Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXVIII A 2014 của P.Trần Đình Phan Tiến

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXVIII A 2014 của P.Trần Đình Phan Tiến

 

LỄ CƯỚI NƯỚC TRỜI

(Mt 22, 1- 14)

Vâng, kính thưa quý vị, Tin Mừng Chúa Nhật XXVIII (A) hôm nay (Mt 21, 1-14) một lầm nữa Chúa Giêsu lại dùng dụ ngôn nói về Nước Trời. Dụ ngôn hôm nay là “Dụ Ngôn Tiệc Cưới“. Có thể đoạn Tin Mừng hôm nay hơi khó hiểu, nếu chúng ta hiểu một cách nông cạn, theo nghĩa đen. Nhưng, nếu chúng ta hiểu theo ý nghĩa của niềm tin, ý nghĩa siêu  nhiên, thì chúng ta sẽ thấy một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi vì, điều mà Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta là điều mà Chúa yêu thương chúng ta.

Khởi đi từ Bài đọc I (Is 25, 6-10a), chúng ta thấy sự “khải hoàn“ sự vinh quang từ Thiên Chúa, sự mong đợi sự thiết đãi từ Thiên Chúa đối với dân của Ngài. Bởi vì, ngoài Thiên Chúa ra, dân riêng của Ngài, ai chăm sóc, ai vỗ về, ai yên ủi? Chúng ta thấy, niềm vui thường đi kèm với yến tiệc. Yến tiệc khoản đãi từ Thiên Chúa còn gì là cao cả hơn?! Theo đó, phần thưởng chiến thắng, phần thưởng được ban ra từ Thiên Chúa, thì không có gì có thể so sánh được. Đó là niềm an ủi, niềm khích lệ, niềm mong đợi của sự công chính cho người công chính.

Theo đó, chúng ta thấy, từ trước Chúa Cứu Thế, dân Thiên Chúa đã mang một tâm tình mong đợi như vậy. Và Isaia đã được chính Thiên Chúa mở miệng cho nói những điều trên. Cho thấy, điều mà Tiên tri Iasia nói chính là hình bóng một Nước Thiên Chúa mà con người luôn mong đợi. Nhưng khốn nỗi thay, khi Thiên Chúa ban Nước ấy cho con người, thì họ lại khước từ.

Vâng, từ thực tế nêu trên, chúng ta mới thấm thía được ý nghĩa Tin Mừng hôm nay.

Tin Mừng hôm nay (Mt 22 , 1-14) có thể chia ra ba ý chính:

–         Ý nghĩa “Dụ ngôn tiệc cưới“ (Mt 22, 1- 10)

–         Y phục tiệc cưới (c 11- 12)

–         Sự tuyển chọn của Thiên Chúa (c 13 -14)

Chúng ta thấy, đoạn Tin Mừng hôm nay có nhiều tình tiết “đối chọi” nhau. Ngay chính đoạn đầu, chúng ta thấy có sự “thất bại”, có sự “thất trung, thất tín” trong bữa tiệc cưới. Tiệc cưới là một niềm vui lớn trong đời người, lại là tiệc cưới của Con “Ông Vua“ , tức hoàng tử. Chúng ta hãy đặt mình vào trong chính trường hợp như vậy. Có vị vua nào mà không có niềm kiêu hãnh, sự tự hào, dù là vị vua rất mực nhân từ. Càng nhân từ, càng xứng đáng với niềm hãnh diện của một vị vua. Chúa Giêsu rất chận thật, rất chân lý và tâm lý, khi miêu tả Nước Trời bằng một dụ ngôn “Tiệc Cưới“. Điều nầy phù hợp với tâm tình và đặc tính của một vị Vua là Thiên Chúa.

Bởi vì, Thiên Chúa sẽ trừng phạt và sẽ hành động như vậy, không còn cách nào khác hơn. Với cương vị là một “Vị Vua Trời“, Thiên Chúa đã quá nhân từ, khi con người tội lỗi đã quá mạo phạm, chống lại, khước từ ân sũng của Ngài.

Chúng ta thấy, về mặt nghĩa đen và câu chữ là một sự bất trung, thất tín, một sự chống lại Thiên Chúa. Nhưng về ý nghĩa siêu nhiên, thì Nước Trời qua dụ ngôn Tiệc Cưới chính là bữa tiệc cứu độ (messianic banquet). Chúng ta hiểu được bữa tiệc cứu độ, “Bữa Tiệc Thánh“, cụ thể như Thánh Lễ Missa ngày nay, thì chúng ta mới hiểu được sự phù hợp của câu chuyện “Tiệc Cưới Nước Trời” hôm nay. Việc mời là sự tự do của lòng tốt, không phải bắt buộc mời. Sự mời thể hiện tính cách tôn trọng, tử tế, yêu mến. Nhưng sự từ chối, tỏ vẻ khinh khi, phớt lờ. Thái độ không đáp trả là thái độ dễ ngươi. Nhưng cũng có những trường hợp chính đáng. Nhưng trong dụ ngôn, cho thấy hai lần mời, khách được mời đều tỏ rõ thái độ xem thường. Lần đầu, là những khác đã được mời trước, nhưng họ không chịu đến (c 3). Lần thứ hai, Nhà vua nói rõ: Tiệc đã sẵn sàng, cỗ đã bày xong, rượu ngon, thịt béo, mọi sự đã sẵn sàng. Mời quý vị đến dự tiệc cưới (c 4). Nhưng lần nầy, không những họ không đi, mà lại tỏ ra cho thấy những lý do vì tư lợi, kẻ thì đi buôn bán, người đi thăm trang trại. Còn tệ hơn co những kẻ lại bắt các đầy tớ của vua đánh đập và giết đi (c 5- 6). Như vậy, không còn là lý do chính đáng nữa, mà là lý do phụ rẫy, lý do xem thường vị vua. Như vậy, tất nhiên vua sẽ nổi cơn thịnh nộ mà tru diệt bọn ác nhân. Và rồi vua cho mời tất cả những kẻ không được mời trước đây, lúc nầy không phân biệt người sang, kẻ hèn, ai cũng được mời. Có nghĩa là ơn cứu độ được ban cho hết mọi dân nước, chứ không còn dành riêng cho một dân nào. Theo đó giáo hội luôn gồm hai thành phần kẻ lành và người tội lỗi. Ơn cứu độ ở đây hiểu là “Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh“ của Đức Kitô. Nhưng khách được mời dự tiệc “bắt buộc” phải mặc y phục lễ cưới. Điều nầy theo phong tục của người Do-thai. Khi đến dự tiệc cưới, khách mời phải mặc y phục của bữa tiệc đó, không được mặc y phục tự do, hay theo ý mình. Nhưng, phải mặc trang phục lễ cưới, bởi vì, để tỏ thái độ kính trọng với người chủ tiệc. Từ ý nghĩa thực tế, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh nầy để miêu tả dụ ngôn.

Nhưng, y phục tiệc cưới ở đây chính là thái độ đón nhận Tin Mừng và thực thi Tin Mừng. Điều nầy có nghĩa là: Muốn đón nhận ơn cứu độ, muốn vào Nước Trời, thì kẻ ấy phải ăn năn, sám hối, cải thiện đời sống. Đó chính là y phục lễ cưới. Không có y phục lễ cưới, minh nhiên người ấy không thể vào dự tiệc cưới của “Vua Trời“ được. Ơn Cứu độ được trao ban nhưng không, nhưng muốn được cứu độ, thì phải mặc lấy tâm tình sám hối, như vậy, mới có thể đón nhận Nước Trời được. Nước Trời là nơi có Thiên Chúa ngự trị, mặc nhiên phải mặc lấy “Tâm tình“ của Thiên Chúa. Chúng ta nhớ lại, có lần Chúa Giêsu đã nói: “Không phải những kẻ kêu lạy Chúa, lạy Chúa, mà được vào Nước Trời. Nhưng những kẻ nghe và thực hành Lời Chúa (ý muốn của Cha Thầy) mới được vào mà thôi!” (Mt 7 , 21 -22)

Ở câu 13, chúng ta “trói tay chân nó lại và ném ra ngoài, ở đó sẽ khóc lóc và nghiến răng“, câu nầy đưa ra có vẻ gay gắt. Sự dẫn ra gay gắt của dụ ngôn hợp lý với khuôn mẫu lịch sử cứu độ. Nhưng, không thích hợp với những hàng chữ của câu chuyện. Vì chúng ta thấy, vị vua vừa muốn mời người ta dự tiệc. Có người từ chối, nhưng khi mời tất cả những người không định mời trước đó, nhưng khi thực khách đã đông, thì vua lại chú ý đến người dự tiệc không mặc y phục lễ cưới, ngay tức khắc bị đuổi ra ngoài. Như vậy, ơn cứu độ được trao ban nhưng không, nhưng người muốn đón nhận phải là người có lòng “sám hối“. Có nghĩa là người đó phải có “tinh thần của anh trộm lành”. Y phục lễ cưới là “tâm tình người trộm lành”.

Qua đó, thánh Matthêu muốn phân biệt giữa sự kêu gọi lúc ban đầu đối với sự cứu độ của Thiên Chúa và sự tuyển chọn và bảo tồn sau cùng. Theo đó, sự cánh chung không phải là sự tự động hóa. Do vậy, những người có niềm tin được cảnh báo chống lại sự tự phụ, tự mãn. Thánh Matthêu đã thường khiêm tốn nhìn nhận, bằng cách truyền thống của ngài, theo dụ ngôn “những kẻ tá điền sát nhân“ ( Mt 21, 33-46).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con bằng những dụ ngôn về Nước Trời. Để chúng con hiểu và thực thi ý muốn của Cha trên Trời. Xin thương cho chúng con biết đón nhận ơn cứu độ từ nơi Chúa và biết cải tà quy chánh, sống theo đường lối của Chúa, vì đó là y phục lễ cưới Nước Trời. Như vậy, chúng con mới xứng đáng được vào dự tiệc cưới với Người ./. Amen.

12/10/2014

P.Trần Đình Phan Tiến

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …