Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXXIII Thường niên, năm C, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXXIII Thường niên, năm C, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Luôn sống và hành động

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII – C

(Lc 21, 5 – 19)

Lc 21, 5 – 19aChu kỳ Năm Phụng vụ một năm với ngày tháng dần trôi đang từ từ khép lại. Chúng ta đang ở Chúa nhật áp chót của năm. Nếu khởi đầu Năm, Giáo hội đã kêu gọi con cái mình chuẩn bị tâm hồn đón Chúa Kitô đến lần thứ nhất mang ơn cứu độ là chính Người đến cho nhân loại, thì Chúa nhật thứ XXXIII thường niên C này, Giáo hội lấy lại lời Chúa Giêsu báo trước về ngày Chúa sẽ đến lần thứ hai để phán xét kẻ sống và kẻ chết, giúp chúng ta nghĩ về những thực tại mai hậu của con người là : sự chết, sự phán xét, thiên đàng và luyện ngục. Nhưng trước khi những việc ấy xảy ra thì sẽ có các tiên tri giả, nên lời Chúa mời gọi chúng ta cảnh giác và sống trong tỉnh thức cũng như hy vọng, nhất là bền đỗ đến cùng trong niềm tin cậy vào Chúa (x. Lc 21, 5 – 19). Chúa Giêsu Kitô vẫn mãi mãi là tâm điểm, vì Người là Con Thiên Chúa nhập thể làm người, chịu chết rồi sống lại, lên trời và sẽ đến trong vinh quang như lời Người đã phán.

Ngày Chúa đến

Muốn được bình an trong ngày Chúa đến, người kitô hữu phả sống niềm tin và hy vọng vào Chúa, nhất là trung thành với Đức tin đã lãnh nhận ngày chịu phép Rửa tội. Còn khi nào Chúa đến là một câu hỏi không dễ có câu trả lời. Chắc chắn sẽ có ngày cả thế giới và vũ trụ này biến đổi, nhưng bao giờ, thế nào và có những dấu chỉ nào báo trước là những câu hỏi mà ai cũng muốn biết?

Người ta thường quan niệm rằng, ngày tận thế là ngày tất cả thế giới và vũ trụ này đều biến đổi. Ðó cũng là ngày Chúa Giêsu Kitô trở lại để làm cuộc chung thẩm.

Khoảng 450 năm trước Chúa Giêsu giáng sinh ; quãng chừng 40 năm sau khi con cái Israel lưu đày ở Babylon trở về. Malaki nói về ngày Chúa đến tiêu diệt, trừng phạt kẻ dữ như lửa đốt cháy rơm rạ và cành khô. Malaki không trực tiếp nói về ngày chung thẩm như chúng ta thường hiểu là ngày tận thế. Nhưng là ngày Chúa viếng thăm cứu độ dân Người qua sự sinh hạ của Con Một Chúa… Chính việc Người đến, cùng với giáo huấn và công việc của Người đã xét xử người dữ cũng như kẻ, phân biệt kẻ tin người không tin rồi. Lời của Malaki và các tiên tri khác nói về “Ngày của Thiên Chúa” cuối cùng vẫn áp dụng được cho ngày Chúa Giêsu Kitô lại đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Những dấu chỉ

Nếu như Malaki tiên báo về ngày Chúa đến viếng thăm với những dấu chỉ như “lò lửa bừng cháy : tất cả những kẻ kiêu căng và những người làm tội ác sẽ như rơm rạ, ngày ấy đến sẽ thiêu đốt họ, và không để sót lại cho họ cội rễ ngành chồi nào” (x. Mal 4,1),  thì Luca cũng loan báo những dấu chỉ tương tự về cảnh trời long đất lở, lửa cháy phừng phừng, thưởng người lành, trừng phạt kẻ dữ. Sẽ có các tiên tri giả đến lừa gạt tín hữu; và sẽ có những tin tức về chiến tranh và nổi loạn. Chưa hết, Luca còn thêm: “Sẽ có dân này chống lại dân kia; sẽ có động đất, ôn dịch, đói kém và nhiều điều kinh khủng trong trời đất… “Nhưng chưa phải là cùng tận ngay đâu” (x. Lc 21, 9-10). Có điều chắc chắn là khi ngày tận cùng chưa đến, thì sẽ có bách hại Đạo. “Người ta sẽ tra tay trên các ngươi vì Danh Ta”. Chúa Giêsu còn tiên báo cảnh Đền thờ Giêrusalem bị phá hủy, xuất hiện các tiên tri giả, các dân nước chống lại nhau, nạn ôn dịch xảy đến… Dĩ nhiên người ta hỏi Chúa: Khi nào thì điều ấy xảy ra? Ðâu là những dấu hiệu? Nhưng Chúa Giêsu chuyển sự chú ý của họ đối với những khía cạnh cụ thể bao giờ xảy ra, sẽ như thế nào, sang những vấn đề đích thực là, đừng để mình bị những tiên tri giả đánh lừa, và bị tê liệt vì sợ hãi. Nhưng phải kiên trì đợi chờ và sống đời nhân chứng cho đến giờ Chúa đến “(x. Lc 21, 5-19).

Sống và hành động

Chắc chắn Chúa sẽ đến. Người Kitô hữu sống và mong chờ Chúa đến, nhưng không thụ động ngôi chờ như các tín hữu ở Thessalonica. Họ tưởng rằng sắp đến ngày Chúa Giêsu Kitô trở lại nên chểnh mảng việc bổn phận, kể cả việc làm ăn sinh sống… để lấy lẽ “lo việc phần hồn và việc đạo“. Hậu quả là xảy ra tình trạng bất ổn về tư tưởng, dẫn tới sự xáo trộn về đời sống thực tế. Thánh Phaolô khuyên chúng ta đừng có sống như họ, nhưng : “Noi gương ngài, làm lụng vất vả ngày đêm… không ăn bám của ai… để không trở nên gánh nặng cho người nào trong anh em” (x. 2 Ts 3, 7-12).

Ở chỗ khác người nói: để Tin Mừng người rao giảng được sáng giá. Quả thật, hăng hái lao động sản xuất cũng là chuẩn bị Ngày Chúa trở lại, cũng là ngày biến đổi cả thế giới và vũ trụ này. Vậy, chúng ta hãy chuẩn bị ngày Chúa Kitô trở lại đem thế giới và vũ trụ này vào trong hạnh phúc vinh quang muôn đời.

Lời Chúa nói : “Các con cứ bền đỗ đến cùng, các con sẽ giữ được linh hồn các con” (Lc 21,19). Lời trên như tiếng mời gọi chúng ta sống hy vọng và kiên nhẫn. Chúa là chủ tể lịch sử, ngài hướng dẫn mọi sự đến chỗ viên mãn. Dầu có những xáo trộn và tai ương làm chao đảo thế giới, nhưng kế hoạch từ nhân và thương xót của Thiên Chúa sẽ viên mãn. Ðó là niềm hy vọng của chúng ta.

Lạy Chúa, chúng con tin cậy vào Chúa.

Lm.  Antôn Nguyễn Văn Độ

 
 
 
Trả lờiChuyển tiếp
 
 
 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …