Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN, NĂM B, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN, NĂM B, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Đơn hôn và vĩnh hôn

SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN – B

(Mc 10, 2-16)

Mc 10, 2-16Lần giở lại những chương đầu của sách Sáng Thế chúng ta sẽ khám phá ra ý định tuyệt vời của Thiên Chúa khi tạo dựng con người. Sau khi tạo ra người nam và người nữ đầu tiên, Thiên Chúa tác hợp Adong và Evà thành vợ thành chồng thật là đẹp. Ngài thiết lập hôn nhân là mối liên kết đặc biệt giữa người nam và người nữ, là nền tảng để xây dựng tổ ấm gia đình (St 1,27, 28; 2,18).

Ý định của Thiên Chúa

Từ ban đầu, Thiên Chúa thiết lập hôn nhân là sự gắn kết giữa một người nam và một người nữ (x. St 2,24). Ngài không chấp nhận đa thê, hành vi đồng tính hoặc sống chung ngoài vòng hôn nhân (x. 1 Cr 6,9; 1Tx 4,3). Thiên Chúa muốn các cặp vợ chồng hạnh phúc (x. Cn 5, 18)Ngài đưa ra tiêu chuẩn cũng như sự hướng dẫn để giúp hôn nhân thành công.

Chúa Giêsu dạy các môn đ vâng giữ tiêu chuẩn ban đầu của Thiên Chúa về hôn nhân (x. Mc 10, 6-8). Thiên Chúa coi hôn nhân là một sự gắn bó lâu dài. Khi người nam và người nữ kết hôn, họ hứa nguyện sẽ chung thủy và chung sống trọn đời. Thiên Chúa muốn họ giữ lời hứa nguyện đó (x. Mc 10,9).

Sự cứng lòng của các ngươi

Tình vợ tình chồng dành cho nhau là một thứ tình phát xuất từ tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa đã chia sẻ tình này cho con người. Ngài đã cho con người biết về dự án yêu thương này: “Chúng ta hãy tạo dựng con người giống hình ảnh chúng ta” (St 1,26). Do đó, khi đáp lại tiếng gọi con tim của nhau trong ơn gọi hôn nhân là con người chia sẻ thứ tình yêu cao cả của Thiên Chúa cho nhau. Luật một vợ một chồng không phải do con người đặt ra để áp đặt trên con người, đây là luật của Thiên Chúa, mà những gì Thiên Chúa làm thì tốt đẹp, mang lại hạnh phúc cho mọi loài thụ tạo trong đó có con người.

Có không ít người trong cũng như ngoài Giáo Hội Công giáo cho rằng, Giáo Hội khe khắt, đòi hỏi, không bắt kịp trào lưu tư tưởng của con người thời đại. Họ đặt ra các vấn nạn: làm gì mà phải chung thủy? Tại sao phải sống chết với một người, nhất là người ấy gây sầu khổ cho mình? Thiên hạ ly dị đầy đường có chết chóc ai đâu? Tại sao mình lại không thử một lần để may ra đổi đời thay mệnh?

Đúng là tình trạng ly dị hiện nay không còn được coi là trọng tội đối với đời sống hôn nhân; nó đã được chấp thuận và hợp pháp hóa tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nói như vậy không có nghĩa là luật “một vợ một chồng” trở nên lạc hậu và Thiên Chúa cũng đã lỗi thời! Điều mà Giáo Hội gọi là “Ơn Gọi Hôn Nhân”, chung thủy, một vợ, một chồng mới là cái làm cho đời sống hôn nhân trở nên hạnh phúc. Ly dị không phải là giải pháp cuối cùng và tốt nhất cho đời sống hôn nhân. Có thể có những lúc vợ chồng phải xa nhau, chẳng hạn khi một trong hai người phải đi lo việc khẩn cấp của gia đình. Nhưng Kinh Thánh không khuyến khích việc vợ chồng hoàn toàn tách ra, hoặc ly thân, vi những vấn đề trong hôn nhâ. Thay vì thế, Kinh Thánh khuyến khích họ giao hoà với nhau (x. 1 Cr 7,10).

Chính Chúa Giêsu đã xác định với những người Do Thái khi họ hỏi Người về vấn đề ly dị. Trước biện chứng của người biệt phái về việc Môisê cho phép làm giấy tờ ly dị và họ ly dị, Người đã trả lời : “…lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ” (Mc 10,…..). Môisê chỉ làm điều chẳng đừng mà Thiên Chúa làm ngơ cho phép xảy ra theo sự cứng lòng của con người. Tại sao vậy? Thưa: Vì Thiên Chúa muốn hạnh phúc cho con người.

Loài người không được phân ly

Con người và thế giới hiện đại của chúng ta đang thay đổi nhanh chóng về nhiều mặt: văn hóa, xã hội, kỹ thuật, cũng như thông tin điện toán toàn cầu… Sự thay đổi ấy tác động trực tiếp đến lễ nghĩa gia phong, tôn giáo, nhất là các gia đình, đặc biết các cặp hôn nhân trẻ.

Hơn bao giờ hết, gia đình trên thế giới đang bị đe dọa đến tận nền tảng như: nạn ly dị lan tràn, chấp nhận sống chung mà không hôn phối, khước từ con cái hoặc hủy diệt con cái từ trong trứng nước. Kết hôn giữa người cùng giới tính, một số quốc gia chấp thuận. Đức Cố Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI nhận định rằng, việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới ở nhiều quốc gia là “sự bóp méo lương tâm” con người, là “mâu thuẫn với tất cả các nền văn hóa của nhân loại đã tiếp nối nhau cho đến nay, và do đó biểu thị một cuộc cách mạng văn hóa chống đối toàn bộ truyền thống của nhân loại cho đến tận ngày nay”. Để duy trì nòi giống phải là sự kết hợp giữa người nam và người nữ từ nguyên thủy cho đến hôm nay.

Ngài lưu ý rằng, dường như ngày nay con người không còn tin tưởng vào việc sinh sản từ quan hệ luyến ái phu phụ “mà là lên kế hoạch và sản sinh ra con người một cách hợp lý”. Do đó, con người không còn là một ân sủng để đón nhận mà là “một sản phẩm do chúng ta lập kế hoạch”. Ngài đặt câu hỏi: Con người là ai? Liệu có một Đấng Sáng tạo hay không, và phải chăng tất cả chúng ta chỉ là những sản phẩm do chính con người sản xuất ra?

Là người tín hữu ai cũng biết: đơn hôn và vĩnh hôn là hai đặc tính trong hôn nhân Công giáo. Đơn hôn, nghĩa là hôn nhân chỉ giữa một người nam và một người nữ. Vĩnh hôn có nghĩa là đã kết hôn thành sự và đã hoàn hợp thì hai người bị ràng buộc, phải chung thuỷ với nhau với nhau cho đến chết. Đặc tính vĩnh hôn loại trừ ly dị. Giao ước Hôn nhân bắt đầu bằng lời hứa thuỷ chung cho đến chết. Một Giao ước mang tính Bí tích, lấy Chúa ra mà thề, lấy cộng đoàn Giáo hội ra để làm chứng.

Chúng ta hãy cầu xin cho các cặp hôn nhân ngày hôm nay trung thành với giao ước hôn nhân, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào hay gặp gian lao thử thách nào vẫn mãi mãi bền chặt, thủy chung và son sắt.  Amen.

 

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

 

Xem thêm

16-11-2024 6-32-56 PM

Lời Chúa – Chúa Nhật Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 17/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN