Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật XXXII Thường Niên, năm A, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật XXXII Thường Niên, năm A, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 32A TN

Năm cô khôn ngoan

(Mt 25,1-13)

mt25113Khi đọc dụ ngôn này, chúng ta thắc mắc nhiều điều vì phong tục cưới hỏi của người Palestine thời Chúa Giêsu khác hẳn với phong tục của chúng ta ngày hôm nay. Muốn hiểu dụ ngôn 10 cô trinh nữ đón chàng rể, ta nên xem qua phong tục của người Do Thái.
Trong chuyến du lịch Palestine, tiến sĩ Alexander Findlay kể lại như sau: ”khi chúng tôi đến gần cổng một thị xã Galilê, tôi thấy 10 cô gái vẫy tay và đánh đàn vui vẻ, nhảy múa dọc theo con đường phía trước xe chúng tôi. Tôi hỏi họ đang làm gì vậy ?

Người hướng dẫn trả lời là họ ra nhập bọn với cô dâu chờ chàng rể đến.

Tôi hỏi anh ta liệu tôi có dịp thấy đám cưới này không, anh lắc đầu đáp: “có thể tối nay, tối mai hay có khi cả hai tuần lễ nữa, không ai biết chắc lúc nào đám cưới cử hành”.
Đoạn anh tiếp tục giải thích rằng: một trong những niềm vui lớn nhất trong một đám cưới trung lưu ở Palestine là làm sao bắt gặp nhà gái đang ngủ, vì vậy, chàng rể thường đến bất ngờ, đôi khi vào lúc nửa đêm. Nghĩa là việc đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nên nhà gái phải luôn luôn sẵn sàng đi ra đường để đón chàng rể khi chàng đến. Và một điều cần phải lưu ý nữa là không ai được phép ở ngoài đường sau khi trời tối nếu không có đèn. Khi chàng rể đến và cửa đóng lại thì những người đến trễ không được phép vào. Đó là toàn thể quang cảnh dụ ngôn mà Chúa Giêsu nêu ra hôm nay.
Dụ ngôn có nhiều chi tiết nhưng Chúa Giêsu chỉ muốn dựa vào phong tục rước dâu để nói lên sự tỉnh thức và sẵn sàng.

– Sẵn sàng có nghĩa là chuẩn bị đầy đủ. Như trong dụ ngôn, người ta không trách các cô đã ngủ, nhưng trách các cô đã không dự trù đủ số dầu. Các cô đã không chuẩn bị kỹ để ứng phó với tình thế có thể xảy ra.

– Sẵn sàng có nghĩa là biết lãnh trách nhiệm chứ không phải là cậy dựa vào người khác.

Các cô khờ dại chắc có lẽ đã nghĩ rằng: nếu thiếu dầu sẽ nhờ các bạn giúp, nhưng không thể được, vì dầu đèn ở đây là đức tin, lòng mến và các việc lành. Đức tin cần được trau dồi, hun đúc và chăm nom bảo vệ như cô phù dâu lo lắng cho đèn dầu đầy đủ. Có đèn mà không dầu thì đèn trở thành vô ích. Cuộc sống đạo mà không có đức tin soi đường dẫn lối, thì chúng ta sẽ đi trong tối tăm và lạc hướng.

Chúa ban cho mỗi người một khả năng để tự lo liệu. Chúng ta không thể dựa vào việc lành của người khác khi ra trình diện trước mặt Chúa, như các cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan: “các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả’ (Mt 25,8).

Không được. Đức tin, lòng mến và việc lành không thể cho vay mượn. Mỗi người phải sống và thực hành đức tin và lòng mến của mình.[1]

Một câu chuyện kể rằng: có một ông phú hộ rất khô đạo, thường hay nói với người vợ

mỗi sáng Chúa nhật khi bà và các con sửa soạn đi lễ:

– Em hãy đến nhà thờ dự lễ và cầu nguyện cho anh với nhé?

Mỗi lần gặp gỡ bạn bè nói về chuyện đạo, ông thường khoe với họ là ông không cần đến nhà thờ, cũng không cần phải đọc kinh dự lễ, vì đã có vợ ông dự lễ, đọc kinh và cầu nguyện cho cả hai rồi.

Ngày tháng trôi qua, một hôm ông nằm mơ thấy ông và vợ đứng xếp hàng trước cửa thiên đàng đợi đến lượt mình bước vào.

Cửa trời mở ra và mọi người tuần tự vui vẻ tiến vào. Khi đến lượt ông thì thiên thần giữ cửa làm hiệu cho ông dừng lại. Thiên thần quay sang mỉm cười nói với vợ ông:

– Chị hãy vào thiên đàng thay cho cả chồng chị nữa!

Thế là chỉ có vợ ông tiến vào còn ông thì phải bơ vơ đứng ở ngoài.

Vừa tủi thân vừa tức giận đã làm cho ông thức giấc. Ông không dám thuật lại giấc mơ cho vợ, nhưng điều làm cho bà vợ ngạc nhiên là sáng chúa nhật hôm đó, thay vì nói với bà như thường lệ, nhà phú hộ đến gần vợ và nói bên tai bà: từ hôm nay, anh sẽ cùng với em đến nhà thờ dự lễ và cầu nguyện cho chính anh nữa.

Anh chị em thân mến,

Khi chúng ta ra trước mặt Chúa với chính đức tin, lòng mến và việc lành của chính chúng ta chớ không phải của ai khác. Đó là lý do chính đáng mà các cô khôn ngoan nói với các cô khờ dại: “E không đủ cho chúng em và các chị, các chị hãy ra hàng mà mua thì hơn”. Thế rồi chàng rể đến “người ta khoá cửa lại.” Không phải chỉ khép mà khoá lại (locked). Những cánh cửa mở rộng đón khách, nay được khoá lại.

Những thực khách bên trong đang hưởng sự vui mừng hớn hở của bữa tiệc. Họ chấm dứt những giây phút mong đợi dài dằng dặc. Những ai ở ngoài là vĩnh viễn ở ngoài. Họ đã hoang phí thời giơ, sức lực vào những công việc vô ích, không dự trữ dầu đèn đầy đủ nên họ đã để lỡ một cơ hội ngàn vàng. Chính vì vậy Chúa Giêsu kết thúc dụ ngôn bằng lời khuyên: “vậy anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào giờ nào” (Mt 25,13). Amen.

LM Giuse Đỗ Văn Thụy

[1] M. Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm A, tr 322-323

 

Xem thêm

22-11-2024 9-10-55 PM

Lời Chúa – Thứ Bảy Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 23/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN