Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXVIII QUANH NĂM, NĂM C, CỦA LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXVIII QUANH NĂM, NĂM C, CỦA LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

(1 V 5,14-17; 2 Tm 2,8-13; Lc 17,11-19)

“Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”.

       lc-17-11-19 Tin Mừng Luca 17,11-19:

11 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê.12 Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa13 và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi! “14 Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch.15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri.17 Đức Giê-su mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu?18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này? “.19 Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”
       

         Suy Niệm:

        Thiên Chúa đã yêu thương con người, nhất là những người đau khổ, nghèo nàn, bị xã hội bỏ rơi và con người phải biết ơn Thiên Chúa. Đó là chủ đề của bài tin mừng hôm nay.

          Trên đường đi Giêrusalem, ngang qua biên giới Samaria, Chúa Giêsu gặp mười người phong cùi: 9 người Do Thái và một người xứ Samaria. Đối với quan niệm của người Do Thái, người phong cùi bị coi như là người bị Thiên Chúa phạt, là người tội lỗi, bị xã hội khai trừ, phải sống biệt lập ở các nghĩa địa, nơi xa xôi hẻo lánh, đi đâu cũng phải lắc chuông để cho người ta tránh và không được tiếp xúc với người phong cùi. Đụng chạm tới họ là bị mắc nhơ uế. Hơn nữa người phong cùi hoàn toàn tuyệt vọng vì không ai chữa lành họ được. Họ bị cách ly hoàn toàn với người thân, với xã hội. Họ sống kể như đã chết.

          Đức Giêsu cảm thương, động lòng trắc ẩn trước khổ đau của con người. Chúa Giêsu không xa tránh những người phong cùi. Họ đến với Đức Giêsu kêu xin được chữa lành. Ngài đã tiếp xúc với họ, mặc dù luật Do Thái không cho phép. Ngài làm phép lạ chữa lành 10 người phong cùi. Trong khi đi trình diện với các tư tế thì họ được khỏi bệnh.

          Niềm vui trào dâng, niềm vui phở lở bỗng trở thành nỗi buồn, khi người xứ Samaria được chữa lành trở lại cám ơn Đức Giêsu và tôn vinh Thiên Chúa. Đức Giêsu thốt lên lời than trách: “Không phải cả 10 người được sạch cả sao? Chín người kia đâu? Sao không thấy trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?”

          Chúa Giêsu coi trọng và đề cao lòng biết ơn cũng vì ích lợi của kẻ biết ơn mà thôi. Người xứ Samaria trở lại tôn vinh Thiên Chúa vì Đức Giêsu đã chữa lành phần xác cho anh mà còn ban ơn phần hồn cho anh là củng cố niềm tin và xác định tư cách tôn giáo của anh: “Đứng dậy về đi, lòng tin của anh đã chữa anh” (Lc 17,19). Như thế, cám ơn Chúa lại là cơ hội để nhận được thêm ơn phúc. Trong kinh tiền tụng chung thứ 4 đã xác định:

          “Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban. Vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ”.

          Lòng biết ơn biểu lộ một con người tử tế, đạo đức, có văn hóa, biết cư xử ở đời. Có lẽ không có gì tử tế và tốt đẹp hơn trong cuộc sống làm người bằng hai tiếng cám ơn luôn được thốt lên với tất cả tấm lòng chân thành và trân trọng của mỗi người chúng ta. Ngạn ngữ Pháp có câu:

“Lòng biết ơn là trí nhớ của trái tim. Ngược lại, lòng vô ơn là thảm kịch của xã hội hôm nay”. Điều này rất đúng và xác thực: Tất cả mười người được khỏi, nhưng chỉ có một người trở lại cám ơn Chúa. Tỷ lệ 1/10. Charles Erdman một nhà chú giải chuyên về Thánh Luca nói: “Có lẽ 9/10 sẽ quên hết những ơn họ lãnh nhận”. Tỷ lệ 1/10, một tỷ lệ đáng kinh ngạc, còn đáng kinh ngạc hơn là người duy nhất trong nhóm 10 người được Chúa chữa lành đó trở lại cám ơn Chúa lại là người Samaria, một người ngoại giáo.

Con cái trong gia đình thường quên ơn ông bà cha mẹ, không nhận ra công ơn lớn lao của cha, nên thường có thái độ bất hiếu. Vua Lear đã thốt lên trong ngày bi thảm của đời ông: “Có một đứa con bạc nghĩa, đau xót hơn bị rắn độc cắn”.

Tục ngữ Việt Nam có câu:

“Cha mẹ nuôi con như biển hồ lai láng

Con nuôi cha mẹ, con tính tháng tính ngày”.

Con người thường quên ơn đối với anh em đồng loại. Sống ở đời, chúng ta đã từng mang ơn nhiều người trong xã hội: Thầy cô giáo, bác sĩ, y sĩ, các vị lãnh đạo đời cũng như đạo… Chúng ta đều là những người mắc nợ anh  em: nợ ân, nợ nghĩa, nợ tình thương. Tục ngữ Việt Nam đề cập tới thái độ vô ơn của con người:

  • Qua cầu rút ván.
  • Hết sôi rồi việc.
  • Ăn cháo đá bát.
  • Cứu vật, vật trả ân.

Cứu nhân, nhân trả oán.

Con người thường quên ơn Thiên Chúa. Mười người phong cùi được chữa lành. Chỉ có một người ngoại giáo biết cám ơn Thiên Chúa. Mọi sự ta có đều do Chúa ban “Tất cả là hồng ân”. Lời kinh ai cũng thuộc: “Từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa”. Mấy ai biết nhận ra hồng ân của Thiên Chúa? Triết lý dân gian có câu: “Gần Chùa gọi Bụt bằng anh, Thấy Bụt hiền lành, cõng Bụt đi chơi”.

Thánh Inhatio nói: “Tội lớn lao hơn cả là tội vô ơn”.

Cuộc sống con người là một chuỗi những ân huệ nối tiếp nhau. Ân huệ này tới ân huệ khác đều đến từ Thiên Chúa, cha mẹ ông bà, những ân nhân , thân nhân, an hem làng xóm… Cuộc sống là lãnh nhận, thì người ta sẽ như thế nào nếu không biết nói lên hai tiếng cám ơn, chẳng bao giờ bày tỏ lòng tri ân! Đúng như người xưa nói: “Bạc như dân, bất nhân như lính”.

Người có tâm tình biết ơn là người nhận ra thân phận bất toàn của mình và ý thức về tình liên đới với người khác. Biết ơn là biết thể hiện niềm tin vào Thiên Chúa yêu thương và quan phòng. Vì thế lòng biết ơn là bông hoa đẹp tô điểm cho cuộc sống con người tươi vui và hạnh phúc hơn.

Ước chi cuộc đời người Kitô hữu luôn là lời cảm tạ tri ân Thiên Chúa và mọi người.

LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …