Sự thánh thiện của con cái Thiên Chúa
Chủ đề căn bản chung cho ba Bài đọc là sự thánh thiện của con cái Thiên Chúa, họ phải nên thánh thiện như Cha của họ, Đấng ngự trên trời, là Đấng hoàn thiện.
Các Bài đọc
Chủ đề căn bản chung cho ba Bài đọc là sự thánh thiện của con cái Thiên Chúa, họ phải nên thánh thiện như Cha của họ, Đấng ngự trên trời, là Đấng hoàn thiện. Sự hoàn thiện này gặp thấy đỉnh cao của nó ở nơi luật yêu thương.
Lv 19,1-2, 17-18
Bài đọc 1 được trích từ sách Lê-vi, chính xác hơn từ phần được gọi “Luật Thánh Thiện” ở đó Đức Chúa đòi hỏi dân Người: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh” và “Ngươi hãy yêu đồng loại như yêu chính mình”.
1 Cr 3,16-23
Thánh Phao-lô nhắc nhở cho các tín hữu Cô-rin-tô rằng mọi người Ki-tô hữu là “Đền Thờ Thiên Chúa” vì họ được Chúa Thánh Thần ở cùng; họ không thuộc về sự khôn ngoan đời này nhưng sự khôn ngoan Thiên Chúa, vì họ thuộc về Đức Ki-tô và Đức Ki-tô lại thuộc về Thiên Chúa.
Mt 5,38-48
Bản văn Tin Mừng Mát-thêu là phần tiếp theo của diễn từ Luật Mới của Đức Giê-su: “Anh em đã nghe Luật dạy…Còn Thầy, Thầy bảo anh em…”.
Gợi ý Bài giảng
Bản văn Mát-thêu này tiếp nối bản văn Chúa Nhật tuần trước. Đức Giê-su tiếp tục đối chiếu giữa những huấn lệnh Mô-sê và luật yêu thương mà Ngài thiết lập.
Hai ví dụ mới được đưa ra để đối chiếu: luật “răng đền răng mắt đền mắt” và luật “yêu thương người thân cận như chính mình”.
1. Luật “mắt đền mắt, răng đền răng”:
Đức Giê-su trích dẫn luật Cựu Ước: “Anh em đã nghe Luật dạy: ‘Mắt đền mắt, răng đền răng’”, được phát biểu trong sách Xuất hành (21,24) và được lập lại trong sách Lê-vi (24,19-20). Vào thời Đức Ki-tô, luật này chỉ được áp dụng vào những trường hợp sát nhân:“mạng đền mạng”.
Luật “mắt đền mắt, răng đền răng” này vào thời của nó đã đem đến một giới hạn đáng kể cho bạo lực. Chúng ta thử đọc lại Bài ca thù hận được trích trong sách Sáng Thế: “Vì một vết thương, ta đã giết một người, vì một chút sây sát, ta đã giết một đứa trẻ. Ca-in sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng La-méc thì gấp bảy mươi bảy!” (St 4,23-24).
Luật “mắt đền mắt, răng đền răng” đã giới hạn rất chặt chẽ những tương xứng giữa sự xúc phạm và sự trả thù. Luật này chỉ có thể áp dụng vào những tấn công về phương diện thể lý, nhưng trong việc thực hành, luật này thường tỏ ra khó áp dụng. Những đền bù bằng tiền bạc dần dần được thay thế, ngoại trừ trường hợp sát nhân.
Khi trích dẫn luật xưa, Đức Giê-su muốn nói rằng không còn “ăn miếng trả miếng” nữa; Ngài biết rằng ước muốn trả thù vẫn ầm ỉ trong tâm trí con người. Ấy vậy, Ngài đòi hỏi rằng người ta không được buông theo ước muốn này, đừng tìm cách trả đũa. Thái độ từ chối báo thù này đã được các hiền nhân Cựu Ước phác họa rồi. Hiền nhân Si-rác viết: “Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa…Hãy nhớ đến các điều răn mà đừng oán hờn kẻ khác, nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao mà không chấp nhất điều lầm lỗi” (Hc 28,1-7). Sách Châm Ngôn viết: “Bạn đừng nói: ‘Tôi sẽ báo thù!’ Hãy cậy trông Đức Chúa, Người sẽ cứu bạn” (Cn 20,22).
Đức Giê-su còn đi xa hơn các bậc hiền nhân Cựu Ước khi đòi hỏi rằng phải lấy thiện báo ác, lấy yêu thương đáp lại hận thù, có như thế mới diệt được tận căn cái ác ở trong lòng con người. Ngài dùng những hình ảnh rất cụ thể và mâu thuẫn để nhấn mạnh lệnh truyền của Ngài: “Nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để cướp lấy áo trong, thì hãy cho nó lấy cả áo ngoài”. Áo trong và áo ngoài là y phục chính yếu của người Phương Đông. Áo ngoài còn cần thiết hơn áo trong: đây là chăn mền của người nghèo. Luật cấm giữ lại áo ngoài qua đêm. Vì thế, cử chỉ Đức Giê-su đòi hỏi là một cử chỉ đặc biệt có ý nghĩa. “Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm”: Động từ được dùng ở đây, theo nghĩa đầu tiên của nó, nêu lên “việc trưng dụng phương tiện chuyên chở”, tiếp đó được mở rộng đến mọi công việc phục dịch. Xem ra chính nghĩa này phải giữ lại, bởi vì cốt là dặm đường phải đi. Người có quyền “trưng dụng” chắc hẳn là một binh lính hay quan chức Rô-ma. Quả thật, động từ này lại xuất hiện trong Tin Mừng Mát-thêu khi những người lính Rô-ma “trưng dụng” ông Si-mon thành Si-rê-nê vác đỡ thập giá với Đức Giê-su.
“Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi”. Luật truyền thống muốn rằng của bố thí và việc cho vay không lấy lãi chỉ được dành cho những thành viên của đại gia đình Ít-ra-en, chứ không người ngoại kiều. Ngoài ra, năm sa-bát, cứ bảy năm một lần, quy định việc tha nợ nần, quy định này chỉ được thông qua ở bên trong cộng đồng. Đức Giê-su muốn rằng những cử chỉ này phải ban cho hết mọi người, không phân biệt dân tộc hay tôn giáo. Luật đức ái không có biên giới.
2. Yêu thương kẻ thù:
Lệnh truyền: “Hãy yêu đồng loại” được gặp thấy trong sách Lê-vi, nhưng “Hãy ghét kẻ thù”không được gặp thấy ở đâu trong Sách Luật cả. Động từ “ghét” này chỉ cốt làm tương phản động từ “yêu thương”, theo một cặp đối lập rất tâm đắc của ngôn ngữ Do Thái. Sự đối lập này được gặp thấy trong Luật Cộng Đồng Qum-ran: “Ngươi phải yêu thương con cái Ánh Sáng, nhưng ghét con cái Bóng Tối”. Dù sao đi nữa, cặp động từ đối lập này trình bày một tâm thức nào đó. Chúng ta đọc thấy trong sách Huấn Ca: “Hãy cho người đạo hạnh, nhưng đừng giúp kẻ tội lỗi. Hãy xử tốt với người khiêm tốn, và đừng ủng hộ quân vô đạo, hãy khước từ, đừng cung cấp bánh ăn cho nó…Đừng bao giờ tin vào thù địch; vì đồng tiền ten sét thế nào, thì sự độc ác của nó cũng vậy” (Hc 12,4-5.10). Quả thật, người Do Thái ghét cay ghét đắng người Sa-ma-ri, bêu xấu người thu thuế, anh em đồng đạo mặt dày mày dạn của mình là cộng tác với quân chiếm đóng; họ chẳng bao giờ quan hệ bạn hữu với người ngoại giáo.
Luật đức ái phải lật đổ những thái độ như thế. Sách Lê-vi dạy yêu thương đồng loại của mình, nhưng quan niệm đồng loại bị hạn chế chỉ vuông tròn vào đồng bào của mình. Đức Giê-su mở rộng cho đến hết mọi người. Mẫu gương của tình yêu thương này là Cha trên trời, Đấng ban cho hết mọi người, kẻ xấu cũng như người tốt, ơn vũ lộ chan hòa.
Vào thời thánh Mát-thêu ghi lại những lời này: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho nhũng kẻ ngược đãi anh em”, chúng có một âm vang bi thảm. Đây là thời kỳ Hội Đường bách hại Giáo Hội tiên khởi không chút xót thương. Những Ki-tô hữu gốc Do Thái mà thánh Mát-thêu ngỏ lời, phải chịu những phiền nhiễu thậm tệ về phía những anh em đồng đạo xưa kia của mình. Nhưng những môn đệ Đức Ki-tô phải mở rộng lòng mình, không so đo tính toán hơn thiệt. Đức Giê-su đòi hỏi họ đức tính anh hùng này và kêu gọi họ hãy nên hoàn thiện, thuật ngữ này nhắc nhớ “Luật Thánh Thiện” của sách Lê-vi, trong đó Đức Chúa phán: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh”; còn ở đây, Đức Giê-su truyền: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, là Đấng hoàn thiện”.
Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Nguồn: kinhthanhvn