Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng CN 5 TN-A của Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Suy niệm Tin Mừng CN 5 TN-A của Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

TỪ TÌNH YÊU GIÊ-SU

1. Để tình yêu mặn nồng

“Các con là muối đất” (Mt 5, 13)

Ai cũng biết muối rất cần thiết cho cuộc sống. Muối bảo quản, gìn giữ thực phẩm không hư hại và là gia vị trong hầu hết mọi thức ăn được chế biến. 

Muối có vai trò quan trọng như vậy trong cuộc sống, là vì muối có vị mặn. Muối mà không có vị mặn thì muối không còn là muối ! 

Muối hiện diện trong hầu hết mọi thức ăn, tỷ lệ ít nhiều có khác nhau, nhưng phải có, thiếu muối thì thật là nhạt nhẽo. 

Điều đó, cho thấy cuộc sống vật chất, cụ thể là thực phẩm, miếng ăn … rất cần vị “mặn”. Thật khó hình dung, cuộc sống không có muối. Muối quan trọng đến thế, nhưng muối không “quý” như vai trò quan trọng của nó, vì may mắn cho con người, kho tàng muối vô tận trong biển cả bao la.

Hãy thử tưởng tượng ngày nào đó, nước trong mọi đại dương bổng trở thành nước ngọt như mọi dòng sông, và các mỏ muối đã bị con người khai thác cạn kiệt, lúc ấy chiến tranh giành nhau về mỏ muối không thua gì chiến tranh dành nhau các mỏ dầu.

Trong tiến trình lịch sử, muối ăn đã có ảnh hưởng tới diễn biến các cuộc chiến, chính sách tài chính của các nhà nước và thậm chí là sự khởi đầu của các cuộc cách mạng. Tại đế chế Mali, các thương nhân ở Timbuktu thế kỷ 12-cánh cửa tới sa mạc Sahara và trung tâm văn học-đánh giá muối có giá trị đến mức chỉ có thể mua nó theo trọng lượng tính đúng bằng trọng lượng của vàng; việc kinh doanh này dẫn tới truyền thuyết về sự giàu có khó tưởng tượng nổi của Timbuktu và là nguyên nhân dẫn tới lạm phát ở châu Âu, là nơi mà muối được xuất khẩu tới. (INTERNET)

Nhà nguyện trong hầm mỏ Weliczka, Balan

Ảnh Tiệc Ly chạm khắc trên muối trong hầm mỏ muối Wieliczka, Ba Lan. Hầm mỏ dài trên 300 km
trong đó 3,5 km khai thác du lịch, mỏ muối Wieliczka ở thành phố Krakow (phía nam Ba Lan)
mang dáng dấp như một mê cung sâu dưới lòng đất hơn 300mét.

Từ sự nhạt nhẽo của vật chất người ta so sánh đến chuyện tinh thần. Ta cũng thường nghe nói: Một câu chuyện nhạt nhẽo, một bài thơ nhạt nhẽo, một buổi thuyết trình nhạt nhẽo…

Nhưng, đặt biệt là chuyện tâm hồn, chuyện tình yêu… 

Ta thường nghe về tình đời bạt bẽo, nhạt nhẽo, có những câu nói, đại loại như: 

Lạt như nước ốc bạc như vôi” (NCT). 
Công danh hai chữ mùi men nhạt

Sự nghiệp trăm năm nét mực mờ (TĐ)

Với tấm lòng mặn nồng, với tình yêu đong đầy, có những câu nói như: Tình nghĩa mặn nồng. Mối giao hảo thật mặn mà…

Anh về quê em cao xanh trời rộng
Bông lúa ngọt ngào hương đất phù sa
Anh về quê em mênh mông đồng rộng
Son sắc mặn nồng tình yêu đôi ta

(Mặn nồng lý tình ta – Hạnh Nguyên).

Vậy, đâu là “vị mặn” của tình yêu ? 

2. Để tình yêu được chiếu sáng 

“Các con là ánh sáng trần gian” (Mt 5,14).

Ánh sáng ấy thể hiện bằng đời sống của chúng ta. Đời sống chúng ta chỉ đẹp nếu chúng ta biết thực thi Lời Chúa. “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105). “Bước đi” trong ánh sáng ta mới có thể là “tấm gương sáng” phản chiếu ánh sáng của Chúa Ki-tô chiếu dọi đến mọi người được. Để thiên hạ thấy việc làm của chúng ta là những việc làm cho “danh Cha cả sáng”, mà ngợi khen Thiên Chúa là Cha chúng ta ở trên trời. “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng” (Mt 6, 9 – 1).

“Sự sáng của các con phải chiếu dọi để thiên hạ nhìn thấy việc lành các con làm mà ngợi khen Cha các con ở trên trời” (Mt 5,16).

Mọi việc làm của chúng ta đều để mọi người nhận ra Tình Yêu Thiên Chúa là Người Cha Nhân Hậu – Một Người Cha Giàu Lòng Xót. Trong vinh quang nào đó, coi chừng, ta dễ chìm đắm trong những lời chúc tụng thiên hạ dành cho ta, mà không phản chiếu được cội nguồn mọi vinh quang  là Thiên Chúa. 

Có một vị vua nọ nghe tin ở một vùng quê xa xăm kia bị thiên tai gây thiệt hại trầm trọng, nạn thiếu ăn và nghèo đói tràn lan. Vua sai một vị quan đến tận nơi, mở kho chuyên chở theo nhiều lương thực và vật dụng đến cứu giúp dân. Đời sống người dân nhờ đó mau chóng trở lại bình thường. Vị quan trở về triều đình.

Sau đó một thời gian, để chắc chắn cuộc sống người dân đã ổn định, vua sai vị quan ấy trở lại vùng này để tận mắt xem người dân sinh sống thế nào. 

Nghe tin, người dân nơi đây đã tụ họp đông đảo và tiếp đón vị quan trên trọng thể chưa từng thấy với những lời cám ơn trang trọng và vô số quà tặng. 

Vị quan ôn tồn nói: “Tất cả là ơn lộc của Nhà Vua dành cho các người. Ta không có gì cả. Hãy tri ơn và đền đáp công đức của Nhà Vua dành cho các người. Nhà Vua – Vị Minh Quân của thần dân trăm họ – đã thi ơn cho các người – chứ không phải là ta”. 

3. Để nên giống Tình Yêu Giê-su.

“Các con là muối đất” (Mt 5, 13)

Còn tình yêu nào mặn nồng bằng tình yêu Giê-su ? 

Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: 18 Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố chokẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, 19 công bố một năm hồng ân của Chúa. Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,17-21).

Còn tình yêu nào mặn nồng hơn tình yêu Thập Giá ?

Ta đến với tha nhân với Tình Yêu Giê-su, Tình Yêu Thập Giá, ướp mặn một thế giới mà tình người đã nhạt nhòa, lạt lẽo, lạnh lùng. 

Vậy, “vị mặn” của tình yêu đến từ Tình Yêu Giê-su. Yêu như Tình Yêu Giê-su.

“Nơi nụ cười, lời nói và việc làm của Mẹ Têrêsa, Chúa Giêsu lại bước đi trên các nẻo đường thế giới như người Samaritanô Nhân Lành”. (ĐTC Gioan Phao-lô II).

Là “muối cho đời”, là chính đời ta trở thành những trang Phúc Âm sống động, ướp mặn một thế giới rã rời với những con tim lạnh nhạt tình người. 

Mẹ Tê-rê-sa là một thí dụ gần nhất trong thời đại chúng ta.

“Mẹ Têrêsa đã sống cho người nghèo. Thế nhưng, giờ đây thế giới đã trở nên nghèo hơn nữa từ đó, từ tối ngày Thứ Sáu 5/9, tối Mẹ đã không thể chống trả nổi cuộc tấn cống cuối cùng của bệnh tim và đã chết tại nhà mà Mẹ và chị em của Mẹ đã sống ở Calcutta từ thập niên 1940. Mẹ hưởng thọ 87 tuổi và dung nhan của Mẹ, nhỏ nhắn như toàn thân của Mẹ, và hết sức nhăn nheo, đã trở thành một thứ tuyệt phẩm của đức bác ái cũng như của việc Mẹ hoàn toàn hiến thân cho kẻ khác. Mẹ được gọi là Mẹ của kẻ nghèo. Thế nhưng, ngay trong số các hình thức khác nhau của bần cùng, Mẹ Têrêsa đã sống đến mức độ tận cùng, như tình của Mẹ đã triệt để và hoàn toàn yêu Chúa Kitô. Mẹ đã muốn sống với thành phần nghèo nhất trong các người nghèo, và trong cuộc tìm kiếm này Mẹ đã làm cho thế giới, kẻ có tín ngưỡng cũng như vô tín ngưỡngđọc được những trang Phúc Âm sống, một thứ Phúc Âm tác động giữa những chiếm đạt và mẫu thuẫn của thời đại chúng ta. Cái chết của Mẹ Têrêsa đã gây xúc động và đau buồn sâu xa khắp thế giới. Đức bác ái của Mẹ đã lưu dấu vết ở hết mọi lục địa” ( ĐTGM Angelo Comastri, TGP Loreto).

Chính anh em là ánh sáng cho trần gian (Mt.5,14).

Ánh sáng ấy được thắp lên từ Ánh Sáng Chúa Ki-tô. Như những vì rực sáng rực nhờ tiếp nhận ánh mặt trời. Người Ki-tô hữu không tỏa sáng tự mình và vì mình, mà tỏa sáng nhờ Chúa và vì Chúa. 

Cả thế giới ca tụng Mẹ Tê-rê-sa ngay khi Mẹ còn sống: 

Trong số 124 Bằng Tưởng Thưởng Mẹ nhận được, trong đó có 10 bằng đặc biệt là:

1. Padmashree Award (từ Tổng Thống Ấn Độ) 8/1962;
2. Pope John XXIII Peace Prize 1/1971;
3. John F. Kennedy International Award 9/1971;
4. Jawahalal Nehru Award for International Understanding 11/1972;
5. Templeton Prize for “Progress in Religion” 4/1973;
6. Nobel Peace Prize 12/1979;
7. Bharat Ratna (Jewel of India) 3/1980;
8. Order of Merit (từ Nữ Hoàng Elizabeth) 11/1983;
9. Gold Medal of the Soviet Peace Committee 8/1987;
10. United States Congressional Gold Medal 6/1997.

Nhưng, trên đỉnh vinh quang đó, Mẹ luôn nghĩ về nguồn sáng đã dọi chiếu vào đời mình, để tiếp nhận và chiếu dọi ánh sáng đó đến với mọi người. 

“Hành trình khắp các nẻo đường thế giới, Mẹ Têrêsa đã ghi dấu vết lịch sử thế kỷ của chúng ta: Mẹ đã can đảm bênh vực sự sống; Mẹ đã phục vụ tất cả mọi người, bao giờ cũng đề cao phẩm giá của họ và lòng trọng kính đối với họ; Mẹ làm cho ‘những ai bị mát mát sự sống’ cảm thấy sự êm ái dịu dàng của Thiên Chúa, cảm thấy Người Cha yêu thương tất cả mọi tạo vật của Ngài. Mẹ đã làm chứng cho Phúc Âm bác ái, một Phúc Âm được nuôi dưỡng bằng việc tự nguyện ban phát bản thân mình cho đến chết… Chớ gì gương sáng bác ái của Mẹ trở thành nguồn an ủi và đổi thay cho gia đình thiêng liêng của Mẹ, cho Giáo Hội cũng như cho toàn thể nhân loại”. (ĐTC Gioan Phaolô II) 

Gương sáng ấy không phải là “ánh sáng cho trần gian” như lòng Chúa mong ước đó sao ? Và, từ tấm gương ấy, mọi người chúng ta – mọi Ki-tô hữu – tự hỏi về chính mình.

LỜI NGUYỆN

Tình đời sao nhạt nhẽo!
Lấy gì ướp mặn mà
Đâu là khúc tình ca
Cho đời thôi sầu héo

Cuộc đời sao tăm tối!
Đâu ánh sáng chiếu soi
Trên mọi nẻo đường đời
Không sai đường lạc lối 

Tình Giê-su vươn tới
Tận góc biển chân trời
Cho tình người thế giới
Mặn nồng chẳng khi vơi

Ánh sáng Đức Ki-tô
Như vầng hồng rực rỡ…
Con như vì sao nhỏ
Xin rực sáng tình Ngài…

Amen

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …