Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII QUANH NĂM, NĂM C, CỦA LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII QUANH NĂM, NĂM C, CỦA LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

(2 Mcb 7,1.20-23; Rm 8,31-39; Lc 9,23-26)

“Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình,

vác thập giá mình hằng ngày mà theo”.

ctttvnTin Mừng Luca 9,23-26:

23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?26 Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

Suy Niệm:

Hôm nay lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Theo nguyên ngữ Hy Lạp, Tử đạo là làm chứng nhân, nghĩa là làm chứng nhân cho Chúa Kitô một cách cao đẹp nhất, anh hùng nhất là dám hy sinh mạng sống mình để trung thành với Đức Kitô, với Thiên Chúa.

Như Đức Kitô là chứng nhân trung kiên cho đến chết, chết trên thập giá để thực thi  ý của Chúa Cha, trung thành với Thiên Chúa Cha. Cuộc đời Kitô hữu cũng chính là cuộc tử đạo, làm chứng nhân cho Chúa giữa đời bằng hy sinh, quên mình, vui nhận thập giá, từ bỏ tất cả vì đức tin, vì yêu mến Thiên Chúa.

Bài đọc I trích sách Maccabê tường thuật cuộc bách đạo của Vua Antiochus và biến cố tử đạo của bà mẹ đạo đức với 7 người con. Vì trung thành với Thiên Chúa, với lề luật và tin vào sự sống lại, người mẹ và các con đã anh dũng, can đảm làm chứng nhân cho Thiên Chúa và chấp nhận mọi khổ hình, hy sinh mạng sống mình để hy vọng được sống muôn đời: “Bà can đảm chịu đựng nhờ niềm cậy trông  nơi Thiên Chúa”. Bà mẹ và 7 người con là những vị tử đạo, chứng nhân cho Thiên Chúa, thà chết không bỏ đạo.

Bài đọc II. Thơ gởi giáo đoàn Rôma, Thánh Phaolô đã xác quyết rằng: “Dù sự sống hay sự chết cũng không thể tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta”. Chính tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta dám hy sinh tất cả cho Thiên Chúa.

Trong bài tin mừng, Chúa Giêsu đưa ra những điều kiện cho những ai muốn đi theo Ngài: từ bỏ mình, vác thập giá, hy sinh mạng sống vì Ngài “Ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống”. Nói cách khác muốn trở nên người môn đệ của Đức Kitô phải sống chứng nhân cho Chúa và phải chấp nhận hy sinh mạng sống mình nghĩa là chịu tử đạo hằng ngày vì niềm tin mến đối với Thiên Chúa.

Đức Giêsu cũng trình bày cái nghịch lý của tin mừng: mất và được: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất. Ai liều mất mạng sống mình vì Tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Thường tình được là tốt, mất là xấu, được thì vui, mất thì buồn. Tuy nhiên trong cái được có cái mất, trong cái mất có cái được…

  • Nếu vì Chúa mà liều mất mạng sống mình, thì ta được sự sống đời đời.
  • Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã mất tất cả, hy sinh mạng sống, địa vị xã hội. Các Ngài được hạnh phúc Thiên đàng, được sự sống đời đời, được mọi người yêu mến ca tụng.
  • Nết ta can đảm dám mất vì Chúa, vì anh em, vì Giáo Hội, vì Nước Trời, vì đức tin, chúng ta sẽ được gấp trăm ở đời này và đời sau.
  • Chết tử đạo là chết vinh quang sẽ khai mở vào cuộc sống hạnh phúc bất diệt: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Hôm nay Giáo Hội mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Các Ngài đã can đảm làm chứng nhân cho Chúa, thà chết không quá khóa. Thiên Chúa đã ban thưởng cho các Ngài hạnh phúc muôn đời trên Nước Trời. Sau đây chúng ta chiêm ngắm cuộc đời của Thánh Thomas Trần Văn Thiện.

          Chú Thiện sinh năm 1820 trong một gia đình đạo hạnh tại làng Trung Quân, tỉnh Quảng Bình. Chú Thiện ngoan ngoãn, nhu mì, lễ phép, đạo đức. Mới lên 8 tuổi chú bắt đầu học chữ nho, thông minh và bền chí.

          Mỗi lần đi tham dự Thánh lễ xong, chú Thiện thường vào thăm các cha. Thấy Thiện khôi ngô, hiền lành. Cha Chính là cha sở họ Kẻ Sen nhận chú vào nhà xứ ở để học Latinh, chuẩn bị vào chủng viện.

          Năm 18 tuổi (1838) chú Thiện được cha giám đốc Kim gọi về chủng viện Di Loan ở Quảng Trị. Nhận được tin, chị Sao đã dẫn em là Thiện lên đường nhập chủng viện. Dọc đường, hai chị em được tin cha giám đốc Kim đã phải trốn và quân lính đang lùng bắt Ngài. Người ta khuyên hai chị em trở về, chú Thiện cương quyết nói: “Dù không gặp cha bề trên,con cũng phải đến tận nơi để biết rõ sự thật. Cha đã gọi, không lẽ chưa đến nơi đã bỏ về”. Tới chủng viện hai chị em gặp cha Tự. Ngài nói: “Chúng tôi lo trốn chưa xong, mà chị còn dẫn em đến, chỉ gây khó khăn cho chúng tôi”.

          Hai chị em dắt nhau về trong lúc cơn bách đạo xảy ra. Hai ngày sau, quân lính bao vây làng Di Loan, lục soát từng nhà, không tìm thấy cha Kim, vì Ngài đã trốn lên rừng. Họ bắt một số giáo dân, có chú Thiện giải về Quảng Trị. Quan nghe nói chú Thiện là chủng sinh của Cha Kim, nên tra hỏi cặn kẽ để biết cha Kim trốn ở đâu. Quan khuyên chú bỏ đạo, nếu không sẽ bị giết. Chú Thiện trả lời: “Tôi quê ở Trung Quân, Quảng Bình, đến tìm Thầy học đạo. Đạo dạy tôn thờ Thiên Chúa là đạo thật. Tôi sẵn sàng chịu chết chứ không bỏ đạo”.

          Quan tỏ ra khoan nhượng dụ dỗ chú Thiện nhiều lần: nào là tuổi còn trẻ, tương lai có nhiều triển vọng, nào là được thăng quan tiến chức, nếu chịu bỏ đạo, bước qua thập giá. Quan có nhã ý nhận chú làm con rể và gả con gái cho Thiện. Nhưng chú Thiện đã dứt khoát từ chối:

          “Tôi chỉ mong chức quyền trên trời, chứ không màng đến quyền chức trần thế”.

          Chàng trai thư sinh, chí khí kiên cường, khiến quan phải ngạc nhiên. Từ ngạc nhiên đến tức giận. Thế là ông truyền đánh đòn cậu 40 roi, máu chảy thấm qua y phục, nhưng chú Thiện vẫn can đảm , hiên ngang, mỉm cười và nói: “Hãy nhìn xem máu tôi chảy ra kìa!” Đánh đòn xong, quan ra lệnh đóng gông xiềng, giam chú Thiện vào ngục. Quan vẫn chưa chịu thua nên dùng mưu kế dụ dỗ, mua chuộc… chú Thiện vẫn một mực trung thành với đức tin. Chú tiếp tục bị thẩm vấn và bị đánh đòn 2 lần, bị phơi nắng, bị kìm kẹp, bị hành hạ… Nhưng vị anh hùng trẻ tuổi không sờn lòng với một nghị lực phi thường, đức tin dũng cảm. Chú lại cầu nguyện:

          “Lạy Chúa, xin thêm sức cho con chịu đau khổ vì Chúa”.

          Bất lực trước ý chí sắt đá của chú Thiện quan truyền giam chú chung với cha Jaccard Phan. Hai cha con rất vui mừng, an ủi nhau, cùng cầu nguyện. Quan quyết định lên án xử trảm cả hai cha con. Bản án chú Thiện như sau:

          “Tên Thiện bị mê hoặc theo đạo Giatô, dầu bị tra tấn cũng không bỏ đạo, nên nó phải chết giống như đạo trưởng của nó”.

          Bản án gửi về kinh đô. Gần một tháng Vua Minh Mạng mới châu phê và đổi thành xử giảo, nóng lòng chờ đợi phút tử đạo, chú Thiện nói với cha Phan:

          “Thưa cha, người ta cứ để cha con mình sống lâu mãi, sao không sớm cho cha con mình được tử đạo, để được kết hiệp cùng Chúa muôn đời”.

          Sáng ngày 21.9.1838 hai cha con bị điệu ra pháp trường ở làng Nhan Biều gần Quảng Trị. Trước khi tử hình, người ta cho hai cha con một bữa ăn cuối cùng, cha Phan không ăn gì cả, chú Thiện thưa với cha: “Con cũng không ăn, để về dự tiệc Thiên Đàng vĩnh phúc, phải không cha?”

          Tới nơi xử, chú Thomas Thiện quì xuống trước mặt cha, lính tháo gông, tròng dây vào cổ, lệnh ban hành, họ kéo hai đầu dây thật mạnh, đầu vị tử đạo 18 xuân xanh gục xuống và tắt thở. Sau đó cha Phan cũng bị xử như vậy.

          Ngày 19.6.1988 Đức Giáo Hoàng Phaolô II tôn phong Ngài lên bậc Hiển Thánh.

          Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã viết nên trang sử oai hùng của Giáo Hội Việt Nam. 117 vị Thánh tử đạo đã vác thập giá theo Chúa, chết vì Chúa. Chết tử đạo là chết vinh quang sẽ khai mở cho các Ngài vào cuộc sống vinh quang muôn đời bất diệt: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

          Người Kitô hữu hôm nay chỉ thực sự làm chứng nhân cho Chúa, thực sự dám chết vì đạo, vì đức tin, vì lòng mến Chúa, khi biểu lộ được tình yêu, lòng nhân ái, sự bao dung của Tin Mừng trong gia đình, trong xã hội.

LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN