CN 28A TN
Tiệc Cưới Nước Trời
(Mt 22,1-14)
I.TÀI LIỆU GỢI Ý
Dụ ngôn tiệc cưới (Mt 22:1-14) Giêrusalem, thứ ba, tháng 4 năm 30
1 Đức Giêsu lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: 2 Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. 3 Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. 4 Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: “Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!” 5 Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, 6 còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. 7 Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng. 8 Rồi nhà vua bảo đầy tớ: “tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. 9 Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới”. 10Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.
1.Từ câu 1 đến 14 gồm hai dụ ngôn (Mt 22,1-10)
nếu xét riêng từng dụ ngôn, ta sẽ hiểu hơn. Những biến cố của dụ ngôn thứ nhất hoàn toàn xẩy ra theo thói quen người Do Thái. Thường thường trong những dịp lễ lớn, người ta gửi thiệp mời báo trước, nhưng chưa xác định giờ giấc. Khi lễ dự trù đã đến và mọi sự đã sẵn sàng, người ta mới sai đầy tớ đi mời lần chót. Vì thế, vua trong dụ ngôn đã thông báo lâu, trước khi mời lần chót. Thế nhưng lời mời lần chót đã bị từ chối. [1]
2.Dụ ngôn có hai ý nghĩa
2.1.Ý nghĩa hiện tại là gợi lại những gì đã nói trong dụ ngôn những tá điền độc ác làm vườn nho
Lần nữa, lại tố cáo người Do Thái vì những khách mời từ chối đây lại là người Do Thái. Xưa Thiên Chúa đã mời gọi họ làm dân riêng của Người, nay Con Thiên Chúa đến, họ lại được mời mà họ lại khinh miệt chối từ. Họ không đến, nên chủ sai đầy tớ ra đường mời những người khác, những người tội lỗi, dân ngoại là những dân không bao giờ trông đợi được mời… như tác giả Tin Mừng thấy hậu quả của việc từ chối thật kinh khủng.
Câu 7 nói: vua sai lính đến tru diệt… là câu nói lạc lõng, không phải Chúa nói mà người giải thích Tin Mừng cho vào, nhấn mạnh đến sự khủng khiếp của việc từ chối, tuy vẫn chứa sự thật: Giêrusalem bị phá bình địa năm 70.
Tai họa hoàn toàn cho những ai từ chối Con Thiên Chúa khi Người đến. Tác giả Tin Mừng thêm vào như giải thích hình phạt kinh khủng cho dân không nhận đường lối của Chúa Giêsu. Và quả thật nếu người Do thái đã nhận đường lối của Chúa, bước đi trong tình yêu, khiêm nhường, hy sinh, họ sẽ không bao giờ nổi loạn, hiếu chiến để sau cùng chọc giận Rôma
2.2.Ý nghĩa rộng hơn
2.2.1.Mời đến dự tiệc vui, như tiệc cưới
Lời mời của Thiên Chúa là lời mời đến tui tươi. Đạo Kitô giáo không phải là đạo buồn, từ bỏ mọi vui cười, chối bỏ ánh sáng mặt trời, tình thân hạnh phúc… người Kitô hữu được mời đến niềm vui, nên từ chối lời mời là từ chối niềm vui.
2.2.2.Lý do từ chối không nhất thiết tự nó là xấu
Thường vì bận, không có giờ, quên đời sau, bận với những gì trông thấy mà quên những gì không thấy, vì những kêu gào của thế gian mà không nghe lời êm dịu của Chúa Kitô. Thảm kịch cuộc đời là nhiều khi điều tốt thứ yếu bóp nghẹt điều tốt nhất; điều tốt bóp nghẹt điều tối cao.
2.2.3.Dụ ngôn cho biết lời mời gọi của Chúa Giêsu không nhấn mạnh đến hình phạt cho bằng đến niềm vui, hạnh phúc đã mất
Những người không đến sẽ bị phạt, nhưng thảm kịch thực sự của họ là đã đánh mất niềm vui tiệc cưới. Nếu từ chối lời mời của Chúa Giêsu, ngày kia, sự đau đớn lớn nhất không phải là điều ta phải chịu mà là điều quí báu ta đã đánh mất.
2.2.4.Dụ ngôn nhắc rằng, phân tách sau cùng lời mời của Chúa là lời mời của ơn sủng… những khách từ các ngã đường không có quyền trông chờ, đòi hỏi gì nơi nhà vua, và tất cả họ còn là những người không bao giờ xứng đáng… [2]
11”Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, 12mới hỏi người ấy: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?” Người ấy câm miệng không nói được gì. 13Bấy giờ, nhà vua bảo những người phục dịch: “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! 14Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít”.
3.Đây là dụ ngôn thứ hai, liên kết chặt chẽ và mở rộng dụ ngôn thứ nhất
Đó là truyện một khách dự tiệc lại không mặc áo cưới. Một trong những thú vị của dụ ngôn là trong đó ta thấy Chúa Giêsu lấy truyện quen thuộc của người Do Thái nhưng dùng theo cách của Người…
3.1.Pháp Sư có hai dụ ngôn về vua và y phục
3.1.1.Vua mời mà không nói chắc chắn ngày, giờ, nhưng nói phải sạch sẽ, chỉnh tề… tất nhiên, người khôn thì chuẩn bị ngay, đến đợi ngay cửa đền vua vì tin tiệc vua sẽ tới mau, không có giờ nhắc nhớ… người bất cẩn thì lơ là, cho là còn nhiều giờ, nên tiếp tục công việc, không chuẩn bị… Nhưng bất thình lình, lời mời đến mà không báo trước. Người sẵn sàng đến, vào dự tiệc, vui vẻ, còn người không chuẩn bị phải đứng ngoài. Y phục tử tế là sự chuẩn bị.
3.3.2.Vua trao áo cho các đầy tớ.
Người khôn thì cẩn thận gìn giữ cho đẹp. Người dại thì mặc đi làm… đến khi vua đòi lại… những y phục dơ bẩn của người không chuẩn bị phải trao cho thợ giặt để tẩy uế, có nghĩa là người không chuẩn bị sẽ phải tống vào tù. Người ta phải trao lại linh hồn mình cho Thiên Chúa trong tình trạng trong trắng nguyên thủy của nó. Chắc chắn Chúa Giêsu nghĩ đến hai dụ ngôn này. Vậy thì Chúa có ý dạy gì?
4.Chúa dùng để dạy
4.1.Ý nghĩa hiện tại
Chúa Giêsu vừa nói vua dọn tiệc mời khách, sai đầy tớ ra đường mời gọi mọi người. Đó là dụ ngôn về cửa mở, cửa rộng mở. Vì thế người tội lỗi, kẻ ngoại có thể vào. Mọi người có thể vào, nhưng vào thì phải ăn mặc cho xứng. Ơn thánh không phải chỉ là quà mà còn là trách nhiệm nặng nề. Người ta không thể tiếp tục sống như đã sống trước khi gặp Chúa Giêsu. Anh phải ăn vận sự trong trắng và sự thánh thiện, sự tốt lành mới. Cửa mở nhưng không mở cho người tội lỗi vào rồi cứ ở lì trong tội, mà cho người tội lỗi vào rồi trở nên vị thánh.
4.2.Ý nghĩa chính
Đây là bài học vĩnh viễn. Cách ăn mặc biểu lộ tinh thần. Thăm bạn bè ta không ăn mặc như nhân công bến tầu hay làm vườn, không phải để khoe khoang mà chỉ vì tinh thần tôn trọng, nghĩa là không phải vì y phục, nhưng vì tinh thần tôn trọng. Ăn mặc chỉnh tề là cách tỏ ra mối thịnh tình quí báu đối với bạn. Với nhà Thiên Chúa cũng thế. Dụ ngôn không quan tâm đến y phục, nhưng quan tâm đến tinh thần khi đến nhà Chúa. Vì vậy đi nhà thờ không phải để khoe mốt, mà là y phục tinh thần, tâm lòng, đó là khiêm tốn thống hối, đức tin, trọng kính, những tinh thần phải có khi đến với Thiên Chúa… rất tiếc là thường khi đi nhà Chúa chúng ta lại không chuẩn bị tinh thần lẫn vật chất. Nếu mỗi người trong giáo xứ, cộng đoàn đến nhà Chúa mà chuẩn bị bằng lời cầu nguyện nhỏ, hồi tâm, xét mình chút ít, việc thờ phượng của chúng ta sẽ là việc thờ phượng thật sự biết bao.[3]
II.CHIA SẺ TIN MỪNG
Khi giảng dạy ở trong Đền Thờ, Chúa Giêsu thường bị các thượng tế và kỳ mục trong dân hạch sách. Rõ ràng là họ tới có ý chất vấn Người: “ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Ai đã cho ông quyền ấy” (21,23). Nhưng Đức Giêsu đã từ chối trả lời họ, bao lâu họ còn lẩn tránh câu hỏi của Người hỏi: “Phép Rửa của Gioan do đâu mà có. Do Trời hay do người ta (21,24). Trong bối cảnh gay cấn như vậy, Chúa Giêsu đã dùng ba dụ ngôn để cảnh báo họ:
– Dụ ngôn hai người con được sai đi làm vườn nho (Phúc Âm Chúa nhật 26).
– Dụ ngôn những tá điền sát nhân ( Phúc Âm Chúa nhật 27).
– Dụ ngôn tiệc cưới (Phúc Âm Chúa nhật 28).
Trong bài Tin Mừng hôm nay,
- Đức vua ám chỉ Thiên Chúa;
- Tiệc Cưới chỉ Nước Trời;
- Các đầy tớ đi mời khách đến dự tiệc là các ngôn sứ, trong đó có Đức Giêsu;
- Các quan khách ưu tiên được mời mà không thèm đến đó là Dân Do Thái;
- Những người ở ngoài đường được mời dự tiệc đó là Dân Ngoại gồm các dân tộc của mọi thời.
Dụ ngôn Tiệc Cưới trong bài Tin Mừng hôm nay có hai chủ ý:
– Chủ ý thứ nhất: Ơn Cứu Độ hay Nước Trời ưu tiên dành cho người Do Thái, nhưng người Do Thái đã tỏ ra hờ hững, bất xứng với sự ưu tiên ấy, vì thế, sự ưu tiên ấy đã được trao cho các dân tộc khác.
– Chủ ý thứ hai là: để vào Nước Trời, cần phải có một nỗ lực cá nhân để trở nên xứng đáng với Nước Trời, tức là phải mang áo cưới.
Thiên Chúa yêu thương con người, Ngài mở rộng cửa để đón tiếp mọi người vào dự bàn tiệc Nước Trời. Lời mời gọi có tính cách rộng rãi. Ngài mời gọi mọi người không trừ ai, dù tốt dù xấu, miễn là phòng tiệc phải đầy người. Nhưng một số người từ chối.
Thánh Matthêu ghi lại hai lý do: “người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán”. Thánh Luca thì ghi rõ hơn, tới ba lý do: “Người thứ nhất nói: tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; người khác nói: tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; người khác nói: tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được” (Lc 14,18-19)
Ba lý do trong Luca có thể gom thành hai loại
– Quá mê làm ăn có thể kéo ta xa Chúa.
– Quá lo thụ hưởng cũng có thể kéo ta xa Chúa.
Thực ra hai điều ấy không cấp bách đến nỗi phải lập tức làm ngay để đành từ chối lời mời ưu ái của nhà vua. Tuy nhiên, đó là hai nguyên do khiến nhiều người chối từ lời mời của Thiên Chúa.
Trước sự từ chối của dân Do Thái, Thiên Chúa quay sang Dân Ngoại, mời họ vào Nước Trời cho thật đông để họ được thưởng thức những cao lương mỹ vị mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho họ. Tuy nhiên, muốn vào dự tiệc Nước Trời cũng phải có điều kiện đó là phải mặc áo cưới.
Chúng ta có thể coi chiếc áo cưới là phần nối tiếp của dụ ngôn khách mời dự tiệc, hoặc coi như là một dụ ngôn riêng. Tuy coi là dụ ngôn riêng nhưng cũng là câu chuyện nối tiếp và giải rộng ý nghĩa câu chuyện trước, trong câu truyện ở đây có một thực khách đến dự tiệc của nhà vua, nhưng không mặc lễ phục, nên đã bị tống giam.
Điều này chắc phải làm chúng ta thắc mắc: những người đang ở ngoài đường đột nhiên được mời vào dự tiệc cưới thì làm sao có sẵn áo cưới mà mặc.
Chúng ta nên nhớ đây là một dụ ngôn, nghĩa là các chi tiết ám chỉ đến một ý nghĩa nào đó. Nếu bữa tiệc cưới là hình ảnh của Nước Trời, thì chiếc áo cưới tượng trưng cho nếp sống phù hợp với Nước Trời. Tự nhiên được mời vào Nước Trời đã là một hồng phúc, cho nên để đáp lại thì phải có một nếp sống phù hợp với Nước Trời. Chiếc áo cưới ở đây tượng trưng cho cách sống. Theo ý kiến của một số giáo phụ, chiếc áo cưới ám chỉ đức ái, tối thiểu là cuộc sống ăn ngay ở lành. Còn theo ý kiến của các nhà chú giải Thánh Kinh thời nay, thì chiếc áo cưới chính là sự hoán cải hay sự trở về, tức là tinh thần sám hối chân thật. Ăn năn hoán cải, thực lòng sám hối trở về cùng Chúa, đó chính là chiếc áo cưới Thiên Chúa đòi chúng ta khi chúng ta bước vào Bàn Tiệc của Ngài như người Hồi Giáo thường kể rằng:
Ngày kia Đức Allah truyền cho một sứ thần xuống thế gian tìm xem có điều gì tốt đẹp nhất để mang về trời. Sứ thần đến ngay một chiến trường nơi máu của các vị anh hùng đang chảy lai láng, sứ thần thu nhặt một ít máu mang về cho Đức Allah. Nhưng xem ra Đức Allah không bằng lòng mấy, Ngài bảo: máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo là một điều quí giá, nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất nơi trần gian.
Sứ thần đành phải giáng thế một lần nữa. Lần này ngài gặp đám tang của một người giầu có nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi theo sau quan tài, vừa đi vừa khóc lóc vừa xông hương để biểu lộ lòng biết ơn của họ đối với vị đại ân nhân. Sứ thần liền thu nhặt hương thơm và mang về trời. Lần này Đức Allah mỉm cười đón lấy hương thơm ngào ngạt, nhưng xem ra vẫn chưa hài lòng, Ngài nói: dĩ nhiên lòng biết ơn là một trong những điều tốt đẹp và hiếm có dưới trần gian, nhưng Ta nghĩ rằng còn có một cái gì tốt đẹp hơn.
Lại một lần nữa, sứ thần đành phải vâng lệnh. Sau nhiều ngày tìm kiếm khắp bốn phương, một buổi chiều nọ ngồi nghỉ bên vệ đường ngài bỗng thấy một người đàn ông đang khóc sướt mướt. Trước câu hỏi đầy ngạc nhiên của sứ thần người đàn ông giải thích: tôi đã chiều theo cơn cám dỗ mà phạm tội, giờ đây nước mắt là lương thực hàng ngày của tôi. Sứ thần giơ tay hứng lấy những giọt nước mắt còn nóng hổi và thẳng cánh bay về trời. Đức Allah chăm chỉ nhìn những giọt nước mắt rồi mỉm cười nói: thế là người đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quả thật, dưới trần gian không có gì tốt đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối. Bởi vì nó có sức canh tân cuộc đời. Một lòng sám hối chân thật có sức biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân ấm áp của tình yêu.
Đức Allah của người Hồi Giáo mỉm cười trước những giọt nước mắt sám hối, còn Chúa Giêsu thì quả quyết: “cả thiên đàng sẽ hân hoan vì một tội nhân hối cải”. Mọi người chúng ta đều là tội nhân. Vì thế mà từng người chúng ta đều có vinh dự đem lại niềm vui cho Thiên Chúa và thần thánh trên trời. Thiên đàng tuy đã tràn đầy hạnh phúc của Thiên Chúa, nhưng mỗi khi chúng ta ý thức được tội lỗi mình và thành tâm sấm hối là mỗi lần chúng ta hòa nhập vào niềm vui thiên quốc và làm cho niềm vui ấy như tràn đầy thêm lên. Quả thực lòng sám hối chính là chiếc áo cưới Thiên Chúa đòi chúng ta khi bước vào Tiệc Cưới Nước Trời như bài Tin Mừng hôm nay. Amen.[4]
Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ
[1] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai.280
[2] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai.281
[3] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai.282
[4] Câu chuyện trong “Truyện Vui Suy Niệm”, trg.290-291