Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật XXXI TN, năm B, của Trầm Thiên Thu

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật XXXI TN, năm B, của Trầm Thiên Thu

Đệ Nhất Luật

 

tải xuốngCuộc đời có nhiều loại luật, cả đạo và đời. Ngay trong một nhóm nhỏ, thậm chí chỉ có hai người, cũng vẫn có những quy ước nhất định. Muốn hợp tác lâu dài với nhau, người ta phải tôn trọng hợp đồng với nhau – dù đó là hợp đồng bằng văn bản hoặc hợp đồng miệng.

Theo luật luật học, luật pháp được hiểu là tổng thể các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền, được nhà nước đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục, và cưỡng chế.

Luật pháp thông thường được thực thi thông qua hệ thống tòa án. Trong đó, quan tòa sẽ nghe tranh tụng từ các bên và áp dụng các quy định để đưa ra phán quyết công bằng và hợp lý. Cách thực thi luật pháp được coi là hệ thống pháp lý, thông thường phát triển trên cơ sở tập quán của mỗi quốc gia.

Nhà có gia phong, nước có quốc pháp, và các nhà dòng cũng có tu luật. Quả thật, luật có ở khắp nơi, mọi lĩnh vực, với nhiều mức độ: kinh tế, kinh doanh, chính trị, xã hội, môi trường, giao thông (đường thủy, đường bộ, đường hàng không), học tập, hôn nhân,… Nhưng tất cả các loại luật đều phải dựa trên Thiên Luật. Chỉ có Luật Chúa là Đệ Nhất Luật, là luật quan trọng nhất, dựa trên nền tảng yêu thương: mến Chúa và yêu người.

Nhận lệnh của Thiên Chúa, ông Mô-sê nói với dân chúng: “Đây là mệnh lệnh, là những thánh chỉ và quyết định mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã truyền phải dạy cho anh em, để anh em đem ra thực hành trong đất anh em sắp sang chiếm hữu. Như vậy anh (em) cũng như con cháu anh (em) sẽ kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), mọi ngày trong suốt cuộc đời, tuân giữ tất cả những chỉ thịmệnh lệnh của Người mà tôi truyền cho anh (em), và anh (em) sẽ được sống lâu” (Ðnl 6:1-2). Chỉ thị và mệnh lệnh là điều phải tuân giữ, xã hội trần gian còn như vậy, huống chi huấn lệnh của Thiên Chúa, nghĩa là chúng ta phải ưu tiên số một, không sợ khi phải chọn lựa, chấp nhận bỏ luật đời mà giữ luật Chúa.

Giữ luật là điều khó, khó thì khổ, nhưng khó mà giữ được mới đáng công. Và thật vậy, Thiên Chúa không “đày đọa” chúng ta đâu, vì Ngài hứa ban những điều bất ngờ, những điều chúng ta không tưởng tượng nổi: “Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe và lo đem những điều ấy ra thực hành; như vậy anh (em) sẽ được hạnh phúc và trở nên thật đông đảo, trong miền đất tràn trề sữa và mật, như Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh (em), đã phán với anh (em). Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em). Những lời này tôi truyền cho anh (em) hôm nay, anh (em) phải ghi tạc vào lòng” (Ðnl 6:3-6).

Lời hứa của Thiên Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta một điều quan trọng liên quan đức tin, đó là chỉ có “MỘT Thiên Chúa duy nhất” mà thôi (Đnl 6:4; Mc 12:29), không có bất cứ một vị thần nào khác để chúng ta tin kính và tôn thờ, từ cổ chí kim, mọi nơi và mọi lúc.

Vị Chúa mà chúng ta tôn thờ chỉ là MỘT nhưng có BA NGÔI. Ngài là Đấng nhân hậu, vô thủy và vô chung, Ngài có nụ cười hiền hậu chứ không nhăn nhó khó chịu. Vì thế, tác giả Thánh Vịnh đã luôn tôn thờ và kính mến Ngài tuyệt đối: “Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con; lạy Chúa là núi đá, là thành luỹ, là Đấng giải thoát con; lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ” (Tv 18:2-3). Không thể kiềm chế niềm hạnh phúc đó, tác giả Thánh Vịnh đã chia sẻ với người khác, đồng thời cũng là lời xác nhận với chúng ta: “Tôi kêu cầu Chúa là Đấng xứng muôn lời ngợi khen, và tôi được cứu thoát khỏi quân thù” (Tv 18:4). Lời xác nhận này giúp củng cố đức tin của chúng ta hôm nay, những kẻ hậu sinh hèn yếu lắm.

Tác giả Thánh Vịnh tiếp tục tuyên xưng: “Đức Chúa vạn vạn tuế! Chúc tụng Người là núi đá cho tôi trú ẩn. Tôn vinh Thiên Chúa là Đấng cứu độ tôi, là Thượng Đế giúp tôi rửa sạch hận thù, bắt chư dân quy phục quyền tôi. Lạy Chúa, Ngài giải thoát con khỏi thù địch cho thắng cả đối phương, cứu khỏi người tàn bạo. Vì thế giữa muôn dân, con cất lời cảm tạ, dâng điệu hát cung đàn ca mừng danh thánh Chúa. Chúa ban nhiều chiến thắng lớn lao cho Đức Vua chính Người đã lập” (Tv 18:47-51ab). Thiên Chúa là “đèn trời soi xét” (Tv 4:2), Ngài “biết thừa mọi bí ẩn tâm can” (Tv 44:22), chắc chắn Ngài biết tâm hồn ai chân thật hay lọc lừa, đểu thật hay đểu giả.

Luật Chúa là Lời Chúa, là Ý Chúa, là lương thực của các Kitô hữu. Thật vậy, chính Chúa Giêsu đã xác định: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4b). Ước gì mỗi chúng ta đều có thể thanh thản thân thưa: “Lạy Chúa, xin dò xét và thử thách con, tâm can này, xin đem thử lửa” (Tv 26:2). Quả thật, đây là điều không dễ thực hiện, nghĩa là phải thực sự can đảm và dứt khoát, tất nhiên cũng phải có một tình yêu chân thành.

Kinh Thánh cho biết: “Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật” (Tv 40:7a). Thật vậy, ngay cả lễ toàn thiêu và lễ xá tội mà Ngài cũng không đòi (Tv 40:7b). Nghĩa là Ngài muốn chúng ta tuân giữ luật Ngài truyền. Tuân giữ Luật Chúa là vâng lời Ngài. Ngài mở tai chúng ta để chúng ta lắng nghe Ngài, và Ngài muốn chúng ta không chần chừ thân thưa: “Này con xin đến!” (Tv 40:8). Ước gì chúng ta có thể nói thật lòng với Ngài thế này: “Con thích làm theo thánh ý, và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con!” (Tv 40:9).

Giữ Luật Chúa thì có lợi, nhưng không giữ thì sao? Bất lợi là cái chắc. Đó là vấn đề công bằng thôi!

Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta dù chúng ta bất xứng, Ngài yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân kia mà, nghĩa là chúng ta còn dơ bẩn chứ đâu phải đã “tắm rửa” cho bớt hôi thối (x. Rm 5:8). Đó là bằng chứng minh nhiên về lòng thương xót của Thiên Chúa.

Thánh Phaolô cho biết: “Trong dòng tộc Lê-vi, có nhiều người kế tiếp nhau làm tư tế, bởi vì họ phải chết, không thể giữ mãi chức vụ đó. Còn Đức Giêsu, chính vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi. Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ” (Dt 7:23-25).

Nếu ai trong chúng ta yêu một người nào đó mà không được đáp lại, thậm chí còn bị phản bội và bị nói xấu đủ thứ, chắc chắn chúng ta nói họ là dại dột, ngu xuẩn, hoặc si tình. Thế mà Thiên Chúa là người yêu như vậy, yêu cuồng si những kẻ phản bội mình. Quả thật, chúng ta quá đáng lắm, trái tim bằng sắt nung chứ không chỉ là gỗ hoặc đá đâu. Trái tim của chúng ta bị chứng xơ vữa động mạch mãn tính rồi!

Chúng ta bất xứng đến nỗi không thể tự đền tội, mà phải nhờ đến một Vị Thượng Tế Thập Toàn, đó là Đức Kitô Giêsu, chính Con Thiên Chúa.

Thánh Phaolô xác nhận: “Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến: một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời. Đức Giêsu không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ. Vì Luật Môsê thì đặt làm thượng tế những con người vốn mỏng giòn yếu đuối, còn lời thề có sau Lề Luật, lại đặt Người Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời” (Dt 7:26-28).

Trình thuật Mc 12:28b-34 (Mt 23:34-40; Lc 10:25-28) đề cập “điều răn đứng hàng đầu” – tức là điều răn quan trọng nhất, gọi là Đệ Nhất Luật, và nói tới “MỘT Thiên Chúa duy nhất” như Cựu Ước đã nói tời từ xa xưa (Đnl 6:4).

Một hôm, có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giêsu và những người thuộc nhóm Xa-đốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giêsu đối đáp hay, ông mới đến gần Ngài và hỏi một câu “xóc óc” lắm: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?”. Rõ ràng lão kinh sư này tâm phục rồi đấy nhưng lại chưa khẩu phục. Chuyện nhỏ thôi mà!

Đức Giêsu điềm nhiên trả lời bằng một mệnh lệnh: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi PHẢI yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó”. Đó là luật hai-trong-một, một điều to và một điều lớn, điều nào cũng quan trọng. Sau khi nghe Đức Giêsu nói vậy, ông kinh sư gật gù tâm đắc, vừa tâm phục vừa khẩu phục, thế nên ông nói với Ngài: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”.

Kể ra ông kinh sư này cũng “ngon lành” lắm, biết luật lắm. Đức Giêsu thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!”. Sau đó, không ai dám chất vấn Ngài nữa. Chắc chắn là vậy, vì còn ai có thể “đấu lý” với trí tuệ của Thiên Chúa?

Lạy Thiên Chúa, Đấng chí minh và chí thiện, xin giúp con “biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người” (Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô Assisi). Xin tạo cho con một trái tim mới và trong sạch, xin làm cho con nên khí cụ của hòa bình và công lý. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …