Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng CN XVII TN B, của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy niệm Tin mừng CN XVII TN B, của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

(Ga 6, 1-15)

 

Qua các bài Kinh thánh trong Chúa Nhật hôm nay, chúng ta thấy Giáo Hội muốn nêu lên đề tài “Chính Thiên Chúa là Đấng nuôi dân”. Trong bài đọc thứ nhất chúng ta thấy từ bánh dành cho một người, người của Thiên Chúa đến bánh dành cho 100 người, dành cho dân chúng. Điều đó không ai có thể hiểu được vì bánh cho một người không thể đủ cho 100 người. Chính vì thế mà chúng ta rất thông cảm với câu nói của người mang bánh : “Tôi dọn bấy nhiêu cho 100 người ăn sao ?” Vậy mà khi làm theo lời người của Thiên Chúa nói, dùng phần bánh cho người của Thiên Chúa phân phát cho tất cả thì mọi người ăn no, lại còn dư một mớ. 

Điều đó nói lên sự can thiệp của Thiên Chúa. Việc gì đối với con người xem ra không thể làm được thì đối với Thiên Chúa trở nên có thể, trở nên đơn giản : bánh dùng cho một người cũng đủ dùng cho 100 người. Nhận xét đó càng đúng khi nhìn vào bài Phúc âm hôm nay ghi lại chuyện Chúa Giêsu làm phép lạ bánh ra nhiều. Khi thấy đám đông, Chúa Giêsu hỏi : “Ta mua đâu được bánh cho những người nầy ăn ?” Philipphê trả lời theo sự khôn ngoan của con người : “Hai trăm đồng cũng không đủ để mỗi người được một chút.” Đối với con người, đối với sự khôn ngoan, khôn khéo của con người thì vấn đề trở nên bế tắt, không thể giải quyết được. 

Khi Chúa Giêsu đặt câu hỏi trên thì đó chỉ là câu hỏi thử thách như Phúc âm nhận xét, vì Chúa Giêsu biết Người phải làm gì. Dù sao thì câu hỏi đó cũng làm nổi bật lên sự bất lực của con người. Đứng trên bình diện nhân loại, người ta không thể giải quyết được vấn đề dân đang đói. Vì thế khi giải quyết vấn đề cho đám đông ăn, bằng cách làm cho bánh và cá ra nhiều, Chúa Giêsu chứng tỏ cho các môn đệ và những người đi nghe theo Chúa hiểu rằng đây là công việc của Thiên Chúa, đây là do bàn tay của Thiên Chúa : Chính Thiên Chúa mới là Đấng nuôi dân, như xưa Thiên Chúa đã nuôi dân trong sa mạc trong cuộc hành trình về đất Hứa. Vì thế thật là hợp lý khi ở phần cuối của bài Phúc âm, mọi người đều nói: “Thật ông nầy là Đấng tiên tri phải đến trong thế gian” Qua phép lạ bánh ra nhiều người ta thấy rỏ bàn tay của Thiên Chúa ở nơi Đức Giêsu. Nói cách khác người ta đã thấy Chúa Giêsu là Đấng đến từ trên cao, mới có thể làm những điều mà sức con người không thể làm được. 

Điều chúng ta thấy tiếp theo là để phép lạ xảy ra cần có nhiều người cộng tác. Đứng trước một vấn đề khó khăn, người ta có thể nêu lên cách giải quyết theo hướng hoàn toàn nhân loại. Ở đây Philipphê là hình ảnh tượng trưng cho những người đó. Đó là những người chỉ giải quyết mọi vấn đề theo sự tính toán của loài người, tính toán lợi hại, hơn thua theo cái nhìn của loài người. Đặc biệt là không hề tính đến sự hiện diện của Thiên Chúa, không hề tính đến lợi cho Nước Chúa cho việc rao giảng tin mừng, không hề tính đến sự hy sinh, chia sẻ. Đó là những người đánh giá sự việc theo cái nhìn chủ quan và thiếu tin tưởng vào người khác. Khi không vừa ý liền than van, kêu la, chống đối. Philip vội kêu than vừa khi Đức Giêsu đề nghị tìm thức ăn cho đám đông.

Thế nhưng cũng có người khác như Andrê đi tìm cách giải quyết khác tích cực hơn, theo hướng chia sẻ. Andrê biết kiên nhẫn tìm hiểu hoàn cảnh rồi đến trình bày với Đức Giêsu khi gặp khó khăn. Ông là người biết tìm cách giải quyết vấn đề một cách tích cực. Andrê nói : “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người.” Andrê thấy rằng để tất cả ăn no thì cần phải có sự chia sẻ : người có chia cho người không có ; lá lành đùm lá rách ; lá rách đùm lá nát. Nếu có chia sẻ thì vấn đề đau khổ trong nhân loại có thể giảm đi, tuy không dứt hẳn.

Người ta có thể nhìn em bé như hình ảnh tượng trưng cho đa số những người yếu thế, kém tài trong cộng đoàn dân Chúa. Tuy khả năng nhỏ bé vì chỉ có 2 con cá và 5 ổ bánh, nhưng với lòng đại lượng bao dung, biết trao cho Chúa những thứ nhỏ bé đó thì đem lại kết quả thật lớn lao: muôn ngàn người được hưởng dùng nhờ vào việc từ thiện nhỏ bé. 

Người ta cũng có thể nhìn thấy sự phong phú của Thiên Chúa, sự rộng lượng của Thiên Chúa qua phép lạ bánh ra nhiều. Nếu trước đó ai cũng thấy thiếu thì sau phép lạ ai cũng thấy dư. Chúa Giêsu là tình yêu của Thiên Chúa đến với loài người. Người đối xử với con người trong tình thương và nhất là trong sự dư dật. Người nuôi dân không chỉ vừa đủ nhưng dư tràn. Phép lạ nầy cũng giống như những phép lạ khác, Chúa Giêsu đã làm vì tình thương, thương những người đau khổ. 

Trong phép lạ, Chúa Giêsu được mô tả như một mục tử. Người cho dân ngồi trên đồng cỏ như mục tử dẫn đàn chiên tới đồng cỏ xanh tươi và toàn dân được ăn bánh no nê như đàn chiên được dư đầy bên đồng cỏ xanh, bên suối nước trong lành. Chi tiết còn dư 12 thúng đầy bánh vụn càng cho thấy sự phong phú mà Thiên Chúa mang đến cho con người. Chính Thiên Chúa là Đấng Dư dật và Ngài cũng sẳn sàng ban cho con cái Ngài một cách dư dật. 

Như thế phép lạ bánh ra nhiều nhắc cho chúng ta đừng quên rằng Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống chúng ta. Đừng tưởng rằng chỉ có sức chúng ta mà thôi thì làm được mọi sự. Kitô hữu đừng quên rằng chúng ta sống trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Những thành công mà chúng ta đạt được đều có sự hỗ trợ của Thiên Chúa. Thế nhưng điều đó không làm chúng ta ỷ lại, không làm gì cả vì sự cộng tác của con người là tối cần thiết. Thiên Chúa luôn luôn muốn con người cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa để mưu ích cho chính con người. Nếu con người loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi công việc của mình, phần thiệt hại không phải cho Chúa nhưng cho chính con người.

Trong cuộc sống hằng ngày nhiều khi chúng ta say mê làm việc mà quên đi Thiên Chúa. Bài Phúc âm hôm nay nhắc cho chúng ta nhớ những chiếc bánh và những con cá chỉ trở nên phong phú qua bàn tay của Đức Giêsu. Cũng thế, những cố gắng của chúng ta chỉ sinh kết quả phong phú, vững bền khi chúng ta đặt chúng trong bàn tay Thiên Chúa. Xin Chúa giúp chúng ta hiểu và sống chân lý nầy.

Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …