Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG ĐÊM VỌNG PHỤC SINH B CỦA LM ĐAN VINH

SUY NIỆM TIN MỪNG ĐÊM VỌNG PHỤC SINH B CỦA LM ĐAN VINH

 

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

 

ĐÊM VỌNG PHỤC SINH B

Cv 10,34.37-43 ; Cl 3,1-4 ; Mc 16,1-8

 

CÙNG CHÚA CHIẾN THẮNG SỰ CHẾT 

 

I.            HỌC LỜI CHÚA

 

1. TIN MỪNG: Mc 16,1-8.

(1) Vừa hết ngày sa-bát, bà Ma-ri-a Mác-đa-la với bà Maria mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su. (2) Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ. (3) Các bà bảo nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây? (4) Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm. (5) Vào trong mộ, các bà thấy một thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng ; các bà hoảng sợ. (6) Nhưng người thanh niên liền nói: “Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-ret, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã chỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này!”. (7) Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng: Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông. (8) Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai vì sợ quá.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng tường thuật mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Giê-su đã được thiên thần loan báo trước tiên cho ba người phụ nữ khi họ đi ra mồ tứ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần để xức thuốc thơm ướp xác Thầy. Thiên thần đã ra lệnh cho các bà phải trở về loan báo Tin Mừng ấy cho các môn đệ của Đức Giê-su và nhắn họ đi về xứ Ga-li-lê để gặp Người.        

3. CHÚ THÍCH:

– C 1-2: + Vừa hết ngày Sa-bát: Nghĩa là lúc mặt trời lặn, vào lúc 6 giờ chiều ngày sa-bát, bắt đầu đêm của một ngày mới là ngày thứ nhất trong tuần.

+ Bà Ma-ri-a Mác-đa-la với bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, và bà sa-lô-mê: Vì có nhiều bà khác cũng tên Ma-ri-a, nên người ta thêm tên làng quê cũ để phân biệt và gọi bà là Ma-ri-a Mác-đa-la. Trong Tin Mừng, Ma-ri-a Mác-đa-la là người bị 7 quỉ ám (x. Lc 8,2), nhưng không phải là phụ nữ tội lỗi tại nhà người Pha-ri-sêu (x. Lc 7,37-48). Bà là một trong những người đầu tiên đã đến viếng mộ trống (x. Ga 2,1 ; Mt 28,1 ; Mc 16,1 ; Lc 24,10). Trước đó bà đã đứng dưới chân thập giá Đức Giê-su (x. Mc 15,40). Bà có mặt khi mai táng Đức Giê-su và đã quan tâm tới nơi đã an táng Người (x. Mc 15,47). Cả 4 Tin Mừng đều thuật lại việc các bà đi viếng mộ Đức Giê-su. Riêng bà Ma-ri-a Mác-đa-la đã được cả bốn Tin Mừng nêu tên. Điều này cho thấy uy tín và vai trò quan trọng của bà trong Giáo Hội sơ khai. + Mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su: Vì thời gian an táng Đức Giê-su quá ngắn và việc an táng được thực hiện vội vã, nên thiếu việc xức dầu thơm ướp xác Đức Giê-su. Do đó, mấy phụ nữ này phải mua dầu thơm để xức lên thi hài của Người theo phong tục Do Thái. + Sáng tinh sương Ngày Thứ Nhất trong tuần: Ngày nay ngày thứ nhất trong tuần được gọi là Chúa Nhật. Sáng tinh sương khi mặt trời mới mọc là khoảng 6 giờ sáng.

C 3-4: + Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?: Ngôi mộ an táng Đức Giê-su là ngôi mộ đục trong tảng đá lớn và được một tảng đá khác che lấp ngoài cửa mộ. + Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn qua một bên rồi: Tảng đá to che chắn cửa ngôi mộ đã được lăn sang một bên. Người lăn tảng đá không ai khác hơn là vị thiên thần đang ngồi trong mộ lúc đó.

C 5-6: + Người thanh niên ngồi bên phải mặc áo dài trắng: Áo dài trắng cho thấy đây là một thiên thần. Vị này loan Tin Mừng Chúa phục sinh cho các bà, và trao sứ vụ loan báo tin ấy cho Phê-rô và các môn đệ khác.+ Người đã trỗi dậy rồi, không còn ở đây nữa: Đức Giê-su sống lại và thân xác Người đã biến đổi nên mới, có những đặc tính khác với thân xác khi chịu khổ nạn. Do đó, đừng tìm kiếm Người tại mồ của kẻ chết, vì Người đã sống lại vinh quang rồi. Từ đây, Người không lệ thuộc vào không gian và thời gian như một phàm nhân nữa.

C 7-8: + Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng: Khi đi viếng mộ của Đức Giê-su ngay từ sáng sớm nhằm xức dầu cho xác Đức Giê-su. Nhưng Người đã sống lại rồi, và thiên thần đã ra lệnh cho các bà phải đi báo tin vui phục sinh cho các môn đệ. Phê-rô được nêu tên vì ông đứng đầu Nhóm 12. + Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông: Vì trước đây có lần Đức Giê-su đã nói: “Sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em” (Mc 14,28). Ga-li-lê là miền đất có đông dân ngoại.

HỎI: So sánh thân xác của Đức Giê-su sau khi sống lại vào sáng Chúa Nhật Phục Sinh với thân xác của Người trước khi chịu tử nạn giống và khác nhau thế nào? Thân xác của các người được Đức Giê-su làm phép lạ cho hồi sinh như: ông La-da-rô, con trai bà góa thành Na-in hay con gái ông Gia-ia có giống với thân xác loài người sau này sẽ sống lại vào ngày tận thế không?

– ĐÁP:

+ Đức Giê-su sau khi sống lại vào ngày Chúa Nhật, cũng chính là Đức Giê-su đã chịu tử nạn vào chiều Thứ Sáu tuần thánh, như Người đã chứng minh khi cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn Người (x. Ga 20,20), cho Tô-ma xem dấu đinh ở bàn tay, xỏ ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào vết thương ở cạnh sườn Người (x. Ga 20,25.27-29). Người cũng tự chứng minh có xương thịt mà các ông có thể xem và sờ thấy được. Người còn ăn một khúc cá nướng trước sự chứng kiên của các ông (x Lc 24,38-43).

+ Nhưng thân xác của Chúa Giê-su Phục Sinh có những đặc tính mới, khác với thân xác của Người trước khi chịu tử nạn, đến nỗi Ma-ri-a Mác-đa-la gặp Chúa Phục Sinh hiện ra mà lại tưởng là người giữ vườn (x. Ga 20,15). Hai môn đệ làng Em-mau cùng đi và nói chuyện với Đức Giê-su trong nhiều giờ mà không nhận ra Người (x. Lc 24,16). Thân xác Chúa Phục Sinh có khả năng đi xuyên qua cửa đóng kín để hiện ra với các tông đồ (x. Ga 20,19.26). Thân xác Người lúc ẩn lúc hiện (x. Lc 24,27.30-31). Chúa Phục Sinh hiện diện ở khắp nơi: Dù không có mặt nhưng Người vẫn nghe được yêu cầu của Tô-ma (x. Ga 20,27). Ngày nay Đức Giê-su Phục Sinh đã được Chúa Cha tôn vinh, nhưng không thể xác định được Người đang ở nơi nào trên trời (x. Lc 24,51 ; Pl 2, 9-11).

+ Thân xác của những người đã chết, được Đức Giê-su làm phép lạ hồi sinh như: ông La-da-rô chết và đã được chôn trong mồ 4 ngày (x. Ga 11,43-44), con trai bà góa thành Na-in đang được mang đi chôn (x. Lc 7,14-15), con gái ông Gia-ia mới chết đang nằm trên giường (x. Mc 5,40-42). Những người này chỉ được Đức Giê-su cho phục hồi sự sống tự nhiên và sau đó lại bị chết một lần nữa. Còn mầu nhiệm kẻ chết sống lại trong ngày tận thế có những đặc tính giống như thân xác Đức Giê-su Phục Sinh, họ được bước vào một cuộc sống mới vô cùng cao quí, vinh quang, không bị hủy diệt và luôn tràn đầy sự sống siêu nhiên của Thiên Chúa.

 II.         SỐNG LỜI CHÚA

 

1. LỜI CHÚA: “Đức Giê-su đã sống lại, không còn ở đây nữa” (Mc 16,6):

2. CÂU CHUYỆN: CON CÁNH QUÝT.

Vào một buổi trưa hè oi ả, nhà đạo diễn lừng danh tại Hô-li-út (hollywood) tên là Sơ-siu đơ Mi-ơ (Cecil B. De Mille) đi hóng gió trên chiếc du thuyền ven bờ hồ thuộc tiểu bang Men (Maine). Đang chăm chú đọc sách, bỗng ông ngó xuống mặt hồ thì thấy một đàn cánh quýt nước đang tăng đùa giỡn với nhau trên mặt nước. Rồi một chú cánh quýt đã bỏ đàn leo lên mạn thuyền cạnh ghế ông ngồi, và nằm im như chết. Đơ Mi-ơ chăm chú nhìn con cánh quýt chừng một phút, rồi ông tiếp tục đọc sách. Ba giờ sau, Đơ Mi-ơ lại nhìn con cánh quýt kia và rất ngạc nhiên khi thấy nó như đã bị chết khô. Rồi bỗng chiếc mai của nó bị nứt ra làm đôi. Ông nhìn thấy có cái gì đó đùn lên từ kẽ nứt ấy. Trước tiên là chiếc đầu ươn ướt, rồi đến thân mình và mấy chiếc cánh cũng từ từ lộ ra. Cuối cùng một chú chuồn chuồn thật đẹp xuất hiện. Đơ Mi-ơ tiếp tục quan sát con chuồn chuồn. Ông thấy nó cử động đôi cánh, rồi từ từ bay lên. Nó bay lượn trên mặt nước, nơi có những con cánh quýt bạn nó đang nô đùa trên mặt nước, nhưng xem ra chúng không nhận ra con chuồn chuồn kia. Đơ Mi-ơ đưa ngón tay ra sờ nhẹ vào chiếc vỏ ngoài của con cánh quýt. Thì nó chỉ còn là cái xác nhẹ hều và ọp ẹp rỗng không như một ngôi mộ trống rỗng.

3. SUY NIỆM:

– AI TRONG CHÚNG TA cũng thấy có sự giống nhau giữa câu chuyện lột xác của con cánh quýt, với sự Phục Sinh của Đức Giê-su: Như con cánh quýt đã bị chết khô trên mạn thuyền, thì Đức Giê-su cũng bị chết treo trên cây thập giá. Như con cánh quýt được biến hóa trở thành con chuồn chuồn nước trong thời gian 3 giờ đồng hồ, thì Đức Giê-su cũng được biến đổi từ tình trạng bị chết đến tình trạng sống lại chưa đủ 3 ngày sau đó. Như con cánh quýt đã hóa thành con chuồn chuồn nước, khiến các con cánh quýt bạn nó không nhận ra, thì Đức Giê-su cũng trở nên một người mới, đến nỗi nhiều môn đệ thân tín cũng không nhận ra Người sau khi sống lại và đã gặp gỡ nói chuyện với họ. Như con cánh quýt sau khi lột xác thành chuồn chuồn nước, đã có khả năng bay lượn trong không khí, thì thân xác của Đức Giê-su sau khi sống lại cũng có những năng lực mới, trổi vượt hơn thân xác của Người trước đó…

TÔI TIN XÁC LOÀI NGƯỜI NGÀY SAU SỐNG LẠI”: Đây là lời tuyên xưng đức tin của các tín hữu trong kinh tin kính. Vào ngày tận thế, thân xác chúng ta sẽ trở nên giống như thân xác Đức Giê-su Phục Sinh, nghĩa là có tính siêu việt và thiêng liêng. Trời Mới Đất Mới sẽ xuất hiện khi Đức Giê-su, Vua Mê-si-a ngự đến phán xét chung nhân loại vào ngày tận thế. Ngày ấy mọi người đều được Thiên Chúa cho sống lại. Nhưng những ai tin và sống đức tin qua hành động yêu thương phục vụ người đói khát, ở trần, đau yếu, ở tù… thì sẽ được Vua Thẩm Phán Giê-su xét xử khoan dung và ban thưởng hạnh phúc Nước Trời đời đời. Còn những kẻ cố chấp trong sự bất tín, ăn ở thất nhân ác đức và cam tâm làm tay sai cho ma quỉ, thể hiện qua thái độ ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi đau của đồng loại, không sẵn lòng giúp đỡ và phục vụ tha nhân… thì sẽ bị phạt trong lửa hỏa ngục đời đời, nơi dành sẵn cho ma quỉ và những kẻ đi theo chúng. Do đó, sự thưởng phạt sau này có liên quan mật thiết với cuộc sống hiện tại mà chúng ta đang sống. Vậy trong Mùa Phục Sinh này, mỗi người chúng ta sẽ làm gì để được liệt vào hàng ngũ các con chiên ngoan và xứng đáng được Chúa ban thưởng hạnh phúc nước trời đời đời?

4. THẢO LUẬN: 1) Bí Tích Rửa Tội do Đức Giê-su lập gồm hai yếu tố: Một là tẩy rửa bằng sự dìm mình chúng ta trong dòng nước sông, và hai là tái sinh chúng ta nên con cái Thiên Chúa nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Vậy chúng ta tuy đã chịu phép Rửa tội, nhưng đã thực sự được tái sinh làm con yêu dấu của Thiên Chúa chưa? 2) Trong Mùa Phục Sinh, chúng ta sẽ làm gì để chiếu tỏa ánh sáng tin yêu trước mặt người đời bằng lời nói việc làm của chúng ta?

5. NGUYỆN CẦU

LẠY CHÚA GIÊ-SU, nhiều lần con liên tiếp gặp phải những điều rủi ro trái ý. Những lúc ấy, con cảm thấy như bị Chúa bỏ rơi. Nhiều lúc con chán nản muốn được chết đi cho xong!

– NHƯNG LẠY CHÚA, con biết Chúa cũng đã từng ở vào hoàn cảnh giống như con: Bị môn đồ phản bội chạy trốn và chối bỏ không biết Thầy là ai, bị quân lính đánh đập tàn nhẫn, bị dân chúng đòi Phi-la-tô kết án tử hình thập giá, bị kẻ thù xỉ vả mắng nhiếc trên cây thập giá, cảm thấy như bị Chúa Cha bỏ rơi… Tuy nhiên, trong những giờ phút đau thương ấy, Chúa vẫn một lòng phó thác cậy trông. Và quả thật, nhờ quyền năng Thánh Thần, Chúa đã chiến thắng thần chết, đã trỗi dậy khỏi mồ và đã được Chúa Cha tôn vinh, để cứu độ loài người chúng con. Xin cho chúng con hôm nay biết sẵn sàng chịu đựng đau khổ là vác thập giá do Chúa gởi đến. Nhờ cùng chết với Chúa, chúng con hy vọng sẽ cùng được sống lại với Chúa ở đời sau.         

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …