Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN, NĂM B, CỦA LM AN TÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN, NĂM B, CỦA LM AN TÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Bí quyết để sống lâu

CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN B

(Mc 12, 28b-34)

Mc 12, 28b-34bƯớc muốn sống lâu, sống hạnh phúc khang an trên mặt đất này là ước muốn của mọi người. Vậy đâu là bí quyết?

Hãy tuân giữ huấn lệnh và giới răn Chúa

Hỡi Israel, hãy nghe đây…” Biểu thức nầy thường được lập đi lập lại trong sách Đệ Nhị Luật. Kinh nguyện hằng ngày của người Do thái bắt đầu với lời mời gọi này: “Hãy nghe, hỡi Ít-ra-en”, được mượn ở Đnl 6, 4-9.

Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng : “Các ngươi hãy kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ mọi huấn lệnh và giới răn của Người mà tôi truyền dạy cho các ngươi, cho con cái cháu chắt các ngươi tuân giữ mọi ngày trong đời sống các ngươi, để các ngươi được sống lâu dài” (Đnl 6, 2). Việc tuân giữ các huấn lệnh của Thiên Chúa là vấn đề sống còn đối với dân Israel. Để chẳng những được sống, mà còn sống lâu dài thì ông Môsê truyền cho dân chúng phải tuân giữ mọi huấn lệnh và giới răn của Chúa. Tuân giữ chẳng những một thời gian, nhưng phải hàng ngày. Điều mà bản văn Đệ Nhị Luật nhắm đến là cuộc sống của dân Israel với tư cách dân Giao Ước. Không tuân giữ Lề Luật đồng nghĩa với việc vi phạm Giao Ước, tức là đánh mất những phúc lộc mà Thiên Chúa hứa ban. Vì thế, tiếp liền ngay sau những lời nầy là: “Như vậy, anh em sẽ được sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất mà Đức Chúa, là Chúa của cha ông anh em, ban cho anh em”. Việc thực hành các huấn lệnh gắn liền với niềm xác tín rằng Thiên Chúa đảm bảo cho họ một cuộc sống trường thọ và thịnh vượng, họ sẽ “được phần phúc và sinh sản ra nhiều” (Đnl 6, ). Để có được như thế, họ phải yêu mến Chúa hết lòng.

Yêu mến Chúa hết lòng

Để được sống lâu dài, Môsê đã truyền cho dân chúng phải tuân giữ huấn lệnh và các giới răn của Chúa, trong đó có yêu mến Chúa hết lòng. Đến lượt Chúa Giêsu, Người cũng chỉ cho nhóm luật sĩ phải : “Yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi.” (x.Mc 12, 28-34). Câu luật này trích trong sách Đệ nhị luật 6,5 có đổi một chút, thay vì “hết sức” thì Chúa nói là “hết trí khôn”. Song cốt yếu không có gì đổi.

Chúa cũng mời họ tuân giữ giới răn thứ hai : “ Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi” (Mt 22, 39). Luật này trích ở sách Lêvi 19,18 có khác ở chỗ thay vì yêu kẻ khác thì yêu đồng loại: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình”. Chúa không đòi hỏi chúng ta nhiều điều, bởi “yêu mến là chu toàn cả Lề luật” (Rm 13, 10).

Yêu tha nhân như chính mình

Chúa có truyền dạy chúng ta yêu chính mình không ? Thưa: Thiên Chúa xét thấy không cần buộc con người phải yêu chính mình, vì không ai ghét mình bao giờ. Chắc chắn ai trong chúng ta cũng muốn yêu mình. Nên khi truyền dạy “Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình”, Chúa Giêsu như đặt một tấm gương để tự chúng ta soi xem mình có yêu “kẻ khác” hay không? Chúa Giêsu xem tình yêu ” kẻ khác ” như “mệnh lệnh của Người,” mệnh lệnh tóm tắt toàn thể lề luật. “Đây là mệnh lệnh của Thầy, là anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em” (Ga 15, 12). Nhiều người có khi đồng hóa toàn thể Kitô giáo với luật yêu người.

Theo quan niệm của Người Do thái lúc bấy giờ thì “tha nhân” là những người đồng chủng, đồng hương, đồng xứ (x. Lv 19, 18).  Còn “kẻ khác” được hiểu là hết mọi người, (x. Mt 25, 40). Khi Chúa Giêsu bảo người thông luật “hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi“, Người có ý dạy phải thương yêu mọi người chứ không giới hạn trong những người đồng hương với nhau (Mt 25, 40), không những thế mà lại còn phải yêu thương cả địch thù nữa (Mt 5, 43), và yêu như thế nào ? “Yêu như chính mình ngươi”.

“Như chính mình” Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh người được yêu đồng hóa với người yêu, vì vậy, phải yêu thương kẻ khác bằng chính tình yêu đối với bản thân, nhưng tiên vàn phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN