Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật XXXIII TN, năm B, của Trầm Thiên Thu

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật XXXIII TN, năm B, của Trầm Thiên Thu

 

Kiên Định

 

Nam B - TN - CN 33 - KienDinhGiữ vững lập trường là không dao động trong mọi tình huống, như ca dao nói: “Dù ai nói ngả nói nghiêng, thì tôi vẫn vững như kiềng ba chân”. Tuy nhiên, đó lại là điều không dễ thể hiện. Chúa Giêsu cũng đã căn dặn: “Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10:22; Mc 13:13).

Kiên định, kiên tâm, kiên chí, kiên cường hoặc kiên nhẫn là đức tính rất quan trọng trong cuộc sống. Nhà giáo dục William Arthur Ward (1921-1994, người Mỹ, tác giả cuốn Fountains of Faith – Suối nguồn Niềm tin), nhận định: “Sự kiên nhẫn của ngày hôm nay có thể biến sự nản lòng của ngày hôm qua thành khám phá của ngày mai. Mục đích của ngày hôm nay có thể biến thất bại của ngày hôm qua thành quyết tâm của ngày mai”. Tính kiên trì là loại “bùa hộ mạng” mà người ta luôn cần phải đem theo mình, không được rời nó ra, dù chỉ trong thoáng chốc. Đời hoặc đạo cũng đều cần kiên định, nghĩa là luôn tự nhủ “an tâm và tin cậy Chúa, luôn vững lòng, không sợ hãi chi” (Tv 112:7-8).

Người ta nói: “Điều gì đến sẽ đến – What will be will – Que sera sera”. Câu này có thể mang ý nghĩa tiêu cực hoặc tích cực. Là tiêu cực nếu chúng ta thuộc loại người bất cần, là tích cực nếu chúng ta thuộc loại người biết chấp nhận thực tế – với người có niềm tin vào Thiên Chúa, đó là Thánh Ý Chúa. Thật vậy, chúng ta lo cũng không xong, tránh cũng chẳng được, thế thì cứ vui vẻ chấp nhận cho thanh thản, không chấp nhận thì chỉ tự dày vò mình mà thôi. Cuộc đời đã lắm khổ rồi, sao lại muốn làm khổ mình thêm?

Những ngày cuối năm Phụng Vụ, Giáo hội nhắc nhở chúng ta về Ngày Quang Lâm của Đức Giêsu Kitô, tức là Ngày Tận Thế. Tuy nhiên, không biết chúng ta có được chứng kiến thời khắc đó hay không, nhưng có điều chắc chắn là ngày tận thế của cuộc đời mình – tức là ngày chúng ta nhắm mắt, xuôi tay, và trả lại tất cả cho thế gian!

Sự chết liên quan tận thế. Tận thế liên quan sự chết. Nói tới sự chết khiến chúng ta liên tưởng tới thiên tài âm nhạc Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791). Khi soạn tuyệt phẩm REQUIEM, ông đã linh cảm: “Tôi e rằng tôi đang viết một bài cầu hồn cho chính mình”. Trong thư gởi cho người cha, Mozart cho biết: “Con không bao giờ đi ngủ mà không nghĩ rằng có thể con không còn thấy ngày mai nữa. Sự chết là mục đích thực sự của cuộc đời chúng ta. Từ vài năm nay, con đã quen với người bạn tuyệt vời đó của con người. Hình ảnh người bạn đó không làm con sợ mà con thấy người bạn đó hiền lành và cởi mở”. Ước gì chúng ta cũng biết tâm niệm như vậy!

Với người không có niềm tin, chết là hết – như “chó chết hết chuyện” vậy. Nhưng với chúng ta, những người có niềm tin vào Đức Kitô, chết không là hết, mà chết là “ngưỡng quá độ ”, là “buổi giao mùa”, là khởi đầu sự sống mới. Chết là hên chứ không xui chút nào cả.

Kinh Thánh cho biết: “Thời đó, Tổng lãnh Sứ thần Micae sẽ đứng lên. Người là vị chỉ huy tối cao, là đấng vẫn thường che chở dân ngươi. Đó sẽ là thời ngặt nghèo chưa từng thấy, từ khi có các dân cho đến bây giờ. Thời đó, dân ngươi sẽ thoát nạn, nghĩa là tất cả những ai được ghi tên trong cuốn sách của Thiên Chúa” (Ðn 12:1). Đó là nói về sự sống lại của những người đã chết. Chết là để sống lại, như vậy chết không là hết, không là điều tuyệt vọng, nghĩa là chết mà đầy hy vọng.

Sách Đa-ni-el nói rõ về sự sống lại và sự thưởng phạt: “Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhụcbị ghê tởm muôn đời. Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho người người nên công chính sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao” (Ðn 12:2-3). Ngày nay sống thế nào thì ngày mai sẽ “phản ánh” như vậy, sống tốt thì được thưởng, sống ác thì bị phạt. Gọi là “thưởng – phạt” theo cách hiểu của phàm nhân mà thôi, chứ thật ra đó là sự công bằng, là điều tất yếu, là công lý của Thiên Chúa.

Công lý đó cũng chính là tình yêu kỳ diệu của Thiên Chúa. Có được Ngài thì thật là hạnh phúc. Tác giả Thánh Vịnh tâm sự: “Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ” (Tv 16:5).

Tâm niệm như vậy nên tác giả Thánh Vịnh luôn ghi nhớ: “Con luôn nhớ có Ngài trước mặt, được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ. Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan, thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn. Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ. Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống: trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi! (Tv 16:8-11). Có Chúa là có tất cả, ngay trong lúc cứ tưởng là “dấu chấm hết” nhưng chỉ là “dấu chấm xuống dòng” để bắt đầu niềm hy vọng mới. Điều này được minh chứng qua câu chuyện Tổ phụ Áp-ra-ham vâng lời Thiên Chúa mà hiến tế chính con trai độc nhất của ông (x. St 22:1-18).

Sống để rồi chết, chết để rồi sống. Quy trình sinh – tử đó không là “vòng luân hồi” như người ta tưởng. Quy trình sinh – tử đó vô cùng kỳ diệu, nhưng không dễ thực hiện. Ai thực hiện được như vậy thì thật hạnh phúc, và xứng đáng được hưởng lời hứa của Thiên Chúa. Tuy nhiên, lời hứa nào cũng có điều kiện: “Hãy trung thành cho đến chết, và Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống” (Kh 2:10c).

Chúa Giêsu đã tiên phong trải qua “vòng sinh – tử” đó để làm hy lễ cứu độ nhân loại. Hy lễ của Ngài hữu hiệu, chỉ một lần là trọn vẹn vĩnh viễn. Thánh Phaolô nói: “Vị tư tế nào cũng phải đứng trong Đền Thờ lo việc phụng tự mỗi ngày và dâng đi dâng lại cũng ngần ấy thứ lễ tế; mà những lễ tế đó chẳng bao giờ xoá bỏ được tội lỗi. Còn Đức Kitô, sau khi dâng lễ tế duy nhất để đền tội cho nhân loại, Người đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời. Và từ khi đó, Người chờ đợi ngày các kẻ thù bị đặt làm bệ dưới chân. Quả thật, Người chỉ dâng hiến lễ một lần mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hoá được nên hoàn hảo” (Dt 10:11-14).

Và rồi Thánh Phaolô kết luận: “Nơi nào đã có ơn tha tội thì không cần dâng lễ đền tội nữa” (Dt 10:18).

Tin Mừng hôm nay có hai phần: [1] Con Người Quang Lâm (Mc 13:24-27 – tương đương Mt 24:29-31 và Lc 21:25-28), và [2] Dụ Ngôn Cây Vả (Mc 13:28-32 – tương đương Mt 24:32-36; Lc 21:29-33).

Chúa Giêsu cho biết rằng vào những ngày đó – tức là thời cuối cùng, thời tận thế, và sau cơn gian nan ấy, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời. Những hình ảnh vừa đáng sợ vừa đáng mừng, tùy “cách nhìn” của mỗi người. Chúa Giêsu nói thật, không nói đùa bao giờ đâu!

Sau đó, Chúa Giêsu dùng hình ảnh thực tế là cây vả để nói về cuộc sống của chúng ta. Ngài chân thành nói: “Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, anh em biết là mùa hè đã đến gần. Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi”.

Đừng tin ai, đừng nghe ai, cứ ghi nhớ lời Chúa Giêsu đã nói: “Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu. Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi. Chắc chắn như vậy!

Với tâm thức đó, Thánh Phaolô đã căn dặn: “Nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã được thần khí mặc khải, hoặc đã nói, đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ. Đừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào (2 Tx 2:2-3). Và ông gọi đó là “mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành” (2 Tx 2:7), đồng thời nhắc nhở về việc xuất hiện của tên bịp bợm: “Tên gian ác xuất hiện là do tác động của Satan, có kèm theo đủ thứ phép mầu, dấu lạ, điềm thiêng, và đủ mọi mưu gian chước dối, nhằm hại những kẻ phải hư mất, vì đã không đón nhận lòng yêu mến chân lý để được cứu độ” (2 Tx 2:9-10). Như vậy, “tất cả những kẻ không tin sự thật nhưng ưa thích sự gian ác thì sẽ bị kết án” (2 Tx 2:12).

Có lần chính Chúa Giêsu cũng đã quan ngại mà đặt vấn đề: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18:8). Một câu hỏi đáng quan ngại thật đấy! Câu này cũng nhắc nhở chúng ta đừng hoang mang, chớ lo lắng, hãy cố gắng tập trung vào Chúa và sống đức ái qua đức tin. Chuyện gì đến sẽ đến, sợ hay lo thì cũng chẳng thay đổi được gì cả. Cứ tâm nguyện theo lời Chúa Giêsu dạy: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài!”.

Thánh Phaolô đã đề cập tầm quan trọng của đức kiên nhẫn: “Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người” (2 Tm 2:12). Đây là lời đáng tin cậy.

Lạy Thiên Chúa, xin giúp con biết tỉnh thức và sẵn sàng mọi nơi và mọi lúc. Xin giúp con vững tin vào lời Đức Kitô Giêsu để không dao động trong bất cứ hoàn cảnh nào. Xin thương giúp mọi người cũng vững lòng tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót đến hơi thở cuối cùng. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Ga 18, 33 - 37a

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN- LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ, NĂM B, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Chúa là Vua SUY NIỆM LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ – B (Ga 18, 33 – 37) Chu kỳ …