Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXX QUANH NĂM, NĂM C, CỦA LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXX QUANH NĂM, NĂM C, CỦA LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

(Hc 35,12-18; 2 Tm 4,6-18; Lc 18,9-14)

“Cầu nguyện trong khiêm tốn”        

  fariseu_e_publicanoTin Mừng Luca 18,9-14:

9 Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác:10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế.11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.14 Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

          Suy Niệm:

          Đức Giêsu dạy chúng ta phải cầu nguyện trong tâm tình khiêm tốn qua dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện. Đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự. Việc đến nhà thờ là việc cần thiết mà mọi Kitô hữu phải làm, không được sao lãng. Bởi vì nhà thờ là điểm hẹn gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Đến nhà thờ để cầu nguyện, để sống tương quan tình yêu với Thiên Chúa như con với Cha. Cầu nguyện là cha con tâm sự với nhau. Nhà thờ là nơi cầu nguyện tốt nhất.

          Chúa Nhật tuần trước Chúa Giêsu đã dạy phải kiên trì cầu nguyện không được nản lòng. Cầu nguyện liên lỉ thì chắc chắn sẽ được Thiên Chúa nhậm lời. Chúa Nhật hôm nay, Chúa dạy chúng ta phải cầu nguyện trong sự khiêm tốn qua dụ ngôn người Biệt phái và thâu thuế lên đền thờ cầu nguyện.

          Dụ ngôn trình bày hai mẫu người khác biệt nhau, mâu thuẫn nhau hoàn toàn trong tư  cách cầu nguyện. Người Biệt phái “đứng thẳng”, tự tin, tự đặt mình trên người khác, kiêu căng, phô trương công đức trước mặt Thiên Chúa, xúc phạm đến anh em… Thực ra, người Biệt phái đến đền thờ không để cầu nguyện với Thiên Chúa, mà ông chỉ cầu nguyện với chính mình, nói về mình, kể công với Chúa: “Con ăn chay một tuần hai lần,bố thí cho Chúa, không ngoại tình, không tham lam, bất công…” Thực ra, người Biệt phái không đến nhà thờ để cầu nguyện với Thiên Chúa, ông đến để nói cho Thiên Chúa biết ông tốt, đạo đức như thế nào! Ông này không được Thiên Chúa nhận lời, không được công chính hóa, vì thái độ kiêu căng, tự mãn, coi thường anh  em.

          Người thu thuế đứng đàng xa, cúi đầu, đấm ngực và nhìn nhận mình là người tội lỗi, chỉ cậy nhờ vào lòng thương xót của Chúa: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. chính lời cầu nguyện khiêm hạ và tấm lòng tan nát của người thu thuế đã được Thiên Chúa nhận lời. Đức Giêsu đã xác định: “người này được công chính”, tức là được tha tội, được cứu độ.

          Sau cùng Chúa Giêsu dạy ta một bài học về sự khiêm nhường: “Ai nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống. Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”(Lc 18,14).

          Khiêm nhường, khiêm tốn là biết nhận mình chẳng là gì, chỉ là một tội nhân trước mặt Thiên Chúa, tức là nhìn nhận sự thật về chính mình (Lc 18,13; 1 Cr 4,7). Khi chúng ta nhìn thấy sự thật về chính mình là lúc chúng ta đang nuôi dưỡng sự khiêm tốn thực sự và không phán đoán anh  em, có lòng nhân từ và tha thứ hơn. Do đó Thiên Chúa sẽ yêu thương, tha thứ tội lỗi và nhận lời chúng ta cầu xin.

          Sách GLHTCG số 2559 dạy: “Khiêm nhường là nền tảng của việc cầu nguyện, khiêm nhường là tâm trạng để nhận được hồng ân của việc cầu nguyện: con người là kẻ ăn xin trước mặt Thiên Chúa”.

          Người khiêm nhường là người dễ thương được mọi người quí mến. Chỉ người khiêm nhường thực sự mới được an vui như Chúa Giêsu đã dạy:

          “Anh em hãy học với tôi. Vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh  em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng”(Mt 11,29).

          Đức khiêm nhường là nhân đức căn bản, quan trọng giúp con người trở nên đạo đức và thành công trên đường đời.

          Thánh Bênađô nói: “Khiêm nhường là nhân đức làm cho ta biết rõ mình mà tự hạ”.

          Thánh Thomas dạy: “Phải xét nơi ta, cái gì là của Chúa, cái gì là của ta. Cái gì khuyết là của ta, cái gì tốt lành là của Chúa”.

          Bà Danielon nói: “Hầu hết, những băn khoăn lo lắng của chúng ta phát xuất từ lòng kiêu ngạo vô độ, lúc nào cũng dễ bị tổn thương, lúc nào cũng giành lấy cho mình độc quyền chiếm hữu lòng yêu quí, vinh dự và chú tâm của kẻ khác”.

          Thánh Augustinô về đức khiêm nhường: “Kiêu ngạo biến đổi các thiên thần thành quỉ dữ… Khiêm nhường làm cho con người thành thiên thần”.

          Ngài còn nhấn mạnh sự quan trọng của đức khiêm nhường trong tu đức:

          “Nếu bạn hỏi tôi nhân đức nào quan trọng nhất? Tôi sẽ nói là nhân đức khiêm nhường. Nhân đức nào thứ nhì? Tôi sẽ nói là khiêm nhường. Nếu bạn hỏi nữa, nhân đức nào thứ ba? Tôi cũng sẽ trả lời là khiêm nhường!”.

          Đức khiêm nhường là một nhân đức vừa có chiều khích luân lý nhân bản, xã hội và vừa mang chiều kích kitô cao bậc nhất: một đức tính mà Đức Giêsu đã kiên trì giảng dạy bằng lời nói, bằng cuộc sống, bằng gương sáng. Đức khiêm nhường là điều kiện cần thiết cho đời sống đạo và xã hội.

          Người có tinh thần khiêm nhường thật đều là những bậc vĩ nhân, thánh hiền, quân tử. Người khiêm nhường thật là thánh thân tại thế.

          Xin Chúa cho chúng con biết sống khiêm nhường để làm chứng nhân cho Chúa trong xã hội hôm nay.

LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG