa không bỏ mặc họ dưới quyền của đau khổ, sự dữ và sự chết. Thiên Chúa chọn một dân riêng để lãnh đạo, hướng dẫn qua các ngôn sứ. Vì, Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn thánh thiện và siêu nhiên, nên, Ngài chỉ phán bằng LỜI mà thôi. Như vậy, trải qua hành trình giải thoát “gián tiếp” qua các tổ phụ và tiên tri, Thiên Chúa đã giải thoát “dân riêng“ của Ngài “vượt qua“ nhiều lần hiểm trở. Như Vượt Qua “khỏi“ nạn sát hại các con đầu lòng của người Ai-cập, vượt qua Biển Đỏ “khô chân“ của Pharaol.

Như vậy, Mùa Chay của Cựu Ứơc là nhắc nhớ hành trình cứu thoát của Thiên Chúa trên dân riêng của Ngài, Vượt Qua nhiều lần nguy hiểm để “cứu“ thoát dân mà Thiên Chúa chọn. Mùa Chay là mùa nhắc nhớ hồng ân cứu thoát của Thiên Chúa, mùa đền tội, mùa thống hối. Qua đó, Thiên Chúa sẽ ban Đấng Cứu Tinh đến cho nhân loại, từ đó , sẽ có một Lễ Vượt Qua mới.

Và, Mùa Chay của Tân Ứơc là hành trình nhắc nhớ Lễ Vượt Qua của Đức Kitô, Đấng đã đến để kiện toàn lề luật. Theo đó, Tin Mừng hôm nay (Mt 4, 1 -11), trình thuật biến cố Chúa Giêsu chịu cám dỗ bởi satan.

Rõ ràng, bị cám dỗ là động thái mà loài người phải chịu vì ý nghĩa nêu trên. Khi Đấng Cứu Thế đến, Người mặc lấy nhân tính hoàn toàn, thì satan càng hờn ghen, bởi vì, dù loài người sa ngã, nhưng, Thiên Chúa vẫn yêu thương và không bỏ mặc, lại còn ban Đấng Cứu Thế đến, vì vậy, trước khi chu toàn sứ vụ Thiên Sai cách công khai, Chúa Giêsu được Thần Khí Thiên Chúa đưa vào hoang địa để chịu satan cám dỗ.

Như vậy, ba lần Chúa Giêsu chịu cám dỗ là Người đã ăn chay bốn mươi đêm ngày rồi, vì mang tính phàm nhân, tức nhân tính hoàn toàn, ngoại trừ tội lỗi. Thì, Chúa Giêsu cảm thấy đói, satan liền cám dỗ thức ăn.

Mặc nhiên, satan biết rõ về phần Thiên Tính của người, nó phủ đầu, khiêu khích Chúa Giêsu: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy biến những hòn đá nầy thành bánh đi” (c 3).

Quả nhiên satan vẫn ngoan cố, dù biết Người là Thiên Chúa, nhưng , bản tính Thiên Chúa chịu mang lấy sự hữu hình của nhân thế, nên satan càng tức ghen.

Chúa Giêsu dùng Lời Kinh Thánh đáp lại: “Đã có Lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhở cơm bánh, mà còn nhờ bởi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra” ( c 4).

Như vậy, Chúa Giêsu cho chúng ta biết Lời Chúa là “Lương Thực” nuôi sống phần “sinh khí”, tức sự sống thật bởi Thiên Chúa, đó là linh hồn con người.

Như vậy, ý nghĩa việc ăn chay thân xác, sẽ giúp chúng ta có cơ hội “sống Lời Chúa”.

Lần thứ hai, satan lại dùng sự kiêu ngạo, sự tự cao, sự tài giỏi mà thử thách Chúa Giêsu. Nó đã dùng ngay Lời Kinh Thánh. Chúa Giêsu dùng ngay Lời Kinh Thánh mà quở trách nó. “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi“(c 7). Dù mặc lấy sự hữu hình, nhưng Chúa Giêsu vẫn là Thiên Chúa của satan, nó ngạo mạn, nhưng Chúa Giêsu vẫn biểu lộ sự khiêm tốn, vì, Người tự nguyện mặc lấy nhân tính phàm nhân. Một sự tự nguyện mang tính Cứu Độ con người, vì thế ,Chúa Giêsu vẫn “nhẫn nại” trả lời cho satan.

Lần thứ ba, satan lại dùng mưu kế khác, lần nầy là quyền lợi vật chất, phú quý vinh hoa, nó nghĩ rằng với tính phàm nhân, Chúa Giêsu sẽ đánh đổi để suy phục nó. Thật là ngu ngốc, với một “nguyên tổ” loài người có thể sa ngã, nhưng, đây chính là Một Ngôi Vị Thiên Chúa đã “từ bỏ” moi sự ngang hàng với Thiên Chúa, tự nguyện mặc lấy nhân tính hữu hình, để cứu độ con người, thì làm sao mắc bẩy satan. Vì ,Người đã hoàn toàn trút bỏ mọi uy quyền, để chỉ tôn thờ duy nhất một Thiên Chúa là Cha. Lần nầy Chúa Giêsu đã lên tiếng đuổi satan, hỡi satan  , hãy xéo đi, cút đi. Vì có Lời chép rằng: “Ngươi phải thờ lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và chỉ phụng thờ một mình người mà thôi“ Thế là satan phải rút lui, và các thiên sứ tiến lại hầu hạ Người.

Vâng, là Ngôi Lời Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã từ bỏ tất cả, nơi Người chỉ còn lại là sự khiêm hạ vâng lời, và vâng lời cho đến chết, hầu cứu thoát thế nhân tội lỗi khỏi thế lực satan. Vì vậy, dù là trong nhân tính, Người vẫn từ bỏ mọi sự, sự chay tịnh, hay chịu cám dỗ về thế lực và uy quyền, Người cũng chẳng màng, bởi nơi Người chính là Thiên Tính thần linh ngự trị.

Chúng ta bước theo Chúa Giêsu , trong những cơn cám dỗ, chắc chắn chúng ta không thể lướt thắng satan, nếu như chúng ta không “bám sát” vào Chúa Giêsu. Bởi vì, nơi chúng ta vẫn mang một xác thịt nặng nề, yếu đuối, nhưng, chúng ta đừng quên rằng, trong thân xác yếu đuối, chúng ta vẫn có linh hồn là sinh khí của Thần linh, nếu chúng ta biết cậy trông vào Chúa Giêsu, linh hồn chúng ta thật sự cố gắng noi theo gương chiến thắng ba cơn cám dỗ của Người, thì chúng ta sẽ có một ân sủng siêu nhiên phù giúp.

Đoan Tin Mừng (Mt 4, 1 -11) hôm nay, không phải chỉ để nhắc lại cho nhớ mà thôi, mà còn là một động lực giúp chúng ta chiến đấu chống lại cám dỗ, nếu chúng ta quyết tâm từ bỏ những quyến rũ của satan. Vâng, đây là ý nghĩa của Mùa Chay, được gọi là Thánh, bởi vì chính Chúa đã thánh hóa Mùa Chay qua gương chịu satan cám dỗ.

Như vậy, Mùa Chay của Cựu Ứơc chỉ là giục lòng sám hối, là hình thức cho con người tự làm, như than van , khóc lóc. Nhưng, Mùa Chay Tân Ứơc đã được thánh hóa bởi gương chịu cám dỗ của Đấng Cứu Thế hôm nay. Vậy, Chúa Giêsu chịu satan cám dỗ, là chính để thánh hóa những ai đã đang bước theo Chúa Giêsu và chịu cám dỗ, hãy tin rằng có Chúa Giêsu cùng đồng hành.

Thánh vịnh 50 hôm nay diễn tả sự thống hối của Vua Đavit, một vị vua khôn ngoan, đầy tài năng, nhưng vẫn yếu đuối. Nhưng, chính sự vấp ngã của Vua Đavit, là một sự mạnh mẽ bởi tâm hồn thống hối, đến độ sự thống hối của ngài là một mẫu “GƯƠNG THỐNG HỐI“.

Bài đọc II (Rm 5, 12 -19) thánh Phaolo cho chúng ta biết, vì một người là Adam, mà muôn người phải chết, thì nhờ một Người là Đức Kitô, mà muôn người được “cứu”. Như vậy, giá cứu chuộc của Đức Kitô là cao cả vô song.

Lạy Thiên Chúa là Cha đầy lòng lân tuất, mỗi năm đến Mùa Chay Thánh, chúng con lại được nhắc nhớ đến hành trình cứu chuộc của Đức Kitô – Giêsu. Người đã noi gương lướt thắng cám dỗ, hầu giúp chúng con nhận biết, Người đã hạ mình chịu satan cám dỗ vì chúng con, hầu để tôn vinh và phụng thờ Thiên Chúa duy nhất và hằng hữu mà thôi./. Amen

Nguyện xin Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse cầu bầu cho chúng con trong Mùa Chay này, hầu giúp chúng con lướt thắng satan./. Amen

P.Trần Đình Phan Tiến

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN