Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 31B TN

Giới Răn Trọng Nhất Mc 12, 28b-34b

(Mc 12,28b-34)

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

Theo Matthêu thì hình như đến lượt người Biệt Phái nhẩy vào tấn công, nhưng như Maccô nói thì lại khác. Người thông luật không đến để hỏi thử Chúa mà để cảm ơn vì Chúa đã bác bỏ lý luận của phái Sađốc cách khéo léo. Maccô cũng cho biết sau đó, Chúa và người thông luật đã gần gũi nhau. “Thấy Đức Kitô đáp hay, ông đến gần Người và hỏi” (Mc 12:28-34).

1.Có thể nói, ở đây Chúa cho một định nghĩa đầy đủ về tôn giáo

1.1.Tôn giáo hệ tại vào lòng yêu mến Thiên Chúa

Lời Chúa đáp là từ Sách Đệ Nhị Luật (6,5). Đó là một phần của kinh Shema, là kinh tỏ ra niềm tin nền tảng, cốt yếu của người Do Thái trong mọi lần thờ phượng, trẻ con phải học thuộc lòng. Phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng. Nghĩa là lòng mến Chúa phải bao trùm tất cả, chế ngự tình cảm, hướng dẫn tư tưởng ý nghĩ của ta, là động lực để ta hành động.

1.2.Tình yêu mến Thiên Chúa phát sinh ra tình yêu đồng loại

Giới răn thứ hai Chúa trưng là từ sách Lêvi 19:18. Tình yêu mến Thiên Chúa phát sinh ra tình yêu đồng loại. Nhưng phải ghi chú thứ tự, đó là trước hết phải yêu mến Thiên Chúa, sau đó mới đến yêu người. Chỉ khi mến Chúa, người ta mới đáng yêu. Theo Kinh Thánh, con người không phải là tập hợp những chất hóa học, một thụ tạo cầm thú, mà là hình ảnh của Thiên Chúa (Kn 1:26-27), vì vậy mà con người đáng yêu. Nền tảng đích thực của nền dân chủ là tình yêu mến Thiên Chúa. Không có lòng mến Chúa, người ta sẽ tức giận với người không học, bi quan với người không thể cải hóa, cứng cỏi với người đầu óc máy móc. Lòng yêu người bám rễ vững chắc trong lòng mến Chúa. Đạo đức chính thực, là lòng mến Thiên Chúa và yêu người, sốt sắng phụng thờ Thiên Chúa và cụ thể phục vụ tha nhân.

2.Luật được tóm gọn (Mc 12:28-34)

 Vì thấy rất nhiều luật lệ, quy chế, nên tự nhiên người ta muốn hỏi điều nào trọng nhất. Thời đó có hai khuynh hướng lớn: một muốn rõ ràng, cụ thể, từng trường hợp… càng chi tiết càng tốt… để khỏi bối rối. Một lại muốn rút vắn lại. Một người đang học đạo, đứng một chân, hỏi Hillel.

– Hillel đáp ‘điều không muốn, đừng làm cho người khác. Đó là toàn thể lề luật, ngoài ra chỉ là giải

   thích. Hãy đi mà học’.

– Akiba nói ‘Hãy thương người như mình, đó là lớn nhất, nguyên tắc chung cho lề luật’.

– Simon the Righteous thì nói ‘ba điều giữ vững thế giới, là lề luật, thờ phượng và việc bác ái’.

– Sammlai dạy rằng Môsê nhận 613 giới răn trên núi Sinai, 365 theo ngày trong năm và 248 theo

  thế hệ.

– Đavít rút lại thành 11 trong Thánh vịnh 15.

  1. Sống không đáng trách. 2. Hành động đúng. 3. Hết lòng nói sự thật. 4. Không vu cáo.
  2. Không gây ác. 6. Không trách móc hàng xóm. 7. Không màng nhìn điều xấu. 8. Kính người

   sợ Thiên Chúa. 9. Thờ phượng tự tâm và không thay đổi. 10. Không lấy lãi. 11. Không bóc

   lột người vô tội. 

– Isaia rút lại thành 6: 1. Sống công chính. 2. Nói ngay thẳng. 3. Không bóc lột.

  1. Không hối lộ. 5. Không giết người hay đả thương. 6. Không xem điều xấu.

– Micah rút lại còn 3 (6:8): a. Giữ công bằng. b. Tử tế. c. Khiêm tốn trước Thiên Chúa (with God).

– Isaia lần nữa lại rút xuống 2 (56:1): 1. Giữ công bằng. 2. Sống công chính.

– Sau hết Habakkuk rút thành 1 (2:4): người công chính sống đức tin. Âutinh sau này cũng nói

  ‘Mến Chúa rồi làm gì thì làm’. Có phái lại dạy ngược lại, cho rằng điều nào cũng quan trọng,

   phân biệt trọng hèn rất nguy hiểm. Có người chủ trương chỉ cần những nguyên tắc lớn, như

   Âutinh ‘hãy yêu mến Thiên Chúa rồi làm gì thì làm’. Có người lại muốn càng chi tiết càng tốt.

3.Đáp lại, Chúa liên kết hai điều quan trọng thành một

3.1.‘Hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất’

Đây là tín điều thực sự của Do Thái giáo (Đnl 6:4). Tín điều gồm ba giới lệnh gọi là Shema. Shema có nghĩa là ‘hãy nghe’:

– Hãy nghe là lời mở đầu trong các sinh hoạt Hội Đường, đã và vẫn còn thịnh hành. Toàn thể ‘hãy nghe’ gồm Đnl 6:4-9; 11:13-21; Ds 15:37-41, tuyên bố Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất, nền tảng niềm tin độc thần của người Do Thái;

– Cả ba lời truyền được chứa trong những hộp kinh (Mt 23:5) nhỏ bằng da người Do Thái sốt sắng đeo trên trán và cổ tay khi cầu nguyện (Đnl 6:8);

– Shema được đựng trong ống nhỏ gọi là Mezuzah vẫn còn treo trên cửa nhà và các buồng trong nhà của người Do Thái. Khi nghe Chúa trưng, người Do Thái sốt sắng nào cũng đồng ý.

3.2.Hãy yêu người như mình’

Hãy yêu người như mình’ lấy từ Lv 19:18. Người ở đây được hiểu là những người Do Thái thôi chứ không hiểu người ngoại; người ngoại vẫn bị ghét. Chúa không hạn định ý nghĩa cũng như ranh giới… quả thực, chưa ai liên kết hai thành một như Chúa.[1]

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

            Sau khi thất bại trong việc gài bẫy Chúa Giêsu trong việc nộp thuế cho vua César, nhóm Biệt Phái muốn tấn công Chúa Giêsu bằng một cú đòn khác: họ sai một tiến sĩ luật đến hỏi thử Chúa Giêsu: “thưa Thầy, trong lề luật điều răn nào trọng nhất”?           

Chữ “Lề Luật” ở đây có ý chỉ toàn thể lề luật trong Cựu Ước. Câu hỏi này không nhằm một trường hợp đặc biệt nào, nhưng muốn tìm biết điểm cốt yếu trong lề luật vì trong Luật Do Thái gồm 613 điều luật, trong đó có 365 điều luật cấm và 248 điều luật phải làm.  

Sở dĩ đặt câu hỏi này là vì một đàng các phe nhóm không đồng ý với nhau về điều răn nào là quan trọng nhất, đàng khác họ muốn thử Chúa Giêsu để gài bẫy Người, vì nếu Người trả lời điều luật này trọng, điều luật kia không trọng thì thế nào Người cũng bị qui lỗi  là về phe nhóm này, chống nhóm kia, và như vậy Người thiên vị và không còn được kính nể nữa. Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời rằng: “ngươi hãy yêu mến  Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Còn giới răn  thứ hai cũng giống điều răn ấy là ngươi hãy yêu thương tha nhân như chính mình ngươi”. Cả hai điều răn này đều được nói đến trong Lề Luật, và bất cứ người Israel nào cũng đều phải biết và ghi nhớ.

            Đức Giêsu đã chỉ làm một việc là trích sách Đệ Nhị Luật (6,4-5) và Lêvi (19,18). Chỉ có một điều đặc biệt ở chỗ là Người đã đặt hai điều răn này ngang hàng với nhau. Có nghĩa là điều răn thứ hai cũng đáng được quan tâm tuân giữ như đối với điều răn thứ nhất, tức là Người nối kết hai điều răn với nhau và dành cho chúng vị trí cao nhất. Hơn nữa, Đức Giêsu còn tuyên bố rằng “tất cả Lề Luật và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy”, có nghĩa là hai điều răn này diễn tả trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa trong Kinh Thánh, do đó hàm chứa tất cả mọi điều răn khác.

            Phải nói đây là hai giới răn rất đặc biệt, bề ngoài như có vẻ là hai giới răn, nhưng thật ra chỉ là hai cách diễn tả của một giới răn duy nhất. Cả hai giới răn chỉ có một động từ duy nhất là «yêu», đối tượng của động từ «yêu» này có vẻ là hai đối tượng khác nhau: tuy có thể phân biệt rõ rệt trên lý thuyết, nhưng trên thực tế thì dường như không thể phân biệt, và không nên phân biệt. Vì thế, hai điều răn ấy «tuy hai mà một», tương tự như hai mặt của một tờ giấy: tuy là hai mặt khác nhau, nhưng chỉ là một tờ giấy duy nhất. Chính vì thế, thánh Gioan mới nói: «nếu ai nói: “tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy» (1Ga 4,20). Do đó, «ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương anh em mình» (4,21)

            Vậy chúng ta đã thực hiện giới răn “mến Chúa” và nhất là “yêu người” như thế nào? Có câu chuyện kể rằng: trên một con đường vắng, một chiếc xe đang phóng nhanh chợt đột ngột thắng gấp và tấp vào lề đường. Ai đó vừa ném một hòn đá vào cánh cửa chiếc xe.

Bước ra khỏi xe, liếc nhìn chỗ xe bị ném, người lái xe bực tức chạy nhanh đến tóm ngay thằng bé đứng gần đó – chắc chắn nó là tác giả của vết trầy trên chiếc xe. Trước đó anh đã thấy nó vẫy xe, chắc là để đi nhờ. “Không cho đi nhờ mà mày làm như vậy hả?” Anh vừa gằn giọng vừa nắm chặt cổ áo đẩy cậu bé sát vào chiếc xe…

Cậu bé lắp bắp sợ hãi: “em xin lỗi! nhưng em … em … không biết làm cách nào khác. Nếu em không ném vào xe của anh thì anh đã không dừng lại… nãy giờ em đã vẫy biết bao nhiêu xe mà không có ai chịu dừng”.

            Nói đến đó, nước mắt cậu bé lăn dài trên má. Cậu chỉ tay về vệ cỏ phía bên kia đường. “Có một người… anh ấy bị ngã và chiếc xe lăn của anh ấy cũng ngã theo. Em tình cờ đi ngang qua thấy vậy nhưng không thể đỡ nổi anh ấy vì anh ấy nặng quá”. Giọng ngắt quãng vì những tiếng nấc liên tục, cậu bé nài nỉ: “anh có thể giúp em đưa anh ấy lên chiếc xe lăn được không? Anh ấy ngã bị chảy máu, chắc là đau lắm.

            Lời nói của cậu bé khiến anh thanh niên không thể thốt lên được lời nào. Anh thấy cổ mình như nghẹn lại vì  xúc động. Anh đến đỡ người bị ngã lên chiếc xe lăn, băng vết thương và cùng cậu bé kéo xe lên đường.

            Cậu bé tiếp tục đẩy chiếc xe lăn chở nạn nhân về nhà. Người thanh niên dõi mắt nhìn theo cho đến khi hình ảnh cậu bé và chiếc xe lăn khuất sau rặng cây đường làng. Anh bước thật chậm về phía chiếc xe của mình. Sự giận dữ trong anh biến mất. Anh quyết định không sửa lại vết trầy trên xe. Anh muốn nó sẽ nhắc nhở anh về câu chuyện xúc động hôm nay, về một điều mà trước nay anh không để ý đến và cũng không có thời gian để nghĩ đến. Anh đã không nhận ra, không có được lòng trắc ẩn như cậu bé. Anh đã tiếc thời gian và đi quá nhanh đến nỗi phải có một ai đó ném một hòn đá vào xe mới làm anh dừng lại. Amen

Lm Giuse Đỗ văn Thuỵ 

[1] Lm Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa Kitô,Quyển Hai Tập Hai, trg.289

Xem thêm

JESUS

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai sau Lễ Hiển Linh, của Lm Minh Anh

CÙNG MỘT THÔNG ĐIỆP Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói, “Hãy sám hối, …