Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 32B TN

Mc 12, 38 – 44Đồng Xu Của Bà Góa

(Mc 12,38-44)

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

1.Giá trị của hành động dâng cúng

Giữa Sân người ngoại và Sân phụ nữ có Cổng Đẹp. Có thể Chúa ngồi yên lặng gần đó quan sát sau khi đối đầu với Biệt Phái và Sađốc. Trong Sân phụ nữ có 13 thùng hình chuông dành cho tiền dâng cúng, mỗi thùng dành cho một việc như để mua bắp, rượu hay dầu… dành cho việc duy trì Đền Thờ và nghi lễ hằng ngày. Nhiều người bỏ vào nhiều tiền. Bà góa này bỏ có hai đồng cắc gọi là lepton, có nghĩa là nhỏ nhất trong các đồng cắc, giá tị bằng 1/40 đồng xu. Thấy vậy Chúa Giêsu khen bà đã dâng cúng nhiều hơn những người khác. Trong khi những người khác dâng cúng tiền của có thể nói là dư thừa, thì bà này dâng những gì bà cần thiết.

Bài học:

1.1.Của dâng phải là do hy sinh

Số lượng dâng cúng không quan hệ mà sự hy sinh mới quan hệ. Lòng đại lượng hệ tại ở sự hy sinh. Hy sinh bao nhiêu, của lễ giá trị bấy nhiêu.

1.2.Phải vui lòng, không tiếc xót

Người đàn bà có thể chỉ dâng một cắc, giữ lại một cắc. Giữ lại một cắc không là bao nhiêu, nhưng giữ lại vẫn là giữ lại. Ta thường giữ lại một phần sự sống, một phần hoạt động, không hy sinh hết, từ bỏ hết…

1.3.Phải đại lượng

Thường ta có thể nghĩ mình không có nhiều, không có sức để dâng. Nhưng nếu cứ dâng hết, chắc chắn Chúa sẽ làm của lễ ta dâng thành những kết quả không thể tưởng tượng. Viễn tưởng tương lai (Mt chương 24) Như đã biết, một trong những đặc tính lớn của Matthêu là hay thu góp những lời Chúa dạy trong những dịp khác nhau, về những chủ đề khác nhau, đem về một chỗ. Trong chương 24 này, Matthêu thu góp những lời Chúa nói về tương lai để cho ta thấy về những gì sẽ xẩy ra. Muốn vậy, Matthêu ghi lại tất cả những gì Chúa nói về những lãnh vực khác nhau trong tương lai. Vì thế, để dễ hiểu ta nên phân biệt từng lãnh vực và học hỏi từng lãnh vực. Matthêu nói lẫn lộn những lãnh vực khác nhau trong 31 câu đầu. Nên tốt nhất, ta nên ghi lại tất cả những lãnh vực đó như Matthêu, tiếp đến đặt thứ tự cho những biến cố, sau cùng, nếu cần, đặt chúng vào đúng chỗ. Không thể nói là chắc chắn, nhưng ít ra hình ảnh đại cương sẽ sáng sủa hơn. Thế nên, trước hết, ta nói từng câu như nguyên bản.

2.Những tư tưởng lẫn lộn nhau. Ta hãy phân biệt chúng ra.

  1. Bao vây Giêrusalem 15-22.
  2. Giêrusalem bị bình địa (1-2).
  3. Ngày của Chúa, – đáng sợ (Zp 1:14-18), – bất thần (1Tx 5:2), – vũ trụ bị nghiền nát (Ge 2:30-31; Is 13:10-13), – luân lý tháo thứ. Shurer [1] tóm tắt về Ngày của Chúa ‘Mặt trời mặt trăng tối tăm, gươm giáo xuất hiện trên trời, ngựa, xe, binh lính quần quật trên mây. Vũ trụ rùng mình chuyển động, tháo thứ. Mặt trời xuất hiện ban đêm, mặt trăng ban ngày. Rừng rậm chẩy máu, đồi núi rống la, sông ngòi đầy muối. Đồng ruộng trơ trọi, kho lẫm rỗng tuếch, suối giếng cạn khô. Con người không còn tự chế, tội lỗi vô đạo ngự trị khắp nơi, người ta điên loạn chém giết lẫn nhau; bạn chống bạn, con chống cha, gái chống mẹ. Nước này chống nước kia. Rồi động đất, đói khát’ (6-8; 29-31).
  4. Bắt bớ.
  5. Đe dọa (4-5, 11-13,23-26).[2]

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Tổng thống Wilson của Hoa Kỳ, người đã đưa Nước Mỹ can thiệp vào Thế Chiến Thứ Nhất, là người rất trân trọng đối với những kỷ niệm nhỏ. Một lần kia Tổng Thống và phu nhân cùng nhiều nhân vật cao cấp trong chính phủ dừng lại tại một thành phố thuộc tiểu bang Montana. Cảnh sát làm hàng rào không cho bất cứ ai đến gần Tổng Thống, nhưng không hiểu làm thế nào mà hai cậu bé đã chui lọt hàng rào cảnh sát để đến gần chỗ ngồi của Tổng Thống.     

Hai cậu bé ngắm nhìn một cách say sưa vị nguyên thủ quốc gia của mình. Một cậu bé đã tặng cho ông lá cờ nhỏ bé của nước Mỹ mà cậu đang cầm trong tay. Cảnh sát cố tình ngăn chặn cậu bé, nhưng bà Wilson đã đưa tay đón lấy lá cờ và vẫy tay chào cám ơn em bé một cách nhiệt tình.                 

Cậu bé kia buồn thiu, vì em không có gì để dâng tặng Tổng Thống. Em cố gắng mò mãi trong túi và cuối cùng lôi ra được một đồng xu nhỏ. Em cố gắng vượt qua mọi chướng ngại để chạy đến trao cho Tổng Thống. Em sung sướng vô cùng vì chính Tổng Thống Wilson là người chìa tay ra để đón nhận món quà của em với tất cả sự trân trọng.

Năm năm sau, Tổng Thống Wilson qua đời, bà Wilson xếp lại các đồ dùng quen thuộc của chồng. Mở chiếc ví của ông, bà thấy một bọc giấy giữ gìn cẩn thận. Tháo chiếc bọc giấy, bà nhận ra được ngay đồng xu nhỏ mà cậu bé đã tặng cho chồng bà cách đây 5 năm. Ông Wilson quý đồng xu nhỏ ấy đến độ đi đâu ông cũng mang nó theo.

Tin Mừng hôm nay nhắc đến “Đồng Xu của Bà Góa”, trong khi có nhiều người bỏ tiền vào thùng, nhưng Chúa Giêsu chỉ đưa mắt nhìn một sự kiện đáng lưu tâm mà thôi. “Một người đàn bà góa tiến đến và bỏ vào đó hai đồng xu.” Đó là một bà góa, nghĩa là một phụ nữ, một người đáng thương hại dưới con mắt của nam giới vốn có ưu thế trong gia đình và xã hội thời ấy. Vì không còn sự bao bọc của chồng, người góa phụ chỉ còn nhờ vào tài sản của chính mình, không ai giúp đỡ. Theo sách Đệ Nhị Luật, các bà góa được liệt vào số những người nghèo khổ nhất cùng với những kẻ mồ côi và những kẻ tha phương cầu thực (Đnl 24,17-22). Chính vì vậy thánh Marcô mới nói: “người góa phụ khốn khổ”.

Số tiền bà bỏ vào thùng chẳng có đáng là bao: hai đồng xu, một món tiền chẳng có nghĩa lý gì cả. Tuy nhiên Chúa Giêsu đã nắm lấy cơ hội để qua cử chỉ khiêm tốn này, Ngài dạy cho các môn đệ một bài học quan trọng. Ngài nhấn mạnh đến sự trái ngược là kẻ giàu có cho đi “cái dư thừa” của họ, còn người góa phụ bần cùng lại cho đi chính cái mình đang cần đến nhất, cho luôn chính bản thân mình. Nghĩa là bà đã rút ra từ cái túng thiếu, cái nghèo đói của mình, từ giá trị của hai đồng tiền kẽm chính là tài sản duy nhất nuôi sống mình để dâng cúng vào Đền Thờ. Như vậy, giá trị của việc dâng cúng không hệ tại ở số lượng của cải nhiều hay ít, có giá trị hay không, mà chính là tùy thuộc vào tấm lòng chân thành của người dâng cúng. 

Muốn của dâng trở thành một của dâng đích thực thì phải là của dâng  do lòng hy sinh. Vấn đề không nằm ở số tiền dâng mà ở cái giá người dâng phải trả, không phải là tầm cỡ của lễ vật, nhưng là sự hy sinh. Chính vì vậy mà Mẹ Têrêsa Calcutta nói: “khi ta trao tặng một món quà, mà nếu là một mất mát hy sinh lớn đối với ta, thì đó thật là món quà quí giá”. 

Mẹ Têrexa còn kể rằng một hôm Mẹ đang đi trên đường phố thì gặp một người ăn xin. Người này nói: “thưa Mẹ Têrêxa, ai nấy cũng cho Mẹ hết. Hôm nay tôi cũng xin được cho Mẹ. Trọn ngày hôm nay tôi chỉ xin được 30 xu. Tôi muốn cho Mẹ hết”. Mẹ Têrêxa suy nghĩ một lúc: “nếu tôi lấy 30 xu này thì người ăn xin sẽ không có gì để ăn đêm nay, nhưng nếu tôi không lấy thì ông sẽ đau lòng, vì thế tôi đưa tay ra nhận số tiền đó.

Quả thực tôi chưa từng thấy một khuôn mặt nào rạng rỡ niềm vui như gương mặt người ăn xin này khi ông nghĩ rằng anh cũng có cái gì đó để cho Mẹ Têrêxa”. Và Mẹ Têrêxa kể tiếp: “thật là một hy sinh lớn đối với người nghèo này. Ông đã phải ngồi ngoài nắng suốt ngày mới kiếm được 30 xu. 30 xu chẳng là bao và cũng chẳng làm được gì, nhưng khi ông đưa cho tôi và tôi nhận lấy thì nó trở thành cả hàng ngàn xu bởi vì nó được cho với biết bao tình người.

Thiên Chúa không nhìn đến tầm vóc lớn lao của việc ta làm, Ngài nhìn tấm lòng của ta khi làm việc đó. Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế. Ngài giầu có vô cùng, nhưng những đồng xu nhỏ mà chúng ta trao tặng cho Ngài, Thiên Chúa đón nhận và cất giữ như tổng thống Wilson đã trân trọng đón nhận và cất giữ đồng xu của em bé. Một Thiên Chúa giầu sang dường như không ưa thích của cải dư dật của chúng ta bằng những đồng xu nhỏ của lòng thành, sự quảng đại, những âm thầm hy sinh phục vụ quên mình của chúng ta. Amen.

 Lm Giuse Đỗ văn Thuỵ

[1] The Jewish People in the Time of Christ ii, 154

[2]  Lm Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa Kitô,Quyển Hai Tập Hai, trg.306

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN