Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXXI Mùa Thường Niên, năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXXI Mùa Thường Niên, năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

CN 31A TN

Pharisiêu: kẻ đạo đức giả

Mt 23, 1-12b(Mt 23, 1-12)

 

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

1.Một số điểm cần lưu ý

– Các người biệt phái ngồi trên toà Môsê mà giảng dạy: làm thầy thông luật dạy và giải thích luật Môsê cho dân.

– Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta…: giải thích luật quá khó, buộc nhặt.

– Nhưng chính họ không buồn động tay vào: buộc người ta mà mình không làm.

– Họ làm mọi việc cốt để cho người ta thấy: Chỉ để phô trương.

– Họ ưa chỗ nhất….ưa được chào hỏi….và được gọi là rabbi (thầy): ưa hư danh.

– Đừng dể ai gọi mình là rabbi… đừng gọi ai là cha… cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo: hiểu theo mạch văn “như những biệt phái kể trên” nói mà không làm.

– Trong anh em người làm lớn hơn cả phải làm người phục vụ: như Đức Giêsu là Thầy và là Chúa mà hạ mình phục vụ “rửa chân”. Người phục vụ đến hiến mạng sống.

– Ai tặng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nhắc lên: hạ mình xuống là để phục vụ. Phục vụ thì có thưởng lớn sẽ là người lớn trong Nước Trời. Chúa Giêsu dạy: làm việc lành thì phải kín đáo chỉ để Cha trên Trời biết và Người sẽ trả công.

Trước mặt Chúa thì phải thật lòng. Giả hình Chúa không ưa. Chuộng hư danh thì không có gì để Chúa thưởng. Các người Biệt Phái “ngồi trên toà Môsê” nói mà không làm. Làm thì chỉ để “cho người ta thấy”, khoe khoang, để được được danh dự.

Yêu người như chính mình là khiêm tốn phục vụ. Thực tế thì chỉ có chữ “PHỤC VỤ” là đủ tất cả vì làm nhỏ để phục vụ thì sẽ là người lớn trong Nước Trời.

2.Chú giải của Noel Quesson

Các kinh sư và người Pharisiêu ngồi trên tòa ông Môsê mà giảng dạy. Vậy những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ…

Bản văn này là một phần cuộc tranh luận mạnh mẽ giữa Đức Giêsu với những quyền bính tôn giáo ở Giêrusalem: cuộc khổ nạn sắp đến gần và chúng ta biết rằng sự khước từ của các thân hào ở thủ đô là một trong những nguyên nhân cái chết của Đức Giêsu.

Vào thời kỳ Mátthêu viết Tin Mừng của ngài, cuộc tranh luận nổ ra một cách bi thảm: Sau khi Đền thờ bị phá hủy vào năm 70, các người Pharisiêu đã trở thành nhóm duy nhất còn tồn tại có tổ chức… và được quy tụ lại ở Giam-ni-a (Giáp nê), họ chính thức tuyệt thông với những người Do Thái theo Kitô giáo, coi những người này như những người lạc giáo và trục xuất họ ra khỏi Hội Đường Do Thái.

Những nhận xét về lịch sử này, tuy vậy, không cho phép chúng ta nghĩ rằng Matthêu chỉ đơn thuần nghĩ ra các cuộc tranh luận chống Pharisiêu ấy. Đức Giêsu rõ ràng đã chết vì chống đối lại một số thủ lãnh tại thủ đô. Điều đó không có nghĩa là tất cả những người Pharisiêu đều đáng bị lên án. Và trong bất kỳ trường hợp nào, điều đó không thể nuôi dưỡng một cuộc bút chiến chống Do Thái. Vả lại chúng ta nhận thấy rằng, trong câu đầu tiên Đức Giêsu khuyên “thực hành và tuân giữ những điều các kinh sư và Pharisiêu giảng dạy”. Vì thế Người thừa nhận họ có thẩm quyền trong kiến thức về Luật của Thiên Chúa. Đức Giêsu không phê phán học thuyết và những nguyên tắc của người Pharisiêu. Người yêu cầu chúng ta áp dụng những điều họ dạy.

Nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm

Nếu Đức Giêsu tán đồng lý tưởng mà các Pharisiêu đòi hỏi, thì Người lại trách họ rõ ràng đã không đem lý tưởng đó ra thực hiện cho đủ. ” Vậy có một sự nghịch nghĩa khi tiếp thu tư tưởng của Đức Giêsu để biện minh cho thái độ bừa bãi trên bình diện thực hành tôn giáo. Người ta còn nghe quá nhiều những lời biện minh dễ dãi: “tôi không đi dự thánh lễ bởi vì các Kitô hữu không tốt hơn những người khác… đó là những người Pharisiêu! Chính Đức Giêsu không phê bình những người Pharisiêu vì họ “thực hành” quá nhiều nhưng vì họ thực hành không đủ lý tưởng của họ.

Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào

Chúng ta thấy lại một nét nổi bật của Đức Giêsu: Người bênh vực những người nhỏ bé, nghèo nàn, yếu đuối. Các kinh sư là những học giả. Ngày nay hẳn người ta gọi đó là những nhà trí thức, những người biết rành về Kinh Thánh. Những người Pharisiêu đúng ra là những người sùng đạo. Ngày nay, người ta sẽ nói đó là những chiến sĩ, những người dấn thân để biến đổi xã hội. Nguy cơ lớn của học giả và người quảng đại là họ rất đòi hỏi những người khác khi áp dụng những nguyên tắc cao cả của họ cho các tập tục bên ngoài, thay vì xét lại chính bản thân mình. Canh tân người khác luôn luôn dễ hơn hoán cải chính mình.

Lạy Chúa, xin giúp đỡ chúng con luôn sống nhân từ với người khác và khắt khe với chính chúng con. Xin làm cho chúng con gánh bớt gánh nặng của người khác và chớ để chúng con thành một gánh nặng cho những người xung quanh chúng con.

Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội trường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “rápbi”

Những hộp kinh là những hộp nhỏ chứa những bản văn Kinh Thánh mà người ta dùng dây cột ở trán và cổ tay: đó là một cách để nhớ lại lời Chúa (Xh 13,9-16; Đnl 6,8-11,18). Những tua áo ở lai áo cũng là một cách để nhắc người ta nhớ đến những điều răn của Thiên Chúa (Ds 15,37; Đnl 22,12).

Tập tục này giống với tục lệ đeo huy chương, vòng cổ, nhẫn. Đức Giêsu không lên án những tập tục này tự nó. Chính Đức Giêsu cũng mang những tua áo (Mt 9,20; 14,36). Nhưng ở đây Đức Giêsu công kích thói tự kiêu vặt vãnh về tôn giáo: Người ta khoe khoang lòng sùng đạo của mình. Người ta tìm cách để được chú ý. Người ta đặt mình ra trước, chạy theo vinh hoa, phô trương thói kiêu căng hão huyền, tìm kiến những đặc ân đặc quyền. Tất cả đều là một khuyết điểm mà thời nào cũng có. Mỗi thời đại theo cách của thời đại đó.

Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “rápbi”

Công thức này chỉ cho chúng ta thấy rằng Đức Giêsu hơn tất cả những người Pharisiêu của thời Người và quả thật, đây là lời Người nhắc nhở các môn đệ của mình. Thay vì lúc nào cũng áp dụng Tin Mừng cho những người khác, ví dụ như thay vì lên án những người giảng đạo nói mà không làm “bó những gánh nặng mà chất lên vai các tín hữu” thì chúng ta phải trở lại với chính mình: phần anh em, đừng bắt người ta tôn xưng mình, cho mình được hưởng đặc quyền.

Còn tôi, cái cách của tôi làm cho tôi rơi trong sự lệch lạc ấy là gì?

Vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em là anh em với nhau

Đức Giêsu lên án thói tự phụ rằng chúng ta phải là những người nắm giữ chính thức học thuyết đúng nhất. Chỉ một mình Thiên Chúa mới dạy chân lý tuyệt đối. Phần chúng ta, chúng ta chỉ đến gần chân lý ấy mà thôi. Còn tất cả anh em là anh em với nhau, Công thức này ngắn gọn, đầy những yêu sách. Đây là một yêu cầu về sự bình đẳng sâu xa giữa chúng ta với nhau: một lần nữa, tôi phải áp dụng cho chính tôi những lời ấy: tôi có xu hướng muốn thống trị ai? Tôi có xu hướng muốn nhìn ai một cách ngạo nghễ, muốn khinh bỉ, phán xét ai?

Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời

Mỗi lần mà Đức Giêsu truyền cho chúng ta có những thái độ trên bình diện đạo đức (làm điều này… không làm điều kia…), Đức Giêsu đều dùng các thái độ và xác tín của đức tin để nâng đỡ chúng. Ở đây yêu sách về sự bình đẳng bắt nguồn trong sự phụ thuộc của chúng ta trước Thiên Chúa. Đức Giêsu không đòi bãi bỏ mọi phẩm trật, quyền bính, tình phụ tử nào có thể thay thế cho Thiên Chúa. Đây là một yêu sách triệt để của tự do? Mọi con người đều có quyền gặp Thiên Chúa một cách trực tiếp. Không một thế phẩm nào được thay thế cho Đấng Duy Nhất, Đấng có thể cứu chuộc con người. Vâng, đối với Đức Giêsu việc gặp gỡ tình yêu của Chúa Cha, ở trên trời rất quan trọng đến độ mọi tấm chắn kính lọc, mọi sản phẩm thay thế mọi thế phẩm bất kỳ nào xem ra đều có hại. Đừng gọi ai dưới đất này là “cha”! Chắc chắn người ta có thể cho một người tước hiệu này nhưng không nên vì thế mà bị giam hãm trong mối quan hệ ấy, và trở thành ấu trĩ như trẻ con. Đức Giêsu biết rằng “chỉ có” Thiên Chúa mới là Thiên Chúa.

Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo là Đức Kitô

Đây cũng là lời cảnh báo tương tự không nặng được nhắc lại dưới những hình thức khác nhau. Xuyên qua những công thức ấy, chúng ta đã chẳng có thể khám phá chính điều chủ yếu của lời giáo huấn sao? Người lãnh đạo không phải là người lôi kéo người khác đến với mình nhưng lôi kéo người khác đến với chân lý.

Nhà giáo dục Kitô giáo, theo một ý nghĩa sâu xa hơn chỉ thật sự thành công trong việc giáo dục nếu người ấy có thể dẫn học trò mình bước vào quan hệ trực tiếp với Đức Giêsu. Trách nhiệm của cha mẹ, các nhà giáo dục và các linh mục vì thế rất nặng nề và kỳ diệu: một ngày kia họ phải tự quên mình là “thầy”, bởi vì học trò mình đã tìm thấy vị Thầy duy nhất, vị “Lãnh Đạo” duy nhất. Cuối cùng, một người dạy giáo lý chỉ đạt được mục đích khi dẫn đưa người học giáo lý đến kinh nguyện cá nhân để gặp gỡ cá nhân với Thiên Chúa. Và một nền giáo dục chỉ thật sự đạt được mục đích của nó nếu người được giáo dục một ngày kia có thể không cần đến nhà giáo dục nữa để hướng dẫn cuộc đời mình trong sự tự do hoàn toàn và dưới cái nhìn nội tâm của vị Thầy duy nhất.

Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ xuống, sẽ được tôn lên

Công thức này làm ngạc nhiên, dễ nhớ vì tính chất nghịch lý, là một trong số những câu mà Đức Giêsu đã phát biểu. một cách rõ ràng dễ nhớ nhưng người ta không thể xác định vào thời điểm chính xác nào trong sự giảng dạy của Người. Thật vậy, người ta tìm thấy câu ấy trong những văn cảnh khác nhau. Trong Matthêu (20,26) để gạt bỏ tham vọng của các con trai ông Dêbêđê: Trong Luca (14,11), để mời gọi các môn đệ không nên chọn chỗ nhất ở bàn tiệc. Trong Luca (18,14), để phục hồi danh dự cho người thu thuế trước sự tự mãn của người Pharisêu. Dù sao, tư tưởng ấy chắc chắn là một xác tín của Đức Giêsu mà Người đã không ngừng nhắc lại trong những trường hợp khác nhau.

Do đó nó không phải là một phương tháp hành văn của các tác giả Tin Mừng nào. Dẫu sao công thức ấy mạnh mẽ và tra hỏi chúng ta những bản năng tự tôn của tôi là gì? Những công việc phục vụ của tôi là gì?

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu vạch trần sự giả hình của các Kinh Sư, Pharisiêu.

– Giả hình: vì họ nói mà không làm

– Thích thống trị: Vì họ bó những gãnh nặng lên vai người khác, còn chính họ thì không buồn động động ngón tay vào.

– Thích khoe khoang: Vì họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy.

– Thích hám danh: Vì họ ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi nơi cộng cộng, được thiên hạ gọi là Rabbi.

Nghe Đức Giêsu mô tả khuôn mặt kẻ giả hình, xét mình, ai cũng thấy dáng dấp của mình trong đó. Nếu không háo danh thì cũng khoa trương, nếu không kể công thì cũng thích được trọng vọng, nếu không ích kỷ, cũng nói nhiều làm ít…[1]

            Trong cuộc sống hằng ngày, việc gặp gỡ nhìn nhận được quý nhân vốn đã khó, nhận diện được kẻ đạo đức giả lại càng khó hơn gấp vạn lần. Người xưa có câu: “sông sâu biển thẳm dễ dò, mấy ai lấy thước mà đo lòng người” quả thật không sai. Người ta gặp hàng ngày, nói cười xởi lởi với ta đó thôi nhưng làm sao biết được trong tâm họ nghĩ gì, họ có thành thật, tử tế như những gì họ đang cho chúng ta thấy hay không. Chính vì vậy đáng sợ nhất là kẻ đạo đức giả. Đây là loại người rất nguy hiểm bởi họ giấu nhẹm bản chất thật đàng sau vẻ ngoài đàng hoàng, đạo đức. Họ có thể nói cho bạn nghe rất nhiều điều êm tai khiến bạn tin tưởng họ, nhưng đến khi thời cơ chín muồi, kẻ đạo đức giả bất chấp tất cả sẽ phản kích cho đến khi đạt được mục đích. Biểu hiện chủ yếu của thủ đoạn này là cố ý tỏ ra vẻ nhân từ, rộng lượng, thật thà, thành tâm, công bằng trước mặt người khác. Có khi để đạt được mục đích nào đó, không ngại chịu đau khổ tạm thời, tỏ ra tốt với người khác, để được hài lòng người. Hễ điều kiện đến là trở mặt tấn công khiến “con mồi” không kịp phản ứng. Họ thật sự là những kẻ đáng sợ nhất.

Kẻ Đạo đức giả là người sống giả tạo. Giả tạo đồng nghĩa với giả dối, gian dối nên khả năng nói dối của những người này rất đẳng cấp và thuộc hạng siêu đẳng. Họ thường tỏ ra đạo đức để che mắt người khác và khó ai có thể biết được bản chất thật. Những người này thường rất biết cách ăn nói lấy lòng người khác. Đôi khi vì những ham muốn cá nhân họ sẵn sàng hãm hại, làm tổn hại người khác. Sự biến hóa khôn lường của lối sống giả tạo đôi khi làm người khác mệt mỏi. Phải chăng nguyên nhân bắt nguồn lối sống giả tạo là do cái tôi cá nhân quá lớn, ham muốn quá nhiều, cảm thấy bản thân không bằng người khác nên “ghen ăn tức ở”. Những thứ chưa đạt được sẽ tìm mọi cách để đạt được cho dù phải dùng thủ đoạn hay phải hy sinh một điều gì đó. Vì cái tôi quá lớn nên lúc nào họ cũng muốn được người khác quan tâm, tung hô, chìu chuộng và là trung tâm của sự chú ý. Kẻ đạo đưc giả là những kẻ có một lối sống giả tạo.

Giả tạo có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu: trong công việc, tình bạn, tình yêu và các mối quan hệ khác. Giả tạo có nhiều cấp độ, nhưng tựu chung họ rất là “nai vàng ngơ ngác” và “trơ trẽn” đến mức khó tin. Cái đáng nói là họ lòng dạ rất “đáng bàn“, nhưng chẳng ai biết thật hư thế nào để tránh xa. Đã gọi là giả tạo thì khó mà bị bóc mẽ lắm. Khả năng nói dối của họ thuộc hạng siêu đẳng. Họ rất biết nói những điều người khác muốn nghe, thể hiện những điều người khác muốn thấy. Luôn dịu ngọt và ngoại giao giỏi là những thứ vũ khí tối thượng của những người có lối sống giả tạo. Đôi khi vì lợi ích cá nhân, họ sẵn sàng nói hoặc làm những điều gây tổn hại đến người khác. Nếu sự giả dối diễn ra trót lọt nhiều lần sẽ tạo thành thói quen, và tiếp đó trở thành lối sống. Mà đã là lối sống thì khó mà biết điểm dừng hay hiểu thế nào là phải trái. Giả tạo thường diễn ra trót lọt khi những người xung quanh không ai có đủ bản lĩnh giúp họ vạch ra cái sai rồi chỉ cho họ những bài học quý báu.

Kinh Thánh nói gì về thói đạo đức giả? Về bản chất, “đạo đức giả” được hiểu là việc tuyên bố tin vào điều gì đó nhưng lại hành động theo một cách khác. Từ này trong Kinh Thánh bắt nguồn từ thuật ngữ Hy Lạp có nghĩa là “diễn viên” – nghĩa đen là “người đeo mặt nạ”- nói cách khác, một người giả vờ là một con người khác với bản chất thật của chính mình. Chính vì vậy, Chúa Giêsu đã phản đối quyết liệt thái độ ra vẻ là công chính – Ngài gọi những kẻ đạo đức giả là “sói đội lốt chiên” (Mt 7,15), “mồ mả tô vôi” (Mt 23,27), “rắn,” và “dòng dõi rắn lục” (Mt 23,33) và trong các sách Tin Mừng không phải chỉ một lần, mà là nhiều lần, Chúa Giêsu đã nặng lời với những Kinh Sư và Biệt Phái là những kẻ giả hình, những người đạo đức giả. Chúa nói: người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông vì các ông không sám hối (Mt 21,31-32). Nếu chỉ vào trước hay vào sau thì không thành vấn đề, nhưng ở đây, trong tiếng Aram, động từ proago có nghĩa là “chiếm chỗ” [2], nghĩa là gái điếm và thu thuế sẽ thay thế chỗ của các ông. Thật đáng sợ! Thiên Chúa đã ưu tiên cho các ông, nhưng các ông không nghe lời Chúa, nên gái điếm và thu thuế sẽ chiếm chỗ của các ông. Các ông không được vào vì các ông không sám hối bởi vì để có một tâm tình sám hối thật sự thì điều quan trọng là phải nhận ra những tội lỗi của mình, mà ở đây, các ông cố tình không nhận những sai lỗi của mình thì làm sao các ông sám hối được (Mt 21,32) . Cho nên gái điếm và thu thu thuế sẽ chiếm chỗ của các ông và như thế các ông sẽ phải ở bên ngoài Nước Thiên Chúa. Con người đạo đức giả là như thế đó! Số phận của những người đạo đức giả là như thế đó! Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy sống trung thực, “hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37). Amen

Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

 

[1] Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

[2] Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM. https://catechesis.net/mt-21-28-32-nghe-va-lam/

Xem thêm

18-5-2024 7-51-30 PM

Lời Chúa – Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Năm B 19/05/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN