Đức Giê-su không sống cho chính mình; Ngài đến để hiến dâng mạng sống mình cho con người.
Lm Inhaxiô Hồ Thông
Trong Kinh Thánh, cái đói và cái khát mà con người cảm nhận ngay trong thân xác mình được dùng để sánh ví với cái đói và cái khát của con người đối với những thiện hảo thần linh. Đặc biệt ơn cứu độ được hình tượng về một bàn tiệc Thiên Chúa thiết đãi những người Ngài tuyển chọn.
Is 55: 1-3
Trong bài đọc I, ngôn sứ I-sai-a đệ nhị, ngôn sứ của thời lưu đày, loan báo cho những người lưu đày về cuộc giải phóng sắp đến gần của họ dưới ẩn dụ một bàn tiệc thịnh soạn mà Thiên Chúa thiết đãi dân Ngài. Qua ẩn dụ này, ông muốn nói rằng Thiên Chúa tha thứ cho họ, làm mới lại Giao Ước với họ và ban cho họ muôn vàn ân phúc.
Rm 8: 35, 37-39
Bài đọc II, trích thư thánh Phao-lô gởi các tín hữu Rô-ma, mời gọi chúng ta tiếp tục suy niệm về tấm lòng của Thiên Chúa đối với chúng ta. Thánh nhân hết lời ca ngợi tình yêu của Thiên Chúa, được mặc khải ở nơi Đức Giê-su Ki-tô.
Mt 14: 13-21
Tin Mừng Mát-thêu thuật lại phép lạ bánh hóa nhiều. Sau khi nuôi đám đông dân chúng đói khát được ăn no nê, Đức Giê-su cho họ một dấu chỉ tiên trưng về lương thực đích thật mà Ngài sẽ thiết đãi nhân loại: bàn tiệc Thánh Thể.
BÀI ĐỌC I (Is 55: 1-3)
Lời mời gọi đến mà ăn và uống cho thỏa thích được gởi đến những người bất hạnh, những người lưu đày Ba-by-lon này suốt nhiều năm dài phải chịu cảnh túng thiếu đủ điều. Vào giữa những năm 550 và 540 trước Công Nguyên, ở giữa họ, xuất hiện một vị ngôn sứ, ông không ngừng khích lệ họ và nuôi dưỡng niềm hy vọng của họ: ông hứa với họ thời kỳ giải phóng sắp đến rồi. Thiên Chúa sắp ra tay cứu họ khỏi cảnh lưu đày ở đất khách quê người và tuôn đổ muôn vàn thiên ân cho họ.
Vị ngôn sứ này biệt danh là I-sai-a đệ nhị. Sứ điệp của ông, gồm các chương 40-55 sách I-sai-a, được gọi là “Sách An Ủi” . Bản văn chúng ta đọc hôm nay là đoạn mở đầu của phần kết.
1. “Đến cả đi, hỡi những người đang khát”:
Vị ngôn sứ để cho chính Đức Chúa nói. Đây là văn phong quen thuộc của các ngôn sứ, mà tác giả của chúng ta đặc biệt trung thành. Ông tự xóa mình trước sứ điệp ông truyền đạt đến mức người ta không biết chút gì về ông, thậm chí ngay cả tên ông.
Vị ngôn sứ gán cho Đức Chúa ngôn hành của một người bán nước rong rảo qua các đường phố và các công trường rao bán mặt hàng của mình; nhưng với một sự khác biệt, những mặt hàng Thiên Chúa rao bán lại được cho không, không phải trả tiền. Những lời đề nghị của Thiên Chúa được trình bày theo một sơ đồ rất quen thuộc đối với Cựu Ước: lời hứa ban “của ăn thức uống vật chất”, xưa kia là vườn địa đàng đầy những hoa thơm trái ngọt, bánh man-na trong hoang địa, Đất Hứa chảy sữa và mật ong, ở bên kia của ăn thức uống này ẩn hiện những “của ăn thức uống tinh thần”, chủ yếu, Lời Chúa, lương thực tuyệt diệu. Sau cùng, lời mời gọi tham dự bàn tiệc nghĩa là lời hứa ban “Giao Ước”.
2. Của ăn thức uống vật chất:
“Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng, đến mua rượu và sữa, không phải trả đồng nào”.
Ngôn từ của vị ngôn sứ hàm chứa hai khía cạnh: vừa thực vừa biểu tượng. Đừng vội giãm thiểu quá mức khía cạnh thực: những người lưu đày sắp được tự do và có thể lại được nếm thứ rượu ngon từ những vườn nho sai trái xứ Pha-lệ-tinh, lại được uống thứ sữa ngọt từ đàn gia súc của họ và lại được thưởng thức thứ thịt béo của những bữa ăn hy tế mà đã bao năm qua họ đã bị tước đoạt. Rượu luôn luôn là biểu tượng của niềm vui và sữa là dấu chỉ của sự thịnh vượng phú túc.
3. Của ăn thức uống tinh thần:
Nhưng sâu xa hơn, những của ăn thức uống này mang ý nghĩa tinh thần. Trong Cựu Ước, những ân huệ mà Thiên Chúa dành cho những ai yêu mến Ngài thường được diễn tả bằng hình ảnh bàn tiệc cao lương mỷ vị. Ơn cứu độ thời Mê-si-a, tức niềm vui tương lai dành cho những người công chính vào thời cánh chung, được diễn tả bởi những ẩn dụ như thế. Còn về hình ảnh “nước tuôn trào” biểu tượng sự sống thần linh, chạy xuyên suốt toàn bộ Kinh Thánh. Vào tuần lễ Lều, Đức Giê-su sẽ lấy lại lời của vị ngôn sứ: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống!” (Ga 7: 37). Cũng vậy, Chúa Ki-tô quang vinh của sách Khải Huyền công bố: “Ai khát, hãy đến; ai muốn, hãy đến lãnh nước trường sinh mà không phải trả tiền” (Kh 22: 17).
Trong một bản văn của sách Châm Ngôn sóng đôi với bản văn hôm nay, Đức Khôn Ngoan rao lớn tiếng ngoài đường phố, nơi quảng trường, nơi ồn ào náo nhiệt, nơi đông người qua lại, để mời gọi tất cả những ai muốn nếm những ân huệ Ngài ban hãy đến dự bàn tiệc của Ngài: “Hãy đến mà ăn bánh của Ta và uống rượu do Ta pha chế!” (Cn 9: 5). Bàn tiệc mà Đức Khôn Ngoan thiết đãi rõ ràng thuộc lãnh vực tinh thần. Ở đây cũng vậy: “Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống, tốn công lao vất vả vào các thứ chẳng làm cho ấm dạ no lòng”. Lương thực đích thật duy nhất rõ ràng là Lời Chúa: “Hãy lắng tai, và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống”. Lời mời gọi này gợi nhớ lời kêu gọi của Đức Giê-su:“Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6: 27).
4. Bữa ăn Giao Ước:
Sấm ngôn này muốn nhắn gởi sứ điệp gì cho những người lưu đày? Nó loan báo cho họ Thiên Chúa sắp hoàn lại sự tự do cho họ; và hơn nữa, nó hứa ban một giao ước mới giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Mọi giao ước đều được cam kết trong một bữa ăn. Thức ăn thật hay thức ăn biểu tượng mà Thiên Chúa thiết đãi những người lưu đày là những dấu chỉ của Giao Ước Mới muôn năm bền vững như lời hứa cho nhà Đa-vít.
Vài thập niên trước đó rồi, ở nơi những biến cố nghiêm trọng: thành thánh Giê-ru-sa-lem bị tàn phá, Đền Thờ bị tiêu hủy, ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã nhận ra dấu chỉ tiên báo về những mối liên hệ mới giữa dân Ít-ra-en và Thiên Chúa của mình. Giao Ước Mới sẽ được ghi khắc, không còn trên bia đá, nhưng trong tận đáy lòng. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã lập lại tư tưởng này. Ngôn sứ I-sai-a đệ nhị đến phiên mình công bố giao ước mới này. Khi nhắc lại mẫu gương của vua Đa-vít, ông truyền đạt cho những người lưu đày những tư tưởng rất thân thiết: những lời hứa xưa về thành thành Giê-ru-sa-lem và nhà Đa-vít là mãi mãi bền vững. Như vậy, Thiên Chúa đã không hề quên dân Ngài.
5. Khía cạnh ngôn sứ:
Khía cạnh ngôn sứ của sứ điệp thì hiển nhiên: sấm ngôn loan báo việc dự phần vào bàn tiệc thời Mê-si-a, tức là ơn cứu độ. Đức Giê-su sẽ là Thiên Chúa hiện thân, Ngài sẽ hiện diện trên mọi nẻo đường và trong các nơi đông người tụ họp. Trước tiên, chính Ngài cũng sẽ đề nghị những lương thực vật chất: rượu ngon dồi dào cho tiệc cưới Ca-na, bánh và cá dư dật cho đám đông đói và khát trong hoang địa, chữa lành bệnh cho các bệnh nhân, vân vân, qua đó Ngài muốn nói rằng Ngài là Đấng cứu độ và ban sự sống. Cuối cùng, Ngài mời gọi dự phần vào bữa ăn làm no thỏa mọi đói và khát: bàn tiệc Thánh Thể.
Bản văn của vị ngôn sứ chuẩn bị cho chúng ta hiểu Tin Mừng hôm nay một cách sâu xa.
BÀI ĐỌC II (Rm 8: 35, 37-39)
Thánh Phao-lô kết thúc chương 8 thư gởi các tín hữu Rô-ma, tức phần về đạo lý, bằng những thổ lộ tâm tình làm xao động lòng người này.
Sau khi đã minh chứng làm thế nào mọi người, Do thái cũng như dân ngoại, bị giam hãm trong tội lỗi, và làm thế nhờ Đức Ki-tô họ được giải thoát khỏi tội lỗi, thánh nhân trình bày cuộc sống mới mẽ của người Ki-tô hữu: sống theo Thần Khí và chứa chan niềm hy vọng là được dự phần vào vinh quang Thiên Chúa.
Khi suy nghĩ kế hoạch đầy yêu thương của Thiên Chúa dành cho loài người, thánh Phao-lô để mặc cho tình cảm của mình trào dâng thành một bài thánh thi bộc phát, tôn vinh tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Những dòng chữ cuối cùng này chất chứa biết bao hơi thở nồng nàn của thánh nhân.
1. Người Ki-tô hữu đối mặt với những gian nan thử thách:
Thánh Phao-lô chọn hình thức nghi vấn: “Ai có thể làm chúng ta xa lìa tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, cùng khốn, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?”. Chắc chắn thánh Phao-lô nghĩ đến trước hết mọi nỗi gian truân mà thánh nhân đã kinh qua. Thánh nhân đã nêu lên những nỗi gian truân này nhiều lần (1Cr 4: 9-13; 2Tm 11), và như linh cảm, thánh nhân thêm vào ở đây “gươm giáo”, đó sẽ là dụng cụ tử đạo của thánh nhân. Nhưng, đại từ “chúng ta” mà thánh Phao-lô sử dụng chứng thực rằng thánh nhân cũng nghĩ đến hết mọi tín hữu đang gặp phải những gian truân vì mang tên Ki-tô hữu.
Thánh Phao-lô quả quyết rằng dù phải đối mặt với mọi nỗi gian nan thử thách, những Ki-tô hữu là những người toàn thắng trong cuộc chiến này, nhờ Đấng đã yêu mến họ. Họ càng yếu hèn, thì họ càng nghiệm thấy tính hiệu quả nội tại và mối thân tình của Thiên Chúa: thánh Phao-lô biết được điều này từ kinh nghiệm của mình.
2. Người Ki-tô hữu đối mặt với thế gian thù ghét:
Để những ví dụ mà mình đưa ra cho được đầy đủ, thánh Phao-lô loại bỏ nỗi sợ hải mà người Ki-tô hữu có thể có về những quyền lực huyền bí trong vũ trụ, cũng như về mọi nghịch cảnh: “Cho dẫu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên chúa thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta”.
Người xưa tin rằng quỷ thần hiện diện khắp nơi trong vũ trụ, chúng tác hại ít nhiều trên cuộc sống của con người. Những mê tín dị đoan này lại càng thêm thuận lợi nhờ sự phát triển của khoa chiêm tinh bói toán. Nhờ đó, các tà giáo lại càng dể dàng phổ biến, do bởi sự sa sút của các niềm tin trong các tôn giáo chân chính.
“Thiên thần hay ma vương quỷ lực” chắc chắn ám chỉ đến những thiên linh , những sức mạnh quỷ thần, có thể những quyền lực của các thiên thần sa ngã (x. Ep 1: 21; 3: 18; Cl 1: 16; 2: 10-15).
“Bất kỳ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác” có lẽ gợi lên từ vựng của khoa chiêm tinh bói toán và những thuyết “định mệnh” đè nặng trên số mệnh của con người.
Còn những diễn ngữ “sự sống hay sự chết”, “hiện tại hay tương lai”, đây là cách nói đối ngẫu. Thánh Phao-lô sử dụng chúng ở nơi khác trong một mạch văn lạc quan hơn. Thánh nhân viết cho các tín hữu Cô-rin-tô: “Dù cả thế gian này, sự sống hay sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Ki-tô, và Đức Ki-tô lại thuộc về Thiên Chúa” (1Cr 3: 22). Ở đây, thánh Phao-lô nhắm đến khía cạnh bi quan: biết bao xao xuyến khi nghĩ đến cái chết, ngàn nỗi bận lòng khi nghĩ đến cuộc sống, thấp thỏm lo âu khi nghĩ đến hiện tại, muôn vàn bấp bênh khi nghĩ đến tương lai.
Thánh Phao-lô không muốn nói rằng những nỗi niềm bi quan này là của chính mình. Với một tấm lòng thanh thản bình yên, thánh nhân khẳng định rằng không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa đã bày tỏ tận mức tình yêu của Ngài đối với con người khi ban cho họ Con của Ngài. Đó là nền tảng xác tín của người Ki-tô hữu và là lý do họ sẽ toàn thắng trên những quyền lực đến từ bên ngoài, dù đó là gì đi nữa. Người Ki-tô hữu “trong Đức Giê-su Ki-tô” được nuôi sống bằng tình yêu này.
TIN MỪNG (Mt 14: 13-21)
Phép lạ bánh hóa nhiều là phép lạ duy nhất được cả bốn sách Tin Mừng thuật lại (Mt 14: 13-21; Mc 6: 31-44; Lc 9: 10-17; Ga 6: 1-6), đó là chưa kể đến thánh Mát-thêu và thánh Mác-cô tường thuật phép lạ này đến hai lần qua một dị bản với bảy chiếc bánh và hai con cá (Mt 15: 32-39; Mc 8: 1-10). Quả thật, dường như đây là một trong những phép lạ đặc trưng nhất mà Đức Giê-su thực hiện. Bốn bài trình thuật bổ túc cho nhau và soi sáng cho nhau.
Mở đầu bài trình thuật của mình, thánh Mát-thêu cho biết rằng khi nghe tin vua Hê-rô-đê sát hại Gioan Tẩy Giả, Đức Giê-su dẫn các môn đệ xuống thuyền vượt biển Ga-li-lê lánh vào nơi hoang vắng. Nhưng đám đông đã nhận ra nên đi bộ dọc theo bờ và đến nơi trước Ngài. Dữ kiện này cho thấy dân chúng đã quen hơi bén tiếng với Ngài.
1. Một ngày đầy ân phúc:
Đức Giê-su không sống cho chính mình; Ngài đến để hiến dâng mạng sống mình cho con người. Dù đám đông cản trở dự định của Ngài là muốn được sống một mình với các môn đệ ở nơi hoang vắng này, Ngài vẫn ân cần tiếp đón họ. Ngài động lòng thương trước những nỗi khổ của họ và “chữa lành các bệnh nhân của họ”. Thánh Mác-cô và thánh Lu-ca còn nói thêm rằng Ngài ban Lời Hằng Sống cho họ suốt ngày hôm đó (Mc 6: 34; Lc 9: 11). Khi chiều xuống, Ngài hoàn tất ngày hôm ấy bằng một cử chỉ báo trước cuộc tự hiến của Ngài cho họ.
2. Những dấu chỉ của phép lạ bánh hóa nhiều:
Đức Giê-su đã không lưu lại trên bờ nhưng đã dẫn đám đông vào nơi hoang vắng. Hoàn cảnh, thời điểm và những chi tiết mà các tác giả Tin Mừng thuật lại nêu bật sự đồng nhất của những dấu chỉ.
Thánh Mát-thêu nhấn mạnh đến hai lần nơi hoang vắng. Như vậy, thánh ký hướng tư tưởng người đọc về thời Xuất Hành và ân ban bánh man-na. Quả thật, thuở xưa, ông Mô-sê đã dẫn dân Ít-ra-en vượt qua biển Đỏ, đưa vào hoang địa Xi-nai, ở đó Thiên Chúa ban cho họ bánh man-na kỳ diệu từ trời. Ngày nay, Đức Giê-su, Mô-sê mới, dẫn các môn đệ xuống thuyền vượt qua biển, và Ngài dẫn các môn đệ cùng với đám đông dân chúng vào hoang địa Ga-li-lê, ở đó Ngài sắp ban bánh kỳ diệu cho họ được ăn no nê.
Thánh Mát-thêu nói: “Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ”. Thánh Gioan cũng nói:“Chỗ ấy có nhiều cỏ” (Ga 6: 10). Thánh Mác-cô còn nói: “Người truyền cho các ông bảo họ ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh” (Mc 6: 39). Chỉ vào mùa xuân, miền đất Pha-lệ-tinh mới có cỏ non xanh trên các cánh đồng và trên các triền đồi. Không phải chi tiết này muốn nói rằng Đức Giê-su là vị mục tử nhân lành, được các ngôn sứ loan báo, Ngài dẫn đàn chiên của mình đến đồng cỏ xanh tươi sao? Thánh Mác-cô gợi lên điều đó: “Đức Giê-su chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6: 34). Đối diện với thái độ thờ ơ lãnh đạm của các mục tử nhà Ít-ra-en, Đức Giê-su hành xử như “người mục tử Mê-si-a”, Ngài tận tình chăm lo dân Ngài.
Thời điểm biến cố xảy ra được thánh Gioan xác định hơn nữa: “Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua” (Ga 6: 4). Sự kiện này trước hết giải thích tầm quan trọng của đám đông. Chính vào thời điểm sắp đến lễ Vượt Qua mà những đoàn người hành hương từ khắp nơi quy tụ lại ở thành Ca-phác-na-um và các thành phố ven biển hồ Ghê-nê-sa-rét, rồi từ đó, họ khởi hành thành từng nhóm tiến về thành thánh Giê-ru-sa-lem để tham dự đại lễ Vượt Qua. Mặt khác, làm thế nào không nghĩ rằng thời điểm sắp đến lễ Vượt Qua đem lại một sắc thái đặc biệt cho cử chỉ của Đức Giê-su? Đây là một cử chỉ ngôn sứ, loan báo Lễ Vượt Qua mới.
“Những mẫu bánh còn thừa” ám chỉ đến nghi thức bẻ bánh trao cho nhau trong các bữa ăn của người Do thái và đồng thời cũng gợi nhớ đến “nghi lễ bẻ bánh”, tức bí tích Thánh Thể, mà các tông đồ và các tín hữu tiên khởi cử hành sau khi Chúa Giê-su về trời (x. Cv 2: 42; 20: 7).
“Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con”. Chắc hẳn, thánh ký không cố ý đưa ra một con số chính xác. Có lẽ thánh Mát-thêu muốn so sánh Đức Giê-su với ngôn sứ Ê-li-sa và cho thấy Đức Giê-su vượt xa ngôn sứ này. Ở 2V 4: 42-44, ngôn sứ Ê-li-sa đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều từ hai mươi chiếc bánh lúa mạch cho một trăm người ăn. Ở đây, Chúa Giê-su làm phép lạ hóa bánh ra nhiều từ năm chiếc bánh và hai con cá để cho năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ được ăn dư dật. Như vậy, qua phép lạ bánh hóa nhiều, Đức Giê-su cũng là ngôn sứ nhưng cao trọng hơn ngôn sứ Ê-li-sa nhiều.
3. Dấu chỉ Thánh Thể:
Phép lạ bánh hóa nhiều rõ ràng loan báo bàn tiệc Thánh Thể. Các Tông Đồ đã hiểu như vậy, các tác giả Tin Mừng cũng hiểu như vậy. Cả hai biến cố đều được xác định theo cùng một thời điểm: “Chiều đến” (Mt 14: 15 và Mt 26: 20) và với cùng một cử chỉ: “Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho các môn đệ” (Mt 14: 19 và Mt 26: 26).
4. Dấu chỉ thời Mê-si-a:
Cử chỉ của Đức Giê-su không chỉ tiên báo bàn tiệc Thánh Thể, nhưng còn nêu bật ý nghĩa trực tiếp: bàn tiệc thời Mê-si-a.
Các sấm ngôn ((Is 55: 1-3; 49: 10), các Thánh Vịnh (132: 15; 78: 24-27), cũng như các sách minh triết đã loan báo triều đại Mê-si-a, triều đại này sẽ được đánh dấu bởi việc Thiên Chúa ban cho của ăn thức uống dồi dào cả về lượng cũng như phẩm. Những dấu chỉ này tiên báo bàn tiệc cánh chung, bàn tiệc mà Thiên Chúa sẽ thiết đãi cho những người được tuyển chọn trong Nước Trời. Chúng ta đã đọc một trong những bản văn này ở bài đọc I: việc những người lưu đày được ban cho của ăn thức uống một cách dồi dào mà không phải trả tiền ám chỉ đến giờ Thiên Chúa giải thoát họ, tha thứ tội lỗi cho họ và ân cần chăm sóc họ.
Đó cũng là ý nghĩa của bữa ăn mà Chúa Giê-su ban cho đám đông: thời điểm cứu độ đã đến, giờ Thiên Chúa hiện diện và hành động giữa con người, giờ Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Ngài. Đó chính là giờ Đức Giê-su bày tỏ tấm lòng từ bi nhân hậu của Ngài đối với đám đông dân chúng, những người đã đi bộ một quảng đường dài để được gặp Ngài và được lắng nghe Ngài suốt ngày. Khi chiều xuống, họ không có gì ăn. Nếu họ đã theo Ngài như thế, đó không phải là họ đang tìm kiếm những nhu cầu thiết yếu mà họ cảm thấy một cách lờ mờ sao? Đức Giê-su làm no thỏa cơn đói phần xác của họ để giúp họ hiểu rằng Ngài còn có thể cho họ no thỏa cơn đói phần hồn nữa.
5. Dấu chỉ về Lời Chúa:
Dấu chỉ khác về thời Mê-si-a không được bày tỏ một cách minh nhiên nhưng chúng ta không thể không nghĩ đến: “bánh chính là Lời Chúa”. Mối liên hệ thường hằng trong Kinh Thánh giữa bánh: lương thực ban sự sống cho thân xác con người, và Lời Chúa: lương thực thần thiêng ban sự sống đời đời. Qua việc ban bánh một cách dư dật, Đức Giê-su tỏ mình ra Ngài là Ngôi Lời, lời Thiên Chúa hiện thân ở giữa loài người như trong Am 8: 11:“Đây sắp đến những ngày Ta sẽ gieo nạn đói trên xứ này, không phải đói bánh ăn, cũng không phải khát nước uống, mà đói khát được nghe lời Đức Chúa”, hay trong Đnl 8: 3:“Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra”.
6. Dấu chỉ về Giáo Hội:
Thánh Mát-thêu nhấn mạnh hơn các tác giả Tin Mừng khác dấu chỉ về Giáo Hội. Phép lạ bánh hóa nhiều là phép lạ duy nhất Đức Giê-su cho các môn đệ can dự vào. Chính các ông gợi ý với Thầy giải tán dân chúng để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn. Nhưng Đức Giê-su đáp: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy liệu cho họ ăn”. Các môn đệ cố lẫn tránh; họ không có gì cả chỉ vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá. Về phương diện con người, với số lượng người như thế, các ông bất lực. Bài học thật khủng khiếp. Trong cuộc sống thực tế, Giáo Hội thường phải chạm trán với những vấn đề mà bên ngoài xem ra không có bất kỳ một giải pháp nào có thể, nếu như không có đức tin. Rõ ràng Đức Giê-su đòi hỏi các môn đệ Ngài phải đặt trọn niềm tin tưởng vào Ngài.
Tiếp đó, chính họ mà Ngài trao phó cho việc ân cần phân phát phép lạ bánh và cá: họ là những thừa tác viên của những thiên ân. Nhờ họ, thiên ân Lời Chúa và Thánh Thể sẽ được tiếp diễn mãi: “Ngài trao cho các môn đệ. Và các môn đệ trao cho dân chúng”. Chúng ta lưu ý rằng thánh Mát-thêu dùng cùng một động từ “trao” để chỉ hành động của Chúa Giê-su và hành động của các môn đệ, trong khi thánh Mác-cô và thánh Lu-ca cũng dùng động từ“trao” để chỉ hành động của Chúa Giê-su, nhưng lại dùng động từ “dọn ra” (Mc 6: 41) (Lc 9: 16) để chỉ hành động của các môn đệ. Như vậy, qua việc sử dụng cùng một động từ này cho cả hành động của Chúa Giê-su và hành động của các môn đệ, thánh Mát-thêu muốn nhấn mạnh rằng các ông không chỉ là những người trung gian giữa Chúa Giê-su và đám đông, nhưng còn có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu của dân chúng bằng cách tiếp tục công việc của Thầy mình. Việc trao ban bánh hóa nhiều trên đồi Ga-li-lê tiên trưng việc trao ban bánh hóa nhiều khác, tức bánh Thánh Thể, nghĩa là họ tiếp tục trao ban sự hiện diện hóa nhiều của Thân Thể vinh quang của Đức Giê-su, không còn chỉ cho vài ngàn người, nhưng cho hằng triệu người, mỗi phút giây và khắp hoàn vũ, cho đến ngày tận thế.
Còn về đông đảo dân chúng quy tụ chung quanh Đức Giê-su và dự phần vào cùng một bữa ăn, họ tiên trưng những cộng đồng nhân loại hình thành nên Giáo Hội, như câu thành ngữ “Thánh Thể làm nên Giáo Hội”.
Bánh được ban dư dật ở trên đồi Ga-li-lê như rượu được ban dồi dào ở tiệc cưới Ca-na. Người ta thu lại những mẫu bánh còn thừa được mười hai thúng đầy: con số mười hai ám chỉ đến mười hai chi tộc Ít-ra-en, cũng như mười hai Tông Đồ, họ đại diện dân Thiên Chúa mới. Hơn nữa, những mẫu bánh còn thừa muốn nói lên rằng có đủ chỗ cho những người khách mời khác vào dự bàn tiệc Thiên Chúa.
Như thánh Mác-cô và thánh Lu-ca, thánh Mát-thêu không nêu lên những phản ứng của đám đông dân chúng sau khi đã được ăn no nê. Vả lại, đa số trong họ đã không biết bánh và cá mà họ ăn từ đâu đến. Chỉ một mình thánh Gioan nói về sự cuồng nhiệt của đám đông“họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua” (Ga 6: 15).
Dù sao, phần tiếp theo sau cho thấy những dấu chỉ được đề nghị, dù quá minh nhiên, đã không được họ hiểu. Phép lạ bánh hóa nhiều xem ra như một trong những toan tính cuối cùng của Đức Giê-su ở Ga-li-lê nhằm khai lòng mở trí cho họ để họ hiểu con người và sứ điệp của Ngài.