Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật V Mùa Chay hôm nay đều nói về sự sống lại đến đời sống mới.
Ed 37: 12-14
Qua một thị kiến về những bộ xương khô, ngôn sứ Ê-dê-ki-en loan báo cho những người lư đày ở Ba-by-lon rằng sẽ đến ngày Thiên Chúa sẽ ra tay giải thoát họ, và cuộc giải thoát này sẽ được sánh ví như cuộc tái sinh.
Rm 8: 8-11
Trong bài đọc II, thánh Phao-lô công bố: “Nếu Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giê-su Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su Kitô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống”.
Ga 11: 1-45
Trong Tin Mừng, Đức Giê-su nói với cô Mác-ta: “Thầy là sự sống lại và là sự sống” và Ngài cho anh La-za-rô sống lại, sau khi anh đã ở trong mộ bốn ngày rồi.
BÀI ĐỌC I (Ed 37: 12-14)
Ngôn sứ Ê-dê-ki-en là vị ngôn sứ thứ ba trong bốn Đại Ngôn Sứ và là dung mạo vĩ đại nhất của Do Thái Giáo trong suốt thời lưu đày, vì thế được gọi “Cha của Do thái giáo”. Ông là vị ngôn sứ duy nhất trong số các ngôn sứ đã lãnh nhận ơn gọi ngôn sứ ngoài đất Ít-ra-en, ở Ba-by-lon. Ông kết hợp mật thiết tinh thần tư tế và tinh thần ngôn sứ. Tài năng cốt yếu của ông là tài năng của một nhà thị kiến.
Ê-dê-ki-en đã kinh qua những giây phút khủng khiếp nhất, giây phút thành thánh Giê-ru-sa-lem bị đạo quân Ba-by-lon xâm chiếm vào năm 598. Ông thuộc vào đoàn người đầu tiên bị dẫn đi lưu đày. Ông sống trong cảnh lưu đày ở một thị trấn nhỏ, không xa Ba-by-lon, được gọi là Tel-Aviv (tên mà quốc gia Do thái hiện nay đặt cho thủ đô của họ để tưởng nhớ đến vị ngôn sứ nầy, người đã tiên báo “sự phục sinh” của dân Ít-ra-en.) và ông đã qua đời ở đó vào năm 571.
1. Bố cục :
Ê-dê-ki-en đã lên án những bất trung của dân Chúa và loan báo sự trừng phạt sẽ giáng xuống trên Giê-ru-sa-lem. Nhưng khi những bất hạnh bất ngờ xảy đến, vị ngôn sứ loan báo thời kỳ Thiên Chúa xót thương. Thiên Chúa sẽ khai đường mở lối cho đoàn người lưu đày được trở về quê cha đất tổ. Cuộc giải thoát nầy sẽ như một cuộc tái sinh, một cuộc tạo dựng mới. Lời văn rất gợi hình.
2. Thung lũng đầy xương cốt:
Trong thị kiến, vị ngôn sứ được đưa vào một thung lũng đầy bộ xương khô (37: 1-2). Lúc đó, Thiên Chúa phán với ông: “Hỡi con người, các xương đó chính là toàn thể nhà Ít-ra-en. Nầy chúng vẫn nói: ‘Xương cốt chúng tôi đã khô, hy vọng của chúng tôi đã tiêu tan, chúng tôi đã rồi đời’. Chính vì thế, ngươi hãy tuyên sấm, hãy nói với chúng: ‘Thiên Chúa là Chúa Thượng phán như sau: ‘Hỡi dân Ta, Ta sắp mở huyệt cho các ngươi. Ta sẽ đem các ngươi lên khỏi đó, và đưa ngươi về đất Ít-ra-en” (37: 11-12).
Những người lưu đày được sánh ví với những bộ xương khô, niềm hy vọng đã tiêu tan:“Xương cốt chúng tôi đã khô, hy vọng của chúng tôi đã tiêu tan, chúng tôi đã rồi đời rồi”. Thiên Chúa hứa sẽ vực họ dậy, sẽ hồi sinh họ. Vị ngôn sứ thấy “bộ xương khô đã có gân, thịt đã mọc lên và da đã trải ra ở bên trên, nhưng thần khí chưa có ở nơi chúng” (37: 8).
3. Thần khí phục hồi sự sống:
“Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi, và các ngươi sẽ được sống. Bấy giờ các ngươi sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa, Ta đã nói là Ta làm.”
Trong một sấm ngôn trước đó, vị ngôn sứ đã tuyên sấm bằng những lời lẽ tương tự: “Ta sẽ ban tặng cho các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành.” (36: 26-27). Thần khí Chúa đổi mới tận căn cõi lòng của con người. Trong đoạn văn được trích dẫn hôm nay, ý nghĩa thì khác : thần khí Chúa là hơi thở sáng tạo hay tái tạo, đem lại niềm hy vọng cho những kẻ lưu đày bất hạnh, có thể nói, hoàn lại cuộc sống cho họ.
Vào thời đại này, chúng ta không nên thấy ở đây tiên trưng về sự phục sinh thân xác. Một quan niệm như thế không thể nào nghĩ tưởng được vào lúc đó. Sau nầy, chúng ta thoáng thấy cũng một cách thức như vậy trong sách Gióp (thế kỷ V hay IV BC). Sẽ phải chờ đợi đến thời kỳ Ma-ca-bê (giữa thế kỷ hai trước Công Nguyên) khi đó niềm hy vọng phục sinh thân xác được phát biểu một cách rõ nét. Niềm hy vọng nầy đã nâng đỡ các vị tử đạo khi các ngài phải chịu các cực hình: “Vua là một tên hung thần, vua khai trừ chúng tôi ra khỏi cuộc đời hiện tại, nhưng bởi lẽ chúng tôi chết vì Luật pháp của vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời.” (2Mcb 7: 9).
Louis Monloubou mời gọi mỗi người tín hữu hãy đọc lại thị kiến này vào trong lịch sử cuộc đời mình để khám phá sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa trong cuộc đời mình:
“Ngày nay, cũng như thường trong dòng lịch sử của mình, và nhất là vào thời ngôn sứ Ê-dê-ki-en, dân Thiên Chúa bận lòng về tương lai của mình, cuộc sống của mình. Ngày nay, cũng như vào thời lưu đày Ba-by-lon, ngôn sứ Ê-dê-ki-en nhắc đi nhắc lại rằng Thiên Chúa luôn luôn có đủ khả năng hoàn lại cuộc sống, phục sinh cộng đoàn tín hữu của Người, cho dù họ đang sống trong cảnh đời tuyệt vọng đi nữa.
Ngày nay, cũng như vào thời ngôn sứ Ê-dê-ki-en, thần khí Thiên Chúa hoạt động ở trong lòng dân chúng, có thể ban cho họ sự sống, phục sinh họ.
Ngày nay dân Thiên Chúa phải kinh qua những giải thoát mà Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử của cuộc đời mình, thậm chí trong chính thân xác của mình ; ngõ hầu họ hiểu hơn, và rốt cuộc hiểu hơn ai thực sự là Thiên Chúa của mình, đối tượng niềm tin của mình không là một bóng ma nào đó, nhưng Đức Chúa, Đấng Cứu Độ.
Cuối cùng ngày nay, Thiên Chúa chúng ta luôn luôn là Thiên Chúa nói với dân Ngài, khuyến khích họ, ở bên cạnh họ, như bạn đồng hành thân thiết, Đấng cứu độ trung tín và có hiệu quả”.
BÀI ĐỌC II (Rm 8: 8-11)
Trong thư gởi các tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô phác họa một bức tranh tăm tối về nhân loại tội lỗi không thể tự sức mình giải thoát mình khỏi tội lỗi, vì thế cần phải đặt trọn niềm tin tưởng vào sự can thiệp của Thiên Chúa. Sau đó, thánh nhân mô tả đầy cảm xúc về cuộc sống mới của người Ki tô hữu: cuộc sống trong ân sủng, nghĩa là cuộc sống được Thần Khí tác động chứ không còn chịu xác thịt chi phối nữa. Chương 8 mà đoạn văn được trích hôm nay, dâng hiến một sự bình an và niềm vui.
1. Xác thịt và Thần Khí:
Thánh Phao-lô thích vận dụng những cặp đối nghịch: Luật và Đức tin; xác thịt và thần khí; con người cũ và con người mới; chế độ lề luật và chế độ ân sủng; vân vân.
Thánh nhân cho từ ngữ « xác thịt » một nét nghĩa tiêu cực không được gặp thấy trong Cựu Ước. Qua từ ngữ xác thịt, Thánh Kinh chỉ toàn bộ con người được sáng tạo bởi Thiên Chúa, vì thế, xác thịt thực chất không thể nào là xấu được. Ngôi Lời sẽ đảm nhận xác thịt và“làm người”. Khi ngôn sứ Ê-dê-ki-en loan báo rằng Thiên Chúa sẽ ban tặng cho Ít-ra-en“một trái tim bằng thịt thay cho trái tim bằng đá,” ông ban cho từ ngữ “xác thịt” tất cả sự cao quý của nó. Chắc chắn ở nơi nhân tính có một khía cạnh địa giới mà từ ngữ xác thịt gợi lên, do đó, đối lập với thiên giới, thế giới thần linh.
Trong cặp đối nghịch xác thịt-thần khí của mình, thánh nhân được gợi hứng từ cặp đối nghịch: địa giới-thiên giới, theo quan niệm mang đậm nét Do thái, chứ không theo quan niệm nhị nguyên Hy lạp: thân xác-linh hồn; tuy nhiên, thánh nhân xem bản tính địa giới là bản tính xấu, được ghi dấu bởi tội lỗi.
2. Sống theo Thần Khí:
Vẫn còn ở trong sự đối đầu giữa xác thịt và thần khí, nhưng kinh nghiệm của người Kitô hữu chứng nhận rằng tác động Thần Khí biến đổi tận bên trong con người. Thánh nhân ngỏ lời với những người lãnh bí tích Thánh Tẩy: “Anh em không còn sống theo xác thịt nữa, nhưng sống theo thần khí, nếu thực sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em.” Và thánh nhân chứng minh cho họ thấy việc phục sinh thân xác là tất yếu. Đây là nét độc đáo của đoạn văn nầy.
3. Thần Khí là sự sống và là nguyên lý của sự sống lại:
Do tội lỗi, thân xác của chúng ta tất phải chết. Như ở nơi khác, thánh nhân đồng hóa thân xác phải chết với “con người cũ” phải bị diệt vong. Ấy vậy, Thần Khí ở nơi chúng ta là Sự Sống – chính ở đây mà quan niệm sê-mít về một con người toàn diện, bất khả phân thân xác và thần thiêng, đóng một vai trò trong lập luận – Thần Khí nầy chắc chắn biến đổi thân xác chúng ta; thân xác sẽ trở thành “thần thiêng” và bất khả hư hoại.
Điều này thánh nhân đã nói với các tín hữu Cô-rin-tô rồi: “Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt, gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí. Nếu có thân thể có sinh khí, thì cũng có thân thể có thần khí.” (1Cr 15: 42-44). Thánh Phao-lô là chứng nhân của Đấng Phục Sinh. Ánh sáng đã bao phủ thánh nhân trên con đường Đa-mát và đã soi sáng cuộc đời ngài. Ở trung tâm của những khai triển thần học của thánh nhân, chúng ta không ngừng gặp lại biến cố then chốt: sự kiện Phục Sinh.
« Sự phục sinh của Đức Giê-su cấu tạo nên bước khởi đầu của cuộc tạo dựng mới mà chúng ta được dự phần vào nhờ đức tin. Từ đó phải rút ra những hiệu quả: trong đức ái, chúng ta sống như những con người được phục sinh; trong đức cậy, chúng ta đảm bảo sự phục sinh tương lai của chúng ta” (Karl Gatzweiler).
TIN MỪNG (Ga 11: 1-45)
Câu chuyện về sự phục sinh La-da-rô là câu chuyện dấu lạ dài nhất trong Tin Mừng Gioan. Qua dấu lạ nầy, Đức Giê-su kín đáo loan báo cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài. Đó mới thật sự là Phục Sinh chứ không chỉ việc hoàn sinh một thây ma, bởi vì La-da-rô chỉ sống lại để một ngày kia lại chết.
Hơn bất cứ biến cố nào khác, biến cố nầy bày tỏ nhân tính của Đức Giê-su: sự xúc động của Ngài, sự dịu dàng của Ngài, nước mắt của Ngài, và đồng thời cũng là Thiên Tính của Ngài: Chủ Tể của sự sống và cái chết: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy” (Ga 10: 18).
Dấu lạ nầy cũng là lời cảnh báo tối hậu mà Đức Giêsu gởi đến cho những ai không chịu tin vào Ngài. Vả lại, lời mời gọi hãy tin vào Ngài là một chủ đề chạy xuyên suốt toàn bộ câu chuyện. Sự căng thẳng giữa Đức Giê-su và dân Ngài, vốn hình thành nên hậu cảnh của Tin Mừng thứ tư, lại không bao giờ đạt đến cao độ như thế. Chỉ vừa mới đây, Đức Giê-su đã phải trốn chạy để tránh dân chúng ném đá Ngài, như các môn đệ của Ngài nhắc cho Ngài (11: 9); Ngài lánh mình sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã bắt đầu sứ vụ của mình (10: 40).
Chính ở nơi đây mà hai chị em cô Mác-ta và Ma-ri-a nhờ người đến báo tin cho Đức Giê-su về bệnh tình của La-da-rô, em trai họ (điều nầy cho thấy các bạn của Ngài biết chỗ Ngài đang lánh nạn). Đức Giê-su trả lời cho người đến báo tin: “Bệnh nầy không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh nầy con Thiên Chúa được tôn vinh”. Nhưng như thường xảy ra trong Tin Mừng Gioan, cách nói nầy có hai nghĩa. Quả thật, Đức Giê-su sẽ “được tôn vinh” qua dấu lạ mà Ngài thực hiện, nhưng dấu lạ nầy sẽ dẫn Ngài đến cái chết của chính mình, vì Ngài sẽ khiến kẻ thù của Ngài công phẩn đến tận xương. Như chúng ta biết, đối với thánh Gioan, vinh quang của Đức Giê-su rực sáng nhất ở nơi cuộc Tử Nạn của Ngài. Thánh giá là cửa ngõ đưa Ngài trở về nhà Cha Ngài. Thánh ký sẽ nêu bật rằng Thiên Chúa đã đặt “vinh quang” của chính mình vào trong sứ mạng cứu độ con người, vì Thiên Chúa đã đặt vào đây tất cả tình yêu của Người.
1. Dẫn nhập (11 : 1-5)
Người kể chuyện giới thiệu lý do của cuộc hành trình đến Bê-ta-ni-a và các nhân vật của câu chuyện.
– Ba chị em của cô Mát-ta :
Các nhân vật nầy chúng ta đã biết ở nơi khác, nhưng đây là lần đầu tiên thánh ký nói về ba chị em Mác-ta, Ma-ri-a và La-da-rô. Riêng về cô Ma-ri-a, Tin Mừng Gioan nhận dạng cô (Ga 12 : 1-8) với người phụ nữ vô danh xức dầu thơm cho Đức Giê-su và lấy tóc lau chân Ngài ở Bê-ta-ni-a trước lễ Vượt Qua được tường thuật trong Tin Mừng Mát-thêu (26 : 6-13) và Tin Mừng Mác-cô (Mc 14 : 3-9), nhưng dứt khoát cô không thể được đồng hóa với người phụ nữ tội lỗi được tường thuật trong Tin Mừng Luca (Lc 7 : 36-50), bởi vì việc xức dầu thơm mà thánh Lu-ca nói đến không đồng nhất với việc xức dầu thơm mà thánh Gioan, thánh Mát-thêu và thánh Mác-cô nói đến trong bối cảnh kề cận với cuộc Tử Nạn của Ngài. Giáo Hội Đông Phương thường đồng nhất hóa ba nhân vật này: cô Ma-ri-a làng Bê-ta-ni-a, người phụ nữ tội lỗi thống hối và cô Ma-ri-a Mác-đa-lê-na được Chúa trừ bảy quỷ (Lc 8 : 2).
Các sách Tin Mừng chưa bao giờ nói về anh La-da-rô, ngay cả thánh Lu-ca cũng không, cho dù thánh ký đã tường thuật việc Đức Giê-su viếng thăm hai chị em ở Bê-ta-ni-a (Lc 10: 38-42). Ở đây, La-da-rô được giới thiệu “người Thầy thương mến đang bị đau nặng”. Có thể câu nầy là cách thức báo tin, nhưng trong Tin Mừng thứ tư, câu nói nầy đóng chức năng như cầu xin một sự can thiệp mầu nhiệm. Có thể thánh ký tránh đặt trên môi miệng của các tín hữu lời cầu xin phép lạ tỏ tường, vì lẽ rằng đối với thánh ký, phép lạ là dấu chỉ để bày tỏ vinh quang của Ngài, chứ không đơn giản chỉ là một hành động thi ân giáng phúc.
Việc La-da-rô được gọi biệt danh: “người mà thầy yêu” khiến vài nhà chú giải giả thuyết rằng La-da-rô là “người môn đệ mà Đức Giê-su yêu” được cho là tác giả Tin Mừng thứ tư. Tuy nhiên, giả thuyết nầy bị bác bỏ bởi đa số các nhà chú giải và bởi truyền thống của những thế kỷ đầu tiên.
2. Cuộc đối thoại của Chúa Giê-su với các môn đệ (11 : 6-16) :
Khi được tin báo, thay vì khởi hành ngay đến Bê-ta-ni-a, Đức Giê-su lại trì hoãn. Sau hai ngày, Ngài mới tuyên bố: “Nào chúng ta cùng trở lại miền Giu-đê”. Như vây, Đức Giê-su đến Bê-ta-ni-a chỉ sau khi La-da-rô đã chết và được mai táng trong mồ được bốn ngày rồi. Lý do của việc trì hoãn nầy chắc chắn là Ngài muốn gây ấn tượng hơn hành động của Ngài khi hoàn sinh người chết đã được mai táng trong mồ rồi.
Các môn đệ lưu ý Thầy mình về hoàn cảnh nguy hiễm: “Thưa Thầy, mới đây người Do thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy còn đến đó sao?” Trong chuyện kể của chúng ta, đọc giả được loan báo rằng việc Ngài ra đi không nhằm bất kỳ lý do thuần túy nhân loại, nhưng mặc một ý nghĩa cao siêu, tức là bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa. Tuy nhiên, các môn đệ chưa ngộ được ý nghĩa cao siêu nầy. Phản ứng của họ là phản ứng cẩn trọng của con người: ở Giu-đê, cuộc sống của Đức Giê-su bị đe dọa; vì thế Ngài không nên trở lại đó để thăm người bạn đang lâm bệnh vào lúc này. Đây là đề tài nghĩa kép rất quen thuộc của Tin Mừng thứ tư.
Đức Giê-su sẽ giúp cho các môn đệ vượt qua từ sự hiểu biết thuần túy hạ giới đến một tiên cảm nào đó về mầu nhiệm. Như thường trong Tin Mừng Gioan, Ngài soi sáng cho các môn đệ nhờ vào một cách thức mặc khải bí nhiệm. Dựa trên ý nghĩa ẩn dụ “ngày và đêm”, Ngài công bố mầu nhiệm của Ngài. Theo nghĩa vật lý, thành ngữ nầy muốn nói rằng có thời gian cho mỗi việc và thật thích hợp chọn ban ngày để bước đi ngỏ hầu tránh những tai nạn. Theo nghĩa ẩn dụ (nghĩa của Tin Mừng thứ tư), “ngày” là thời gian của ánh sáng. Vào ban ngày, nghĩa là bao lâu Đức Giê-su vẫn còn đó, phải tận dụng ánh sáng của Ngài, mặc khải mà Ngài đem đến. Vì thế, nỗi sợ hãi thật sự không xuất phát từ những nguy hiểm con người nhưng từ sự vắng mặt Ánh Sáng. Việc Đức Giê-su tiến về Giê-ru-sa-lem không được đánh giá theo sự chuyển biến thận trọng của con người, đúng hơn, thuộc phạm vi bày tỏ Ánh Sáng. Vì thế, đây là một lời mời gọi hãy tin vào Ngài nhờ vào Ánh Sáng nầy, nhưng cũng là lời loan báo viễn cảnh đe dọa của đêm sắp đến: cái chết và cuộc chiến thắng bóng tối : quyền lực tử thần (cf. Ga 13: 30b).
Tiếp đó, dù không có ai cho biết điều gì về bệnh tình của La-da-rô, Đức Giê-su công bố rằng La-da-rô đã chết qua hình ảnh giấc ngủ, như trước đây đối với bé gái của viên trưởng hội đường: “Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” (Mc 5: 39). Đức Giê-su vui mừng vì sứ điệp của Ngài sẽ dễ dàng được hiểu ở nơi dấu lạ Ngài sắp thực hiện.
Các môn đệ không còn tìm cách ngăn cản Ngài nữa. Một trong các môn đệ của Ngài, Tô-ma, tự phát và bạo dạn, nói với các bạn đồng môn của mình: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cùng đi để cùng chết với Thầy”.
2. Cuộc đối thoại của Đức Giê-su với cô Mác-ta (11 : 17-27) :
Khởi đi từ câu 17, câu chuyện bắt đầu một giai đoạn mới. Khung cảnh không còn Ga-li-lê, nhưng Bê-ta-ni-a. Chiều kích mặc khải của phép lạ không còn chỉ được loan báo, nhưng được vén mở. Chính trong khung cảnh của cuộc đối thoại với cô Mác-ta mà ý nghĩa phép lạ dần dần được minh giải.
– Niềm tin của cô Mác-ta :
Mác-ta bắt đầu quở trách Ngài, xem ra khá biện bạch, Ngài đã cứu chữa biết bao bệnh nhân, ấy vậy lại đã không đến chữa người bạn mà Ngài thương mến ! Tuy nhiên, cô Mác-ta còn hy vọng. Cô đã có niềm tin vào Đấng mà Thiên Chúa chuẩn nhận : « Nhưng bây giờ con biết : Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người sẽ ban cho Thầy. »
Nhưng Đức Giê-su muốn kiện toàn đức tin của cô, Ngài không muốn cô Mác-ta hài lòng thấy ở nơi Ngài một con người của Thiên Chúa, mà những lời cầu xin đều được Thiên Chúa nhậm lời, nhưng cô phải nhận ra căn tính đích thực của Ngài.
– Ta là sự sống lại và là sự sống :
Lời công bố nầy thêm vào một loạt « Ta là » qua đó Đức Giê-su diễn tả và xác định phẩm tính hữu thể thần linh của Ngài : Ta là đường, sự thật và sự sống ; Ta là ánh sáng ; Ta là cửa ; Ta là cây nho thật ; Ta là Mục Tử nhân lành ; vân vân. Từ nhiều thế kỷ, niềm tin vào sự sống lại thuộc về gia sản tinh thần của Do thái giáo. Chỉ nhóm Sa-đu-xê-ô không thừa nhận thôi.
Đức Giê-su khai triển xa hơn : « Ai sống và tin vào Thầy, thì dù đã chết, thì cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. » Những lời nầy của Đức Giê-su đã được hiểu theo nhiều cách khác nhau và những lời giải thích thì không đồng nhất với nhau. Một sự kiện thì chắc chắn : Đức Giê-su khẳng định Ngài là nguồn mạch của sự sống đời đời. Thêm nữa, sự chuyển động của câu chỉ ra rằng Ngài muốn chỉnh lại hay đúng hơn bổ túc lời khẳng định của cô Mác-ta : còn hơn cả sự sống lại vào ngày sau cùng, đối với người Kitô hữu có một cuộc sống siêu nhiên vô tận khơi nguồn ở nơi sự hiệp nhất của họ với Đức Kitô. Giáo Hội dạy rằng cuộc sống không kết thúc ở nơi cái chết. Thánh Lễ Cầu Hồn nói với chúng ta : « Cuộc sống không hề mất đi, nhưng thay đổi » (vita mutatur non tollitur).
Cuộc Mặc Khải được chấm dứt với câu hỏi dứt khoát : « Chị có tin thế không ? », câu hỏi được đặt ra, ở bên kia cô Mắc-ta, cho những ai hiểu lời hứa nầy của Đức Kitô.
Cô Mác-ta đã lắng nghe. Cô đã đạt đến một niềm tin cao vời và nhận ra ở nơi Đức Giê-su Đấng Mê-si-a và Con Thiên Chúa.
3. Thực hiện dấu lạ (11 : 28-44) :
Sau lời tuyên xưng đức tin của cô Mác-ta, câu chuyện đi vào trong giai đoạn thứ ba, hướng trực tiếp hơn về việc thực hiện dấu chỉ. Việc triệu mời cô Ma-ri-a và việc người Do thái đến cho hướng phát triển của chuyện kể một bước nhảy vọt nào đó. Việc thực hiện dấu lạ không đem đến những yếu tố mới cho mặc khải tự nó, nhưng phương cách cho phép ghi nhận thêm lần nữa vài phản ứng tiêu biểu trước việc phép lạ của Ngài. Cô Ma-ri-a diễn tả niềm tin của mình theo cách khác, nhưng cũng không kém mãnh liệt : cô phủ phục dưới chân Đức Giê-su, đó là thái độ tôn thờ.
– Đức Giê-su xúc động:
Cảm xúc của Đức Giê-su được gợi lên đến ba lần : Ngài thổn thức trong lòng và xao xuyến (11 : 33), Ngài khóc (11 : 35), Ngài lại thổn thức trong lòng (11 : 38) ; nổi cảm xúc sau cùng được lập lại đến hai lần. Động từ Hy lạp bao gồm nét nghĩa phẩn uất : phẩn uất của con người Giê-su trước cái chết, bi thảm của thân phận con người, và cũng có thể Ngài thổn thức khi nghĩ đến cái chết của mình.
– « Hãy cất phiến đá nầy đi » :
« Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại » Thánh Gioan kể ra những chi tiết nầy vì chúng loan báo một cuộc mai táng khác vào trong ngôi mộ, và một tảng đá khác được lăn lấp huyệt và được lăn ra khỏi mồ một cách mầu nhiệm.
Đức Giê-su cầu nguyện lớn tiếng, Ngài có ý định khơi động niềm tin ở trong lòng của những người có mặt, niềm tin vào con người của Ngài, niềm tin vào sự hiệp nhất của Ngài với Cha Ngài, niềm tin mà Ngài muốn các môn đệ của Ngài phải được vững chắc ngay trước khi cuộc thử thách lớn lao xảy đến và để họ nhớ lại vào buổi sáng Phục Sinh quyền năng của Ngài trên sự chết.
Anh La-da-rô ra khỏi mồ, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Ở đây thánh Gioan cũng nhấn mạnh những chi tiết nầy để lưu ý sự tương phản với Đức Giê-su phục sinh, bỏ lại trong mồ mội liên hệ với cái chết, cái chết nầy Ngài đã chiến thắng dứt khoát.
Thánh ký không trì hoản gợi lên sự thán phục và nhận biết của hai cô Mác-ta và Ma-ri-a. Ông ghi nhận hai phản ứng từ phía người Do thái, chứng nhân của phép lạ : những người nầy tin (c. 45) trong khi những người khác « đi gặp nhóm Biệt phái và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm, » theo cách nào đó, là những người cộng tác vào trong quyết định của những kẻ thù của Đức Giê-su (c. 46 : bài đọc phụng vụ chấm dứt thật kỳ lạ với câu 45, về phản ứng của các kẻ tin do bởi phép lạ). Vì thế, phép lạ của sự phục sinh trở nên cái cớ cho lời buộc tội và kết án tử hình (Cf. c. 47-53).
« Tất cả giáo huấn của bố cục văn chương quan trọng nầy được tập trung xung quanh các câu 25-26, Đức Giê-su đem đến cho chúng ta ở đây một sự mặc khải căn bản : Ngài là sự Sống Lại và là Sự Sống. Bất cứ ai tin vào Ngài, cho dù đã chết, cũng sẽ được sống ! Nhưng đồng thời, một câu hỏi có tính quyết định được đặt ra cho chúng ta và, qua đó, thật đáng sợ : « Anh hay chị có tin như thế không ? »
Như vậy, mỗi người trong chúng ta được đặt vào trong chỗ mà lời nầy được công bố. Sứ điệp Phục Sinh không đề nghị cho chúng ta những chắc chắn dễ dàng, đảm bảo, được đặt nền tảng trên những kinh nghiệm khả giác và kỳ diệu. Nó đề nghị cho chúng ta một mặc khải và một lời hứa : mặc khải : Đức Giê-su đã chiến thắng sự chết, và lời hứa : Ngài có thể liên kết chúng ta vào cuộc chiến thắng nầy. Đức tin của chúng ta không miễn trừ cho chúng ta nghiệm thấy nghiệt ngã những tang chế, những từ bỏ thường ngày và nổi sợ hãi trước cái chết ; nhưng còn là chấp nhận hiểu và sống những biến cố hiện tại dưới ánh sáng của Sự Sống cao vời mà Đức Giê-su loan báo cho chúng ta và Ngài là nguồn mạch.
Tin vào biến cố phục sinh, đó không chỉ chấp nhận rằng Đức Giê-su thực sự phục sinh ; chính là đón tiếp sự phong phú của biến cố nầy cho chúng ta và sống cho thật thích đáng»(Joseph Ponthot).
Linh mục Inhaxiô Hồ Thông
Nguồn: kinhthanhvn