Home / Cầu Nguyện Với Chúa Mỗi Ngày / Suy niệm Tin mừng hàng ngày sau Thứ Tư lễ Tro & CN 1 mùa Chay 2017, của Tu sĩ Giuse–Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.

Suy niệm Tin mừng hàng ngày sau Thứ Tư lễ Tro & CN 1 mùa Chay 2017, của Tu sĩ Giuse–Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.

THỨ TƯ LỄ TRO

GIỮ CHAY THẾ NÀO CHO ĐẸP LÒNG CHÚA?

 (Mt 6, 1-6.16-18)

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta bước vào Mùa tập luyện thiêng liêng bằng việc xức tro và ăn chay để khởi đầu Mùa Chay Thánh. Mùa Chay được bắt đầu từ thứ Tư Lễ Tro và kết thúc vào thứ Sáu Tuần Thánh. Mùa Chay kéo dài năm tuần lễ để chuẩn bị tâm hồn mừng đại lễ Phục Sinh là đỉnh cao của niềm tin Kitô Giáo.

Tuy nhiên, ý nghĩa của việc xức tro và ăn chay nhiều khi chúng ta chỉ dừng lại ở hành vi bên ngoài, mà không có tâm tình bên trong.

Nhân ngày thứ tư Lễ Tro, chúng ta hãy làm mới lại tinh thần về ngày lễ này.

  1. Xức Tro

Việc xức tro lên đầu nhắc chúng ta về thân phận hữu hạn, tro bụi của kiếp người. Vì thế, Tổ Phụ Abraham đã thưa với Chúa: “Con chỉ là thân tro bụi” (St 18, 27).

Thật vậy, con người được hiện hữu trên trần gian này là do tình thương của Thiên Chúa. Nhưng tiếc thay, tình thương ấy đã bị con người lạm dụng và hướng chiều về tội lỗi thay vì biết ơn! Mỗi khi xức tro, Giáo Hội nhắc chúng ta: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 14) để được Thiên Chúa tha thứ.

Những ý nghĩa này được khởi đi từ những câu chuyện trong Kinh Thánh Cựu Ước, điển hình như: tiên tri Giêrêmia kêu gọi sám hối: “Thiếu nữ dân tôi ơi, hãy quấn vải thô vào mình và lăn trên tro bụi” (Gr 6, 26).  Không chỉ dừng lại ở lời khuyên, tiên tri Đanien xin Chúa cứu dân Itrael, và nêu gương cho họ khi nói và hành động: “Tôi ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu rồi ngẩng mặt lên Chúa Thượng là Thiên Chúa, để dâng lời khẩn nguyện nài van” (Đn 9, 3). Đến thời Giona, Đức Chúa truyền cho ông loan báo về tai ương mà Người sẽ giáng xuống trên dân, nếu dân không ăn năn sám hối. Ông đã loan báo công khai, mãnh liệt, ráo riết,  nên: “Tin báo đến cho vua Ninivê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro” (Gn 3, 6).

Sang thời Tân Ước, Đức Giêsu vẫn giữ nguyên giá trị và ý nghĩa của việc xức tro. Tuy nhiên, Ngài hối thúc và cảnh báo sự trai lỳ cứng cỏi của dân khi nói: “Khốn cho các ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bétxaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđon, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xiđon còn được xử khoan hồng hơn các ngươi” (Mt 11, 21 – 22; x. Lc 10, 13).

Như vậy, hành động xức tro lên đầu ngoài việc công khai nhận mình là người có tội và tỏ lòng sám hối chân thành, để xin ơn thương xót của Thiên Chúa, chúng ta còn thể hiện sự quyết tâm trở về với Chúa, đổi mới tâm hồn để xứng đáng là con Chúa.

Một trong những điều thể hiện sự trở về, đó là việc chay tịnh. Tuy nhiên, giữ chay thế nào mới đúng với tinh thần mà Chúa mong muốn?

  1. Ăn Chay

Ăn chay khởi đi từ tinh thần thờ phượng Thiên Chúa và làm đẹp lòng Người (x. Ds 29,7; Cv 13,2),  (x. Tl 20,26; Gđt 8,6). Ăn chay còn có ý nghĩa nữa là thể hiện lòng đạo đức để được Thiên Chúa nhận lời (x. 2Sm 12,16-22; Er 8,21; để đền tội, xin Thiên Chúa tha thứ (x. Lv 23,27; Hc 34,26; Đn 10,2); hỗ trợ việc trừ Quỉ… (x. Mt 17,21).

Ăn chay còn nói lên tính vị tha là thực hiện công lý và tình thương (x. Is 58,6-7), thánh hóa bản thân, siêu thoát tinh thần để được hưởng sự sống đời đời. Không bám vúi vào của cải, sức riêng cách thái quá, vì: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4).

Thật vậy, nếu không ăn chay với những mục đích đã kể trên thì sẽ trở thành công dã tràng! Điều này đã được thánh Phaolô nói: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3).

  1. Cách giữ chay của người Công Giáo hiện nay

Ngày nay, tinh thần ăn chay của người Công Giáo xem ra đã bị lạm dụng, hay hướng chiều về những hành vi tiêu cực.

Có những người ăn chay, bố thí… chỉ vì mục đích được khen là đạo đức, họ ủ rột, thê lương, cốt để làm sao cho mọi người biết mình là người nghiêm chỉnh giữ chay. Lại có những người ăn chay chỉ vì vụ luật hay sợ Chúa phạt! Vì thế, nếu trong ngày, lỡ cách nào đó mà phạm luật, họ hoang mang đến bất an chỉ vì chót ăn vặt, không đúng giờ, đúng bữa… Cũng có những người tính toán đến độ ngày mai ăn chay, hôm nay ăn uống cho đã để ngày mai đỡ thèm, hoặc ăn trực nằm chờ cho qua thời gian luật định, tức là qua 24h, sau đó nhậu nhẹt hả hê. Họ làm như thế và an tâm vì đã giữ trọn ngày chay theo đúng luật. Vì thế, không lạ gì khi có những người mỉa mai cách thức ăn chay của chúng ta rằng: “thứ ba béo”; “thứ năm sung sướng”. Đáng buồn hơn nữa là: có nhiều gia đình ngày chay kiêng thịt thì lại đi mua những thứ cao lương mỹ vị như: hải sản, tôm hùm hay những thứ khác đắt tiền hơn thịt nhiều… mà không hề nghĩ rằng: tiền bớt chắt được trong ngày chay là để chia sẻ bác ái, đóng góp cho công cuộc truyền giáo và các nhu cầu khác của Giáo Hội!

Tinh thần ăn chay như thế, hẳn chúng ta thua xa nơi anh chị em các tôn giáo khác về việc giữ chay! Mặt khác, điều chúng ta dè bửu người Pharisêu hình thức khi xưa, khi họ lo giữ cho sạch chén bát bên ngoài, còn trong lòng toàn sự hận thù, ghen ghét, ích kỷ, kiêu ngạo (x. Mc 7,1-8a.14-15.21-23), thì nay, chúng ta lại đi vào chính vết xe đổ của họ. Như vậy, chúng ta chỉ là cỗ máy không hồn, hay giống chiếc thùng kêu to, nhưng thực chất nó rỗng, và đôi khi chúng ta trở thành “danh hài” hay “con hề” trên sân khấu.

Thái độ khiển trách nặng nề những người Pharisêu của Đức Giêsu: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7, 6), không chừng cũng chính là lời trách móc nặng nề cho những ai hôm nay giữ chay hình thức, hời hợt.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: “Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo ” (Ge 2, 12-18); “Hãy làm hoà cùng Thiên Chúa … vì bây giờ là cơ hội thuận tiện” (x. 2 Cr 5, 20 – 6, 2).

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết sống tinh thần của ngày lễ hôm nay đó là: “Xé tâm hồn chứ đừng xé áo”. Amen.

 

THỨ NĂM SAU LỄ TRO

XÂY DỰNG LẠI CÁC MỐI TƯƠNG QUAN

(Lc 9, 22 -25)

Mỗi khi Mùa Chay về, hay nghe nói tới Mùa Chay, chúng ta hiểu ngay: đây là “mùa trở về”.

Trở về với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình.

Trở về với Chúa để cảm nghiệm được tình thương của Người trên cuộc đời chúng ta.

Trở về với tha nhân để nhận thấy bổn phận yêu thương, liên đới và chia sẻ với anh chị em đồng loại.

Trở về với chính mình để nhận ra mình tội lỗi và cần được Thiên Chúa yêu thương, tha thứ.

Như vậy, cả ba mối tương quan, chúng ta thấy có một mẫu số chung là: nhận thấy mình bất toàn, ích kỷ, kiêu ngạo, nên cần phải trở về với Thiên Chúa, tha nhân và ngay cả với chính mình để được trở nên hoàn thiện.

Muốn hàn gắn và xây dựng lại những mối tương quan ấy, chúng ta hãy để ý đến lời mời gọi của Đức Giêsu: phải từ bỏ chính mình và phải vác thập giá mình.

Khi nói đến từ bỏ chính mình, Đức Giêsu muốn chúng ta phải ý thức tận căn, bởi vì nếu từ bỏ nhiều thứ, dốc quyết nhiều chuyện, mà chưa từ bỏ chính mình thì kể như chưa bỏ gì cả, và nếu có bỏ đi chăng nữa, thì sẽ tìm dịp và tìm cách thuận lợi để lấy lại!

Bỏ mình còn có nghĩa là coi mình ra không để hướng về Chúa và anh chị em, là quên mình để yêu thương, tha thứ và sống cho người khác.

Bỏ mình luôn đi đôi với việc vác thập giá của chính mình hằng ngày. Thập giá của mỗi người chính là ốm đau, bệnh tật, những chiến đấu chống lại cám dỗ, những trái ý, hiểu lầm, vu vạ, cáo gian…

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ơn từ bỏ tội lỗi, sống yêu thương, đón nhận thánh giá trong đời và trung thành vác lấy cách yêu mến. Xin cũng ban cho chúng con ơn trở về trong Mùa Chay thánh này. Amen.

 

THỨ SÁU SAU LỄ TRO

GIỮ CHAY ĐÚNG NGHĨA

(Mt, 9, 14 –15)

Tại Giáo phận Taytay – Philippines, có một thầy ẩn sĩ tu rừng. Thày từ bỏ thế giới náo động, nhộn nhịp bên ngoài để vào rừng sâu ăn chay, cầu nguyện và sống thân tình với Thiên Chúa.

Thi thoảng, mỗi dịp lễ lớn, thày thường đi bộ trên đôi chân trần, không giày, không dép, đi hàng chục kilômét để về nhà thờ chính tòa hiệp thông cùng Giáo Hội. Trông thấy thày, ai cũng thấy toát ra một vẻ hồn nhiên, thánh thiện, thanh thoát, vui tươi và bình an.

Có lẽ vì nơi thày có được vẻ đẹp của Tin Mừng và đời sống chay tịnh cũng như cầu nguyện thường xuyên, nên nhìn mọi người, mọi vật dưới con mắt của Chúa!

Trong Kinh Thánh, chúng ta thấy thường xuyên nhắc tới việc ăn chay, chẳng hạn như: vua Đavít ăn chay để cầu nguyện cho con khỏi ốm; từ triều đình đến thường dân thành Ninivê đã đáp lại lời mời gọi của tiên tri Giona nên ăn chay và sám hối để thoát khỏi tai họa…

Sang thời Tân Ước, Gioan Tẩy Giả cũng ăn chay và sống khổ hạnh trong sa mạc để chuẩn bị loan báo Đức Giêsu; đến khi Đức Giêsu xuất hiện, Ngài đã khởi đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng bằng việc chay tịnh và cầu nguyện 40 ngày trong hoang địa sau khi chịu phép Thánh Tẩy; không những thế, Ngài thường xuyên nhắc các môn đệ phải ăn chay, cầu nguyện và Ngài còn cảnh báo các ông, nếu muốn trừ được quỷ thì phải ăn chay và cầu nguyện.

Như vậy, vấn đề chay tịnh là vấn đề quan trọng trong Kinh Thánh.

Tuy nhiên, hôm nay, khi các môn đệ của Gioan đến hỏi Đức Giêsu về việc: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?”, nhân cơ hội này, Đức Giêsu mặc khải cho biết ý nghĩa đích thực của việc ăn chay.

Ăn chay là để chờ đón Chúa đến, nhưng Ngài đang ở giữa họ thì không có lý do gì để ăn chay nữa. Nếu ăn chay lúc này là mâu thuẫn, chẳng khác gì vải mới vá áo cũ, hay rượu mới đổ vào bầu da cũ vậy!

Ý nghĩa chính yếu của việc giữ chay chính là đền tội, hãm dẹp những khuynh hướng xấu xa, đê tiện, tội lỗi, từ bỏ cái tôi ích kỷ, kiêu ngạo, sống liên đới, yêu thương, tha thứ, giúp đỡ người nghèo…, nhất là tin vào Tin Mừng.

Xin Chúa giúp sức, để mỗi người chúng ta sống tinh thần của Mùa Chay thật sốt sắng và ý nghĩa, ngõ hầu chúng ta hưởng trọn vẹn niềm vui phục sinh. Amen.

THỨ BẨY SAU LỄ TRO

TỪ BỎ… VÀ ĐI THEO ĐỂ LÀM LẠI CUỘC ĐỜI

(Lc 5, 27-32)

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta vẫn thấy đây đó có những người đạo đức tốt lành xuất hiện như một mẫu gương sáng ngời cho chúng ta noi theo! Tuy nhiên, trong số đó, không thiếu những thành phần ăn chơi trác táng một thời; đầu trộm đuôi cướp khét tiếng; hay cũng không thiếu những vị trước đó buôn gian bán lận, sống bằng nghề nhàn hạ khi cho vay nặng lãi trên xương máu của anh chị em mình…

Tại sao họ lại có một sự thay đổi đến lạ thường như vậy? Thưa! Bởi vì họ đã biết dừng lại, nhận thấy mình đi sai đường và nhận ra tình thương của Thiên Chúa, nên họ thay thái độ để đổi cuộc đời trong ân sủng của Người.

Tin Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta thấy một Mátthêu ăn trên ngồi trước, hà hiếp, bóc lột, phản dân, hại nước khi sống bằng nghề thu thuế cho đế quốc! Nhưng hôm nay, trên chiếc ghế đã gắn liền cuộc đời ông với cái nghề đáng nguyền rủa; trên chiếc bàn đã là bệ kê cho ông chắp bút để ghi những con số nhơ nhớp, bẩn thỉu nhằm thu lại những đồng tiền khốn cùng nơi anh chị em đồng loại của ông. Nhưng chính một thứ tội không thể tha, một con người đáng khinh bỉ, thì hôm nay, tấm lòng nhân hậu của Đức Giêsu ngang qua ánh mắt cảm thông, trìu mến và lời mời gọi đầy yêu thương: “Anh hãy theo tôi !”, đã đảo lộn tất cả. Vì thế, như cá gặp nước, Mátthêu đã sẵn sàng đứng dạy, từ bỏ nơi chốn tội lỗi, và dứt khoát quay lưng lại với cái nghề ám muội để đi theo và làm môn đệ cho Đức Giêsu.

Từ khi bước theo Thầy Chí Thánh, ông đã trở thành người đầy kinh nghiệm về Thiên Chúa tình thương, và luôn mang trong mình tâm tư, nguyện ước của Thầy. Sau này, ông đã viết lại một con người vĩ đại đã cải hóa cuộc đời ông nơi những trang Tin Mừng đầy sống động.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy sám hối như Mátthêu và có lòng nhân từ như Đức Giêsu. Đồng thời tránh xa và không được lưu trữ thái độ coi thường, khinh bỉ, cố chấp như những người Pharisêu trong tâm trí của mình, bởi vì trên đời này có ai là vô tội đâu? Tự nhận mình là người xứng đáng và coi khinh kẻ khác là dấu hiệu của một tâm hồn trống rỗng, kiêu ngạo, thích đi theo và làm môn đệ cho ma quỷ chứ không phải là môn sinh của Thầy Giêsu.

Thật vậy, nếu là học trò của Đức Giêsu, chúng ta phải hiểu và thấm câu nói của Thầy mình: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần”“tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết khiêm tốn, lắng nghe lời mời gọi của Chúa, để sẵn sàng đi theo và làm môn đệ Chúa. Xin cho chúng con biết yêu thương và nâng dạy những người tội lỗi như Chúa khi xưa. Amen.

TUẦN 01 MÙA CHAY

THỨ HAI

YÊU ĐỂ ĐƯỢC SỐNG!

(Mt 25, 31 – 46)

Đạo Công Giáo mà Đức Giêsu sáng lập là một thứ đạo yêu thương. Đạo yêu thương này được khởi đi từ tình yêu của Thiên Chúa đối với công trình tạo dựng và suốt dọc dài lịch sử cứu độ trong thời Cựu Ước nơi dân Israel.

Sang thời Tân Ước, Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa cho loài người. Khi Đức Giêsu đến, Ngài đã rao giảng, đã chết để minh chứng tình thương, và đã sống lại để gieo niềm hy vọng. Như vậy, có thể nói rằng: Đạo Công Giáo là “Đạo Yêu Thương”. Ai không yêu thương thì không thuộc về đạo này. Nhưng yêu thương phải đi đến hành động thực tế, chứ không thể yêu trên đầu môi chóp lưỡi!

Hôm nay, bài Tin Mừng đưa chúng ta về viễn cảnh của ngày cánh chung qua giáo huấn của Đức Giêsu.

Hình ảnh mà Đức Giêsu đưa ra chính là một hình ảnh về ngày phán xét, nơi đó, vị thẩm phán công bằng, tối cao ngự đến để xét xử.

Điều kỳ lạ, đó là vị thẩm phấn này không xét xử dựa trên chức nghiệp để thưởng công, mà là ngang qua hành vi về sự cảm thông, lòng nhân ái đối với những người bần cùng của xã hội. Lạ kỳ hơn nữa là kết thúc, vị thẩm phán ấy đồng hóa chính mình với những người được giúp đỡ khi tuyên bố: “Mỗi lần các ngươi làm cho những người bé mọn ấy là làm cho chính ta”. 

Nhìn ra thế giới hôm nay, chúng ta thấy không ít nếu không muốn nói là nhan nhản những hành vi như: bon chen, lừa lọc, mưu mô quỉ quyệt, chiến tranh, hận thù, khủng bố. . .

Tất cả những điều đó đi ngược lại quy luật của tình yêu, và tất nhiên, không thể đi vào trong mối tương quan với vị thẩm phán trong bài Tin Mừng hôm nay.

Xin Chúa ban cho mỗi người ý thức được hạnh phúc đích thực của chúng ta ở nơi Chúa, và chỉ có nơi Ngài mới trường tồn vạn kiếp. Vì thế, ngay trong giây phút này, xin cho chúng ta biết sống yêu thương nhau để sau này được hưởng niềm vui, hạnh phúc bên Thiên Chúa tình yêu. Amen.

THỨ BA

CẦU NGUYỆN TRONG NIỀM TIN

 (Mt 6, 7-15)

Có một linh mục là giáo sư tín lý và luân lý tại nhiều chủng viện và học viện Công Giáo, khi nói về kinh nghiệm của việc dạy Giáo lý dự tòng cho người lớn tuổi, ngài chia sẻ: “Tôi đã dạy Giáo lý cho rất nhiều bạn trẻ dự tòng, có những bạn chỉ với thời gian rất ngắn, là tôi có thể Rửa Tội cho họ được. Tuy nhiên, có những bạn thì năm này qua năm khác, tôi vẫn không Rửa Tội cho!”. Khi chúng tôi thắc mắc thì được ngài giải thích rằng: “Rửa Tội được hay không, đối với ngài là họ có biết cầu nguyện trong đức tin không? Nếu họ cầu nguyện sốt sắng và tin tưởng, ấy là lúc chúng ta Rửa Tội cho họ được, vì họ đã gặp được Chúa thực sự. Nếu không biết cầu nguyện, thì chúng ta có dạy hết ngày này, tháng nọ hay năm kia thì họ vẫn chỉ là cái xác không hồn mà thôi!”.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy ý nghĩa, giá trị và thái độ cần có khi cầu nguyện.

Trước tiên, cầu nguyện ở những nơi kín đáo, tức là có kinh nghiệm cá nhân với Chúa trước khi chúng ta cầu nguyện nơi tập thể, cộng đoàn.

Thứ hai, cầu nguyện cách chân thành chứ không sáo rỗng, hình thức, giả tạo. Cầu nguyện chân thành tức là một tâm hồn khao khát chân lý và sẵn sàng để cho thánh ý Thiên Chúa được thực hiện nơi mình.

Cuối cùng, cầu nguyện với tinh thần tha thứ. Cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa đối với mình thì cũng phải tha thứ cho anh chị em. Đây là lời cầu nguyện sống động và hấp dẫn nhất.

Trong đời sống đạo của chúng ta vẫn thấy có những người cầu nguyện rất dài, nhưng lòng đạo thì lại quá ngắn! Tại sao vậy? Thưa bởi vì họ như con sáo, cuốn băng! Cầu nguyện mà không biết mình làm gì, chỉ mong sao đọc cho hết, nói cho xong là yên tâm! Trong khi đó, không hề thay đổi lối sống khi sứ điệp Lời Chúa đòi hỏi…

Mong sao, lời kinh Lạy Cha mà Đức Giêsu dạy cho các môn đệ hôm nay cũng là lời kinh của chúng ta. Và khi chúng ta cất lên, mỗi người hãy đọc với trọn niềm tin kính, yêu mến và khao khát thực hành điều Chúa dạy. Có thế, đời sống đạo của chúng ta mới thực sự là có Chúa và có tình thương với anh chị em mình.

Xin Chúa chúc lành cho những ước nguyện của chúng ta. Amen.

THỨ TƯ

KHÔN NGOAN THẬT

(Lc 11 , 29 –32)

Ở đời, người ta hay đề cao những kẻ nói hay, hót giỏi, tức là nịnh bợ tốt. Họ cũng hay khen những kẻ biết dùng mánh khóe để lừa thầy phản bạn… Người ta cũng không tiếc đưa ra những lời ca ngợi những người thành đạt, giàu có và có chỗ đứng trong xã hội, bất luận điều đó đến từ đâu!

Sống trong một xã hội như vậy, chúng ta không lạ gì khi có rất nhiều người khẳng định vị trí, vai trò của mình bằng những hành động lưu manh mà không hề áy náy!

Tuy nhiên, những điều mà người đời cho là khôn ngoan trên đây thì lại là dại dột, ngu xuẩn trước mặt Thiên Chúa. Thật vậy, người khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa là người biết sám hối.

Tại sao thế? Thưa! Bởi vì, sám hối là biểu hiện của một tâm hồn khiêm nhường, công chính. Sám hối còn là dấu chỉ của người thuộc về Chúa. Sám hối là điều kiện cần để được cứu độ.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, các Luật Sĩ và Pharisêu đòi Đức Giêsu phải làm một dấu lạ thì họ mới tin. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không làm và ngược lại, Ngài đã dạy cho họ phải biết sám hối, nếu không thì không thể được cứu độ. Đức Giêsu đã cảnh báo họ, khi đưa ra hình ảnh nữ hoàng phương nam, dân Ninivê sẽ được cứu độ, vì họ đã đi tìm kiếm sự khôn ngoan, biết ăn năn sám hối, còn con cái trong nhà sẽ bị loại vì không biết sám hối.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho mỗi người chúng con biết đi tìm lẽ khôn ngoan là biết ăn năn sám hối chân thành để được cứu độ. Amen.

THỨ NĂM

CẦU NGUYỆN VỚI CẢ TÂM HỒN

(Mt 7, 7-12)

Có nhiều người phàn nàn và trách móc Chúa rằng: đã biết bao nhiêu lần con cầu nguyện mà Chúa đã không nhận lời! Có nhiều lời cầu nguyện đã kéo dài thời gian đến độ mỏi gối chân chùn cũng chẳng thấy Thiên Chúa đáp ứng! Vậy đâu là ý nghĩa của lời hứa: “Xin sẽ được, tìm sẽ gặp, gõ sẽ mở?”

Trước tiên, chúng ta cần xác định ngay rằng: Thiên Chúa tốt lành và luôn tìm mọi cách để ban cho con cái của mình những điều tốt đẹp hơn cả điều chúng xin.

Thứ hai, chúng ta phải thành thật mà nhận thấy rằng: có nhiều điều chúng ta xin tưởng chừng như là tốt, nhưng thực ra chỉ tốt đối với thiển ý của ta, còn thực ra thì lại là điều tai hại cho người khác hay là nguy hiểm và mất phần rỗi cho linh hồn.

Thứ ba, nhiều khi Chúa để một thời gian dài nhằm dạy cho chúng ta bài học kiên trì, trung thành, tín thác vào Thiên Chúa cách tuyệt đối.

Cuối cùng, mọi lời cầu nguyện của chúng ta phải được kết thúc bằng tâm tình: “Xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.“xin được theo ý Chúa, đừng theo ý con”.

Trong cuộc sống hôm nay, nhiều khi chúng ta phỏng chiếu lời cầu nguyện của mình theo kiểu: “Ăn sổi ở thì”, tức là cái gì cũng muốn cho nhanh, cho mau và phải theo ý mình, trong khi đó lời cầu nguyện là biểu hiện của đời sống tâm linh, là niền tin, là tâm tình tín thác.

Hơn nữa, nhiều người ngay khi cầu nguyện cũng toát lên sự cạnh tranh, đấu đá và muốn Chúa đứng về phía mình để làm hại người khác! Hay nhiều khi cầu nguyện mà trong lòng thì kiêu ngạo, hành động thì huênh hoang, hoặc cầu nguyện với một thái độ nhàm chán như con vẹt, như chiếc máy!

Thử hỏi, cầu nguyện như thế, chúng ta có nâng tâm hồn lên với Chúa được không? Hay thực ra chỉ là qua lần chiếu lệ, còn lòng trí thì vẫn trơ trọi như gỗ đá!

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con cầu nguyện và xin ban cho chúng con có được tâm tình khiêm tốn, tín thác, trung thành. Xin cho mọi lời cầu nguyện của chúng con được làm vinh danh Chúa và ích lợi cho phần rỗi của chúng con. Amen.

THỨ SÁU

TÌNH YÊU HÓA GIẢI HẬN THÙ

(Mt 5, 20 –26)

Người Công Giáo chúng ta thật hạnh phúc vì được gọi Thiên Chúa là Cha và được Người nhận là con trong ân sủng. Hơn nữa, chúng ta được Con Thiên Chúa đến để cứu chuộc chúng ta bằng chính cái chết trên Thánh Giá. Mặt khác, Ngài tiếp tục thi ân giáng phúc cho chúng ta qua Giáo Hội nơi các Bí tích.

Tuy nhiên, nếu niềm vui, hãnh diện, tự hào vì được đảm bảo bao nhiêu, thì chúng ta phải cẩn trọng bấy nhiêu, vì chính Đức Giêsu đã nói: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn Luật sĩ và Pharisiêu thì anh em không được vào Nước Trời”.

Đức Giêsu đã cắt nghĩa vấn đề này bằng một loạt bài giảng về luận lý từ chương 6 đến chương 8 trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu: đừng giận ghét, đừng gian dâm, đừng nóng giận, đừng thề thốt… Về vấn đề giận dữ, thánh Gioan còn nói rõ: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt”. Hơn nữa, Ngài còn nói rõ điều kiện để được Chúa nhận lời là phải tha thứ: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”.

Trong cuộc sống hôm nay, biết bao mối thù hận, giận ghét ngay trong gia đình như:  mẹ chồng nàng dâu; cha mẹ với con cái; anh chị em trong gia đình với nhau… Hay hàng xóm; nghề nghiệp, bạn bè… Biết bao nhiêu giận hờn chồng chất!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy lấy tình yêu hóa giải hận thù, vì chỉ có tình yêu mới cải tạo được con người; còn bạo lực, oán thù chỉ đem lại chết chóc mà thôi. Nếu có ai đó mà chúng ta không thể thương được thì đừng làm hại họ, nhưng hãy làm ơn cho họ.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy cho chúng con biết yêu thương anh chị em mình bằng tình thương của Chúa. Yêu đến nỗi đi bước trước và chết cho người mình yêu. Amen.

THỨ BẨY

YÊU CẢ KẺ THÙ

(Mt 5, 43 – 48)

Có nhiều nghịch lý trong Tin Mừng! Một trong những nghịch lý ấy là lời dạy của Đức Giêsu hôm nay. Ngài dạy: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”, có thế, anh em mới trở thành con của Cha trên trời.

Tại sao Đức Giêsu lại dạy như thế? Thưa! Vì chính Ngài đã sống như vậy. Hơn nữa, đây là đặc tính của Thiên Chúa Cha, vì “Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương”.

Khi Đức Giêsu mời gọi yêu kẻ thù và nên hoàn thiện như Cha trên trời, có nghĩa là Ngài muốn chúng ta phải hành động như Ngài và nên giống Thiên Chúa.

Tuy nhiên, có điều chúng ta phải cẩn trọng để không bị lầm lẫn trong chuyện yêu và thích. Yêu là làm ơn cho họ. Thích là phản ứng tự nhiên. Chính Đức Giêsu đã yêu kẻ thù, tội lỗi và làm ơn cho họ, nhưng Ngài không chấp nhận tội, vì thế, mỗi khi làm ơn, Ngài thường nói: “Hãy về và đừng phạm tội nữa”.

Mẫu gương của thánh Phanxicô cho ta thấy hai yếu tố hoàn toàn khác nhau: ngài rất gớm người cùi, nhưng lại yêu thương người cùi cách đặc biệt. Lý do: họ là hình ảnh của Thiên Chúa, được dựng nên vì tình yêu.

Mong sao, lời mời gọi của Đức Giêsu: hãy yêu kẻ thù sẽ làm cho mỗi người chúng ta đón nhận và sống trong cuộc đời chứng tá của mình, để chúng ta được trở nên giống Thiên Chúa và hoàn thiện như lời Đức Giêsu mời gọi: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”.

Lạy Chúa Giêsu, lời mời gọi của Chúa hôm nay khó quá! Nhưng xin Chúa ban cho chúng con noi gương Chúa để yêu bằng một tình yêu vô vị lợi và nhân từ. Xin Chúa biến đổi lòng chúng con và những kẻ thù đang tìm cách hại chúng con, để chúng con được nên một trong tình yêu. Amen.

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …