(Dnl 6, 2-6;; Dt 7, 23-28; Mc 12, 28-34)
“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng
Và yêu thương anh em như chính mình”
Tin mừng Marcô 12, 28-34:
Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giêsu và những người thuộc nhóm Xa-đốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giêsu đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?”. Đức Giêsu trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó”. Ông kinh sư nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”. Đức Giêsu thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!”. Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.
Suy niệm:
Tin mừng hôm nay tường thuật cuộc trao đổi giữa Chúa Giêsu và người luật sĩ về giới răn quan trọng nhất. Đức Giêsu đã xác nhận tình yêu là căn bản cho cuộc sống tôn giáo. Vì thế mến Chúa và yêu người là giới răn quan trọng nhất, là cốt lõi của đạo Công giáo, bản chất của đạo Công giáo, bởi vì đạo Công giáo là đạo bác ái, đạo tình thương.
Khi người luật sĩ đặt câu hỏi: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” Một câu hỏi khó trả lời cho chính xác. Giới răn ở đây chỉ toàn thể các giới răn trong Cựu ước được gọi là Torah hay luật Môsê, gồm 613 điều luật. 248 điều tích cực buộc phải làm và 365 điều tiêu cực buộc phải tránh. Sau này các luật sĩ và biệt phái thêm vào rất nhiều luật lệ chi tiết, làm cho việc giữ luật rất nặng nề, hình thức…
Khi trả lời câu hỏi, Chúa Giêsu xác định lại về tính độc nhất của Thiên Chúa để nói lên lý do và tính cách quan trọng của lề luật :
“Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi… Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình”.
Đức Giêsu muốn nhắc nhở người Do Thái cũng như mọi người phải quy hướng tất cả cuộc sống về Thiên Chúa để tôn thờ, phụng sự và yêu mến Thiên Chúa hơn tất cả mọi sự, vì Người là Thiên Chúa duy nhất. Yêu mến Thiên Chúa là bổn phận của mọi thụ tạo, không miễn trừ cho ai, phải đặt Thiên Chúa lên trên hết.
Còn luật “yêu mến tha nhân như chính mình”. Chúa Giêsu trích dẫn sách Lêvi 19, 18-34. Trong Cựu ước, tha nhân chỉ những người thân tộc, những người gần gũi với người Do Thái về huyết thống và chủng tộc. Theo Chúa Giêsu, tha nhân chỉ hết mọi người không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, người thân hay kẻ thù. Tất cả đều là anh em với nhau vì có Thiên Chúa là cha mọi người. Yêu mến tha nhân như chính mình trong tương quan tình yêu và bác ái. Đó là nét độc đáo của Đức ái Kitô giáo, của tình yêu Kitô giáo. Đạo Công giáo không có kẻ thù. Chính Chúa Giêsu đã dạy: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 44).
Điều độc đáo nhất của giới luật yêu thương là Đức Giêsu đã liên kết hai điều răn mến Chúa và yêu người là một: Mến Chúa phải yêu người, yêu người là thước đo lòng mến của ta đối với Thiên Chúa. Thánh Gioan tông đồ nói: Mến Chúa mà không yêu thương anh em là kẻ nói dối. Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh em ví như hai mặt của một đồng tiền giá trị được sử dụng trong vương quốc Thiên Chúa. Nếu đồng tiền chỉ có một mặt, đó là đồng tiền giả (Mt 7, 22) (Lc 13, 25).
Mến Chúa và yêu người là một. Ai cũng thuộc Mười điều răn của Chúa và hiểu rõ cốt lõi của đạo: tình yêu bác ái. Nhưng đa số Kitô hữu chưa thực thi sứ điệp tình thương. Nếu yêu mến Chúa mà không yêu thương anh em thì ta là người Công giáo giả hiệu.
Một trong những điều xấu xa nhất của thời đại tân tiến hiện nay là chủ nghĩa cá nhân: vô cảm, hững hờ trước nhu cầu của anh em. Ích kỷ, chỉ biết mình mà làm ngơ trước đau khổ của người khác… Xã hội hôm nay vẫn vắng bóng tình thương.
Thánh Augustinô diễn tả: “Tình yêu có đôi chân đến với người nghèo, tình yêu có đôi mắt để thấy nỗi bất hạnh và thiếu thốn. Tình yêu có đôi tai để nghe được tiếng thở than và nỗi buồn phiền của tha nhân”.
Thomas Merton nói: “Không yêu thương và nhân từ với kẻ khác, thì tình yêu chúng ta dành cho Đức Kitô chỉ là tưởng tượng”.
Thánh Gioan Thánh Giá đã cảnh giác chúng ta như sau: “Vào cuối đời của chúng ta trên mặt đất này. Chúng ta sẽ bị phán xét về việc chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa nhiều bao nhiêu qua việc yêu thương tha nhân. Đó chính là sứ điệp của giới luật yêu thương trong bài phúc âm hôm nay kêu gọi chúng ta“.
LM Giuse Nguyễn Văn Nam