Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XXX Thường Niên, năm B, của LM ĐAN VINH

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XXX Thường Niên, năm B, của LM ĐAN VINH

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 30 TN B

Gr 31,7-9; Dt 5,1-6; Mc 10,46-52

XIN ƠN SÁNG MẮT SÁNG LÒNG ĐỂ ĐI THEO CHÚA   

I- HỌC LỜI CHÚA

  1. TIN MỪNG: Mc 10,46-52

mc104652(46) Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giêricô. khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giêricô, thì có một người hành khất mù, tên là Báctimê, con ông Timê, đang ngồi ở vệ đường. (47) Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Nadarét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con Vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (48) Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi. Nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con Vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”. (49) Đức Giê-su đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!” Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm đứng dậy, Người gọi anh đấy!” (50) Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy, mà đến gần Đức Giê-su. (51) Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”. (52) Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.

  1. Ý CHÍNH:

Trên bước đường đi về Giêrusalem để chịu tử nạn và phục sinh, thì tại thành Giêricô, Đức Giê-su đã chữa cho một người mù tên là Báctimê, đang ngồi ăn xin bên vệ đường, vì anh đã tin cậy nơi Người. Qua phép lạ mở mắt người mù này, Người muốn mở mắt đức tin cho các môn đệ, để họ thấy được ý nghĩa cao cả của sứ mạng cứu thế mà Người sắp thực hiện tại Giêrusalem là: “Qua đau khổ thập giá để vào trong vinh quang phục sinh”.

  1. CHÚ THÍCH:

– C 46: + thành Giêricô: Giêricô có nghĩa là “mặt trăng”, một thành ở thung lũng sông Gio-đan, cách biển Chết 5 cây số và cách Giêrusalem khoảng 25 cây số. Thời Xuất hành, Giêricô là thành đầu tiên mà con cháu Gia-cóp, dưới sự lãnh đạo của Giosuê tiến chiếm được (x. Gs 5,13tt). Dụ ngôn người Samari tốt lành cũng nhắc đến đoạn đường từ Giêrusalem xuống Giêricô (x. Lc 10,30). + có một người hành khất mù: Hành khất là người ăn xin. Đây là một người đói khổ về vật chất, đang cần được giúp đỡ. Anh ta còn bị mù, tượng trưng cho người đang đi trong tăm tối vì chưa nhận biết và tin Đức Giê-su. Có thể Đức Giê-su chữa một lúc hai người mù (x Mt 20,30), nhưng ở đây Mác-cô chỉ ghi lại một người và nêu rõ tên là Báctimê. + ở vệ đường: đồng nghĩa với “đầu đường xó chợ”, nói lên hoàn cảnh bơ vơ không nơi nương tựa của ngươi mù. anh ta tượng trưng cho số phận đau khổ của “Người nghèo của Đức Giavê”, đối tượng được Đức Giê-su ưu tiên mời gia nhập vào Nước Trời của Người.    

C 47-48: + Đức Giê-su Nadarét: Giê-su nghĩa là “Giavê cứu độ”. trong Thánh Kinh có một số người cũng tên là Giê-su (x.Hc 50,27; Lc 3,29; Cl 4,11). Để phân biệt, người ta thường thêm tên quê hương vào sau tên gọi. Giê-su nói đây chính là Đức Giê-su quê làng Nadarét. + Con Vua Đavít: Anh mù gọi Đức Giê-su kèm tước hiệu “Con Vua Đavít” cho thấy nhiều người Do thái đã tin Đức Giê-su là “Đấng Thiên Sai”, nhưng họ lại đang mong đợi một Đấng Thiên Sai trần thế, đến giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của đế quốc Rô-ma (x. Mt 22,42; Ga 7,42). + “Xin dủ lòng thương tôi”: Lời cầu xin này nói lên sự khiêm hạ và lòng tin mạnh mẽ của anh mù vào quyền năng Đức Giê-su. Anh trông cậy Người sẽ làm cho anh được sáng mắt như ngôn sứ Isaia đã tuyên sấm về sứ mệnh của Đấng Thiên Sai: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò…” (Is 35,5-6). + Nhiều người quát nạt bảo anh im đi: Một số người ở gần anh mù tỏ vẻ bực tức trước việc anh ta kêu la lớn tiếng. Họ bắt anh mù phải im lặng để họ nghe được lời Đức Giê-su lúc đó đang vừa đi đường vừa giảng dạy. + Nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con Vua Đavít! Xin dủ lòng thương tôi”: Vì tin vào tình thương và quyền năng của Đức Giê-su Thiên Sai, nên anh mù bất chấp mọi rào cản: Người ta càng cấm, thì anh lại càng kêu la thống thiết hơn: “Lạy Con Vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”.

C 49-50: + Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy! Người gọi anh đấy”: Thái độ của đám đông đối với anh mù đã thay đổi: Từ khinh thường nạt nộ đến tôn trọng và nhỏ nhẹ hơn với anh. + Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su: Áo choàng là một vật thiết thân đối với khách bộ hành và người ăn xin. Nó thường được dùng làm dù che cơn nắng gắt ban ngày và làm mền đắp cho ấm ban đêm. Vậy mà khi nghe nói “Người gọi anh đấy”, anh ta liền vất áo choàng lại, đứng bật dậy mà chạy mau về phía Đức Giê-su, như thể anh đã được sáng mắt rồi vậy.

C 51-52: + “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”: Dù đã biết rõ anh mù muốn xin gì rồi, nhưng Đức Giê-su vẫn tạo cơ hội để anh ta biểu lộ đức tin. + “Xin cho tôi nhìn thấy được”: Anh mù không xin tiền bạc hay đồ ăn thức uống như mọi khi, mà chỉ xin được sáng mắt, được nhìn thấy mọi sự như bao người khác. + “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh”: Điều kiện để được Đức Giê-su cứu chữa là phải có đức tin, như khi Người chữa lành cho hai người mù (x. Mt 9,29), chữa người phong cùi (x. Lc 17,9)… + Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi: Anh mù chỉ xin được sáng mắt thể xác, nhưng Đức Giê-su lại ban cho anh được sáng cả mắt linh hồn, để anh có đức tin trọn vẹn, nhìn thấy được con đường Người sắp đi và can đảm bước theo Người lên Giêrusalem, trải qua mầu nhiệm “qua đau khổ vào vinh quang” để sau này được hưởng ơn cứu độ muôn đời.

  1. CÂU HỎI:

1- Thành Giêricô là thành nào? Sách Xuất hành đề cập tới tên thành này trong trường hợp nào? Đức Giê-su cũng nói tới tên thành này trong dụ ngôn nào?

2- Số người mù được Đức Giê-su chữa lành trong 2 Tin Mừng Matthêu và Mác-cô có giống nhau không? Tại sao?

3- “ngồi ở vệ đường” nói lên hòan cảnh của người mù này ra sao?

4- Tên gọi Giê-su nghĩa là gì? Tại sao Đức Giê-su được người mù gọi là Giê-su Nadarét?

5- Qua việc kêu cầu Đức Giê-su với danh hiệu “Con Vua Đavít”, người mù biểu lộ đức tin thế nào về Người? Còn dân Do Thái lại đang trông mong một Đấng Thiên Sai theo nghĩa nào?

6-Lời kêu xin của người mù cho thấy đức tin của anh vào Đức Giê-su ra sao?

7- Tại sao dân chúng lại cấm anh mù kêu lớn tiếng? Lý do nào khiến anh mù càng kêu la thống thiết hơn?

8- Anh mù đã phản ứng thế nào với chiếc áo chòang thiết thân khi nghe biết Đức Giê-su đang gọi anh đến với Người?

9- Tại sao Đức Giê-su lại hỏi anh mù muốn được Người làm gì dù đã nghe rõ lời kêu xin của anh?

10- Trong Tin Mừng, Đức Giê-su luôn đòi người ta phải có điều kiện gì để được Người làm phép lạ? 11-Ngòai việc được sáng mắt thể xác, anh mù còn được Người ban ơn gì về linh hồn?   

II- SỐNG LỜI CHÚA

  1. LỜI CHÚA: Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng bật dậy mà đến gần Đức Giê-su (Mc 10,50):
  2. CÂU CHUYỆN:

1) AI MỚI LÀ NGƯỜI BỊ MÙ?

Một anh mù kia đến nhà bạn chơi. Lâu rồi không gặp nên hai người nói chuyện mãi đến quên cả thời gian. Khi trời tối mịt thì anh mù mới từ giã bạn ra về. Thấy đường làng tối thui, người bạn liền bảo anh mù: “Này anh bạn, hãy để tôi thắp cho anh một cây đèn dầu, vì bên ngoài trời đã tối quá rồi”. Anh mù nghĩ bạn muốn trêu đùa nên trả lời: “Anh nói gì vậy? Tôi bị mù thì có cầm đèn sáng trên tay hay không đâu có khác gì nhau?”. Anh bạn kia liền nói: “Ý tôi là anh nên cầm cái đèn cháy sáng để người khác nhìn thấy ánh đèn sẽ tránh không đụng vào bạn”. Anh mù nghe ra liền cám ơn bạn và vui vẻ cầm đèn ra về. Nhưng mới đi được một đoạn thì bỗng anh mù bị một người đi ngược chiều đụng phải và bị té. Quá tức giận, anh lồm cồm bò dậy và chửi đổng: “Mù hay sao mà không thấy cây đèn ta cầm trên tay?”. Người kia liền đáp lại: “Mi mới thật là kẻ mù ! Đèn trên tay mi đã tắt lâu rồi mà sao mi còn dám mắng ta?”.

Cái đáng thương của anh mù là đã không biết cây đèn trên tay mình đã bị tắt. Mù đôi mắt là một nỗi bất hạnh. Nhưng bệnh mù tâm hồn còn bất hạnh hơn. Bệnh mù tâm hồn là khi một người tuy đang sống trong tội lỗi, nhưng vẫn không nhận ra cái sai của mình và tiếp tục ở lỳ trong tội lỗi, nên đã gây bao đau khổ cho bản thân và người chung quanh.

2) NGƯỜI MÙ TÌM THẤY MẸ NHỜ CON MẮT TÌNH YÊU:

Vào một buổi chiều năm 1945, tại nhà ga Verona nước Italia, có khá đông dân chúng đang tập trung tại sân ga và náo nức chờ đón một số binh lính là người thân của họ trở về từ các trại tập trung của Đức Quốc Xã. Lúc đó, một người lính trẻ bị mù hai mắt cũng đang lần mò từng bước trên sân ga. Khi tiến gần đến chỗ một phụ nữ lớn tuổi đang đứng chung với mấy người thân trong gia đình, đột nhiên anh lính mù dừng lại rồi kêu to lên: “Mẹ!”, và rồi hai mẹ con đã ôm chầm lấy nhau khóc nức nở. Một lúc sau, khi phát hiện ra cặp mắt của con trai đã bị mù hòan tòan, bà mẹ liền hỏi: “Con ơi, mắt con đã bị mù như thế mà sao lúc nãy con lại nhìn thấy mẹ giữa bao nhiêu người khác và kêu lên vậy?”. Anh lính trẻ liền đáp: “Thưa mẹ, tuy mắt con không thể nhìn thấy mặt mẹ như trước đây, nhưng chính trái tim đã mách bảo con là mẹ cũng đang có mặt tại đây và đang chờ đón con. Khi từ trên xe lửa bước xuống sân ga, con cứ đi theo sự mách bảo của trái tim và đến lúc con linh cảm chắc chắn mẹ đang ở rất gần bên con, thì tự nhiên con buột miệng la to lên “Mẹ!” và quả thật con đã gặp lại được mẹ như mẹ đã thấy đó”.

3) ĐÔI MẮT XANH CỦA CHỊ NỮ TU:

 Trong thế chiến thứ hai, quân phát xít Đức đã chiếm cứ được nhiều nơi. Một viên tướng Phát xít đến một nhà dòng kia, yêu cầu kêu Mẹ Bề trên cho ông ta gặp… Khi vừa dốc cạn ly nước từ tay Mẹ Bề trên, viên tướng Phát xít liền nói:

– Xin bà cho tôi gặp chị Ma-ri-a.

Khi Bà bề trên bấm chuông gọi chị ấy ra thì ông tướng liền vui vẻ nói:

– Tôi yêu cầu bà hãy trao ngay cho tôi chị này, Tôi rất say mê chị.

Hai mẹ con nhìn nhau lúng túng. Chị Ma-ri-a vội đỡ lời:

– Tôi chỉ là một nữ tu tầm thường, nào có gì để ông phải say mê. Xin ông hãy tìm ở ngoài đời, có biết bao người đep nhan sắc lộng lẫy…”.

– Không! Không! Tôi yêu chị vì chị có đôi mắt xanh tuyệt đẹp. Tôi rất say mê chị !

– Không! Xin lỗi ông, không bao giờ tôi chấp nhận điều ấy.

– Nếu chị không chấp nhận, nội ngày mai, tôi sẽ ra lệnh quân lính đến triệt phá cả nhà dòng này!

Sau đó ông tướng đứng lên và bảo:

– Tôi cho một đêm suy nghĩ, sáng mai tôi sẽ trở lại. Phải trả lời dứt khoát, nếu không tôi sẽ…”.

Ngày hôm ấy, cả Nhà Dòng thiết tha cầu nguyện. Thâu đêm chị Ma-ri-a không thể chợp mắt được. Chị nghĩ: “Chẳng lẽ vì mình mà cả nhà phải bị tiêu diệt sao? Không, không thể được! hay tôi phải bỏ nhà dòng, bỏ tình yêu Chúa Ki-tô, bỏ đức trinh khiết? Không, không bao giờ như thế!”.

Sáng hôm sau, khi chị em còn đang nguyện kinh thì ông tướng Phát xít đã có mặt ở phòng khách. Bấy giờ từ đầu hành lang, Chị Ma-ri-a đang tiến lại gần, nhưng… lại có một người khác cầm tay dẫn đi, hai tay chị Ma-ri-a đang cầm một cái đĩa. Viên tướng há hốc mồm, trố mắt kinh ngạc. Khi chị bước vào phòng khách, mà ông vẫn không ngớt ngẩn ngơ. Chị Ma-ri-a khuôn mặt đầy máu me, sờ soạng đặt cái dĩa trên mặt bàn và nhỏ nhẹ nói:

– Thưa ông, vì ông say mê cặp mắt của tôi… nên tôi xin biếu ông cặp mắt ấy… trên dĩa này. Còn thân xác tôi, đời tôi, tôi đã hiến dâng cho Thiên Chúa rồi.

Viên tướng Phát xít vừa bàng hoàng kinh ngạc lại vừa cảm phục. Ông xấu hổ đứng dậy bỏ ra về và từ ngày đó ông đã không còn đến quấy rầy nhà dòng nữa.

Nữ tu Ma-ri-a đã hy sinh đôi mắt xanh tuyệt đẹp để “dọi ánh sáng vào nơi tối tăm” của cõi lòng viên tướng. Nhờ vậy, ông ta đã được sáng mắt tâm hồn để nhìn thấy sự cao cả của một tâm hồn thanh khiết.

4) NĂM ANH MÙ ĐI XEM VOI:

Có một câu chuyện kể về các người mù rủ nhau đi xem voi. Xem xong thì cùng nhau ngồi lại bàn tán, mô tả xem con voi nó giống như cái gì?

Anh sờ được cái chân thì dõng dạc tuyên bố: con voi nó giống như cái cột nhà.

Anh khác thì oang oang: con voi nó giống như cái quạt. Vì anh này rờ được ngay cái tai của nó.

Còn anh sờ được cái bụng thì nói con voi giống như một  cái trống.

Anh sờ thấy cái vòi thì nói nó giống như một con trăn.

Anh sờ thấy cái đuôi thì nói nó giống như cái chổi rễ.

Chúng ta có thể sẽ rơi vào tình trạng mù về mặt tinh thần, có nghĩa là ta không nhìn thấy được chân lý toàn diện về cuộc sống. Ta chỉ nhìn thấy chân lý phiến diện như anh mù mô tả con voi “nó giống như cái cột nhà”. Cần phải biết lắng nghe ý kiến của người khác thì mới hy vong có cài nhìn toàn diện được.

  1. THẢO LUẬN:

1) Làm thế nào để nhận ra ý Chúa trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta?

2) Khi gặp phải tai nạn hay một điều rủi ro trái ý, bạn cần làm gì để theo đúng con đường “Qua đau khổ vào trong vinh quang” của Đức Giê-su?

  1. SUY NIỆM:

1) Anh mù gặp Chúa đã được sáng mắt sáng lòng: 

– Tin mừng hôm nay ghi nhận câu chuyện về người mù thành Giêricô đã chạy đến với Đức Giê-su không nhờ con mắt thể xác nhưng nhờ con mắt đức tin của anh. Tuy mắt anh không nhìn thấy Đức Giê-su, nhưng chính con mắt đức tin đã mách bảo và dẫn đường để anh chạy đến với Người. Trước đó anh đã nghe đồn Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai và anh đã ao ước gặp Người để xin Người chữa anh khỏi bị mù. Vì thế khi nghe thấy một đám đông đang tiến đến gần chỗ anh đang ngồi ăn xin bên vệ đường và anh nghe tiếng của một ráp-bi đang vừa đi đường vừa giảng, thì anh liền dò hỏi người chung quanh. Khi biết vị tôn sư kia chinh là Đức Giê-su Nadarét, là người mà anh đã nghe biết và mong sớm được gặp mặt.

– Bấy giờ anh mù liền kêu to: “Lạy ông Giê-su, Con Vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”. Dù bị nhiều người đi trước cấm nói to, nhưng anh mù lại càng la to hơn với hy vọng được Đức Giê-su nghe thấy. Quả thật Đức Giê-su đã nghe thấy tiếng kêu cứu của anh và Người cho gọi anh đến gặp Người. Nghe vậy anh mù liền quăng chiếc áo choàng đang khoác trên mình lại, để nhảy chồm dậy chạy mau đến gặp Người như trước đó anh chưa hề bị mù. Sau khi biết về lòng tin và mong ước của anh, Đức Giê-su liền tuyên bố: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!”.

– Lập tức anh mù đã được sáng mắt để thấy được đường đi, mà anh còn được sáng lòng để tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai và tình nguyện theo Người đi lên Giêrusalem để cùng Người đi con đường “qua đau khổ thập giá vào trong vinh quang phục sinh”.

2) Hãy xin Chúa mở mắt đức tin cho chúng ta:

– Chúa Giê-su đã chữa lành bệnh mù thể xác, và Người cũng chữa lành bệnh mù tâm hồn. Chính bệnh mù tối tâm hồn này còn tác hại nhiều hơn bệnh mù ngoài thể xác. Nó được biểu hiện qua thái độ  không chấp nhận sự thật của đức Tin, không nhận ra tình thương và những sự thiện hảo nơi người khác. Vậy mỗi người chúng ta cần tự hỏi mình vào buổi tối trước khi đi ngủ: « Hiện giờ tôi có bị bệnh mù tối tâm hồn hay không? » Nếu có, hãy xin Chúa chữa lành như người mù trong Tin Mừng hôm nay bằng lời cầu nguyện: “Lạy Chúa. Xin hãy mở mắt linh hồn con ra để con biết nghĩ đến người khác và biết cảm thông để chia sẻ tình yêu thương phục vụ cho họ”.

– Trong gia đình, vợ chồng cần sáng mắt tâm hồn khi biết quan tâm cảm thông với nhau và động viên nhau chu toàn nhiệm vụ lo cho gia đình được hòa hợp hạnh phúc…

– Trong giao tiếp xã hội, mỗi người chúng ta thay vì chỉ nhìn thấy khuyết điểm lầm lỗi của kẻ khác, chúng ta hãy quan tâm tìm kiếm mặt tốt của họ. Cần ý thức rằng: Dù là một kẻ xấu xa phạm tội cướp của giết người không gớm tay thì trong lòng họ vẫn còn ít nhất 5 phần trăm tốt. Điều quan trọng là chúng ta phải khám phá ra và nhân rộng những điều tốt này lên để giúp họ loại trừ dần 95 phần trăm điều xấu tội lỗi kia. Bởi đó, cùng với anh mù trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa Giê-su: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội và ban cho con được sáng mắt đức tin để nhận biết Chúa đang hiện thân trong anh chị em con và giúp họ ngày càng càng nên tốt lành giống Chúa nhiều hơn”.

3) Đừng ngăn cản lương dân và những người tội lỗi đến với Chúa:

– Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy thái độ không tốt của những người đang đi trước Đức Giê-su, khi nghe anh mù la to: “Lạy ông Giê-su, Con Vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” thì họ đã quát nạt bắt anh phải im lặng. Khi lời kêu cầu của anh mù đã được Đức Giê-su nghe và truyền dẫn anh đến gặp Người thì những người kia mới dịu giọng và giúp anh đến gặp Người. Những người này đã trở thành rào cản anh mù đến với Đức Giê-su. Họ giống như những đầu mục Do thái đã bị Đức Giê-su quở trách: “Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi đóng cửa nước trời không cho người ta vào: vì các ngươi không vào, mà kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào” (Mt 23,13).

– Còn chúng ta cũng trở thành rào cản đáng trách, khi chúng ta ngăn chặn anh em tội nhân đến với Chúa bằng những câu nói nghi kỵ và khinh dể tội nhân… Chẳng hạn: Khi thấy một người đã từng nghiện rượu, cờ bạc, hút sách, trộm cắp giờ muốn hoàn lương… Lẽ ra phải khích lệ thì chúng ta lại nghi ngờ và nói những lời không tin lòng thành của họ muốn đến với Chúa.

Ngoài ra, các tín hữu chúng ta cũng gián tiếp ngăn cản người lương đến với Chúa khi sống bê tha tội lỗi hơn người lương, khiến nhiều người đang muốn theo đạo bị khựng lại khi họ chứng kiến sự gian tham, ăn ở bất công độc ác và hà hiếp bóc lột người dưới, hoặc khi thấy có vị mục tử bị đưa ra tòa xét xử vì những tội ác xấu xa… Bấy giờ chúng ta đã trở thành người phản chứng, thành rào cản khiến cho anh em lương dân khó lòng tin theo Chúa.

4) Cần làm gì để đi theo Chúa noi gương người mù hôm nay?: 

– Mỗi ngày chúng ta hãy xin Chúa mở mắt linh hồn để nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong những kỳ công Người đã làm trong vũ trụ thiên nhiên, nơi bản thân ta và nơi tha nhân… rồi dâng lời ngợi khen tạ ơn Thiên Chúa.

– Mỗi khi gặp tình huống khó giải quyết, không biết phải chọn đi đường nào, chúng ta hãy xin Chúa Giê-su mở mắt đức tin bằng việc lắng nghe Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh, tìm hiểu ý Chúa muốn và mau mắn xin vâng theo ý Chúa. Khi gặp rủi ro thất bại, chúng ta hãy tín thác cậy trông vào Chúa quan phòng và sẵn sàng chấp nhận đi con đường “Qua đau khổ vào trong vinh quang” noi gương người mù trong Tin Mừng hôm nay.

– Trong mọi giây phút cuộc đời, chúng ta hãy luôn biết khiêm tốn chạy đến xin Chúa Giê-su mở con mắt đức tin để thấy được sự thật toàn vẹn. Bấy giờ Người sẽ chỉ cho chúng ta nhận biết Thiên Chúa là Cha và nhận ra mọi người đều là anh chị em con của một Cha chung trên trời là Thiên Chúa. Người sẽ dẫn đường cho chúng ta về trời qua con đường hẹp, leo dốc nhiều gai chông sỏi đá, vác thập giá hằng ngày ; Đi con đường yêu thương hy sinh phục vụ tha nhân. Nếu chúng ta cùng chết với Chúa Giê-su thì cũng sẽ được phục sinh với Người sau này.

  1. NGUYỆN CẦU:

Lạy Chúa Giê-su.

Xin cho con nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong lòng con, để con biết năng đến tâm sự với Chúa.

Xin cũng mở mắt đức tin giúp con nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong thiên nhiên, để con dâng lời ngợi khen Chúa.

Xin cho con nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong thánh lễ và nơi Nhà Tạm để con năng đến nghe Lời Chúa dạy và được kết hiệp mật thiết với Chúa nhờ việc rước lễ và biết chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho tha nhân.

Xin cho con sáng mắt đức tin để nhìn thấy Chúa đang hiện thân nơi những người nghèo hèn, khuyết tật hay đang bị bỏ rơi và tuyệt vọng… để con động viên an ủi và ân cần phục vụ họ như phục vụ chính Chúa, hầu con chu toàn sứ vụ làm chứng nhân cho tình thương của Chúa giữa lòng xã hội Việt Nam hôm nay. 

  1. X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN