Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng CN 6 TN-A của Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Suy niệm Tin Mừng CN 6 TN-A của Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

TỪ TRONG SÂU THẲM TÂM HỒN

Sự giả tạo bên ngoài 

Những thứ hàng giả thường luôn được chăm chút bên ngoài cẩn thận. Con người nhiều khi cũng tương tự. Những tên Sở Khanh thì luôn  ngọt ngào đầu môi chót lưỡi, lũ nịnh thần thì lúc nào cũng khéo bưng bợ lòn cúi. Họ có một điềm chung là không thật. Đồ thì giả, người thì gian. Hàng giả thì xài không an toàn, còn người gian thì nguy hiểm. 

Chúa Giê-su bảo họ: “Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa” (Mt.16,15).

Đời chung quy chỉ một chữ tiền

Chỉ nhắm tới bên ngoài, con người sẽ nghiêng về chiều hướng cuộc sống hưởng thụ. Từ đó, người ta sẽ chọn lựa và kết luận “đời chung quy chỉ một chữ tiền”.

Người đời vẫn nói vui như thế này, mà xem ra trong cuộc sống thực tế, nhiều khi cũng không sai.

Tiền là Tiên là Phật, là sức bật lò xo, là thước đo lòng người, là nụ cười tuổi trẻ, là sức khỏe tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý, tiền là hết ý…”

Chúa Giê-su cũng đã cho thấy sức mạnh đồng tiền làm thay đổi luật lệ đạo lý trong cách “ăn ở” của nhiều hạng người, mà Pha-ri-sêu là trường hợp điển hình.

Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thìngười ấy, không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa.” (Mt.15,1-6).

Từ trong sâu thẳm tâm hồn

Lề luật được kiện toàn không phải nhờ  “kiện toàn văn bản”, mà chính nhờ “kiện toàn tâm hồn” của  con người.   

Nếu con người luôn mang tâm hồn giả hình kiểu như “kinh sư và người Pha-ri-sêu”, thì bao nhiêu luật lệ cũng không đưa con người vươn lên hoàn thiện được. Vì sự hoàn thiện có được từ “bên trong” – trong tâm hồn – chứ không phải dáng vẻ hay kiểu cách bên ngoài.

Hỡi người Pha-ri-sêu mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch. “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu ,giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. (Mt.23,26-27)
 
Thí dụ như thời nay, luật lệ xã hội cứ thay đổi liên miên, cái này cắt nghĩa cái kia, cái kia bổ sung cái nọ, cái sau để làm rõ cái trước, cái kế tiếp làm sáng tỏ cái vừa đến sau… Đủ thứ tên gọi văn bản quay chung quanh quỹ đạo Luật Lệ…Người làm Luật thì cứ tìm cách siết chặt, kẻ thi hành luật thì cố tìm cách mở ra… Cứ thế, luật lệ thì rối nùi, còn người ta thì tìm cách tháo gỡ… 

Tất cả chỉ vì cái Tâm không sáng, lòng không chân chính. Từ đó, Luật thì nhiều, nhưng cũng có hàng trăm cách để qua mặt luật. Ý thức thi hành luật không cao, nên lòng không thể tự nguyện thi hành. Nên có người nói vui rằng, vì chữ Luật có mẫu tự L ở đầu, nên “bà con” liên quan đến Luật cũng lắm. Như: Hàng biên giới thì  “lậu”, hàng giả thì “lầm”, tránh thi hành luật thì “lách”, kẻ ăn hối lộ thì “lạm”, kẻ hối lộ thì “lo” (lo đút lót), con ông cháu cha thì “lãnh” (bảo lãnh)… 

Thế nên, khi lòng đã không thật, thì khó giữ “luật” cho tốt được. 
Nếu Luật lệ làm cho cuộc đời đẹp hơn, luật lệ đó mới bền vững.

Nếu tuân thủ luật lệ để góp phần làm cho cuộc đời đẹp hơn, sự tuân thủ ấy mới thật lòng – Sự tuân thủ luật lệ vì yêu cuộc sống, có trách nhiệm và bổn phận đối với cuộc đời.

Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. (Mt.5,17).

Sự kiện toàn ấy, đến từ sự kiện toàn tâm hồn để nên hoàn thiện – Hoàn thiện tâm hồn.

Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện.”(Mt.5,43-48).

Một vài hành vi cụ thể mà Chúa Giê-su đưa ra làm thí dụ, về “của lễ”, về “ngoại tình”, về “thề hứa”, v.v…  

Từ trong sâu thẳm tâm hồn, ta có yêu Chúa, thì mới “dâng lên Ngài lễ vật”. Vì rằng, “yêu Chúa và anh em là giới răn trọng nhất”, để “lễ vật tiến dâng là lễ vật chân tình”, ta không thể thực hiện mà lòng còn vướng bận thù hận anh em. Mến Chúa Yêu Người. Tất cả lề luật Môisen và các sách tiên tri đều tóm lại trong hai điều đó (Mt 22:40). . “Không thể nói tôi yêu Chúa lắm mà lại ghét bỏ anh em, vì như thế là nói dối, bởi nếu không yêu người mình thấy thì làm sao yêu Đấng mình không thấy được,”(1Ga.4,20). Trong vấn đề này, không có ai có thể kiểm soát lòng ta. Không có luật lệ nào xen được vào lòng ta để xét xử ta. Trong sâu thẳm tâm hồn ta, không ai biết. Chỉ có ta đối diện với chính mình, và đối diện với Chúa.

Từ trong sâu thẳm tâm hồn, tình yêu chân chính luôn đòi hỏi lòng chung thủy. Cái tâm có trong sáng thì tình yêu mới chân thật được. Nếu trong quan hệ người trên kẻ dưới, một người không thể làm tôi hai chủ (Lc.16,13), thì trong quan hệ hôn nhân cũng không thể hai lòng. Ở bên người này mà cứ tưởng nhớ người kia thì làm sao bền vững ? (Mt.5,28).

Từ trong sâu thẳm tâm hồn, lời nói phát ra mới chân thành, nếu không, đó chỉ là “đầu môi chót lưỡi”. Biết bao “lời thề thật đẹp”, nhưng chua xót làm sao, thực tế thật phũ phàng.  “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi” (Mt 7:21). Lời thề nhằm bảo đảm sự trung thực của lời nói, nhưng lòng “có” lại nói “không”, “không” lại nói “có”, thì Lời thề đó còn nghĩa lý gì. Đó chỉ là sự giả tạo.

Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ. (Mt.5,37). 

Từ trong sâu thẳm tâm hồn, ta dám can đảm nói rằng, ta “yêu mến Chúa”. Ta hiểu rằng Chúa thấu suốt  lòng ta. “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21,17)

Từ trong sâu thẳm tâm hồn, ta nói ta yêu mến tha nhân. Ta yêu mến cha mẹ, ta yêu mến anh em, ta yêu mến bạn bè… “Chúa thấu suốt mọi sự” Chúa hiểu lòng ta nói đúng. Dù tha nhân không thể đo lường được lòng ta. 

Từ trong sâu thẳm tâm hồn, ta “lắng nghe” tiếng Chúa, và chúng ta biết chúng ta phải làm gì.

Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.(Mt.5,17).

Kiện toàn một con tim, một tâm hồn biết yêu thân thật. Mọi luật lệ nhằm vào một chân lý, chân lý tình yêu, và yêu như Tình Yêu  Giê-su – Tình Yêu Thiên Chúa.

Đời chung quy chỉ một chữ yêu.

Chuyện xưa kể rằng có một ông vua muốn đọc hết tất cả những pho sách hay trên đời, ông ra lệnh những nhà thông thái trong nước tóm gọn những chân lý cốt lõi trong trăm kinh vạn quyển vào một bộ sách duy nhất, và giao cho một quan văn đặc trách việc này.

Dòng thời gian trôi qua, dưới sự điều hành của vị quan văn trung thành, các nhà thông thái đã làm việc cật lực, nhưng pho sách quý như nhà vua chờ đợi vẫn còn rất dài.

Tuổi nhà vua ngày một cao, sức khỏe ngày một yếu, thời gian không còn kịp. Nhà vua muốn bộ sách được tóm gọn hơn nữa.

Kho tàng sách quý lần lượt được thu ngắn. Từ trăm kinh vạn quyển tóm gọn lại còn vài bộ sách, rồi còn một bộ, rồi một cuốn, rồi một chương, rồi một trang…

Nhà vua lúc này tuổi cao, bệnh nặng, không còn kịp để nghe nhiều nữa. Nhà vua nói với vị quan văn trung thành:

– Trẫm muốn hiền khanh tóm lại một chữ thôi, là tất cả ý nghĩa của pho sách ấy.

– Tâu bệ hạ, cho phép hạ thần nói theo sự hiểu biết thấp kém của hạ thần, mọi chân lý trong pho sách này, có thể tóm gọn trong một chữ:  yêu”. 

Chữ “yêu” cũng là chữ “tình” – “tình yêu” – Ta vẫn thường nghe câu nói “Trăm lý thua một tình”. Mọi việc đều quy về cái Tâm. Cái Tâm chân chính bao giờ cũng mang tình yêu trong sáng.

Thiện căn ở tại lòng ta.
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài (ND). 

Cái “Tâm” mà vô tình vô nghĩa thì còn gì là “Tâm”. Đó không còn nhân tính. Không còn nhân ái. Không còn đạo lý làm người.

Từ trong sâu thẳm tâm hồn, chỉ một chữ Yêu – Yêu Chúa, yêu người.

Mọi luật lệ chỉ là đống giấy vụn, nếu nó không có cái “hồn” của nó. Cái “hồn” để luật lệ sống còn, để luật lệ có ý nghĩa. Đó chính là Tình Yêu – là Giới Luật Tình Yêu của Thiên Chúa. 

Giới Luật ấy là mệnh lệnh của Tình Yêu. 

Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. (Mc 13, 34). 

Yêu như Thầy. Tình yêu Thập Giá.

LỜI NGUYỆN

“Vì ách của tôi thì êm ái,
và gánh của tôi thì nhẹ nhàng.”(Mt.11,30)
Con tuân giữ Lời Chúa 

Lòng con rất bình an

“Chỗ nào có lòng yêu mến,
thì không cảm thấy vất vả;
mà giả như có vất vả đi nữa
Thì cái vất vả đó cũng đáng yêu” (thánh Âutinh)

Xin cho con luôn biết tuân giữ Lời Ngài
Dù có lúc bất ngờ con vấp ngã.
Từ trong sâu thẳm tâm hồn con, Ngài là tất cả…
Nhưng giông tố cuộc đời, con lo sợ ngày mai… Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Nguồn: canhdongtruyengiao

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN