Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng CN 3 PS của Lm Inhaxiô Hồ Thông

Suy niệm Tin Mừng CN 3 PS của Lm Inhaxiô Hồ Thông

Chúa Nhật III Phục Sinh, năm A (2014)

Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật nầy đặt trọng tâm vào sự kiện Phục Sinh.

Lm Inhaxiô Hồ Thông

Cv 2: 14, 22-28, 33

Bài đọc I được trích từ bài diễn từ đầu tiên của thánh Phê-rô. Thánh nhân ngỏ lời với dân chúng ở thành đô, bảy tuần sau những biến cố Phục Sinh xảy ra. Vị lãnh tụ lớn tiếng công bố Đấng chịu đóng đinh đã phục sinh.

1Pr 1: 17-21                                                        

Thánh Phê-rô viết từ Rô-ma cho các Kitô hữu miền Tiểu Á, trong đó thánh Phê-rô nhắc nhở rằng nền tảng Đức Tin và nguồn mạch Đức Cậy đặt trên hy tế và phục sinh của Đức Kitô.

Lc 24: 13-35                                                        

Tin Mừng hôm nay tường thuật cuộc gặp gỡ của hai môn đệ phiền muộn với Đấng Phục Sinh trên đường Em-mau. Ngài an ủi họ, nhưng họ chỉ nhận ra Ngài khi Ngài bẻ bánh, ngay lúc đó Ngài biến mất trước mắt các ông.


BÀI ĐỌC I (Cv 2: 14, 22-28, 33)

Sách Công Vụ Tông Đồ, qua vài bài diển từ của thánh Phê-rô và một diển từ của thánh Phao-lô, cho chúng ta những sơ đồ cốt yếu bài giảng tiên khởi của các Tông đồ.

Đoạn văn hôm nay được trích từ bài diễn từ đầu tiên của thánh Phê-rô, được công bố vào đúng ngày lễ Ngũ Tuần. Sau khi được tràn đầy Thánh Thần, thánh Phê-rô ngỏ lời với đám đông Do thái đến Giê-ru-sa-lem để cử hành lễ “Ngũ Tuần”.

Chúng ta chỉ còn biết thán phục trước sự dạn dĩ của vị lãnh tụ các Tông đồ, ông phục hồi danh dự cho Đấng chịu đóng đinh và lớn tiếng công bố việc Ngài sống lại trong chính thành mà Ngài chịu khổ nạn, chỉ vài tuần sau những biến cố bi thương như vậy.


1. Ngón đòn tâm lý:

Thánh Phê-rô “đứng …và lớn tiếng nói,” nghĩa là ông nói trong tư thế của một con người xác tín và vững tin. Việc các Tông đồ khác đồng hiện diện với ông chứng thực sự đồng thuận của Tông Đồ đoàn. Bố cục của bài diễn từ thì rõ ràng: Đức Giê-su là một con người của Thiên Chúa, anh em đã kết án tử Ngài, Ngài đã sống lại.

Trong phần khai triển, thánh Phê-rô sắp sử dụng ngón đòn tâm lý. Để chứng minh rằng Đức Giê-su là một con người của Thiên Chúa, ông khởi đi từ một thực tại mà hầu hết các thính giả đều đã sống. Như thế ông viện dẫn cử tọa ra làm chứng: “Chính anh em đều biết những chuyện đó, vì mọi sự đã xảy ra giữa anh em”.

Thánh Phê-rô tránh nêu lên ngay thần tính của Đức Kitô, nhưng nhấn mạnh nhân tính của Ngài trước tiên: “Đức Giê-su người Na-da-rét, người đã được Thiên Chúa chứng nhận…Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giê-su đã bị nộp”. Tiếp đó, vị lãnh tụ các Tông Đồ nhắc lại cái chết của Đức Giê-su khi cẩn trọng phân phối trách nhiệm: trước hết, cái chết nầy phù hợp với kế hoạch Thiên Chúa đã định; tiếp đó, dân Do thái cũng chịu phần trách nhiệm: “Anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh vào Thập giá mà giết đi”; như vậy, đến lượt người Rô-ma cũng bị quy trách nhiệm về cái chết của Ngài.


2. Việc Đức Kitô Phục Sinh đã được Kinh Thánh loan báo:

Lúc đó, thánh Phê-rô mới nêu lên cuộc Phục Sinh. Đối với cử toạ quen thuộc với Kinh Thánh, ông sẽ minh chứng rằng cuộc Phục Sinh nầy đã được Kinh Thánh loan báo rồi. Ông trích dẫn hai Thánh Vịnh.

Trước hết, thánh nhân trích dẫn Thánh Vịnh 18: “Thiên Chúa đã giải thoát Người khỏi những đau khổ do thần chết gây nên, mà cho Người sống lại. Vì lẽ thần chết không tài nào khống chế được Người mãi”. Thánh Vịnh nầy là một bài ca tạ ơn Đức Chúa cứu độ: Thiên Chúa đã ra tay cứu bạn Ngài khỏi lưới tử thần, tuy nhiên Bản Hy-lạp không dịch theo bản Hy-bá: “lưới  tử thần”, nhưng “những đau khổ do thần chết gây nên” .

Tiếp đó, thánh Phê-rô trích dẫn Thánh Vịnh 16, được gán cho vua Đa-vít, theo đó người được Thiên Chúa tuyển chọn hân hoan vui mừng cho dù phải đối diện cái chết, vì “Chúa chẳng đành bỏ mặc ngài trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung nầy hư nát trong phần mộ”. Thánh Vinh 16 nầy được chấp nhận là mang chiều kích Mê-si-a trong Do thái giáo đương thời với Đức Giê-su. Thánh Phê-rô phát hiện ở nơi Thánh Vịnh này một luận chứng gây kinh ngạc.


3. Lời chứng của vua Đa-vít:

Tác giả của lời sấm nầy là vua Đa-vít, vua “đã chết và đã được mai táng” (như Đức Giê-su), và ngôi mộ của vua hiện ở Giê-ru-sa-lem (như Đức Giê-su) ở đó người ta vẫn còn thấy ngôi mộ của vua. Thánh Phê-rô muốn lưu ý đến sự tương phản với số phận của Đức Kitô mà Thiên Chúa đã cho sống lại.

Nhờ ân ban ngôn sứ mà Thiên Chúa đã ban cho mình, vua Đa-vít biết rằng Đấng Mê-si-a sẽ thuộc dòng dõi của vua và Ngài sẽ sống mà ra khỏi mồ. Vì thế, thánh Phê-rô công bố một lần nữa việc Đức Giê-su sống lại: “Về điều nầy tất cả chúng tôi đều làm chứng” (Cv 2: 32) và khẳng định việc Ngài được tôn vinh ở bên hữu Chúa Cha. Chúa Cha đã cho Ngài quyền ban Thánh Thần. Hành động của chính các Tông đồ cũng chứng thực họ được thụ hưởng ân ban Thánh Thần dư tràn nầy.

Như vậy, trên Đức Giê-su lịch sử mà mọi người đều đã biết, vị lãnh tụ các Tông Đồ dọi chiếu ánh sáng Kinh Thánh: con người Giê-su nầy đích thật là Đấng Mê-si-a được loan báo. Việc Ngài sống lại chứng tỏ rằng Ngài là Thiên Chúa.


BÀI ĐỌC II (1Pr 1: 17-21)

Chúng ta tiếp tục đọc Thư thứ nhất của thánh Phê-rô, được gởi từ Rô-ma cho các cộng đoàn khác nhau tại miền Tiểu Á.

Vào Chúa Nhật trước, chúng ta đã đọc lời khuyên bảo sống trong niềm hy vọng; bản văn của Chúa Nhật nầy là một lời mời gọi sống một đời thánh thiện.


1. Dưới cái nhìn của Chúa Cha:

Vị Tông Đồ ám chỉ rõ ràng đến “Kinh Lạy Cha”“Nếu anh em gọi Ngài là Cha…” Đó là danh xưng cao quý của người Kitô hữu: họ là con cái Thiên Chúa. Họ phải hành xử sao cho xứng hợp, vì cuộc sống của họ diễn ra dưới cái nhìn của Chúa Cha, “Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử”. Từ đó, họ nên cư xử như người lữ khách trên trần thế nầy mà sống trong tâm tình “kính sợ Thiên Chúa.” Phải hiểu thành ngữ này theo nghĩa Kinh Thánh, nó diễn tả một thái độ tôn kính, vâng phục và yêu mến chứ không sợ hãi. Chúng ta nên đọc lại sách Đệ Nhị Luật ở đó Đức Chúa được viện dẫn nhiều lần: “Ngươi hãy kình sợ, phụng sự…yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết dạ hết sức ngươi”.


2. Bằng bửu huyết của Đức Kitô:

Sống đời sống thánh thiện nầy đã trở nên có thể đối với anh em, vốn xưa kia là dân ngoại, gắn bó theo cách sống được thừa hưởng từ cha ông của anh em, vì hiện nay anh em đã được Đức Kitô giải phóng khỏi những ách nô lệ tội lỗi.

Thời kỳ thờ ngẫu tượng và lối sống “phù phiếm”, vô định và vô vọng đã chấm dứt. Sự giải phóng nầy đã được trả bằng “giá máu quý giá của Đức Kitô,” như máu Con Chiên vẹn toàn, vô tì vết (đây là những phẩm chất tất yếu của con chiên vượt qua: Xh 12: 13). Thánh Tông Đồ chắc chắn nghĩ đến dung mạo của người Tôi Trung chịu đau khổ (dung mạo nầy hiện diện khắp bức thư nầy), người Công Chính nầy “bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông” (Is 53: 7).


3. Tình yêu Thiên Chúa:

Trong các cộng đoàn tiên khởi, người Kitô hữu gốc lương dân cùng sống chung với người Kitô hữu gốc Do thái, liệu họ cảm thấy tự ti mặc cảm đối với những người vốn đã thuộc vào dân Chúa chọn? Có thể…Thánh Phê-rô trấn an họ. Từ cõi đời đời, Thiên Chúa đã nghĩ đến họ, và chính để họ từ nay dự phần vào dân Ngài, mà Thiên Chúa đã sai Con của Ngài:“Người là Đấng Thiên Chúa chọn và xuất hiện vì anh em”, như vậy mở ra một giai đoạn mới và chung cuộc trong lịch sử cứu độ.


4. Qua Chúa Con đến Chúa Cha:

 Thánh Phê-rô kết thúc khi mô tả chuyển động kép đời sống nội tâm Kitô hữu. Khởi đi từ ý tưởng về Thiên Chúa, Đấng vừa là Cha vừa Thẩm Phán, người Kitô hữu hướng mắt về Đức Kitô mà trở về với Chúa Cha, với niềm xác tín rằng Chúa Con lôi kéo họ cùng bước theo Ngài từ Khổ Nạn đến vinh quang bên cạnh Chúa Cha. Như vậy Đức Tin và Đức Cậy bất khả biệt phân.


TIN MỪNG (Lc 24 : 13-35)

Đoạn Tin Mừng hôm nay là một trong những hạt ngọc của sách Tin Mừng Lu-ca: nó toát ra một vẽ đẹp quyến rũ khôn sánh, tầm mức tâm linh, ngay cả phụng vụ cũng phong phú không kém.

Hai môn đệ, chỉ một người duy nhất được nêu tên: Cơ-lê-ô-pha, rời bỏ Giê-ru-sa-lem sau hai ngày tấn thảm kịch thập giá (quả thật, thánh Lu-ca định vị câu chuyện này vào cùng ngày Đức Giê-su Phục Sinh). Việc họ rời bỏ Thánh Đô làm chứng rằng cộng đoàn nhỏ bé của các môn đệ thân cận với Đức Giê-su, rã đám, phiền muộn và không còn hy vọng gì nữa. Mỗi người về quê trở lại với nghề nghiệp trước đây của mình.


1. Chiều kích Kinh Thánh :

Đức Giê-su động lòng thương những bạn hữu của Ngài. Họ khóc thương cái chết của Ngài và tiếc nuối giấc mơ bất thành của mình. Ngài đồng hành với họ. Đây không chỉ là một“cuộc hành trình theo nghĩa vật lý”, nhưng còn là lộ trình tâm linh nữa. Sự hiện diện của Ngài, Đấng Phục Sinh, không còn như trước đây nữa: họ không nhận ra Ngài, cũng như bà Ma-ri-a Mác-đa-la, khi gặp gỡ Ngài bên ngôi mộ trống, bà cũng đã không nhận ra Ngài.

Từng bước một, Ngài dần dần soi lòng mở trí cho hai ông để hai ông « ngộ được » các biến cố. Ngài đích thân giải thích cuộc sống và cái chết của Ngài. Đối với những ai xưng tụng Ngài là một « ngôn sứ », Ngài minh chứng rằng Ngài là Đấng Mê-si-a ; đối với những ai chờ đợi cuộc giải phóng dân Ít-ra-en, Ngài giúp họ khám phá mầu nhiệm vượt qua. Ánh sáng dần dần ửng hồng trong tâm trí của họ, và một ngọn lửa nội tâm sưởi ấm lại tấm lòng họ, như sau này họ sẽ thốt lên : « Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng thấy rạo rực đó sao ? ».


2. Chiều kích Thánh Thể :

Đức Giê-su đã thắp sáng lại niềm tin của họ. Nhưng vẫn còn thiếu một chiều kích ; chiều kích nầy rồi sẽ xuất hiện : « Mời ông ở lại với chúng tôi, vì ngày đã xế chiều, và trời gần tối».

Đây là cử chỉ của tấm lòng, cử chỉ của việc dâng hiến và chia sẻ. Đức Giê-su giả vờ như tiếp tục cuộc hành trình của mình. Ngài không muốn áp đặt nhưng chờ đợi hai ông ngỏ lời mời và Ngài chấp nhận lời mời của họ. Với cử chỉ thân thiện và tình bạn của họ, Ngài sẽ đáp trả một cách tuyệt vời. Với những người bày tỏ tấm lòng hiếu khách với Ngài và mời Ngài một bữa ăn, đến lượt mình, Ngài đáp lại bằng việc bẻ bánh và mặc khải con người của Ngài.

Thánh Lu-ca dùng cũng những từ ngữ mà Đức Giê-su đã dùng vào lúc Ngài thiết lập bàn tiệc Thánh Thể : « Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ » (Lc 22 : 19). Người ta nhận ra ngay đây là cử chỉ tái diễn bữa Tiệc Ly trong mối thâm tình cảm động. Vả lại, phụng vụ đã dựa trên sự kiện bẻ bánh này để biện minh việc rước lễ chỉ dưới hình bánh.

Tuy nhiên, từ xưa cho đến nay, các nhà chú giải không đồng nhất với nhau. Vài nhà chú giải bác bỏ chiều kích Thánh Thể ở nơi cử chỉ bẻ bánh của Đức Giê-su. Trước hết, hai môn đệ trên đường Em-mau không là các Tông Đồ, nên họ đã không tham dự bữa Tiệc ly với Đức Giê-su, làm thế nào hai người môn đệ này có thể nhận ra phép Thánh Thể ở nơi cử chỉ bẻ bánh của Đức Giê-su? Tuy nhiên, hướng đi của câu chuyện không thể nào chối cải là Thánh Thể. Có một xác định đáng chú ý : vào buổi chiều Tiệc ly, Đức Giê-su đã tham dự trước cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài, vì thế, Ngài đã hiện diện hữu hình với các môn đệ Ngài, trong khi ở Em-mau « Ngài biến mất trước mặt các ông ». Kể từ đó, sự cần thiết của Thánh Thể là như vậy: chỉ duy bánh là sự hiện diện hữu hình của Đấng Phục Sinh. Từ đó, nơi mọi tín hữu gặp gỡ Đấng Phục Sinh vinh quang chính là bàn tiệc Thánh Thể.


3. Chiều kích Phụng Vụ :

Vả lại, thật ấn tượng biết bao khi chúng ta đọc thấy ở nơi câu chuyện này có đủ yếu tố phụng vụ Thánh Thể: đọc và suy niệm Lời Chúa, cử chỉ dâng hiến và chia sẻ, việc bẻ bánh.


4. Chiều kích Giáo Hội :

Thêm nữa, chúng ta cũng gặp thấy ở nơi câu chuyện này chiều kích Giáo Hội.

Quả thật, hai môn đệ Em-mau ngay tức khắc trở về Giê-su-sa-lem. Họ gặp lại « các Tông Đồ và các bạn hữu đang tụ họp ở đó». Cuộc gặp gỡ của hai người môn đệ này với Đấng Phục Sinh được cũng cố bởi kinh nghiệm của thánh Phê-rô : « Chúa đã sống lại thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-mon».

Lu-ca là thánh ký duy nhất nêu lên việc Chúa Ki-tô hiện ra với một mình thánh Phê-rô, lãnh tụ các Tông Đồ. Thánh Phao-lô cũng nói điều nầy trong thư thứ nhất gởi cho Giáo Đoàn Cô-rin-tô. Như vậy, thánh ký kết thúc câu chuyện này với lời chú thích Giáo Hội, dưới uy quyền tối cao của thánh Phê-rô.

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN