Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN, NĂM B, CỦA LM TRẦN MINH ĐỨC BẢY

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN, NĂM B, CỦA LM TRẦN MINH ĐỨC BẢY

(Mc 12, 28-34)

 

1. Bài Đọc

            “Có một người trong nhóm Luật Sĩ bước tới hỏi Chúa Giêsu: ‘Trong các giới luật, điều nào trọng nhất?’. Chúa Giêsu đáp lại: ‘Giới luật trọng nhất là điều này: Hỡi Israel (1), hãy nghe đây, Thiên Chúa, Chúa Thượng của ngươi là Thiên Chúa duy nhất; ngươi hãy kính mến Thiên Chúa là Chúa Thượng của ngươi hết tâm tình, hết linh hồn, hết tinh thần và hết sức lực. Đó là giới luật thứ nhất. Còn điều thứ hai cũng giống như thế: Ngươi hãy thương yêu người ta (2) như chính mình ngươi. Không có giới luật nào trọng hơn hai điều đó’. Người Luật Sĩ lại thưa: ‘Thưa Thầy, Thầy dạy đúng lắm, vì chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, ngoài ra không có Thiên Chúa nào khác nữa (3). Kính mến Thiên Chúa hết tâm tình, hết lý trí, hết linh hồn, hết sức lực, và thương yêu người ta như chính mình thì hơn mọi tế lễ toàn thiêu (4) và hy sinh’. Chúa Giêsu thấy người ấy đáp lại khôn ngoan mới nói: ‘Ông không còn xa Nước Thiên Chúa’. Rồi không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa”.

 

2. Chú Thích

            (1) Hỡi người Israel: Theo bản văn của sách Đệ Nhị Luật trong Thánh Kinh của người Do Thái: ’Nghe đây, hỡi Israel! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng, hết dạ, hết sức anh em’ (Đnl 6,4-5).

            (2) Ngươi hãy thương yêu người ta: Theo bản văn sách Lêvi trong Thánh Kinh của người Do Thái: ‘Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình’ (Lv 19,18). Nguyên văn Do Thái là ‘người gần nhất’, văn Tây Phương là ‘người gần gũi, người láng giềng’, nhưng có nghĩa ‘người khác, tha nhân’.

            (3) Không có Thiên Chúa nào khác nữa: Theo bản văn sách Đệ Nhị Luật: ‘Chính anh em đã được cho thấy những điều đó, để biết rằng Đức Chúa là Thiên Chúa, và ngoài Người ra không có thần nào khác nữa’ (Đnl 4,35).

            (4) Tế lễ toàn thiêu: Theo tục Do Thái, hỏa thiêu trên bàn thờ hết cả con vật, chỉ trừ da để riêng cho các chính tế. Luật dạy sáng tối ngày thường, mỗi lần phải hỏa thiêu một con chiên; ngày thứ Bảy, phải hỏa thiêu hai con (Ds 28,1-10). Có những dịp lễ tư nhân cũng phải hỏa thiêu như thế (Ds 6,11.14-16; 8,12); (Lv 12,6-8; 14,20.32; 15,15-30).

 

3. Suy Niệm

            (1) Khi trả lời người Luật Sĩ, Chúa Giêsu đã nhắc lại rõ ràng lời Thánh Kinh của họ. Trong lời này, có nói rõ Thiên Chúa duy nhất của ngươi. Không phải riêng cho người Do Thái, nhưng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất cho cả nhân loại và muôn đời. Ai đã làm người cũng do Thiên Chúa sáng tạo và điều khiển, phải hết lòng thờ phụng và kính mến Thiên Chúa. Có người gọi Thiên Chúa theo danh này hay danh khác, nhưng vẫn là một Tạo Hóa, một Thượng Đế, một Thiên Chúa. Có người giữ đúng luật Thiên Chúa, có người giữ không đúng; có người biết đúng, có người biết sai lầm, hơn thua nhau ở điểm này. Trước là người Do Thái, sau là người Thiên Chúa Giáo, cả Chính Thống Giáo, Công Giáo và Tin Lành đều có biết điều đặc biệt là phải kính mến Thiên Chúa. Trong các tôn giáo khác, chỉ nói thờ phụng và kính sợ Thượng Đế. Lại biết rõ phải kính mến Thiên Chúa hết lòng hết sức, dù có nói cách này cách khác, cũng quy về mấy ý tưởng này. Nghĩa là không được có điều gì, ý tưởng hay tâm tình nào quy về nghĩa gì khác, nhưng vạn sự đều chỉ vì kính mến Thiên Chúa. Vì yêu thương là điều đặc biệt của tinh thần, Thiên Chúa là yêu thương và người ta chỉ có thể yêu thương. Vạn việc của Thiên Chúa chỉ vì yêu thương, thì vạn việc của người ta cũng phải do đó và quy về đó. Yêu thương chân chính, xác thực, xứng đáng, là phải yêu thương Vị Yêu Thương, là kính mến Thiên Chúa. Nếu không kính mến Thiên Chúa hết lòng hết sức, còn lấy người nào, việc gì hay thứ gì hơn Thiên Chúa, là sai lầm, chưa biết yêu thương, chưa sống đúng nghĩa con người. Càng kính mến Thiên Chúa hết lòng hết sức, càng thực hiện con người, thì càng được hạnh phúc chân thực xứng đáng của con người.

 

            (2) Vì con người là thụ tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa, là có tinh thần, nên có thương yêu, khiến cho người phải yêu người. Có hay không có tôn giáo, hữu thần hay vô thần, duy tâm hay duy vật, ai cũng công nhận luật này. Nhưng người không tin Thiên Chúa thì nói là phải theo tính thiên nhiên, mặc dù họ biết có nhiều người vẫn theo luật này. Còn người Thiên Chúa Giáo lại tin Thiên Chúa muốn cho người ta phải yêu người, vì người ta là con của Thiên Chúa. Cha vẫn muốn cho người ta yêu thương con mình, anh chị em phải thương yêu nhau. Không những Thiên Chúa đặt trong bản tính thiên nhiên của con người, khiến cho xưa nay, ai cũng công nhận. Thiên Chúa lại còn dùng dịp này hay dịp khác, người này hay người kia nhắc nhủ luật này. Đặc biệt là trong cuộc đời, trong mọi ngôn ngữ hành vi của Chúa Cứu Thế, đều tỏ ra cho người ta biết Thiên Chúa yêu thương người ta còn hơn những người cha dưới thế này yêu thương con cái mình, và người ta phải kính mến Thiên Chúa như Cha và thương yêu người khác như anh em. Luật mến Thiên Chúa và yêu thương người ta vẫn đi với nhau, ràng buộc lấy nhau, không thể có bên này mà không có bên kia. Đạo Thiên Chúa còn dạy rõ ràng và tha thiết, thấu đáo và xác đáng hơn đạo Do Thái. Đó là giá trị của hai đạo này. Có lẽ cũng vì đó khiến cho người lưu ý phải công nhận hai đạo này có chân lý là yếu thể và trung tâm. Có thể có những điều gì người ta thêm thắt phụ họa sai lầm, chứ hai luật này vẫn là chính yếu của tôn giáo. Dù người ta có thêm điều kiện hay đức tính công bình. Nhưng công bình vẫn ở trong bác ái, công bình cho đúng không cản trở hay mâu thuẫn với bác ái. Có bác ái thực, là có công bình; có thể lo giữ công bình mà không có bác ái, như những bánh xe hay đinh ốc trong một bộ máy, thứ gì làm việc của thứ ấy, đối với thứ khác, nhưng chưa phải và chưa đúng nghĩa con người.

 

            (3) Hiểu được tính cách cao trọng và cần thiết của hai luật này, người Luật Sĩ kia đã nói là hơn mọi thứ tế lễ toàn thiêu và hy sinh, là hai việc người Do Thái vẫn quý trọng, họ đã đặc biệt lưu ý. Tế lễ vì muốn tỏ lòng kính mến. Vì kính mến thì dâng hiến, hay là thương yêu thì cho. Nhưng Thiên Chúa không cần gì lễ vật và dấu hiệu bày tỏ. Thiên Chúa chỉ chờ đợi và đòi hỏi lý trí, tâm tình, ngôn ngữ và cử chỉ của người biết yêu thương và yêu thương cho thực. Trước là chiều theo ý người mình yêu thương; là theo ý Thiên Chúa và luật Thiên Chúa. Điều đáng tiếc trong các tôn giáo, dần dần đã có nhiều người chỉ ham theo những dấu hiệu bên ngoài mà quên thực chất ý nghĩa bên trong, ham cho mình mà quên mến Thiên Chúa và yêu thương người ta. Họ đã đổi tôn giáo thành ra một mớ hình thức ngôn ngữ, cử chỉ, trước đối với Thiên Chúa, sau đối với người ta, và họ đã đặt họ làm trung tâm điểm, làm mục đích, không còn chỗ cho Thiên Chúa và người ta, thì đâu còn phải là tôn giáo. Chúa Giêsu đã nhận người Luật Sĩ kia gần đời sống đạo đức, gần được hạnh phúc chân thực, gần xứng đáng con người hoàn toàn, vì đã biết đặt trọng luật mến Thiên Chúa và yêu thương người; nhưng còn phải thi hành, mới là đến nơi. Mến Thiên Chúa và yêu thương người không phải một thứ tình cảm mun mơn với cõi lòng, hay là với những ngôn ngữ, cử chỉ, như với tình nhân; cũng không phải những cách thương xót Thiên Chúa, hay là thương xót người ta, nhưng chính là phải thi hành ý Thiên Chúa và luật Thiên Chúa, phải làm thế nào cho người ta được hạnh phúc, phải tránh mọi ngôn ngữ, cử chỉ làm cho người ta buồn phiền đau khổ, nói được là tránh cho Thiên Chúa khỏi phải đau lòng, vì thấy con cái thân yêu của mình lại làm khổ cho nhau./-

                                                @Thiên Phong-Trần Minh Đức Bảy

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN