Xin ban thêm lòng tin cho chúng con
Suy Niệm Chúa Nhật XXVII Thường Niên – C
(Lc 17, 5-10)
Đức tin là chủ đề nổi bật của Chúa Nhật này, Chúng ta cũng nghe về đức tin trong bài đọc I, trích sách tiên tri Khabacúc, được Thánh Phaolô lấy lại trong thơ gởi tín hữu Roma: “Người công chính sẽ nhờ đức tin mà được sống” (1,17). Bài Tin Mừng bắt đầu bằng lời van xin các tông đồ với Chúa Giêsu là : “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con!”(Lc 17,5).
Khoảng 600 năm trước Chúa Giêsu giáng sinh thời tiên tri Khabacúc, nước Giuđa lâm vào cảnh éo le. Trong nước triều đình suy yếu, ngoại giáo xâm nhập, đạo đức đảo điên. Bên ngoài, sức ép của các quốc gia lân cận ngày càng mạnh. Ðặc biệt cuộc xâm lấn vũ trang của đế quốc Babylon là không tránh nổi. Niềm tin của họ vào Thiên Chúa bị thử thách. Phần lớn trong số họ muốn có một Thiên Chúa như họ, giải quyết tức khắc các vấn đề theo suy nghĩ của họ. Họ không muốn tin Thiên Chúa mà chỉ muốn dùng Thiên Chúa để phục vụ các tham vọng ích kỷ của họ. Số khác, tức là những người tin vẫn một mực trung thành tin tưởng vào sự Thiên Chúa cứu giúp.
Tiên tri Habacuc dạy chúng ta bài học sơ đẳng rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy vững tin vào Chúa, và phải bắt chước các Tông Đồ xưa thưa : “Xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng con!”
Các môn đệ hiểu rằng lời dạy của Thầy Giêsu không phải là tư tưởng mới, nhưng kêu gọi họ hoán cái tận căn, từ bỏ hoàn toàn để theo và tin vào Đấng mà họ gọi là “Chúa” và là “Thầy”. Đức Giêsu khẳng định rằng nếu có đức tin, họ sẽ tìm được câu trả lời. Vì thế, khi đối diện với lời van xin của họ là gia tăng về số lượng, Ngài liền phán rằng: “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: ‘Hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển’, nó liền vâng lời các con” (Lc 17, 6). Chúng ta gọi lòng tin như thế là lòng tin chuyển núi dời non. Chúng ta thường quan tâm đến hiệu quả của công việc mà quên đi chính việc làm. Chúa muốn chúng ta làm việc với lòng tin giống như người đầy tớ trong nhà làm việc thế nào? Anh ta làm hết công việc cày bừa ngoài đồng, rồi lại về làm các việc trong nhà. Anh không đòi được trả công tức khắc. Lòng trung tín bảo anh làm hết mọi công việc đã phân chia cho anh và anh cũng tin chắc chủ sẽ thi hành phận sự của chủ là thưởng công cho anh.
Đức tin không hành động theo trật tự lô gích của thế giới này. Đức tin hành động các tổng quát bất ngờ và không thể dự kiến trước được, như: “Gió muốn thổi đâu thì thổi: ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy” (Ga 3, 8). Theo nguyên lý sự sống: “Cái gì bởi xác thịt mà sinh ra, thì là xác thịt; còn cái gì bởi Thần Khí mà sinh ra, thì là thần khí” (Ga 3, 6). Thế nên, đức tin đặt chúng ta vào trong tương quan trực tiếp với Thiên Chúa và cho phép chúng làm điều tưởng chừng như không thể.
Khổ đau có thể làm chúng ta lo sợ ; nhưng đức tin giúp chúng ta không bị chi phối bởi những thất bại của thế gian này. Đúng là để có thể cầm cự tốt cho đến thời đã ấn định, như Thánh Phaolô mời gọi Timôthê người con yêu quý của ngài “Con thân mến, cha khuyên con hãy làm sống lại ơn Thiên Chúa đã ban cho con do việc đặt tay của cha” (2 Tim 1, 6-8). Đức tin là tham dự vào “sức mạnh của Thiên Chúa” trong Thánh Thần của tình yêu và lý trí. Trong khi đợi chờ sự can thiệp cuối cùng của Thiên Chúa và ngày trở lại trong vinh quang của Chúa Kitô, vẫn còn hạt giống của niềm tin cho phép chúng ta tuyên xưng rằng Chúa đến là điều chắc chắn như lời Ngài hứa: “Người sẽ thực hiện, không chỉ với thời gian ấn định. Chắc chắn giờ sẽ đến”.
Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con và ban Thánh Thần tình yêu xuống đầy lòng chúng con, để chúng con có sức nhổ tận gốc tất cả những ngờ vực và sống bằng lòng trung thành của chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ